Văn & Chữ

Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 1): Nội vụ hai tay hai dao 28. 02. 18 - 10:10 am

Anh Nguyễn biên soạn

(Tiếp theo bài 1 bài 2)

Nhân vật tiếp theo trong Ngũ hành là Vương Hy Phượng, thuộc mệnh Hỏa. Trước khi phân tích kỹ hơn, xin phép nói sơ lược về sự tiến triển trong cách nhìn của độc giả đối với Vương Hy Phượng.

Phượng Thư giữ tiếng nói quan trọng trong nhà họ Giả

Vương Hy Phượng, hay còn được gọi với cái tên Phượng Thư, Phượng ớt (lạt tử) là nữ nhân quan trọng thứ ba trong Hồng Lâu Mộng. Từ thế kỷ 19 đổ về trước, xu hướng chung coi Phượng Thư là nhân vật phản diện, thường so sánh nàng với Tào Tháo. Thế nhưng bước sang thể kỷ 20, Phượng Thư được các nhà phê bình “xét lại” với cái nhìn đa chiều hơn, sự ái mộ của người đọc với nàng cũng từ đó tăng theo. Một cuộc khảo sát vào năm 1935 của giáo sư văn học Triệu Cảnh Thâm tại đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho thấy Phượng Thư được yêu thích chỉ sau Bảo Thoa và Đại Ngọc. Tầm ảnh hưởng của Phượng Thư với văn hóa đương đại Trung Quốc có không ít phần là nhờ yếu tố chính trị, có thể kể ra ba lý do chủ đạo:

Thứ nhất, tính cạnh tranh khốc liệt, chủ nghĩa kim tiền trong xã hội Trung Quốc khiến kiểu người như Phượng Thư trở thành hình mẫu tinh thần, những ai cảm thấy bị chà đạp, thiếu tự tin cũng có thể nhìn vào bản lĩnh của Phượng Thư mà khích lệ bản thân tiến lên. Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc tái sinh chưa chắc đã tồn tại được trong môi trường hiện nay, nhưng Phượng Thư lại có thể thích nghi rất tốt.

Phượng Thư điều hành cơ nghiệp nhà họ Giả, nhưng cũng không ít lần vì tư lợi mà làm chuyện xấu

Thứ hai, tư tưởng giải phóng phụ nữ, trai gái bình đẳng lan rộng khiến Phượng Thư bỗng trở thành “nữ anh hùng” thách thức tầng lớp nam trị. Một người phụ nữ lại có thể quyền biến như vậy, khiến bao gã đàn ông nghiến răng tức mà không làm được gì, quả khiến cho người ta hả dạ. Nàng bị chê là độc ác, nhưng thử hỏi thời phong kiến Trung Quốc có người đàn bà nào đứng trên đỉnh cao mà không có vài phần nhẫn tâm, thủ đoạn? Những hành động của nàng từng bị coi là đảo ngược tôn ti trật tự, giờ đã trở thành tích cực, có tính đấu tranh.

Thứ ba, Phượng Thư được sự ủng hộ của nhân vật quyền thế nhất Trung Quốc thế kỉ 20 – Mao Trạch Đông. Mao Chủ tịch là một người có tiếng là say mê Hồng Lâu Mộng, ông từng nói rằng phải đọc Hồng Lâu Mộng ít nhất năm lần mới nên mở miệng bình luận về nó. Lúc sinh thời Mao hết sức yêu thích Phượng Thư, thậm chí còn tuyên bố, Phượng Thư có thể đảm nhiệm vai trò bộ trưởng bộ Nội vụ một cách xuất sắc. Nhận xét về cái tài của Phượng Thư, Mao gọi đó là khả năng “hai tay cầm dao giết người mà không rơi một giọt máu.” Vùng Hồ Nam quê Mao Trạch Đông lại nổi tiếng về đặc sản ớt cay xé lưỡi. Người Trung Quốc có câu “Người Tứ Xuyên không sợ cay, người Hồ Nam sợ không cay.” Mao Trạch Đông rất tôn sùng ớt, ông từng nói: “Không ăn được ớt thì không làm được cách mạng!” Sự yêu thích của Mao Trạch Đông với Phượng ớt khiến số lượng công trình nghiên cứu về nàng tăng vọt.

Mao Trạch Đông đọc Hồng Lâu Mộng

Có thể dễ dàng nhận thấy vì sao Phượng Thư chiếm được cảm tình của đông đảo người đọc. Từ thời thượng cổ, lửa đã mang tới hơi ấm và sự sống cho loài người, và cũng có thể trở thành vũ khí hủy diệt, bạo tàn. Lửa mau bùng lên song lại khó kiểm soát. Giống như ngọn lửa, Phượng Thư mang trong mình sự quá khích, cực đoan, hấp dẫn người khác nhưng cũng mau thiêu đốt họ. Người mệnh Hỏa thường có tính cách bốc đồng, cuồng nhiệt, đi kèm với nóng nảy và khắt khe. Họ thường giữ vai trò lãnh đạo, có khả năng truyền cảm hứng, lôi kéo số đông, kèm theo đó là thói bất chấp hậu quả, liều lĩnh, dễ gây rắc rối. Phượng Thư là quản gia của nhà họ Giả, có thể nói là trên muôn người. Nàng được Giả mẫu và Vương phu nhân thương yêu, là tay hòm chìa khóa, song cũng có vô số kẻ nghiến răng căm hận, muốn nuốt sống nàng. Những quyết định sai lầm trong việc cho vay nặng lãi, hại người của Phượng Thư góp phần biến tiền đồ của gia tộc thành tro bụi.

Mệnh Hỏa của Phượng Thư còn thể hiện qua tính hai mặt giống như lửa. Lửa có vẻ đẹp huyền bí, quyến rũ, nhưng chạm tay vào là bỏng. Phượng Thư cũng Mặt phấn đầy xuân trông vẻ dịu. Làn son chưa hé miệng như cười, có điều ẩn bên dưới là dao găm sắc nhọn. Sự tàn nhẫn của Phượng Thư đã trở thành huyền thoại trong Hồng Lâu Mộng. Nàng nghiệt ngã với tất cả: từ chồng (Giả Liễn) cho tới con em trong nhà, từ người hầu thân tín nhất (Bình Nhi) đến những kẻ nô bộc khác.

Phượng Thư mắng Giả Hoàn:

Mày là hạng người không có khí phách gì cả. Ta thường bảo mày muốn ăn, muốn uống, muốn chơi gì tùy ý, trong các anh, các chị, ưa người nào thì chơi với người ấy, mày không nghe lời, lại cứ đi nghe hạng người bậy bạ, ranh mãnh. Mình không biết tự trọng mình, chỉ theo lối hạ lưu bừa bãi, lại còn oán người ta đối đãi thiên lệch với mình. Thua có mấy đồng mà đến nỗi thế à? Thua hết bao nhiêu? Từ rầy mày còn giữ lối quỉ quái như thế, ta sẽ đánh trước rồi mách bên trường học cho người ta lột da ra! Vì mày không biết tự trọng, nên anh Bảo giận mày lắm. Nếu tao không can thì anh mày đã đá cho mày lòi ruột ra rồi. Thôi! Cút đi!

Phượng Thư đánh ghen:

Phượng Thư ngồi ngay ở trên thềm, bắt đứa bé quỳ xuống, rồi hét bảo Bình Nhi:

– Bảo hai đứa hầu ở cửa ngoài mang thừng roi vào đây, đem con ranh con này đánh chết đi cho tao. Nó chẳng biết tao là ai à?

Đứa bé hồn vía lên mây, vừa khóc vừa van lạy xin tha.
[…]

Đứa bé trước còn chối cãi, sau thấy Phượng Thư bảo nung đỏ thanh sắt dí vào mồm, nó mới khóc nói:
[…]

Nói xong, lấy cái trâm ở trên đầu ra đâm vào mồm đứa bé. Nó sợ quá, vừa tránh vừa khóc:
[…]

Phượng Thư quát:

– Từ nãy mày làm gì? Bây giờ tao trông thấy rồi, mày mới tìm cách đổ quanh.

Nói xong, giơ tay tát một cái, làm cho đứa hầu ngã lạng choạng
[…]

Phượng Thư nghe nói, tức run người lên. Lại nghe thấy họ đều khen Bình Nhi, liền ngờ cho Bình Nhi ngày thường vắng mình, chắc cũng ngỏ lời oán trách. Hơi rượu càng hăng lên, không nghĩ ngợi gì cả. Phương Thư quay ngay người lại tát Bình Nhi hai cái; đạp cửa vào, không nói năng gì, túm lấy vợ Bão Nhị đánh xé. Lại sợ Giả Liễn trốn đi, liền đứng chặn lấy cửa và mắng:

– Con đĩ này! Mày đã cướp chồng chủ mày, lại định giết cả vợ chủ mày nữa à! Bình Nhi lại đây! Bọn đĩ này cùng về hùa với nhau để hại ta! Ngoài mặt thì vẫn thơn thớt dỗ dành ta.

Nói xong lại đánh Bình Nhi mấy cái.

Phượng Thư đánh ghen

Về sau vợ Bão Nhị treo cổ tự sát vì nhục nhã, Vưu Nhị Thư cũng nuốt vàng chết do bàn tay ghen tuông của Phượng Thư sắp đặt. Đấy là chưa kể Giả Thuỵ vì mưu hiểm của Phượng Thư mà lìa đời. Mao Trạch Đông đã nhận xét: “Nhìn mà xem, cô ta bỡn cợt Giả Thuỵ vào chỗ chết mà y không hay biết.” Kết cục bi thảm của Đại Ngọc cũng một phần do kế “tráo giường đổi cột” của Phượng Thư. Có thể nói Phượng Thư là nhân vật gây ra nhiều đau khổ nhất trong Hồng Lâu Mộng. Đó là khía cạnh hủy diệt, ghê gớm của Hỏa.

Phượng Thư mồi chài Giả Thuỵ

Lửa hại người, nhưng cũng có thể quay lại thiêu đốt chính kẻ mang nó. Ở chương 25 Phượng Thư bị lời nguyền của phù thuỷ khiến “tâm thần mê mẩn, nằm vật vã trên giường, người nóng như lửa, nói lảm nhảm chẳng biết tý gì.” Có thể nói chất Hỏa trong Phượng Thư đã phản bội lại nàng.

(Còn tiếp phần 2)
*
SOI: Để đọc các bài cùng tác giả, các bạn gõ vào phần tìm kiếm, phần tên tác giả, và gõ tên vào.

 

*

Về Hồng Lâu Mộng:

- Đọc Hồng Lâu Mộng: Tần Khả Khanh – kẻ lẳng lơ trong mộng

- 5 dẫn chứng về mối quan hệ “bất chính” của Tần thị

- Hai chị em nhà họ Vưu: càng lăng loàn tợn càng đau vì tình

- Mượn món cà xào “xa xỉ” nói về ẩm thực thực-hư

- Giả Thám Xuân: con phượng hoàng sinh trong ổ quạ

- Người đàn bà ghen Hạ Kim Quế

- Tiết Bảo Thoa: Từ món thuốc giá băng đến mối lương duyên lạnh lẽo

- Đại Ngọc-Tình Văn: tuy hai mà một

- “Hận Phượng Thư, mắng Phượng Thư, không thấy Phượng Thư lại nhớ Phượng Thư”

- Giả Chính: dấu chân trên tuyết của tình phụ tử

- Gửi bác Phúc Bồ: về Xuân Cung Đồ và cái “hư” trong Hồng Lâu Mộng

- Diệu Ngọc: miễn cưỡng diệt dục, sư chả phải sư, tục không phải tục

- Đại Ngọc vs Bảo Thoa: viên ngọc đen vs chiếc thoa vàng, ai hơn ai kém?

- Giả Bảo Ngọc: “một nửa đàn ông là đàn bà”, lại là “nửa dôi”

- Tàn xuân bàn chuyện Nguyên Xuân

- Giả mẫu (phần 1): đầu tiên là chuyện giàu sang

- Giả mẫu (phần 2): đứa trẻ bất chấp và thiên vị

- Giả mẫu (phần 3): may còn được người viết về cuối rủ lòng thương

- Giả Nghênh Xuân (phần 1): rúc đầu vào sách, bịt mắt bưng tai

- Giả Nghênh Xuân (phần 2): hiền quá khó mà gặp lành

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 1): đè nén sống đời vờ nhạt nhẽo

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tiếng hão đành vui phúc về già

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 1): sự thôi thúc của phần con

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tấm gương mê gái có chết cũng (nên) soi

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 3): bài học cảnh giác về “si”, về “sắc” cho… Bảo Ngọc

- Hồng Lâu Mộng: bi kịch của đàn ông thấy mình đầu thai thành đàn bà

- Tiết Bảo Thoa (phần 1): “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng

- Tiết Bảo Thoa (phần 2): Trong nóng, ngoài lạnh, thắng cả Lãnh Hương Hoàn

- Tiết Bảo Thoa (phần 3): Con sâu chủ động chui vào với hoa

- Đại Ngọc và mệnh Mộc: sống như cây và chết cũng như cây

- Bảo Thoa và mệnh Kim: hoa mai ấm trong tuyết lạnh

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 1): Nội vụ hai tay hai dao

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 2): máu đỏ của nam tính

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 1):
Hiền như đất, gieo rắc yêu và khổ

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 2):
Là gương nên không thể cùng người

- Về những cái tên trong Hồng Lâu Mộng (phần 1)

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 1 – Từ bức tranh trên tường

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 2 – Từ mâm vàng tới quả dưa

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”
Phần 3 – Từ giường báu tới màn châu

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả