Gẫm & Bình

Vì sao “Mở cửa” thất bại (bài 1):
từ câu chuyện Doimoi năm ấy 04. 10. 16 - 6:48 am

Phạm Quốc Trung

Nhắc lại chuyện “Doimoi”: từ chuyện của cả nước

Năm 1986 thường được coi là mốc mở đầu thời kỳ Đổi mới của Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua nghị quyết 05 của Bộ chính trị (1987) tạo nên làn gió “Đổi mới”, cởi trói cho hoạt động sáng tạo Văn học Nghệ thuật. Từ những thời điểm này, bắt đầu một giai đoạn mở cửa, đổi mới cho kinh tế, Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phát triển, hòa nhập vào đời sống quốc tế.

Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu tại Đại hội 6 của Đăng, ngày 18. 12. 1986 – một đại hội mở đường cho Đổi mới. Ảnh: Minh Đạo/VNA

Thực chất, chính sách “Đổi Mới” của Việt Nam (mà thế giới đã dùng nguyên tên gọi Doimoi hay “Renovation” tiếng Anh) là đòi hỏi bức thiết của tình hình đất nước lúc đó, không phải tìm ra một phương thức vận động xã hội riêng, một phát kiến, xây dựng những chính sách, tư tưởng gì kỳ vĩ, mới lạ mà chỉ trở về với đời sống bình thường tự nhiên, giải phóng sức sáng tạo của bản thân, con người, hòa nhịp chung với dòng chảy đời sống của nhân loại, cởi trói khỏi những ràng buộc giáo điều, hà khắc từng bị bắt buộc áp dụng qua hàng chục năm chiến tranh tàn khốc. Điều này, đã được nhiều học giả, nhà nghiên cứu kinh tế, văn hóa Việt Nam nhận định. Thành công của Đổi mới đã giúp Việt Nam có được một giai đoạn phát triển nhanh thời kỳ đầu, kinh tế – xã hội và văn hóa hứng khởi, đời sống người dân được cải thiện, các ngành văn hóa nghệ thuật như Văn học, Sân khấu, Mỹ thuật đã có những phát triển đa dạng về đề tài và biểu hiện nghệ thuật.

Đám rước dịp Tết ở một làng quê Việt Nam năm 1989. Ảnh: David Aland Harvey.

Thế nhưng, thời kỳ Đổi mới không phải là kéo dài suốt 30 năm từ 1986 đến nay mà sau một thời kỳ phát triển cấp tập, bồng bột, kinh tế, xã hội Việt Nam lại đang lâm vào khủng hoảng với những khó khăn mới không kém phần phức tạp, khi đối mặt với những vấn đề hệ trọng như an nguy của quốc gia – dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, môi trường bị tàn phá, quốc khố kiệt quệ, tham nhũng tràn lan, văn hóa, giáo dục, đạo đức xã hội xuống cấp, lòng dân ly tán…

Trước tình hình đó, gần đây xuất hiện những ý kiến đề xuất, hy vọng Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước có những quyết sách mới để mở ra một công cuộc Đổi mới lần thứ II nhằm cải cách triệt để hơn nữa, khắc phục khuyết tật của hệ thống, thể chế xã hội, phục hưng tinh thần sáng tạo của xã hội và sức sản xuất dân tộc, khơi lại những nguồn lực mới cho sự phát triển để vượt qua tình trạng suy thoái và tụt hậu.

… đến chuyện “Doimoi” của mỹ thuật

Thực ra, đổi mới là nhu cầu sống hàng ngày của bất kỳ một xã hội, một cá nhân nào phát triển bình thường, lành mạnh, mưu cầu sự tiến bộ, phát triển. Trong sáng tạo nghệ thuật lại càng đương nhiên, với bất cứ nghệ sĩ chân chính nào, làm mới nghệ thuật của mình luôn là đòi hỏi thường nhật, không cần sự tác động bởi ngoại cảnh.

Tranh của Tạ Huy Long về Hà Nội những năm 1980s trong một cuốn sách của anh – “Cửa sổ”. Hình từ trang này

Ngoài đời sống, đổi mới như một chủ trương cải cách về chính trị- kinh tế- xã hội của nhà nước Việt Nam và công việc này còn phải tiếp tục, còn nghệ thuật của thời kỳ này là đa dạng, phát triển theo nhu cầu tự thân của sáng tạo. Trong mỹ thuật, là việc nới lỏng kiểm duyệt, tạo ra nhiều cơ hội cho sáng tạo, công bố, tiêu thụ tác phẩm, và sự đa dạng về trường phái, bút pháp nghệ thuật cũng như đề tài. Sự “đổi mới” này không chỉ ở một vài cá nhân, vài tác phẩm mà diễn ra trong cả nước với các thế hệ kế tiếp nhau, xóa đi thế độc tôn của phương pháp hiện thực XHCN trong văn hóa nghệ thuật thời kỳ trước.

Đây là nhóm “Gang of five” (1993), gồm có Trần Lương, Việt Dũng, Phạm Quang Vinh, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu.

Tuy nhiên, những vấn đề tự do biểu hiện đa dạng theo các trường phái nghệ thuật hiện đại phương Tây cũng như tìm kiếm phong cách cá nhân dường như chỉ đặt ra với các họa sĩ miền Bắc bởi các trường phái nghệ thuật này đã từng là phương tiện sáng tạo quen thuộc của phần lớn các họa sĩ miền Nam thời trước năm 1975.

Sau “đổi mới” cấp tập là về với nhịp bình thường

Câu chuyện “đổi mới” của mỹ thuật trong thời kỳ Đổi mới là một vấn đề phức tạp. Bởi mỹ thuật giai đoạn này phát triển rất đa phong cách, nhiều khuynh hướng khác nhau, xuất hiện thêm những hình thức nghệ thuật mới với những tiêu chí thẩm mỹ cần những phương thức diễn giải mới, và cả một lớp công chúng mới. Mặt khác, hội họa trong giai đoạn từ 1986 đến nay không phải không có sự ấu trĩ, nhiều sự bồng bột, đậm tính trang trí, dân gian mà thiếu chiều sâu suy tưởng, kỹ thuật tạo hình chưa hoàn chỉnh. Việc lạm dụng yếu tố dân gian, exotic mà có lúc được đánh đồng với đặc tính dân tộc khiến cho nhiều khi hình thức các tác phẩm mang vẻ đẹp hồn nhiên vui mắt, thô mộc chất phác nhưng cảm xúc nửa vời, xuề xòa và thiếu tính trí tuệ. Thực tế này có thể quan sát ở các tác phẩm của nhiều gương mặt hội họa từng thành danh trong thập kỷ 1990 (và cả trong triển lãm Mở cửa).

Tại một gian triển lãm của “Mở cửa”. Ảnh: Tịch Ru

Về khái niệm, mỹ thuật giai đoạn này là một thời kỳ thẩm mỹ mới và khác, tương đương với thời kỳ thẩm mỹ Mỹ thuật Đông Dương, thời kỳ Hiện thực XHCN nhưng không thay thế, triệt tiêu hoàn toàn những ảnh hưởng của các thời kỳ thẩm mỹ trước mà nó kế thừa, đan xen cùng tồn tại như những biểu hiện khác nhau của mỹ thuật. Trong khi đi tìm sự thống nhất về tên mô hình thẩm mỹ của mỹ thuật trong thời kỳ Đổi mới, một số nhà nghiên cứu đề xuất tên gọi: thời kỳ Hậu hiện thực XHCN. Khái niệm thời kỳ Hậu hiện thực XHCN là để phân biệt rõ ràng và chia tay với thuật ngữ “Mỹ thuật Doimoi” của một số tác giả nước ngoài khi viết về Mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới nhưng không thỏa đáng về nội hàm, bởi sáng tạo nào chẳng là đổi mới so với cái cũ.

Một tác phẩm của Trần Trọng Vũ trong triển lãm về nghệ thuật Hậu Đổi mới diễn ra ở Singapore. Hình và tài liệu từ trang này

Khoảng năm 1999- 2000 thời kỳ Hậu hiện thực XHCN có thể coi như đã hoàn thành chặng đường phát triển cấp tập của nó với những nhân vật, sự kiện mở đầu, góp mặt đầy đủ mọi loại hình, thể loại, biểu hiện nghệ thuật trong tương quan với các nền mỹ thuật của thế giới hiện đại… Từ đây, mỹ thuật sẽ trở lại vận động một cách bình thường, tự nhiên với những thế hệ nghệ sĩ mới cùng vấn đề của họ.

*

Bài tiếp theo: Từ curator không chuyên nghiệp đến tác giả đã “đóng băng”

 

Ý kiến - Thảo luận

22:50 Thursday,6.10.2016 Đăng bởi:  nhắn
Mình nghĩ, cái quyền lực tối cao và tiếng nói chính thống mà bạn Buồn ơi đề cập kia, chẳng có giá trị lắm đâu. Không phải vì có tên trong cái triển lãm này, mà thành danh hoạ Việt Nam. Người sưu tập có tiêu chí tiêu chuẩn khác với các curator của Vụ. Và người thẩm định vĩ đại nhất là nhân dân và lịch sử, thì rất công bằng và nghiệt ngã, trí nhớ của
...xem tiếp
22:50 Thursday,6.10.2016 Đăng bởi:  nhắn
Mình nghĩ, cái quyền lực tối cao và tiếng nói chính thống mà bạn Buồn ơi đề cập kia, chẳng có giá trị lắm đâu. Không phải vì có tên trong cái triển lãm này, mà thành danh hoạ Việt Nam. Người sưu tập có tiêu chí tiêu chuẩn khác với các curator của Vụ. Và người thẩm định vĩ đại nhất là nhân dân và lịch sử, thì rất công bằng và nghiệt ngã, trí nhớ của lịch sử không cách nào mua chuộc được đâu. 
18:27 Thursday,6.10.2016 Đăng bởi:  Buồn ơi, chào mi!
@ Kim Le
Bạn có vẻ ngoài luồng nhỉ. Bạn nên đọc kỹ hơn. Đổi mới và Mở cửa là 2 cái khẩu hiệu được đưa ra từ cuối năm 1986, chủ yếu cho lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội (bỏ dần bao cấp, cho phát triển thị trường và kinh tế tư nhân, mở rộng quan hệ quốc tế ...). Văn nghệ thì cũng được ăn theo cái khẩu hiệu này thôi, được chút tự do sáng tác, tự do b
...xem tiếp
18:27 Thursday,6.10.2016 Đăng bởi:  Buồn ơi, chào mi!
@ Kim Le
Bạn có vẻ ngoài luồng nhỉ. Bạn nên đọc kỹ hơn. Đổi mới và Mở cửa là 2 cái khẩu hiệu được đưa ra từ cuối năm 1986, chủ yếu cho lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội (bỏ dần bao cấp, cho phát triển thị trường và kinh tế tư nhân, mở rộng quan hệ quốc tế ...). Văn nghệ thì cũng được ăn theo cái khẩu hiệu này thôi, được chút tự do sáng tác, tự do bán tranh, triển lãm..., để các nghệ sĩ còn có đường sinh sống, cứu thân. Nôm na thì là như thế.
Còn nói thất bại là cái triển lãm có tên "Mở cửa" thất bại, vì nó mở rộng lung tung, xôi đỗ, chẳng dựa trên cơ sở nào cả. Nếu chọn nghệ sĩ hay trong vòng 30 năm (1986-2016) thì cũng chả phải. Chọn những người "đổi mới" thì biết chọn ai? Có cả một thế hệ sáng tác ào ào ở thời điểm đó. Nghệ thuật lúc nào chả cần đổi mới. Biết dừng ở đâu. Rõ ràng là hai cái từ Đổi Mới, Mở Cửa này rất mông lung, dễ gây hiểu nhầm, dễ bị lạm dụng. Phải thận trọng.
Danh sách 50 nghệ sĩ, do 3 curators của Cục Mỹ thuật tự lựa chọn, quả là một vấn đề rắc rối phức tạp. Lại còn tiêu tiền của nhà nước và ra sách cứ như thể họ có quyền lực tối cao và tiếng nói chính thống.
Dân tình trong giới ồn ào là lẽ dĩ nhiên... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả