Đi & Ở

Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển 15. 10. 19 - 6:13 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài trước)

Nhân dịp 70 năm Quốc khánh Trung Quốc và việc hai nước Kiribati, Quần đảo Solomon chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, mình đành lạch cạch vào gõ nốt một bài viết đã bỏ dang dở từ 3 năm trước, nói về chính trị và đầu tư ở Vanuatu để kết thúc chuỗi bài này.

Nhà Quốc hội ai vào xem cũng được

Đến nước nào mình cũng tham quan Nhà Quốc hội, chỉ trừ có một nước mình sống từ bé đến lớn là không mở cửa cho cử tri chứ đừng nói là người nước ngoài, nên em chưa được vào. Giờ cùng xem Tòa nhà Quốc hội Vanuatu để tìm hiểu về nền dân chủ non trẻ của đất nước này sau hai thập kỷ bất ổn chính trị từ khi độc lập.

Cổng vào tòa nhà Quốc hội Vanuatu

Nhà Quốc hội, cũng như bất kì tòa nhà nào ở Vanuatu, không có bảo vệ túc trực thường xuyên, không lo trộm cắp; mình đi vào trong như chỗ không người, ngó nghiêng một lúc mới thấy một anh an ninh… mặc áo sơ mi hoa lá màu mè (là trang phục công sở ở các đảo quốc nhỏ Thái Bình Dương) ra hỏi đi đâu.

Hành lang Quốc hội vắng tanh, chả thấy ai “vận động”. Có lẽ do không phải vào ngày làm việc.

Dường như không có mấy khách tham quan địa điểm này chắc vì họ cho rằng cơ quan Nhà nước không cho phép vào. Mình bảo muốn tham quan, thế là anh này mới gọi sếp của anh ấy ra. Anh sếp vui vẻ dẫn đi tham quan một vòng và còn mở khóa cả phòng họp chính cho vào xem, chụp ảnh tha hồ. Chắc không ở đâu được cái ưu ái như thế.

Phòng họp chính của Quốc hội

Quốc hội Vanuatu hoạt động theo cơ chế Hệ thống Westminster của Anh và thể hiện ở cách bài trí chỗ ngồi nhưng lại chỉ có một viện. Anh an ninh “tự hào” giới thiệu rằng ở đây có hệ thống ghi chép-phiên dịch biên bản thủ công ra ba thứ tiếng trên thế giới (và chỉ ba thứ tiếng ấy). Các nghị sĩ phát biểu tiếng Anh thì sẽ có thư ký quốc hội dịch ra tiếng Pháp, tiếng Bislama, và ngược lại.

Dù được bầu ra bởi vỏn vẹn có 170,000 cử tri, nhưng lại do đồng bào mình bầu ra một cách dân chủ hẳn cũng hãnh diện lắm phải không ạ. Tôi đi nước nào cũng thấy người ta treo ảnh Thủ tướng các đời một cách trang trọng. Người ấy sau này có công tội ra sao thì ở thời điểm được bầu lên, lá phiếu của cử tri là hợp pháp, vị trí Thủ tướng là hợp hiến thì vẫn nên trưng bày trang trọng; chả ở đâu lại có cái kiểu “xóa tư cách”. Ví dụ như ông Thủ tướng gần cuối là Moana Carcasses Kalosil đã phải đi tù vì tội đưa hối lộ, tuy nhiên ảnh ông vẫn ở đây cười rất tươi. Tôi không được vào Nhà Quốc hội nước ta nên chẳng biết ở đấy có treo tranh ảnh gì không. Nhưng nói chung, ở đâu bầu cử không nghiêm túc thì cũng không nên treo ảnh, sau đỡ mất công tháo xuống.

Ảnh các bác Thủ tướng qua các đời trong Thư viện Quốc hội, có bác làm phát 3 ảnh giống nhau

Món quà của “Thiên triều” và cú đấm vỡ mồm

Tòa nhà Quốc hội Vanuatu là một món quà của Chính phủ Trung Quốc. “Thiên triều” thiết lập quan hệ ngoại giao với Vanuatu từ năm 1982, chỉ ba năm sau ngày Vanuatu độc lập, đủ thấy người Trung Quốc đã có tham vọng vươn ra hoàn cầu từ rất sớm, ngay khi họ vẫn còn khá nghèo.

Mô hình tòa nhà Quốc hội Vanuatu. Nhìn là biết món quà của Thiên triều.

Mới đây người Trung Quốc lại “tặng” thêm một Trung tâm Hội nghị quốc gia cực lớn nằm ngay cạnh nhà Quốc hội. Tòa nhà mới đến mức trên Google còn chưa có địa điểm, tôi phải thêm vào. Trung tâm hội nghị vắng tanh và các hạng mục sân vườn vẫn chưa hoàn thiện.

Trung tâm Hội nghị quốc gia Vanuatu. Chi tiền, xây dựng, thiết kế, giám sát thi công đều là người Trung Quốc, chỉ không rõ là cho hay cho vay.

Dịp diễu binh kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc năm nay có một đoàn 1000 các binh sĩ nước ngoài tham gia, đều là các nước đồng minh hoặc chư hầu của Trung Quốc, trong đó có Fiji và Vanuatu, hai nước lớn nhất ở Thái Bình Dương. Người Trung Quốc – với nguồn vốn khổng lồ và rất cần những thị trường dễ tính để tiêu thụ hàng hóa – đang tiếp cận khu vực Thái Bình Dương xa xôi này cũng là điều dễ hiểu.

Người Trung Quốc đã có ý quan tâm đến những vùng xa này từ lâu, họ chọn các nước châu Phi và Nam Thái Bình Dương để gây ảnh hưởng, tránh chạm mặt các nước lớn, thực dân lâu đời. Mặc dù Úc và New Zealand vẫn là những quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Vanuatu, nhưng việc người Trung Quốc ngày càng tăng cường hiện diện ở đây đã thách thức nghiêm trọng quyền lực của người Úc. Năm 2019, Thủ tướng Úc đã thăm chính thức Fiji và Vanuatu (và… Việt Nam), một việc hiếm thấy (vì Thủ tướng Úc vốn đã ít khi đi nước ngoài, huống chi là đi mấy nước nhỏ), đủ biết Úc cũng đã nhận ra vị thế mình lung lay thế nào.

Ở những đảo nhỏ, núi sông cách trở hơn, gần như không có người ngoại quốc sinh sống, các công nhân Trung Quốc đã bắt đầu có mặt để thi công các công trình cơ sở hạ tầng. Người Trung Quốc viện trợ và cho vay làm cơ sở hạ tầng nên rất thiết thực, dân dễ cảm nhận, người Úc viện trợ toàn những cái cao siêu như đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thể chế nhà nước, minh bạch hóa thông tin… nên chả ông nào thích. Trung Quốc nói sẽ làm cáp quang internet cho cả Nam Thái Bình Dương thì Úc mới giật mình, không cho Trung Quốc cắm cáp quang vào đường dây của Úc (là vị trí thuận tiện nhất) để kết nối ra thế giới, và Úc vội vàng đảm bảo sẽ tài trợ toàn bộ cáp quang cho mấy nước này.

Vấn đề lớn nhất và gây bức xúc nhất với các công ty Trung Quốc ở khắp thế giới là họ luôn mang theo công nhân viên Trung Quốc, không dùng người địa phương. Nhiều khi là vì dùng người Trung Quốc thì dễ nói chuyện, dễ quản lý và dễ trả lương thấp chứ không hẳn vì muốn đồng hóa như mấy bác hải ngoại hay tuyên truyền.

Công nhân Trung Quốc thi công con đường phía sau chỗ mình ở. Người Vanuatu đứng khoanh tay hoặc đút túi quần phía ngoài rào chắn.

Những chuyện sóng gió gần đây về quan hệ giữa Đài Loan với các nước Thái Bình Dương đã có từ lâu. Đài Loan và Trung Quốc luôn cố giành giật nhau (chủ yếu bằng tiền) từng nước nhỏ một trên thế giới để họ công nhận tính chính danh của chế độ mình. Đài Loan vốn giàu có trước Trung Quốc rất lâu nên đã có quan hệ ngoại giao với rất nhiều quốc đảo tí hon ở khắp thế giới. Ở Vanuatu thì nổi tiếng nhất với chuyện ngày 3. 11. 2004, Thủ tướng Serge Vohor bí mật thăm Đài Bắc để thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan trong khi chưa được Hội đồng Bộ trưởng thông qua. Hội đồng Bộ trưởng sau đó đã bác quyết định này và tiếp tục duy trì quan hệ với Trung Quốc. Ngày 1. 12. 2004, ông đại sứ Trung Quốc mới nhậm chức đã đến gặp Thủ tướng Vohor để trách cứ tại sao vẫn còn cờ Đài Loan treo ở một khách sạn tại Port Vila. Thế là đích thân Thủ tướng đã tung một quả đấm (vỡ mồm) đại sứ Trung Quốc (thực tế là vào vai, và người ta không rõ là đấm hay là đẩy nhưng đọc vẫn thấy phê lòi phải không các bác). Ông Thủ tướng sau đó bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, dù đã kiện lên Tòa án Tối cao nhưng cuối cùng vẫn mất chức!

Thiên đường thuế thì thuê ai thầu?

Không chỉ chính phủ Trung Quốc mà quan lại và giới thương gia Trung Quốc cũng đầu tư vào Vanuatu kha khá. Quốc tịch Vanuatu có giá 150k đô/người độc thân, hai vợ chồng và hai con trọn gói có 200k, mua luôn không cần cư trú (loại này không được bầu cử), lấy hộ chiếu ngay, được miễn visa 129 nước bao gồm Schengen, Anh, Hong Kong và Nga. Lúc đi Vanuatu, tôi cũng “trộm nghĩ” hay là sau này có vốn, làm một bộ hộ chiếu cả nhà đi lại cho tiện, giá quá rẻ. Bây giờ thì người Trung Quốc mua rào rào và đã có ông Bộ trưởng Vanuatu rũ tù vì tội ký “bán” hộ chiếu trái quy định cho người Trung Quốc.

Vanuatu được mệnh danh là một tax haven (thiên đường thuế). Đây là một trong những cách chủ yếu để thu hút vốn đầu tư vào các quốc đảo nhỏ bé xa xôi. Khi vụ hồ sơ Panama nổi lên ở Việt Nam, nhiều người mới bắt đầu tìm hiểu về khái niệm Thiên đường thuế. Từ haven (hây-vừn) trong tax haven nghĩa là “nơi ẩn náu, nơi trốn tránh” gần giống với từ heaven (he-vừn) nghĩa là “thiên đường”. Có lẽ vì sự na ná này mà khi dịch sang nhiều ngôn ngữ khác, người ta cũng dùng cụm tương đương với “tax paradise” (“paradise” cũng là thiên đường) hiểu với nghĩa là một nơi sung sướng tuyệt vời. Vì thế, chúng ta dịch “thiên đường thuế” thì không sai nhưng nên lưu ý trong tiếng Anh chỉ có thuật ngữ tax haven.

Tax haven không còn mới mẻ gì với giới doanh nghiệp Âu Mỹ, khi mà họ làm ra quá nhiều tiền và cần tìm cách tránh thuế, trốn thuế, luân chuyển dòng tiền và… rửa tiền. Phần đông dân ta còn nghèo, không nhiều người biết và quan tâm, nên khi có sự kiện mới sinh ra ồn ào trên báo chí đến vậy. Các quốc đảo nhỏ xíu và các nước bé tẹo ở châu Âu thường là nơi có dịch vụ tài chính này. Do tài nguyên thiên nhiên không có gì nên đi buôn tiền là cách kiếm lợi tốt nhất mà họ có thể làm được nhờ hệ thống đánh thuế thấp và điều kiện đăng ký kinh doanh siêu dễ dàng. Thụy Sĩ vẫn là nổi tiếng nhất, ngoài ra có cả những nước giàu mạnh như Hà Lan (bao gồm các lãnh thổ hải ngoại của nó) do lịch sử kinh doanh tư bản lâu đời

Một mẩu quảng cáo môi giới đầu tư trong tạp chí trên máy bay của Air Vanuatu. Một ông (chắc là) người Úc đã khoanh vào mặt một người đồng hương và ghi “Don’t trust this man” (Đừng tin thằng cha này). Mẩu quảng cáo cũng có dòng chữ đỏ “Chinese spoken” (Có nhân viên nói tiếng Hoa)

Vanuatu đã tuyên bố vào năm 2008 là sẽ từ bỏ danh hiệu tax haven nhưng trên có vẻ không phải như vậy. Các quảng cáo trên tạp chí máy bay, cửa kính các công ty bất động sản hay cả quảng cáo… du lịch đều nhan nhản chữ “tax haven”. Thực tế là hàng hóa đắt là vì tiền vận chuyển chứ không phải vì thuế. Hầu hết các mặt hàng chỉ có một loại thuế kiểu Pháp là VAT (thuế giá trị gia tăng). Nếu mua hàng duty free, rượu vang và trang sức chẳng hạn, thì giá rẻ hơn Úc 10-20% (mua xong họ gửi thằng ra sân bay, đến mãi lúc trước khi lên máy bay theo nghĩa đen mới được lấy). Thuế trước bạ trên nhà đất vẫn có chứ không phải không, trước đây là 7%, giờ đã xuống tầm 2%.

Một quả nồi nhôm Việt Nam trên kệ hàng siêu thị. Hàng Việt Nam sang tận đây mà không bị cạnh tranh bởi đồ Trung Quốc đủ biết thị phần còn nhiều thế nào.

Nước hoa Sài Gòn trong một quầy hàng lưu niệm. Ở Việt Nam em còn không thấy nước hoa này từ lâu lắm rồi

Phần nguồn gốc xuất xứ thì lại rất khó hiểu và mù mờ. Không thấy ghi sản xuất tại Việt Nam, mà nhà sản xuất là Shenglong de Saigon và ở khu công nghiêp ShiTaTou nào đó, chắc bên Tàu, còn nhà phân phối thì ở Angola

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Vanuatu rơi vào khoảng 2 triệu đô la Mỹ. Thủ tướng Vanuatu đã sang thăm Việt Nam năm 2014. Nước ta có lợi thế là có cộng đồng Việt kiều ở đây, nếu máu làm ăn chắc không phải quá khó. Nhưng chốt lại theo tôi thì đầu tư mua quả hộ chiếu trước rồi làm ăn gì thì làm. Có điều phải nhớ lấy mà dùng chứ đừng cất kĩ như đại gia V, ra đến tòa mới khai là có quốc tịch Antigua và Barbuda thì còn nói làm gì (!?).

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả