|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữVề nền văn hóa Hán Nôm 21. 04. 17 - 5:50 amTrịnh BáchNgày xưa các nước Đồng Văn (cùng văn hóa, chữ viết), tức là các nước Trung Hoa, Nhật, Hàn và Việt; dùng Hán tự làm chữ viết. Sau đó người Việt dựa theo chất liệu chữ Hán mà tạo ra chữ viết riêng của mình gọi là chữ Nôm để ghi chép tiếng Việt. Có nhiều minh chứng cho thấy chữ Nôm đã xuất hiện ở nước ta từ thời Lý Trần. Các bản văn quan trọng, như các văn bản của triều đình hay sách học và thơ phú cổ của Việt Nam, từ thời lập quốc cho đến những năm đầu thế kỷ 20, đều viết bằng Hán tự. Cũng cùng thời gian ấy nhiều bài thơ, văn và sách truyện đại chúng được viết bằng chữ Nôm. Chữ Nôm trông giống chữ Hán nhưng người Trung Quốc không thể đọc được. Cả chữ Hán cổ (tức là chữ Nho) và chữ Nôm của nền văn hóa hơn ngàn năm của người Việt đều bị xóa mất bởi chữ Quốc ngữ hiện nay, do các vị Giáo sỹ Công giáo người Ý, Pháp và Bồ Đào Nha lấy mẫu tự La tinh, Bồ Đào Nha và chữ số La Mã và Ả rập mà tạo ra, bắt đầu từ đầu thế kỷ 17. Và sau đó người Pháp ép buộc triều đình và dân chúng Việt Nam phải chấp nhận lối chữ viết này. Thâm ý của họ là khiến dân Việt rồi sẽ không còn đọc được văn, sách cũ trong nước để biết nền văn hóa của mình nữa. Một dân tộc đã mất văn hóa sẽ chấp nhận nền văn hóa mới, trong trường hợp này là của mẫu quốc, dễ hơn. Và như thế họ sẽ bớt chống đối nền đô hộ của ngoại bang hơn. Xem cách chính phủ Pháp và nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương hồi đó ráo riết thúc đẩy việc này thì thấy rõ ý đồ của họ. Thật đáng tiếc là sau mỗi lần người phương Bắc sang đô hộ Việt Nam, việc đầu tiên là họ tiêu diệt nền văn hóa Hán, Nôm cổ của nước mình. Lần đô hộ của triều Minh (1407-1427) là tệ hai nhất, vì họ có trên mười năm để tận diệt. Rối sau đó đến lượt người Pháp ở đầu thế kỷ 20. Bên Trung Quốc thì một trong những lần nền văn hóa Hán cổ của họ bị bức hại nặng nhất trong giai đoạn cận đại là ở cuộc cách mạng văn hóa trong thập niên 1960. Nếu như nhiều người hiện nay bảo là mục đích người Pháp diệt văn hóa Hán-Nôm rồi đưa chữ Quốc ngữ vào là để khai hóa cho người Việt thì không đúng. Vì trong cả hơn nửa thế kỷ từ khi chữ Quốc ngữ được gọi là Quốc ngữ, tức là khi họ còn cai trị Việt Nam, thì đến hơn 8 phần 10 dân Việt vẫn còn mù chữ, lúc này thì mù cả Quốc ngữ lẫn Hán Nôm. Và từ những năm 1945, sau khi đã dành lại được độc lập, người mình đã phải ráo riết có những chương trình xóa nạn mù chữ cho dân mình. Triều đình Việt Nam, ngay từ lúc người Pháp áp đặt chữ Quốc ngữ thời vua Khải Định, cũng như nhiều học giả Việt Nam sau này, vẫn cố gắng dịch tài liệu, văn sách cũ của nước ta bằng chữ Hán và chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ. Để người dân Việt có thể đọc và biết rõ hơn được nền văn hóa của nước mình. Nhưng thật khó có thể phiên dịch được hết cả hơn ngàn năm chữ nghĩa đó… Trước năm 1954 ở miền Bắc và 1975 ở miền Nam, các trường trung học vẫn dậy chữ Hán cho học sinh các năm đầu. Và các nhà trí thức Việt Nam ở cả hai miền trong các giai đoạn đó dù theo Tây học nhưng vẫn coi trọng và có căn bản Hán học. Cho nên nền tảng văn hóa dân tộc của họ rất vững, Và người dân Việt hồi đó cũng vẫn còn biết rõ văn hóa của mình hơn. Người Nhật hiện vẫn dùng chữ Hán cổ (gọi là Kanji tức Hán tự) cho các văn bản quan trọng. Trong khi từ thế kỷ thứ 5 họ cũng bắt đầu tự tạo ra các hệ thống chữ viết cho ngôn ngữ riêng của mình mà ngày nay tổng hợp lại gọi là Kana, giống như trường hợp chữ Nôm của Việt Nam. May mắn cho người Nhật là họ không bị đô hộ bới ngoại bang cho nên họ hiện vẫn dùng song song hai hệ thống Hán tự và quốc ngữ Kana. Trong tất cả những trường hợp quan trọng, họ vẫn dùng Hán tự. Thí dụ như bảng đề tên của Thủ tướng Nhật vẫn được viết bằng chữ Hán là ‘Thủ Tướng Các hạ Đại thần’. Các bộ trưởng Nhật vẫn dùng chức danh bằng Hán tự là ‘Đại thần’,v.v. Hàn Quốc cũng tương tự. Thời xưa chữ viết chính của họ cũng là Hán tự (Hanja). Đến năm 1440 vua Sejong lập xong hệ thống mẫu tự ký âm để đọc tiếng Hàn quốc gọi là Hangul, tức Hàn ngôn (Bắc Triều Tiên sau này đặt ra hệ thống mẫu tự riêng gọi là Chosolgul, tức Triều Tiên ngôn, hay Uri Kulja, tức Quốc ngữ). Và từ đấy Hangul được xử dụng song song với Hán tự, dù Hangul bị chống đối bởi giới Nho sỹ đến nỗi đã có những lúc bị triều đình cấm xử dụng. Đến khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì Hangul chiếm thế thượng phong. Nhưng giới học giả trí thức Hàn Quốc cho đến giờ vẫn phải rành Hán văn để đọc văn sách, thơ phú và các tài liệu cổ của nước họ, vì trong cả ngàn năm cho đến lúc ấy đều viết bằng Hán tự. Năm 1971 Hàn Quốc bãi bỏ việc dậy Hán tự ở cấp Tiểu học. Hán tự chỉ còn được dậy ở trung học, với 900 mặt chữ Hán được dậy ở bậc Cơ sở, và 900 chữ nữa ở bậc Phổ thông. Tổng cộng sinh viên Hàn Quốc có vốn liếng 1800 chữ Nho. Từ năm 2013 có phong trào đòi hồi phục sự giảng dậy chữ Hán cho bậc Tiểu học để giới trẻ Hàn Quốc biết và hiểu được văn hóa của họ sớm hơn. Bắc Triều Tiên ngay khi độc lập tuyên bố bãi bỏ việc dậy Hán tự. Nhưng từ năm 1966 đã khôi phục lại vì thấy cần thiết. Và hiện nay học sinh từ lớp 5 đến lớp 9 được dậy cả thẩy 1500 mặt chữ Hán. Bậc phổ thông thêm 500 chữ và bậc Đại học thêm 1000 chữ. Như vậy tổng cộng sinh viên Bắc Triều Tiên học được 3000 chữ Nho. Ở Trung Quốc thì Hoa ngữ hiện đại khác với Hán ngữ cổ. Chữ viết giản thể sau này lại khiến cho chữ Trung Quốc ngày nay thêm phần rời xa chữ Hán thời Đường-Tống. Chữ Hán cổ, tức là thứ chữ Hán được người Việt chính thức xử dụng trong các lãnh vực hành chính, giáo dục, văn chương thi phú… suốt hơn ngàn năm, có tính bao hàm. Nghĩa là một chữ có thể đọc được bằng nhiều âm và bao hàm nhiều nghĩa khác nhau. Hán ngữ cổ này không biến đổi theo thời gian và hiện nay tồn tại như một tử ngữ. Trong khi đó ngôn ngữ Hán bên Trung Hoa biến đổi theo thời gian về cả cách phát âm lẫn ý nghĩa, nhất là qua các thời (1271-1368) và Thanh (1644-1912). Người Hoa bây giờ muốn hiểu Hán tự, Hán ngữ cổ và đọc được văn sách viết bằng chữ Hán cổ thì cũng phải đi học. Một giáo sư tiến sỹ khoa Nhân chủng học người Hoa của Đại học Hong Kong khi đọc các câu đối chữ Hán trong các đền, chùa Việt Nam đã gãi đầu gãi tai than chỉ hiểu lõm bõm. Đại khái Hoa ngữ hiện nay bên Trung Quốc so với Hán ngữ cổ thì cũng tương tự như tiếng Ý ngày nay so với tiếng Latin xưa, hay tiếng Ấn so với tiếng Phạn cổ. Nên nhớ rằng vùng lãnh thổ cho đến Quế Lâm của Trung Quốc hiện nay ngày xưa thuộc về người Bách Việt. Quảng Đông và Quảng Tây xưa thuộc Việt cho nên vua Quang Trung mới có ý định đòi lại. Như vậy nền văn minh Điền cổ xưa ở vùng tây nam Trung Quốc, mà nhiều người Việt vẫn cho là của Trung Hoa, thật ra cũng phải là một nền văn minh Việt. Vì cư dân ở Vân Nam, Quảng Tây thời cổ là người Bách Việt. Và trong tam Hoàng thủy tổ của vùng đất nay gọi là Trung Hoa, thì Thần Nông được cho là thủy tổ của giống Việt. Cho nên nền văn minh Hán chưa chắc đã của riêng nước phương Bắc. Ngay bên Trung Quốc danh xưng ‘Hán’ không hẳn có nghĩa là người Hoa. Người Hoa tự xưng là Đường nhân chứ không gọi mình là Hán nhân. ‘Trang Hán tử’ có nghĩa là người đàn ông văn minh chứ không phải là người đàn ông Trung Quốc. Danh xưng Hán này có nghĩa là như vậy chứ không phải vì triều đại nhà Hán. Cho đến các thời Đường, Tống thì chữ viết ở các nước Đồng Văn vẫn chỉ gọi chung chung đại khái là ‘văn tự’, nghĩa là chữ viết. Đến đời Nguyên mới có danh xưng chính thức ‘Hán tự’ để chỉ chữ viết của người Trung Châu, để phân biệt với chữ viết của người Mông Cổ. Ngay ở Việt Nam hồi xưa chữ ‘Hán phủ’ có nghĩa là ‘chốn văn minh’, thí dụ như kinh đô Huế hay các đô thị lớn, để phân biệt với những nơi quê mùa man mọi không biết chữ nghĩa, lễ giáo… Quả thật, các từ ngữ trong tiếng Việt, Hàn hay Nhật cũng có đại đa số là từ Hán ngữ. Dù được viết bằng Quốc ngữ Bồ-La Tinh của Việt Nam, Kana Nhật, hay Hangul, đa số từ ngữ của các nước Đồng Văn này đều có gốc từ Hán ngữ. Thí dụ đơn cử là gần hết các tên hay họ của cả nam lẫn nữ ở Việt Nam đều là chữ Hán phát âm theo lối Hán Việt. Những tên họ phổ thông nhất như Hùng, Dũng, Cường, Văn, Dung, Hoa, Nguyệt, Lan; hay Nguyễn, Trần, Lê, Phan, v.v, đều là tiếng Hán cổ. Rồi tử tế, công ty, du lịch, thành công, phúc đức, v.v, trong ngôn ngữ Việt Nam cũng là tiếng Hán. Và nhà các nhà nghiên cứu khẳng định rằng âm đọc tiếng Hán của người Trung Hoa thời Đường gần với âm đọc tiếng Hán Việt của người Việt ngày nay hơn là âm đọc tiếng Trung Quốc hiện đại. Bên cạnh Quốc ngữ Bồ-Latin đã trở thành thông dụng, nếu những ai thật sự đã có lòng tự hào dân tộc hết sức, thì cũng nên cố gắng học để biết được chữ Nôm của tổ tiên, của riêng nước Việt. Để được tự hào như người Nhật tự hào với Kana và người Hàn với Hangul của họ. Và để đọc được truyện Kiều đúng như cách Thi hào Nguyễn Du đã viết nó. Bữa trước trên đài truyền hình công cộng PBS của Mỹ có chiếu chuyện một thanh niên Nhật sau 10 năm cố gắng học nghề làm răng giả bằng tay theo lối cổ truyền không thành công nhưng vẫn quyết chí học tiếp. Một chuyện nho nhỏ còn cần công sức và lòng kiên nhẫn như thế, huống chi việc học lại thể chữ đã gần như mất sạch của cả một dân tộc như chữ Nôm. Không thể là chuyện mỳ ăn liền được. Không thấy người Nhật nào than việc học song song 2 bộ chữ Hán và Kana của họ, mà họ rất tự hào, là khó hay lạc hậu cả. Cứ hỏi người Nhật thì thấy điều này. Dễ hay khó trong trường hợp này là do thói quen… Phải cảm ơn các giáo sỹ Tây phương đã tạo ra cho chúng ta chữ Quốc ngữ rất tiện và dễ học. Nhưng nếu chúng ta không bị người phương Tây đô hộ hơn một trăm năm thì người Việt vẫn còn biết được 2 dòng chữ viết tương hình rất đẹp là Hán và Nôm đó. Biết thêm được những thể chữ viết của ngàn năm văn hóa dân tộc của tổ tiên cũng nên là điều đáng tự hào. Nên tự hào vì Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) của Liên Hiệp Quốc đã công nhận khá nhiều di sản văn hóa chữ Hán cổ của Việt nam là di sản văn hóa thế giới, như ‘Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế’, ‘Mộc bản triều Nguyễn’, ‘Châu bản triều Nguyễn’, ‘Bia tiến sỹ Văn miếu Thăng Long’, ‘Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm’… Tất cả 17 di sản văn hóa của Việt Nam được thế giới công nhận đều có từ nền văn hóa Hán-Nôm trước thời Pháp thuộc. Tiếc rằng trong khi người ngoại quốc lo gìn giữ văn hóa cổ của Việt Nam, thì hiện nay vì hiểu lầm mà nhiều người Việt lại đang cố phá bỏ nền văn hóa ngàn năm quý báu của mình. Và sự hiểu biết về văn hóa Việt của đa phần người Việt hiện nay rất mù mờ. Một dân tộc mất văn hóa sẽ dễ bị diệt vong. Đấy là lý do tại sao việc đầu tiên các đế quốc xâm lược phải làm ngay là tiêu diệt nền văn hóa của những thuộc địa họ mới chiếm được. * Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay * Các bài tương tự của cùng tác giả: - Nguồn gốc các mũ Phật giáo phổ thông ở Việt Nam - Lễ phục Việt Nam, bài 1: Âu phục? - Lễ phục Việt Nam một thời: Áo dài - Áo dài Việt: từ năm thân tới hai thân - Vẽ lại chân dung các vua triều Nguyễn: cần kỹ lưỡng, không nên tùy tiện - Ăn vặt đơn giản: mía ướp hoa bưởi - Những điều thất truyền: từ “con đĩ đánh bồng” tới chiếc đèn lồng màu đỏ - Khôi phục đồ chơi Trung Thu cổ truyền Ý kiến - Thảo luận
18:15
Tuesday,4.2.2020
Đăng bởi:
Lê Minh
18:15
Tuesday,4.2.2020
Đăng bởi:
Lê Minh
Cám ơn tác giả
Thiết nghĩ nếu có thể tác giả hãy dịch lại những tắc phẩm chữ nôm, hán để phổ biến chử nghĩa văn hóa cổ cho dân tộc ta Thật sự là người Việt dùng từ nhưng đa phần không thể hiểu hết nghĩa của từng từ được
12:52
Sunday,23.4.2017
Đăng bởi:
Candid
Em mới tìm hiểu vài chữ Nôm thấy có một đặc điểm là khoing thống nhất được chữ Nôm. Cùng một từ có thể có vài cách viết, có lẽ thế nên khó phổ biến.
...xem tiếp
12:52
Sunday,23.4.2017
Đăng bởi:
Candid
Em mới tìm hiểu vài chữ Nôm thấy có một đặc điểm là khoing thống nhất được chữ Nôm. Cùng một từ có thể có vài cách viết, có lẽ thế nên khó phổ biến.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Thiết nghĩ nếu có thể tác giả hãy dịch lại những tắc phẩm chữ nôm, hán để phổ biến chử nghĩa văn hóa cổ cho dân tộc ta
Thật sự là người Việt dùng từ nhưng đa phần không thể hiểu hết nghĩa của từng từ được
...xem tiếp