Chính trị

 Người Rohingya đã phạm những “lỗi” gì để thành ra vô hình? 22. 07. 18 - 11:38 am

Sáng Ánh

Một thiếu niên bật khóc khi xin thực phẩm do 1 tổ chức phân phát gần trại tỵ nạn Balukali tại Cox’s Bazar, Bangladesh. Ảnh Kevin Frayer, Getty Images (Ghi chú: “gần trại tỵ nạn” là vì Balukali là một trại chính thức, sức chứa 100.000 người nhưng giờ quá tải nên người mới đến phải tự lo lấy thân, gặp đâu cắm lều ở đó chứ không phải ai cũng được ở trung tâm khu vực Thảo Điền).

Vào tháng 8. 2017, truyền thông thế giới đưa tin về cuộc di tản vĩ đại của 687.000 người Rohingya từ Myanmar vượt sông Naf để sang lánh nạn tại Bangladesh. Đây là một con sông lớn, có chỗ rộng đến 2 km và các đoàn người rồng rắn bồng bế nhau, dùng thúng, dùng thuyền hay lội nông lội sâu rất “ăn ảnh” được một thời gian. Liên Hiệp Quốc tuyên bố đây là khủng hoảng nhân đạo phát triển nhanh nhất trên địa cầu lắm chuyện đau thương này. Các tổ chức cứu trợ dùng các từ “âm mưu diệt chủng” và “tẩy tộc”, khiến dư luận quốc tế có phần quan tâm và các chính quyền trong ngoài khu vực phải gãi đầu gãi tai tìm một giải pháp nào đó. Nếu tính theo tỷ lệ thì đây quả là kỷ lục. 700.000 người này là 2/3 dân số của tộc Rohingya đang ở tại Myanmar, tương đương kiểu trong vòng vài tuần, 50 triệu người Việt bỏ nước ra đi gồng gánh.

Người tỵ nạn đi ngang các đồng lúa tại trại Palongkali, Cox’s Bazar. Ảnh từ trang này 

Gần một năm sau thì đâu vẫn đó, chưa có gì giải quyết cả, và Bangladesh vẫn chứa một triệu người Rohingya tỵ nạn. Tại ngay Myanmar, số người thuộc tộc này là 400.000, trong số đó từ 120.000 đến 200.000 sống trong các tại tạm cư, tức là tỵ nạn ngay trên đất nước họ.

Tại sao?

Tại sao 700.000 ra đi năm 2017 mà nay đã có gần 1 triệu ở Bangladesh?

Và sao lại có 120.000-200.000 ở các trại ngay trong nước mình ở Myanmar?

Con số 120.000-200.000 này là những người trước đây vượt biên, Bangladesh trả về cho Myanmar nhưng chưa định cư được ở quê cũ. Còn con số 1 triệu là vì trước lượt ồ ạt tháng 8. 2017, đã có tỵ nạn Rohingya tại Bangladesh từ những thập niên qua, đợt đầu là từ 1978, tức là 40 năm về trước. Khủng hoảng Rohingya không phải là mới có vào năm ngoái, nó âm ỉ từ lâu và định kỳ từng đợt.

Trên ½ triệu người tràn sang Bangladesh, khiến trại Balukali trở thành một thành phố cắm dùi chen chúc. Ảnh Kevin Frayer, Getty Images.

Người Rohingya là người gì?

Tổng số người Rohingya khoảng gần 3 triệu. Họ ở đâu thì ta đã biết, phía tây nam của Myanmar sát cửa biển sông Naf và giáp ranh với Bangladesh, thuộc khu vực Myanmar giờ gọi là bang Rakhine. Vương quốc Arakan tại khu vực này có mặt từ thế kỷ 8 hay 9, tức là 12 thế kỷ trước. Theo chính họ thì tộc Rohingya họ đã có mặt tại đây từ thế kỷ 12 hay 13, sao thì cũng là “muôn đời”. Đây là vấn đề nhiều tranh cãi. Theo chính quyền Myanmar ngày nay, Rohingya là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh sang chiếm đất, và trong 135 dân tộc của Myanmar được chính quyền công nhận, không có dân tộc nào là Rohingya cả. Cuộc kiểm kê dân số cuối cùng vào 2004, không ghi nhận dân tộc này.

Người phụ nữ này được người thân cáng sau khi vượt sông biên giới Naf sang trú nạn tại Bangladesh. Ảnh Kevin Frayer, Getty Images.

Vào thế kỷ 19, người Anh lấp ló ở bán lục địa Ấn, tiến về phía Đông và lấn đất sang Myanmar (Chiến tranh Anh-Miến lần thứ nhất và thứ nhì). Trước bành trướng thành công của Pháp tại Đông Dương, đế quốc Anh thanh toán nốt phần còn lại của Myanmar vào 1885 trong Chiến tranh Anh-Miến lần thứ 3.

Dưới chế độ thực dân Anh thì Ấn, Bangladesh hay Myanmar một nhà, vì cùng chung một chủ; cho đến 1937 Myanmar mới được thực dân tách ra thành một đơn vị hành chánh riêng. Trong thời gian này, Anh quốc mang người gốc Ấn sang làm việc tại Myanmar và người Bengali vùng “biên giới” tự do đi lại, sinh sống bên này bên kia, và sang nhập cư khu vực bang Rakhine ngày nay. Chuyện này thông dụng tại các thuộc địa cũ, ở Á cũng như ở Phi châu, sao thì cũng thuộc Anh thuộc Pháp cả, nhưng sau khi độc lập thì trở thành vấn đề. Một thí dụ với ta quen thuộc là người gốc Việt định cư ở Lào hay Cam Bốt dưới thời Pháp thuộc. Trong trường hợp Myanmar, chính quyền vì thế coi tất cả người Hồi tại bang Rakhine là người Bengali nhập cư vào đầu thế kỷ 20 hay sau độc lập (1948) chứ không có dân tộc nào là Rohingya cả.

Bản đồ hành chánh Myanmar, Division (Tỉnh) là đa số dân tộc Bamar (Miến, Burma), State (Bang) là đa số sắc tộc. Người Rohingya ở tại bang Rakhine (Arakan). Sau các cuộc di tản thì tương quan dân số hiện nay là ½ triệu Rohingya và 2,4 triệu Rakhine.

Người Rohingya vì thế không được thừa nhận là dân tộc thiểu số, không có quốc tịch, không được bỏ phiếu hay ứng cử, không được hưởng giáo dục (tức là không có trường học công lập) hay y tế công cộng, không được làm công nhân viên nhà nước, không được di chuyển khỏi khu vực, nói tóm lại là không được gì hết và coi như là không hiện hữu. Bang Rakhine nơi họ sống xen lẫn là một bang của dân tộc thiểu số Rakhine. Dân tộc này đạo Phật như dân tộc Miến, trong khi dân tộc Rohingya theo đạo Hồi và một số ít Rohingya theo Ấn Độ giáo. Mâu thuẫn đầu tiên trong bang là giữa hai sắc tộc thiểu số, tộc Rohingya và tộc Rakhine (được chính quyền trung ương nâng đỡ hay là chèn ép ít hơn). Đây cũng là bang nghèo nhất nước, và chính quyền cũng khôn khéo chia để trị, người Rakhine lo đàn áp hàng xóm làng bên Rohingya thì chẳng hơi đâu mà nổi loạn chống trung ương Miến.

Làng cháy rụi là làng Rohingya, làng còn nguyên vẹn kế bên là làng Rakhine. Ai đốt? Theo chính quyền Myanmar người Rohingya tự đốt làng của mình để đổ tội cho hàng xóm. Nguồn Human Rights Watch

Người Rohingya còn bị đặt ra bên lề của quốc gia là vì trong thời gian Thế chiến thứ II, họ theo Anh quốc để chống Nhật, trong khi phong trào quốc gia Miến theo Nhật để giành độc lập. Ấn Độ độc lập vào 1948, và phân chia ngay thành hai quốc gia: Ấn Độ ở giữa và Pakistan (Hồi quốc) gồm Đông Hồi và Tây Hồi ở hai phía. Phân chia này trên căn bản tôn giáo chứ không phải là sắc tộc. Các lãnh tụ Rohingya Hồi giáo vào lúc đó xin gia nhập Đông Hồi nhưng cha đẻ của Pakistan là Ali Jinnah, đang nhức đầu với chuyện chia cắt Ấn đã không chấp thuận vì lại còn phải gánh thêm phần Myanmar. Và thế là tội thứ ba của người Rohingya với quốc gia Myanmar.

Xin nhắc lại:

– Tội gốc của họ là đạo Hồi tại một quốc gia đa số Phật giáo.

– Tội thứ nhì là đầu quân Anh trong khi phong trào quốc gia Miến theo Nhật để giành độc lập.

– Tội thứ ba là toan tính gia nhập Hồi quốc Pakistan.

1971, Đông Hồi Pakistan làm loạn với chính quyền trung ương Pakistan tại Tây Hồi, và sau một cuộc chiến khốc liệt chỉ có 9 tháng nhưng khiến hàng triệu người (3 triệu?) thiệt mạng, Đông Hồi trở thành độc lập và mang tên Bangladesh. Lầm lẫn thứ 4 của lãnh đạo Rohingya – đã lầm rồi thì lầm cho trót – là trong trận gió tanh mưa máu này, họ về phe trung ương Tây Hồi tức là Pakistan hiện nay. Vì thế, Bangladesh không thương gì họ mấy mặc dù đồng đạo, khi họ sang tỵ nạn thì tìm cách trả họ về. Tóm lại, với Myanmar thì họ là nhập cư Bangladesh, với Bangladesh thì họ là Myanmar và dễ ghét, dính dáng gì đến tao.

Phân phát thực phẩm gần trại Balukali. Sau tai ương trong nước là nơi tạm trú vật vờ với đói kém, dịch tả và các bệnh tật khác đe dọa. Ảnh Kevin Frayer, Getty Images.

Số phận của sắc tộc Rohingya chỉ tương đối tốt đẹp trong thời gian đầu độc lập của Myanmar, dưới chế độ dân chủ 1948-1962. Vào lúc đó, họ còn được công nhận là thiểu số, có đại biểu dân cử tại Quốc hội. Sau khi quân phiệt đảo chánh và nắm quyền, dùng chiêu bài quốc gia chủ nghĩa của người Miến (Bamar) thì tài hơn David Copperfield, chính quyền trung ương phù phép làm biến mất người Rohingya như là nhà ảo thuật làm biến mất tháp Eiffel. Các tộc khác ly khai, Karen hay Shan, nhờ địa thế núi rừng, nhờ đồng nhất chủng tộc trên các lãnh thổ đó, nhờ nước ngoài (Thái Lan, Trung Quốc) có lúc giúp đỡ hay bảo vệ, nhờ tài nguyên á phiện, còn có lực lượng quân sự đương đầu được với trung ương. Bởi thế, trung ương còn phải công nhận, thương thuyết, tìm giải pháp với họ. Người Rohingya ở đồng bằng, xen lẫn với các làng sắc tộc Rakhine, lại không dựa được gì vào Bangladesh nên đấu tranh vũ trang của họ, như vào dịp mới đây, là dùng ná bắn bi sắt vào đồn bót quân sự để cướp vài khẩu súng! Thành tích quân sự này (12 lính Myanmar thiệt mạng) của Quân đội cứu rỗi Arakan Rohingya (ARSA) khiến trung ương rầm rộ mở chiến dịch truy lùng và xua đuổi, gây ra khủng hoảng tỵ nạn hiện nay. Việc đốt làng của họ khiến họ không còn đường trở lại, lửa cháy sau lưng và sông đằng trước mặt.

Một gia đình Rohingya vừa đến bờ phía Bangladesh của giòng sông Naf. Ảnh Kevin Frayer, Getty Images.

Việc đổi mới thể chế tại Myanmar cho đến giờ chưa mang lại điều tích cực gì cho họ cả, tuy 4 lần dại như đã kể, họ có đổi lấy bằng một lần khôn là ủng hộ phong trào dân chủ của bà Aung San Suu Kyi. Tuy vậy, chính quyền mới, vì lẽ gì, hoặc còn lệ thuộc vào quân đội nên chưa rảnh tay hoàn toàn để mà rộng rãi, hoặc chính quyền mới cũng quốc gia chủ nghĩa Miến chẳng thua ai hết, nên chính sách đối với người Rohingya vẫn không thay đổi. Dân chủ là với dân tộc Miến, thương thuyết và hòa giải là với các sắc tộc võ trang mà bao nhiêu năm nay quân đội trung ương vẫn không trị được. Tương lai của dân tộc này mờ mịt, và đa số phải tìm cách sống ở nước ngoài. Nhắc lại, vào thời điểm hiện nay, khoảng 2 triệu-2,5 triệu người Rohingya sống ở nước ngoài, chỉ có ½ triệu sống ở trong nước và trong số này, chỉ có 300.000-400.000 là sống tại nhà đất sinh quán của họ. Ở nước ngoài, trên 1 triệu sống tạm cư tại các trại tỵ nạn Bangladesh, số đi chui sang Thái bị bắt làm nô lệ lao động trên tàu đánh cá, trại gà hay trong các đồn điền, giết chết và vùi xác phi tang như mới đây phát hiện tại biên giới Malaysia-Thái Lan. Có lẽ số phận họ trong lịch sử chẳng kém gì người Palestine.

Một chuyện riêng của người viết này, có bận tại UAE thuê xe từ đó đi thăm rặng núi Hatta. Lái xe hướng dẫn là người Rohingya và khi đến biên giới Oman, anh phất tay nói với biên phòng Oman “Trên xe đây là khách Nhật Bản” bằng tiếng Ả Rạp để cho qua nhanh chóng, nhưng khiến mình không khỏi bị va chạm tự ái dân tộc. Dĩ nhiên, trên đường dài mấy tiếng, đã có nhiều chuyện vãn trao đổi, và chẳng bao giờ mình từng mạo nhận mình múa kiếm Phù Tang dưới những rặng anh đào nở rộ cả. Phần anh ta, khi mới hỏi anh từ đâu đến, anh đã dõng dạc trả lời “Tôi là người Myanmar” trước khi thêm chi tiết “thuộc tộc Rohingya”.

*

(Để đọc các bài viết về chính trị của Sáng Ánh, các bạn gõ vào phần tìm kiếm, ở mục tác giả thì gõ “Sáng Ánh” nhé.)

Ý kiến - Thảo luận

9:30 Sunday,20.9.2020 Đăng bởi:  Nguyễn Quý Kiên
Người Rohingya đã phạm những “lỗi” gì để thành ra vô hình?
Thế mới thấy vai trò của người thủ lĩnh/ lãnh tụ một dân tộc quan trọng thế nào. Sai một đường, tới gần luôn chỗ điêu đứng/diệt vong.
...xem tiếp
9:30 Sunday,20.9.2020 Đăng bởi:  Nguyễn Quý Kiên
Người Rohingya đã phạm những “lỗi” gì để thành ra vô hình?
Thế mới thấy vai trò của người thủ lĩnh/ lãnh tụ một dân tộc quan trọng thế nào. Sai một đường, tới gần luôn chỗ điêu đứng/diệt vong. 
14:30 Wednesday,19.12.2018 Đăng bởi:  Phương An
 @Le Lex: Thời Đỗ Mục cách lúc nhà Thương diệt vong gần 2000 năm, làm gì có cái gọi là con gái nhà Thương phải làm ca kỹ.
Thương nữ đây ý là ca kỹ bình thường thôi. Cái vong quốc hận là nói về bài Hậu Đình Hoa, vốn là bài thơ khen vẻ tuyệt sắc của Trương Lệ Hoa của Trần hậu chủ, 1 ông vua do ham mê tửu sắc văn chương mà mất nước. Ông ta mất nước khi đang sa
...xem tiếp
14:30 Wednesday,19.12.2018 Đăng bởi:  Phương An
 @Le Lex: Thời Đỗ Mục cách lúc nhà Thương diệt vong gần 2000 năm, làm gì có cái gọi là con gái nhà Thương phải làm ca kỹ.
Thương nữ đây ý là ca kỹ bình thường thôi. Cái vong quốc hận là nói về bài Hậu Đình Hoa, vốn là bài thơ khen vẻ tuyệt sắc của Trương Lệ Hoa của Trần hậu chủ, 1 ông vua do ham mê tửu sắc văn chương mà mất nước. Ông ta mất nước khi đang say, khi đang nghe bài Hậu Đình Hoa nên nó như 1 biểu tượng của vết nhơ mất nước.
Đỗ Mục vốn sống ở thời mà nhà Đường dần suy vong nên ông trách mọi người xung quanh ham vui chơi hưởng lạc mà không nhận ra cái mối nguy "mất nước" đang tới.
  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả