Điện ảnh

Bài 6 – Nhật ký (không) làm phim:
Sản xuất già đời, đạo diễn tay mơ 26. 04. 18 - 7:09 am

Sáng Ánh

(Tiếp theo bài trước)

Làm phim là một nghề khó nhọc, đầu tiên là ở khâu sản xuất.

Rất nhiều dự án đã 5 hay 10 năm, 15 năm cũng có, hỏi thăm đến thì trả lời là “Đang ở giai đoạn tiền sản xuất”.

“Tiền sản xuất” là cái gì cũng nhét vào được hết, đang chữa kịch bản, tuyển diễn viên, chọn cảnh v.v. nhưng “tiền sản xuất” có nghĩa là sản xuất chưa có tiền. Có tiền việc ấy thì xong tất, việc ấy làm phim cũng thế thôi. Việc kiếm tiền làm phim là việc của sản xuất, một điều tối kị trong nghề là đạo diễn không bao giờ nên can dự vào, tức là góp phần tiền túi. Tối kị thì cũng có người làm, nhất là các nghệ sĩ, sợ gì điều cấm. Lúc bắt đầu dự án, một bạn diễn viên có vai (bé) trong “Full Metal Jacket” của Stanley Kubrick đã căn dặn mình là “Anh làm gì thì làm, đừng có bỏ tiền riêng vào, gia đình đổ vỡ, vợ chồng ly tán, tôi nói thật đấy!” Cứ như là nghiện làm phim là nghiện số đề khong bằng và quả là như vậy, ai cũng nghĩ thắng nhưng 36 con đề hay 49 con lô tô thì chỉ thắng có 1 con tuy mỗi phim thành hình, thắng hay thua như đã nói, đều đã là một phép nhiệm màu.

Bạn diễn viên từng khuyên tôi không nên bỏ tiền túi làm phim, trong vai gái điếm của “Full Metal Jacket”, ảnh ở đây 

Cơ duyên của tôi là gặp được sản xuất và hai người cùng thương một phim. Vào giai đoạn bắt đầu, hai bạn rất tốt là Trần Anh Hùng và Đới Tư Kiệt đi trước trong nghề đã không quản ngại gì mà hết lòng giúp đỡ về mặt này, nắm cà vạt của sản xuất họ quen biết mà kéo đến nghe tôi thao thao diễn thuyết. Nhớ trong một lần gặp, một sản xuất (hai bận có phim đề cử Oscar và cả hai bận đều hụt) rất vô tình. Lúc đó nhà văn Bernard-Henry Lévy (BHL) mới hoàn tất xong bộ phim “Le Jour et la nuit” (Ngày và đêm, 1997) với Alain Delon và Lauren Bacall. Bộ phim này được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử điện ảnh và khi Hùng giới thiệu tôi là nhà văn thì sản xuất buột miệng chân thành “Không hiểu bọn nhà văn cứ thích làm phim để làm gì, xem như Bernard-Henry Lévy đấy!” khiến nhà văn biên kịch như tôi ú ớ, không nghĩ ra một câu thoại nào để đáp lại!

Phim được coi là dở nhất thế giới, không phải là trong năm mà từ ngày có điện ảnh.

Sản xuất của “Sài Gòn Thứ Bảy” sau này là Pierre-William Glenn. Bạn này trong ngành vào ra ai cũng nhẵn mặt, thành tích đỏ ngực, từ vai quay phim đến vai đạo diễn, vai sản xuất ông có đến 50 hay là 60 bộ phim, không phải chỉ ở Pháp mà quốc tế, Nga, Anh, Mỹ gì gì, nhiều bộ phim tăm tiếng, có lắm bộ để đời. Chuyện ông cặp với tôi như một anh già vang bóng đi đôi với 1 cô gái quê cục mịch, nói thẳng ra là ai cũng nghĩ thầm, thằng này đã chết rồi, sống dậy đội mồ định làm cái gì đây? Vì điện ảnh rất là tàn nhẫn, hào quang quá khứ còn có hại, và để ru ngủ cho trẻ con giấc tối chứ không phải để là phim mới. Người ta thích của lạ, và của lạ là tôi.

Họp với đối tác truyền hình đầu tư về dự án của tôi, một bạn phía truyền hình bảo “Nhưng đây là phim đầu của hắn ta”. Pierre-William mỉm cười ngạo mạn đáp ngay “Tôi là người làm phim đầu tay của Bertrand Tavernier đấy” (“L’horloger de Saint-Paul”, Người thợ đồng hồ ở Saint-Paul, 1974). Mà Tavernier là một đạo diễn Pháp lúc đó rất nổi tiếng, 25 năm sau bộ phim đầu tay này. Sự nghiệp của ông có 4 giải César, Gấu vàng LHP Berlin, Cành cọ vàng sau này ở LHP Cannes… Nghe không đã thì thôi, thích chết, nhưng chẳng phải vậy mà Canal + bỏ tiền vào và đến giờ mình vẫn hận bọn này, biết đâu nó tức tối vì một câu nói hố, mày giỏi thế thì mày làm đi, cần gì tiền của chúng tao!

Một cảnh của “Người thợ đồng hồ ở Saint-Paul”, Pierre-William là quay phim, ảnh ở đây

Pierre-William sao thì từng có quá thừa uy tín và quá thừa kinh nghiệm, đến độ hơi bị quá thừa đấy. Ông chọn tôi thì tất nhiên tôi trở thành đạo diễn tài ba trong tương lai sắp tới. Nói thế giúp cho tôi uy tín với đoàn, là phía dưới tôi, nhưng phía trên tôi, nghĩa là chính ông, thì tôi bị nhiều sức ép về dẫn dắt của sư phụ (Sifu! Sifu!), đòi nhất nhất chỉ này bảo kia. Nhưng công tâm mà nói, ông là người đủ thông minh nghề nghiệp để biết giới hạn về vai trò của ông trong dự án, chứ không ông cứ vác nó mà làm tất đi, cần gì đến tôi! Bộ phim đến giờ chỉ có trong vầng trán suy tư và vầng suy tư này nó nhăn nheo như đã nói ở trên trán của tôi. Đó là uy quyền của đạo diễn, bố thằng nào biết tao nghĩ gì và định làm gì.

Hôm bấm máy quay thử một đoạn (teaser để mời chào giới thiệu khách đầu tư), tôi lật đật dậy trễ. Cô phụ tá của tôi đến đón đúng giờ phải đợi, lý do cô đòi đưa đón là vì cô nhất định không cho tôi tự lái xe đến phim trường, còn để tôi… suy nghĩ điện ảnh trên đường cho nó khỏi phân tâm. Trên đường thì giao thông lại tắc, thấy tôi bồn chồn thì cô bảo “Anh an tâm đi, anh là đạo diễn, không có đứa nào động máy trước khi anh đến đâu”! Nhưng tôi thì nghĩ là đạo diễn phải có mặt trước mọi người, gọi bảo vệ mở cổng, và đứng đó chào tất cả nhân viên khi họ lần lượt đến nên, tay cầm cốc nước mời đon đả, càfé hay là trà nhé, nhìn mặt chị tôi đoán là dân trà mà… Cho nên tôi rất áy náy.

Đây là kinh nghiệm của tôi thời chinh chiến. Quân thì đứng xếp hàng ngay thẳng, mỏi bỏ mẹ, nắng thì đã lên. Sĩ quan thì dưới mái, đang pha trò nói cười gì đó chuyện tán gái vang vang. Đại đội trưởng thì về Sài Gòn với vợ, sáng thứ Hai giờ này chưa thấy đâu. Mãi chàng mới cỡi xe máy đến, không ném cho quân một cái nhìn, cầm xấp công văn k‎ý rẹt rẹt rồi lên xe đi mất. Đến lúc đó thì sĩ quan kéo nhau đi uống nước, thượng sĩ thường vụ bước ra cho lệnh tan hàng! Ông đại đội trưởng này, đến lúc có ra lệnh nổ súng thì tôi cũng sẽ bóp cò nhè nhẹ chứ không có nghiến răng trợn mắt mà thi hành, ông ở đằng sau hô xung phong thì tôi sẽ bước từng bước lê chầm chậm. Giờ với đoàn có đến 50 hay 70 người thế này thì tôi đến trễ là không phải.

Tôi, có trễ thì cũng chào hỏi đầy đủ mọi người bằng ấy mặt rồi mới tính đến công việc vì hôm nay là ngày đầu. Đến bữa trưa, tôi chọn một bàn nào đó lạ mặt đến ngồi chung để làm quen, hỏi han họ làm việc gì và giải thích vì tôi là đạo diễn tay mơ nên việc nào tôi cũng cần học hỏi. Ngồi chung với lính, đến khi các chức sắc đứng dậy rời bàn, thì tôi, cũng tại kinh nghiệm chém vè và trốn việc (xúc cát đổ vào bao phòng thủ) thời chinh chiến, nên đề nghị, mặc họ, mình ngồi đây gọi thêm cái expresso nữa. Họ đã đứng lên, bèn ngồi xuống. Cả nhà hàng dành riêng cho đoàn, khách đã ra đến cửa bèn dừng lại hết. Đến đó tôi mới nghĩ ra, chết chửa, mình là đạo diễn, ngồi đây uống thêm một ly nữa thì đoàn biết làm gì, ai hô “Action!” đây và cả đoàn tê liệt!

(Còn tiếp)

*

Nhật ký (không) làm phim:

- Bài 1 – Nhật ký (không) làm phim: nhớ Non nhân xem Two Brothers

- Bài 2 – Nhật ký (không) làm phim: Niềm tự hào tại quán bar

- Bài 3 – Nhật ký (không) làm phim: Joey Luna tháo vát và ấm áp

- Bài 4 – Nhật ký (không) làm phim:
Từ Thái sang Phi tính đường làm phim Việt

- Bài 5 – Nhật ký (không) làm phim:
Chin Chin Gutierrez – gương tốt minh tinh

- Bài 6 – Nhật ký (không) làm phim:
Sản xuất già đời, đạo diễn tay mơ

- Bài 7 – Nhật ký (không) làm phim:
Để nhốt một đoàn diễn viên

- Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim:
Đi chọn bối cảnh, gặp Eric the Red

- Bài 9 – Nhật ký (không) làm phim:
Mối tình bất thành quanh Sàigòn

- Bài 10 – Nhật ký (không) làm phim:
Gặp nhà phát hành đãi bôi. Xin được món tiền be bé

Ý kiến - Thảo luận

23:13 Saturday,5.5.2018 Đăng bởi:  Le Lex
Cám ơn bác SA trả lời. Không hiểu điện ảnh ở thời này, thế kỷ 21 phải thế nào? . Người ta có vẻ lười đoc văn và thích xem cinema, TV hơn?. Chắc những nhà làm điện ảnh VN cũng biết là còn nghèo chắc khó làm những phim bom tấn... như Avengers đang chiếu, thì nên làm những phim đơn giản với hình ảnh rõ.... và cốt chuyện hay... mà quan trọng là người trong nước thích x
...xem tiếp
23:13 Saturday,5.5.2018 Đăng bởi:  Le Lex
Cám ơn bác SA trả lời. Không hiểu điện ảnh ở thời này, thế kỷ 21 phải thế nào? . Người ta có vẻ lười đoc văn và thích xem cinema, TV hơn?. Chắc những nhà làm điện ảnh VN cũng biết là còn nghèo chắc khó làm những phim bom tấn... như Avengers đang chiếu, thì nên làm những phim đơn giản với hình ảnh rõ.... và cốt chuyện hay... mà quan trọng là người trong nước thích xem hơn phim nước ngoài hoặc ít ra là sống đủ để  phát triển được. Chắc họ cũng biết...phải chú trọng đến phần viết phim bản lắm, tìm một hướng đi riêng, khác kiểu Hồng Kông.... bi hài nhanh nhẩu đoản, kiểu chậm buồn tình tay ba rơi nước mắt Đại Hàn , hay tình yêu tự do Âu Mỹ. Khi nào đụng được nút nhấn.. .. là phim hay cứ ra ào ạt?. Thiển ý còm. 
  
11:25 Tuesday,1.5.2018 Đăng bởi:  SA
@LeLex
Thập niên 60 còn ảnh hưởng Pháp, sau đó là ảnh hưởng Mỹ tại VN rồi Hong Kong, giờ là phim Trung Quốc 1 dạo lại đến lượt phim Hàn...
Điện ảnh Pháp trên thế giới nói. chung còn dẫy dự chút xíu nhưng 1 nền điện ảnh lớn như Italy thì ngay đơ vì không có trợ giúp của nhà nước như tại Pháp!
...xem tiếp
11:25 Tuesday,1.5.2018 Đăng bởi:  SA
@LeLex
Thập niên 60 còn ảnh hưởng Pháp, sau đó là ảnh hưởng Mỹ tại VN rồi Hong Kong, giờ là phim Trung Quốc 1 dạo lại đến lượt phim Hàn...
Điện ảnh Pháp trên thế giới nói. chung còn dẫy dự chút xíu nhưng 1 nền điện ảnh lớn như Italy thì ngay đơ vì không có trợ giúp của nhà nước như tại Pháp! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả