Chính trị

Kể bằng hí họa: Ai đã đánh drone nhà máy dầu? 24. 09. 19 - 1:18 pm

Sáng Ánh

Rạng đông 14. 9. 2019 vương quốc Saudi giật mình tỉnh dậy. Hai trung tâm kỹ nghệ Khurais và Abqaiq, một là nhà máy bơm và một là nhà máy lọc, bốc cháy như bóng đèn LED hay phích nước. Tuy không có người nào bị thương hay thiệt mạng, 50% khả năng sản xuất dầu hỏa của nước này bị tê liệt. (Hí họa của Emad Hajjaj)

Đây là 5% của lượng sản xuất dầu thế giới, hay 5,7 triệu thùng/ngày, qui ra tiền là thiệt hại 315 triệu USD cho mỗi ngày bị ngưng trệ. Lập tức, phong trào phiến loạn Houthi tại Yemen cho biết đây là chiến công của họ, dùng 10 drone để ra tay. (Hí họa của Hassan Bleibel, mô tả bộ điều khiển drone là con dao truyền thống của người Houthi)

Lằng nhằng tôn giáo nhánh chính nhánh phụ

Houthi là một tôn giáo thiểu số trấn vùng đồi núi phía Bắc Yemen, tức sát biên giới miền Nam của Saudi. Yemen là quốc gia nghèo nhất trong khối Ả Rạp và Saudi là quốc gia giàu nhất. Người Houthi từ 1.000 năm nay cai trị khu vực này và cai trị vương quốc Yemen, nhưng mất ảnh hưởng từ khi quốc gia độc lập (1964). (Biếm họa của Emadhajjaj diễn tả người Houthi bị co kéo liên miên giữa các trận chiến)

4 năm về trước, khi Houthi chiếm được thủ đô Yemen thì Saudi gửi quân sang can thiệp. Trong 4 năm này (cho đến cuối tháng 1.2019) Saudi ném bom lãnh thổ Yemen 17.000 lần, ngày nào cũng ném, ném “mổi” ngày, giết hại 80.000 người, đại đa số là thường dân, và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo bị Liên Hiệp Quốc coi là trầm trọng nhất thế giới, với 11 triệu người Yemen bị đe dọa về y tế và thực phẩm. (Hí họa của Dragan).

Lý do can thiệp của Saudi là, tại vì tôi thích thế, và sợ ảnh hưởng của người Houthi (vốn là thiểu số Zaidi, một nhánh ly khai của Hồi giáo Shia) lan ra người Shia tại Saudi, là thiểu số sống tại khu vực dầu được khai thác. Nếu đám này mà cũng đua đòi tự trị thì Saudi hết… dầu. (Biếm họa của Osama Hajjaj)

Nói thêm: Saudi tự coi mình là đứng đầu Hồi giáo Sunni trên toàn thế giới. Họ cũng có 15%-20% dân số theo Shia (tuy Shia nhưng không Zaidi). (Hí họa của Osama Hajjaj về quan hệ giữa hai nhánh Sunni và Shia).

Phong trào Houthi bí quá bèn quay sang Iran tìm ủng hộ. Trước đó, Iran không hề có ảnh hưởng gì với Houthi. Iran cũng Shia, nhưng Zaidi của Houthi là Shia ly khai. (Hí họa của Jehad Awrtani)

Lịch sử kể bằng drone

Houthi từng đánh lãnh thổ Saudi nhiều bận bằng drone, kể cả phi trường dân sự tỉnh nhỏ, nhưng không gây kết quả đáng kể. Trước đây, đại sứ Hoa kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nicky Haley còn mang về Mỹ một tên lửa có gốc từ Iran để tố cáo tội ác này. (Hí họa của Rainer Hachfeld – Đức)

Trong khi đó, vũ khí gốc Mỹ (và Anh, Pháp) sử dụng tại Yemen thì chẳng ai thèm giấu diếm. (Hí họa của Salman Rafi Sheikh)

Về Saudi, theo tổng thống Trump đại ngôn, chỉ trong mấy năm qua, Saudi sắm 400 tỉ vũ khí Mỹ mà “không đòi trả dần như những nước khác, không đòi nợ lãi suất 0% trên mấy chục năm, mà họ trả tiền mặt!” (Hí họa của Chappatté, tổng thống Trump bức xúc: “Nếu họ không dùng vũ khí của CHÚNG TA đế giết học trò Yemen thì họ sẽ dùng vũ khí Nga!”)

Quỹ quốc phòng Saudi năm 2018 đứng thứ 3 trên thế giới với 70 tỉ USD, qua mặt Nga, Anh, Pháp, Đức và chỉ sau có Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cái gì hiện đại nhất như Iphone 11 thì Saudi mua 2, một để xài và một để dành. (Hí họa của Chappatté về ý định đánh khắp nơi của Arab Saudi)

Cho nên, việc đánh drone vừa qua gây sửng sốt. Đây là bằng chứng một hệ thống phòng không hiện đại và một không lực hiện đại bị đánh bại bằng drone và tên lửa tương đối rẻ hơn rất nhiều. Chiến lược quốc phòng của mọi cường quốc dựa trên làm chủ vùng trời, và vùng trời Saudi có một lỗ hổng lớn len qua được. (Hí họa của Mark Lynch. Hai lính canh thắc mắc: “Có thể là một cuộc tấn công bằng drone mà cũng có thể là catalogue đồ lót Victoria Secret tao đặt mua qua Amazon”).

“Chiến tranh được Saudi sửa soạn trong 30 năm bị thất bại chỉ trong 30 phút” (Pierre Noel, Viện Quốc tế Chiến lược Học, IISS). Saudi la toáng, đây không thể nào chiến công của bọn Houthi đi dép đứt quai mà chắc chắn phải là bàn tay mờ ám của Iran. Theo Saudi, 18 drone và 7 tên lửa được phóng đi từ Iran, phía gần với Iraq. (Hí họa của Michael Ramirez về lời tố cáo của Saudi rằng Iran châm lửa vào dầu)

Một khả năng là đây từ Iraq phóng đi bởi vệ binh thân Iran, nhưng chuyện này không ai muốn nói ra. Chính quyền Iraq hiện ở trong tình trạng hai chàng, đưa người cửa trước rước người cửa sau. Mỹ là đại gia bao nhưng Iran là trai làng lối xóm và nếu đụng đầu thì Iraq sẽ phải dứt tình với đại gia thôi. Đại gia không muốn thế vì Iraq nõn nà, mất bao nhiêu công đeo đuổi và nước mắt. Nay tông cửa vào nhà bắt gặp trai làng mặc may ô cháo lòng thì Iraq bắt buộc phải mời đại gia đi ra, anh lắm chuyện quá, đây là bà con em đến thăm và kèm em học Anh văn buổi tối. (Hí họa của Hassan Bleibel về quan hệ Iran-Iraq-Mỹ)

*

Còn tiếp

*

Về Ả-rập:

- Bạn có biết Abu Dhahi Art?

- ART DUBAI càng ngày càng mạnh

- Học được gì từ ba chàng đẹp trai

- Dubai: làm được thơ thì ngu gì không đề thơ trên sóng

- Tao mới anh Hai UAE, mày là anh Ba nhưng còn thằng ông nội

- Quân vương và người đẹp: khi thép bốc lửa

- Tình sử Saudi: có ngoại ngữ, có váy ngắn, nhưng chỉ thiếu tiền giặt ủi

- Kẹo lạc cho họa sĩ: Công chúa dỏm và công chúa chổm

- Vân Tiên Từ Mẫu bản lắm kim cương

- Kể bằng hí họa: Ai đã đánh drone nhà máy dầu?

- Kể bằng hí họa: Em canh giếng dầu, anh che chở lúc bình yên

- Kể bằng hí họa: Iran mà chết là chết tất

- Bữa tiệc tháng kiêng

- Oman: đàn bà đi may áo, đàn ông vào khách sạn làm gì?

- Israel với Hamas: tiếc đã muộn rồi

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả