GANG OF FIVE LẠC BƯỚC TÂN KỲ: Sài Gòn và Hà Nội đều xem được
14. 07. 18 - 9:52 pm
Thông tin từ Ban tổ chức
GANG OF FIVE LẠC BƯỚC TÂN KỲ Triển lãm tranh của nhóm Gang of Five Từ 20. 07 – 09. 09. 2018 Khai mạc 18h00, thứ Sáu 20. 07. 2018 Giám tuyển: Lê Thuận Uyên Tại The Factory (TP. HCM) và Art Vietnam (Hà Nội)
Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (TP. HCM) và Art Vietnam (Hà Nội) trân trọng giới thiệu Gang of Five Lạc bước Tân kỳ – một dự án nghệ thuật do giám tuyển Lê Thuận Uyên thực hiện, khảo sát thực hành kéo dài hơn ba thập kỷ của năm hoạ sỹ gạo cội đến từ miền Bắc Việt Nam: Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương và Phạm Quang Vinh.
Gang Of Five – Ảnh của Gerhard Jörén
Với gần bốn mươi tác phẩm hội hoạ và đa dạng tư liệu lịch sử sống động (bao gồm chuỗi các bài bình luận và phỏng vấn, hình ảnh tài liệu, sổ cảm tưởng, hai phim tư liệu ngắn và một dòng thời gian lần theo sự ra đời, phát triển, và hội tụ của Gang of Five), đây là một trong số ít các triển lãm (được tổ chức tại Việt Nam) khảo sát thực hành và đời sống của nghệ sĩ (hoặc nhóm nghệ sĩ) thế kỷ 20 mang tính bao quát và chuyên sâu.
Triển lãm không chỉ giới thiệu lại Gang of Five với khán giả thành phố và nhìn nhận lại vị trí của nhóm trong giai đoạn mỹ thuật Việt Nam sau Đổi Mới, mà còn cung cấp cơ hội để người xem tham quan và nghiên cứu khung cảnh nghệ thuật thời bấy giờ – một phần lịch sử nghệ thuật nước nhà mang đầy nội lực và biến chuyển.
Gang of Five được khởi xướng tại Hà Nội bởi năm họa sĩ thuộc thế hệ trẻ đầu những năm 1990, bao gồm Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, và Phạm Quang Vinh. Họ được nhìn nhận là những nghệ sĩ sáng giá nhất trong thế hệ của mình, và là nhóm nghệ sĩ Hậu Đổi mới đầu tiên được công chúng quốc tế quan tâm. hình thành vào nửa sau thập niên 80, trưởng thành và phát triển thực hành nghệ thuật trong giai đoạn chuyển giao sang một chương mới của lịch sử, sau thời kỳ Đổi Mới. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã tạo nên thành công cho Gang of Five, khi các hoạ sĩ bắt đầu gỡ bỏ những ràng buộc của nghệ thuật dòng chính đã không còn thích ứng được với nhu cầu của xã hội, những thứ đã bó hẹp mỹ thuật Việt Nam trong không gian tư tưởng và địa lý chật hẹp.
Tranh của Đặng Xuân Hòa – thành viên của Gang of Five
Trong bối cảnh đương thời, các tác phẩm của họ tách rời khỏi khuôn mẫu tư tưởng chủ nghĩa xã hội – khi nghệ thuật minh hoạ và tranh cổ động (đóng vai trò là công cụ vận động, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, thi đua sản xuất; khơi dậy các vấn đề thời sự, trách nhiệm của công dân; thường khắc hoạ con người mang dáng dấp chắc khỏe trong khung cảnh đất mẹ tươi sáng, tích cực) bao trùm không gian nghệ thuật miền Bắc Việt Nam tới tận những năm giữa thập niên 80.
Nghệ thuật của Gang of Five, ngược lại, mang nét táo bạo hơn – với biểu hình đa dạng hơn, cái nhìn cá nhân hơn. Thông qua nỗ lực thử nghiệm với các dạng thức biểu đạt thẩm mỹ khác nhau (nổi trội là bán Trừu tượng và Biểu hiện) mà nhìn nhận lại những hiểu biết và giảng dạy phổ thông về hội hoạ, tái hiện sự vật hiện tượng dựa trên cảm xúc và quan điểm cá nhân (chứ không chỉ từ những hiện thực họ ‘nhìn thấy’), xoáy sâu khắc hoạ chủ đề tâm lý con người và đời thường (chứ không phải tái tạo một thế giới được tô hồng); tác phẩm của Gang of Five dường như lại bắt đầu ‘có quyền’ được ‘lãng mạn’ hơn.
Tranh của Trần Lương – thành viên của Gang of Five
Tuy vậy, ‘Tân kỳ’ của họ không chỉ toàn cái mới, mà phía sâu bên dưới vẻ bề ngoài biến đổi không ngừng kia còn cả những giá trị, những thái độ, hành vi và những tư duy cũ. Đằng sau cánh cửa của vô vàn những cơ hội lại là không ít những ẩn số, bất trắc/ những va chạm, mâu thuẫn về phương thức, về quan điểm thực hành. Hai lực kéo – đẩy đó đã góp phần định hình, thay đổi và đưa năm thành viên của nhóm tới năm bến đỗ khác nhau.
Gang of Five Lạc bước Tân kỳ diễn ra lần đầu tại Hà Nội (tháng 10 năm 2017), trưng bày các sáng tác mới nhất của các hoạ sỹ. Sau hơn hai mươi năm trên những con đường riêng của mình (từ 1997 tới 2017), chính sự thấu hiểu, cảm thông, ‘chịu’ nhau của năm hoạ sỹ đã một lần nữa tạo nên một cú kích, thúc đẩy một cuộc hội ngộ giữa những người bạn. Tháng 7 năm 2018, Gang of Five Lạc bước Tân kỳ sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, không chỉ giới thiệu các tác phẩm sáng tác trong giai đoạn trước, từ những năm 1990 tới những năm 2000 (phần nào được cho là điển hình dấu ấn hội hoạ của năm hoạ sỹ), mà còn trưng bày cả những văn bản và hiện vật mang tính lịch sử, với mong muốn mang đến cho người xem một lát cắt đời sống Hà Nội những năm cuối thế kỷ trước.
Gang of Five Lạc bước Tân Kỳ là dự án thứ hai thuộc chương trình vẫn đang tiếp diễn của The Factory mang tựa Tinh thần Bằng hữu. Chương trình biên khảo và vinh danh vai trò của tình bạn giữa các nghệ sĩ như là chất dẫn, đã và vẫn đang tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật thử nghiệm và mang tính độc lập ở Việt Nam, từ năm 1975 tới nay.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: art@factoryartscentre.com | ĐT: +84 (0) 28 3744 2589
Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Thảo Điền, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh
Tranh của Phạm Quang Vinh – thành viên của Gang of Five
VỀ GANG OF FIVE
Gang of Five được khởi xướng tại Hà Nội bởi năm họa sĩ thuộc thế hệ trẻ đầu những năm 1990, bao gồm Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hoà, Trần Lương, và Phạm Quang Vinh. Họ được nhìn nhận là những nghệ sĩ sáng giá nhất trong thế hệ của mình, và là nhóm nghệ sĩ Hậu Đổi mới đầu tiên được công chúng quốc tế quan tâm. Được biết đến với những tác phẩm táo bạo về mặt ý niệm, khắc hoạ xúc cảm cá nhân cũng như khám phá các thể thức biểu hiện khác nhau trong nghệ thuật (thông qua chủ đề, gam màu, chất liệu), Gang of Five hoàn toàn tách biệt khỏi ngôn ngữ Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa đã phổ biến trong nghệ thuật Việt Nam cho tới giữa những năm 1980.
Khởi điểm từ một tập thể bao gồm các sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đầu những năm 1980, năm thành viên của Gang of Five là những cá nhân tích cực nhất trên con đường phát triển nghệ thuật của mình. Họ vẽ miệt mài không ngừng nghỉ mỗi khi đi làm về; thường tổ chức những buổi tụ họp tại gia để bàn luận về nghệ thuật, bình phẩm sáng tác của nhau, hay trò chuyện động viên để cùng duy trì tinh thần và niềm đam mê với hội hoạ. Nhóm năm hoạ sĩ trẻ này lần đầu tiên hiện diện cùng nhau tại triển lãm vinh danh Vincent Van Gogh (Gallery số 7 Hàng Khay, Hà Nội, 1990). Không lâu sau đó, cộng đồng nghệ thuật đặt cho nhóm biệt danh Gang of Five** đầy tính ‘táo bạo’.
Tranh của Hà Trí Hiếu – thành viên của Gang of Five
Từ năm 1993, sau triển lãm chung diễn ra tại phòng trưng bày của Hội Mỹ thuật (Hà Nội), Gang of Five trở thành tên gọi chính thức. Sau này, mỗi thành viên trong nhóm theo đuổi một con đường khác nhau – Trần Lương nổi lên như một nghệ sĩ đương đại và giám tuyển xuất sắc; Phạm Quang Vinh dấn thân sâu hơn vào sự nghiệp xuất bản; Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu và Đặng Xuân Hòa khẳng định mình trong những lĩnh vực nghệ thuật riêng biệt, cả trong và ngoài nước. Họ vẫn là những người bạn và người đồng nghiệp thân thiết, và mới gần đây đã tái hợp vào năm 2015.
VỀ GIÁM TUYỂN
Lê Thuận Uyên là một giám tuyển độc lập hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Uyên tốt nghiệp Cử nhân Chính trị tại Đại học York và Thạc sĩ ngành Văn hóa và Sáng tạo tại trường King’s College London. Cô cũng tham gia lưu trú tại Art in General (New York) năm 2017 thông qua học bổng của Asian Cultural Council.
Từ 2014 đến 2016, Uyên điều hành Nhà Sàn Collective Các triển lãm cô đã tham gia thực hiện bao gồm: Gang of Five Lạc bước Tân kỳ (Hà Nội, 2017), Sindikat Campursari (Jakarta, 2016), (Những) phương Nam đan xen (2016), Những chân trời có người bay 3 (Hà Nội, 2015-17), trợ lý cho giám tuyển Trần Lương cho triển lãm Miền Méo Miệng (Umea, 2015)…
Giám tuyển Lê Thuận Uyên (áo đỏ). Hình từ trang này
VỀ NƠI TRIỂN LÃM
Phòng tranh Art Vietnam ở Hà Nội được thành lập bởi Suzanne Lecht, người đã đến Việt Nam vào năm 1994 nhờ sự thôi thúc từ bài báo viết về nhóm Gang of Five huyền thoại của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Nora Taylor. Trong hơn 20 năm, Suzanne đã làm việc với các hoạ sỹ Việt Nam và quảng bá tranh của họ ở trong nước cũng như quốc tế.
Vào tháng 1 năm 2017, Suzanne quyết định đóng cửa phòng tranh ở trung tâm và quay về với mô hình ban đầu là Salon nghệ thuật Art Vietnam, một ngôi nhà/phòng tranh mà bà đã xây ở Hà Nội vào năm 1994 với sự giúp đỡ của những người bạn nghệ sỹ. Một không gian ấm cúng phản chiếu văn hoá Việt Nam đầy sáng tạo, salon nghệ thuật chỉ tiếp khách theo đặt hẹn trước và tổ chức những bữa tiệc cá nhân, những buổi tư vấn nghệ thuật, đọc thơ, nghe nhạc, và các sự kiện văn hoá giáo dục khác.
Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factorylà một tổ chức cá nhân và độc lập, xây dựng và giới thiệu các hoạt động mang tính liên ngành, nhằm mở rộng kiến thức về nghệ thuật đương đại và các xu hướng văn hoá ở Việt Nam. Ngoài ra, The Factory còn bao gồm một thư viện nghệ thuật với tài liệu nghiên cứu phong phú; chuỗi chương trình workshop giáo dục; khu vực làm việc nhóm kết hợp song song với nhà hàng và tổ hợp quán cà-phê, quầy bar. Mọi lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh của The Factory đều được đầu tư tiếp tục vào các chương trình nghệ thuật trong tương lai.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
4:56Wednesday,18.7.2018Đăng bởi: Lex
Thích bức tranh của Phạm Q Vinh, có gây cảm xúc như cố thay đổi.
Như vẽ lõa thể theo lối thường tình, nhìn cảnh vẽ đứng, vẽ ngồi... họa sĩ trong tranh ngắm nghía mãi vẫn không ưng, chán chuòng hay sao đó.... không yên, nên quay ngược lại. Lại hay, với lõa thể co chân... chổng ngược, bảng đen, phấn trắng có 1 đường phấn kẻ ngang nhấn mạnh độ chổng nghiêng... hợp ...xem tiếp
4:56Wednesday,18.7.2018Đăng bởi: Lex
Thích bức tranh của Phạm Q Vinh, có gây cảm xúc như cố thay đổi.
Như vẽ lõa thể theo lối thường tình, nhìn cảnh vẽ đứng, vẽ ngồi... họa sĩ trong tranh ngắm nghía mãi vẫn không ưng, chán chuòng hay sao đó.... không yên, nên quay ngược lại. Lại hay, với lõa thể co chân... chổng ngược, bảng đen, phấn trắng có 1 đường phấn kẻ ngang nhấn mạnh độ chổng nghiêng... hợp mắt nhìn.
23:00Tuesday,17.7.2018Đăng bởi: Nguyễn Xuân Khánh
Bao nhiêu năm những người này chỉ vẽ kém đi, thậm chí không vẽ được nữa. Tranh của họ bây giờ nguệch ngoạc đi, mọi thứ đều như ăn bớt, nhưng vẫn không thay đổi motif ấy. Phí quá một tinh thần, một lớp nghệ sĩ... Toàn những người có tài nhưng sợ thay đổi. Vì cái gì? ...xem tiếp
23:00Tuesday,17.7.2018Đăng bởi: Nguyễn Xuân Khánh
Bao nhiêu năm những người này chỉ vẽ kém đi, thậm chí không vẽ được nữa. Tranh của họ bây giờ nguệch ngoạc đi, mọi thứ đều như ăn bớt, nhưng vẫn không thay đổi motif ấy. Phí quá một tinh thần, một lớp nghệ sĩ... Toàn những người có tài nhưng sợ thay đổi. Vì cái gì?
Như vẽ lõa thể theo lối thường tình, nhìn cảnh vẽ đứng, vẽ ngồi... họa sĩ trong tranh ngắm nghía mãi vẫn không ưng, chán chuòng hay sao đó.... không yên, nên quay ngược lại. Lại hay, với lõa thể co chân... chổng ngược, bảng đen, phấn trắng có 1 đường phấn kẻ ngang nhấn mạnh độ chổng nghiêng... hợp
...xem tiếp