Văn & Chữ

Thơ tình xưa (bài 1): Phạm Thái –
lang thang nhớ vợ chưa từng cưới 07. 08. 18 - 6:33 pm

Willow Wằn-Wại

Với những người ưa thích thơ văn cổ cổ cũ cũ của các thi nhân thế kỷ mười mấy như mình thì hẳn ai cũng thấy màu sắc của Nho giáo đậm đặc khắp nơi: nếu không phải bàn về vận nước vận nhà vận cả thế gian thì lại khen cảnh đẹp và nhân tiện xót thương ai oán hoặc cảm thán chi chi. Có thể nói văn thơ các cụ hầu như không đề cao tình yêu tình báo hay thê thê thiếp thiếp, vốn được coi là thứ nhỏ nhặt vốn chỉ có tác dụng trói chân các anh hùng hào kiệt chí cao như trời. Nói “hầu như” tức là vẫn còn có những áng thơ mà tác giả đã gửi gắm tình cảm nam nữ vợ chồng nồng thắm đến nỗi giờ ở thời hiện đại đọc cũng cảm động theo.

Nhân lúc mùa hè rỗi rãi (và cũng là lúc bạn bè mình bắt đầu chuẩn bị cưới cả), xin được đem chút chuyện cảm động đó của cổ nhân ra kể lại. Mong được bạn bè cao nhân phương xa chỉ giáo chia sẻ thêm để cái tâm hồn “sến”, ưa thích sự lãng mạn của mình được biết thêm nhiều điều hay.

Chọn ai? Chọn Phạm Thái

Ở Việt Nam thì học sinh nào cũng có nghe danh Tú Xương qua bài “Thương Vợ” của ông. Tuy bài thơ thực sự là một tác phẩm đỉnh cao của thơ Đường luật nhưng chính ông Trần Tế Xương cũng đã chốt hạ câu cuối “có chồng hờ hững cũng như không”. Và thực tế thì làm thơ thì kêu thương thế chứ ông Tú cũng chỉ tối ngày đi nghe đàn địch chơi bời. Được một bài cho vợ thì bao nhiêu bài cho các cô đào. Thành ra mình xin mạn phép lựa chọn tấm gương nào sáng sủa hơn, ít nhất cũng là tình cảm gắn bó hơn để cùng bàn luận.

Việt Nam còn có một nhà thơ có mối tình khắc cốt ghi tâm lưu truyền cho hậu thế và thấm đẫm màu sắc “ngôn tình”, kể lại cũng lâm ly bi đát không thua kém một bộ phim nào của Quỳnh Dao. Đó chính là Phạm Thái (1777 – 1813) quê ở Kinh Bắc nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội. Ông vốn là một danh sĩ thời Tây Sơn loạn lạc, con của Thạch trung hầu Phạm Đạt làm quan dưới thời Lê Hiển Tông. Tiếp nối truyền thống gia đình, Phạm Thái cũng chống Tây Sơn và cũng… không thành công.

Một khung cảnh ở nước ta (khu vực Đà Nẵng ngày nay) tương ứng giai đoạn Phạm Thái còn thanh niên. Hình từ trang này 

Trong buổi loạn lạc và trốn truy nã, chàng trai Phạm Thái tuổi ngoài đôi mươi đã gặp cô tiểu thư Trương Quỳnh Như, em gái của một người bạn. Hai bên trai tài gái sắc nhanh chóng cảm mến nhau, dù phải xa cách vẫn thơ từ đều đặn. Mối tình thanh mai trúc mã đẹp y như trong tiểu thuyết và cũng kết thúc tang thương như tiểu thuyết: nàng Trương Quỳnh Như bị ép gả cho người khác. Để giữ trọn tình thâm với người yêu, nàng tự sát khi mới 18-20 tuổi.

Phạm Thái vô cùng đau xót, đã làm bài Văn tế Trương Quỳnh Như trong đám tang nàng, sau đó lấy hiệu là Chiêu Lỳ, bỏ đi lang bạt sống cuộc đời bi quan ngậm ngùi rồi mất năm 36 tuổi.

Tình thì thế, thơ thì sao?

Phạm Thái là nhà thơ tiên phong trong thể loại thơ trữ tình của Việt Nam, mô tả tình yêu một cách bộc trực, kêu gọi lời yêu thương nam nữ mãnh liệt, không hề e dè ngại ngùng hay coi khinh tình cảm như người đời trước. Có thể nói thơ tình của ông là dạng “cách tân”, không còn cổ kính che che đậy đậy nửa kín nửa hở kiểu “Không phải hoa, chẳng phải sương” (Hoa phi hoa, vụ phi vụ).

Kho tàng thơ ca của Phạm Thái để lại cũng không hoàn toàn nguyên vẹn nhưng trong số đó đề tài hay những lời gửi gắm đến người yêu đã chiếm quá nửa. Ngoài bài Văn tế Trương Quỳnh Như nổi tiếng cũng còn rất nhiều những bài khác như Mơ Tưởng Trương Quỳnh Như, Khóc Trương Quỳnh Như, Gửi Trương Quỳnh Như, v.v… Có thể nói người yêu và tình yêu đôi lứa là nguồn cảm hứng mãnh liệt của chàng danh sĩ. Một chàng công tử con quan thời loạn ôm mối tình khắc cốt ghi tâm, thật là một soái ca si tình hoàn hảo.

Một phụ nữ Việt Nam thế kỷ 18. Ảnh từ Internet

Lấy ví dụ như trong bài thơ gửi Trương Quỳnh Như khi hai người còn đang nồng mặn hạnh phúc:

Lửa ân, dập mãi sao không tắt,
Biển ái, khơi hoài vẫn chẳng vơi.
Đèn nguyệt trong xanh, mây chẳng bợn,
Xin soi xét đến tấm lòng ai…

(trích Gửi Cô Trương Quỳnh Như bài 2)

Phạm Thái đã khẳng định tình cảm của mình trào dâng như biển, hừng hực như lửa, nghe thật… hừng hực không kém thơ tình hiện đại là bao. Đặc biệt hai câu cuối thưa gửi tấm lòng mình trong vắt để gửi gắm mong người yêu thấu hiểu, đúng kiểu thề nguyền quen thuộc của cánh đàn ông từ bao đời nay: “anh thề chỉ yêu mình em thôi đó”.

Lúc giãi bày thề thốt, lúc lại “rủ rê” tiểu thư nhà người yêu đương:

Nếu đã tình duyên dun dủi phận,
Thì xin ân ái vẹn nên đường.

(trích Gửi Cô Trương Quỳnh Như bài 1, có nguồn ghi bài tên là Mơ tưởng Trương Quỳnh Như)

So ra cách “xin xỏ” này cũng một chín một mười với bài hát Bùa Yêu của cô Bích Phương đang nổi như cồn gần đây: “Yêu hay không yêu, không yêu hay yêu nói một lời? / Nếu anh có yêu nói đi ngại gì?“. Có bùa hay không thì không rõ nhưng chắc chắn rằng tiểu thư Trương Quỳnh Như đã gật đầu nói đồng ý, nên hai người mới tiếp tục chuỗi ngày yêu đương nồng thắm đến nỗi sau này nàng nguyện vì tình mà bỏ mạng. Cũng từ nỗi đau này mà Phạm Thái trong đám tang nàng đã thốt lên gọi: “Nương tử ơi!” trong bài Văn tế Trương Quỳnh Như. Ba chữ đầu tiên này được những nhà phê bình lẫn các giáo viên ngữ văn đặc biệt yêu thích vì xúc động. Vì sao? Vì hai người chưa từng cưới nhau, cô Như còn bị gả cho người khác, vậy mà Phạm Thái trong đám tang lại gọi nàng là vợ.

Bài Văn tế này mang màu sắc cách tân chân thực trong hơi văn của Phạm Thái. Khi nói về tình cảm thì nói thẳng đã “ân ái bấy lâu nay, “đã biết bao nhiêu tâm sự”. Khi kết bài thì không giấu diếm “sùi sụt hai hàng tình lệ”. Đây toàn là những đoạn tả thực rõ ràng. Phạm Thái không buồn ví von cho đẹp hay muốn che dấu chuyện tình lẫn nỗi đau mà thoạt nghe qua có vẻ rất thiếu “chí khí của bậc trượng phu”. Toàn bộ trong bài văn tế đâu đâu cũng toàn là ái, là tình, là khóc.

Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!

Lại có điều đau đớn thế. Nhà huyên ví có năm có bảy, mà riêng mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ.

Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đoá: thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm, làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!

Ví dụ mà tiên thù với tục, sao xưa kia vâng mệnh xuống trần chi? Nay đã nguyện một thân cho vẹn kiếp, thì ba vạn sáu ngàn ngày sống cho đủ lệ: nọ xuân huyên, này phu tử, góp với trần gian không chút hận, rồi sẽ rong chơi chín suối, cớ sao riêng bóng vội vàng chi?

Ôi! Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sả, những như thân giá ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ nhưng tình duyên ấy, cũng là một chút cương thường: dầu rằng kẻ ấy lạ người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự. Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên: mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hoá buông xuôi tính mạng.

Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm: chua xót cũng vì đâu?

Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử!

(Nguồn: thivien.net)

 

Một phụ nữ Việt thời xưa

Theo sách Văn đàn bảo giám, sau khi đọc xong bài Văn tế thì Phạm Thái làm thêm một bài thơ Đường luật nữa, ít người biết hơn nên cũng xin dẫn lại nguyên văn cho mọi người cùng đọc:

Trời xanh cao thẳm mấy tầng khơi,
Nỡ để duyên ai luống thiệt thòi!
Buồn đốt lò vàng hương nhạt khói,
Sầu châm chén ngọc rượu không hơi.
Lầu tây nguyệt gác mây lồng bóng,
Ải bắc hồng sang bể tuyệt vời.
Một mối chung tình tan mấy mảnh,
Suối vàng, ai nhắn hộ đôi lời!

(Khóc cô Trương Quỳnh Như)

Câu thơ “sầu châm chén ngọc rượu không hơi” rất hay khiến mình nghĩ đến câu “chén rượu hương đưa say lại tỉnh” của Hồ Xuân Hương. Có vẻ như khi đang buồn thảm thì rượu cũng mất mùi vị, trở nên nhạt nhẽo và chẳng có tác dụng giải sầu như các ông bợm vẫn hay nói.

Sau cái chết của người yêu, Phạm Thái đi lang thang chìm vào rượu và thơ văn thì buồn bã tiêu cực, ý chí phò Lê diệt Tây Sơn ngày nào hoàn toàn tắt lịm. Tình cảm kiểu này các bậc chí sĩ hẳn sẽ chê trách nhiều, nhất là với một người hay ôm mộng khôi phục vương triều cũ đến độ bị Tây Sơn truy bắt như Phạm Thái. Nhưng hậu thế và những người yêu thơ văn lãng mạn thì đọc chỉ thấy rưng rức cảm động. Thực tế thì nhà Lê cũng đã chỉ còn trong lịch sử nhưng mối tình của Phạm Thái-Trương Quỳnh Như thì còn mãi. Cũng như Phạm Thái giữ đúng “một mối chung tình tan mấy mảnh”, vẫn luôn nhớ đến người vợ mà ông chưa bao giờ được cưới, ở vậy cho đến khi mất.

Riêng phần này thì mẹ của người viết hay trêu rằng đấy là do Phạm Thái mất sớm, còn nếu sống thọ hơn thì biết đâu lại có cô Như Quỳnh Trương nào đấy rồi?

Và biết đâu rồi sẽ đến lúc Phạm Thái-Trương Quỳnh Như sẽ thành phim, thành kịch, thành tuồng hay chèo hay thành truyện tranh chính hiệu made in Vietnam để thỏa lòng mơ mộng của các cô gái hay không phải cô gái, trẻ lẫn không trẻ, những tâm hồn mộng mơ tin tưởng vào tình yêu lãng mạn giàu chất thơ văn. Đâu phải lúc nào cũng phải là một nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng, một Vũ Thị Khiết bị chồng nghi oan, một Thúy Kiều cả đời trôi nổi, một Châu Long thay chồng nuôi bạn, một Súy Vân giả dại để thoát khỏi hôn nhân. Phụ nữ dù ở thời nào cũng xứng đáng làm vai chínhcủa một mối tình đẹp đẽ, được yêu thương, tự do tìm đến tình yêu (để không phải tìm đến cái chết như nàng Quỳnh Như).

(Còn tiếp bài 2: Nguyên Chẩn)

 

Ý kiến - Thảo luận

23:11 Wednesday,22.8.2018 Đăng bởi:  Cliftonguest
Thanks so much for the post.Much thanks again. Really Cool.
...xem tiếp
23:11 Wednesday,22.8.2018 Đăng bởi:  Cliftonguest
Thanks so much for the post.Much thanks again. Really Cool. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả