Ăn uống

Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu 24. 10. 16 - 6:32 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 7)

Muốn ăn thì lăn vào chợ

Muốn đi ăn nhà hàng ngon thì phải dụng chiêu lấy ngắn nuôi dài. Ăn cơm bình dân trong chợ vừa gần gũi với dân bản xứ lại vừa… tiết kiệm được quân lương. Bước vào khu ăn uống với những cái bàn gỗ trải vải nhựa xanh đỏ và những cái ghế băng thấy giống như ở quê nhà. Ruồi bay nhiều như lần ăn ở Đồng Hới cách đây hơn mười lăm năm vậy. Mấy anh chị Tây cũng ngồi vắt vẻo mút mát thì cớ gì mình không ăn được. Hàng nào cũng có menu hẳn hoi, cũng bò, cũng cá. Miếng bít tết bò mỏng dính nhưng thịt và rau đều ngọt ngon nên đánh chén ngon lành.

.

 

Ngoài cơm thì người địa phương hay ăn kèm sắn luộc, do thích ăn chứ không phải đói kém mà độn. Ảnh: Đặng Thái

Làm một vòng quanh chợ thì thấy rau quả đa dạng như ở Việt Nam, nhất là rau thơm. Nhìn bó mùi tàu (ngò gai) hay quả bơ thì xuýt xoa vì rẻ, bên Úc bán đắt như quỷ. Nhiều giống rau thơm ở đây là do các cụ chân đăng nhà ta mang đi từ cả trăm năm trước, như cần ta, rau răm (Vietnamese mint) chẳng hạn. Không chỉ rau mà còn các loại cây ăn quả như khế, chuối, mít, sau này là thanh long. Ai đi nước ngoài lâu, nhất là mấy nước châu Âu rét mướt, về Việt Nam thấy người nhà nấu rau thì cứ giãy nảy cả lên. Bà cô ở Nga về, thấy bà nội nhặt rau cứ rú lên: “Bà nhặt kiểu gì mà phí phạm thế này, đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra” thế là bị bà cho một bài. Mấy chị Tây thì thích ăn chuối, cứ đâu chuối rẻ là thấy ăn lấy ăn để như chết đói.

Chợ bán nhiều nhất là khoai, có hẳn một khu riêng, củ nào củ nấy bằng bắp đùi. Mình chỉ thấy thú vị nhất là món lạc (đậu phộng) cả chùm, thân cây còn xanh nguyên, thấy cả lá rễ, buộc túm lại thành một bó, người ta vừa đi vừa bóc ăn. Lúc đầu tưởng ăn sống đâm hoảng, sau mới biết là luộc rồi nhưng chưa thấy cách ăn vậy bao giờ. Món ăn có ngon cũng là nhờ nguyên liệu tươi sạch, ẩm thực Việt Nam ngon một phần là vậy. Về các vùng quê ở Tây thì thực phẩm cũng ngon lành nhưng ở thành phố thì chán chết, dù mua ở chợ hay siêu thị thì cái gì cũng nhạt nhẽo, to mà không chất.

Khoai cứ vứt la liệt, ai mua thì đến nhặt rồi đi tìm chủ trả tiền chứ không có người ngồi trông hàng. Ảnh: Đặng Thái

Người Đen ăn uống đơn giản, nên nền ẩm thực cũng không có gì đặc sắc. Món đặc sản quốc hồn quốc túy là laplap. Laplap dùng bột xa kê hoặc khoai môn nghiền rồi gói lá chuối cùng các loại thịt, đem nướng vùi dưới đất. Khi ăn thì xúc sữa dừa cho lên trên. Cái coconut cream làm thủ công này khác hoàn toàn loại đóng hộp trước giờ vẫn ăn, nó thơm nhưng không ngấy như loại cốt dừa ta vẫn bỏ vào chè. Mình có mua mấy chai dầu dừa để tặng ai thích bôi lông đầu, đem về đến nhà nó đông đặc như mỡ lợn, đúng là nguyên chất.

Hàng cơm với món laplap đựng trong đĩa vuông này làm bằng chuối xanh. Ảnh: Đặng Thái

Chất chơi quán Pháp

Hôm trước mới là ăn đồ Pháp ở một quán “giả cầy” vì chủ người Úc, nên trước khi bái biệt phải đi ăn ở một nhà hàng Pháp thực thụ. Có nhiều quán Pháp từ đầu đến chân nên chọn ăn quán nào cũng là bài toán khó. Mình quyết định chọn L’houstalet mặc dù mọi người đã cảnh báo là sẽ phải đợi dài cổ mới có ăn.

Nhà hàng được quảng cáo là có tuổi đời lâu hơn cả… nước Vanuatu. Vì Vanuatu độc lập năm 1980, còn L’houstalet mở cửa năm 1973. Uy tín bốn mươi năm chứ chẳng chơi, lại còn thực đơn 25 năm nay không thay đổi. Lúc đến cửa nhà hàng thì cũng thấy hoành tráng thật, không phải vì quy mô mà vì ở cửa có treo tấm biển đồng “di tích lịch sử” viết bằng ba thứ tiếng: “Nơi đây, vào ngày 19/9/1979, lúc 4 giờ sáng, đại diện của tất cả các đảng phái chính trị, thủ lĩnh các tôn giáo, tù trưởng các bộ lạc và thành viên của Ủy ban hiến pháp đã hoàn thành bản dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa Vanuatu, bước quyết định để tiến tới nền độc lập”.

Nhà hàng bên trong rất rộng, các bàn ngồi đông nghịt, và chủ yếu là người địa phương, giới trí thức da trắng, thương nhân người Hoa, chính trị gia, nghĩa là những người có tiền. Nhìn quanh thì thấy nhà hàng được trang trí bởi rất nhiều tranh, treo kín tường và tất cả có cùng một phong cách, có lẽ là cùng một họa sĩ. Sau này mới biết đấy là tranh của hai nghệ sĩ nổi tiếng ở Vanuatu tên là Aloi Pilioko và Nicolai Michoutouchkine người gốc Nga. Hai ông có bức phù điêu to đùng ở Bưu điện thành phố ngày nào cũng đi qua mà không nhận ra.

Một số bàn có người châu Á nhưng tất cả đều nói tiếng Pháp. Bàn bên có món tôm flambe thơm điếc mũi. Trên tường là tranh của Pilioko. Ảnh: Đặng Thái.

Menu đưa ra rất nhanh nhưng đợi người đến ghi món thì rất lâu. Menu dày như quyển từ điển, chưa từng đi ăn ở đâu mà thấy menu nhiều món thế, tiếng Pháp ghi trước, tiếng Anh bên dưới. Cuối cùng mới nhận ra chỉ có một người nhận order chính là… ông chủ, đến từng bàn ghi món. Mình gọi:

Escargots à l’ail (Ốc sên bơ tỏi)
Crabe farci (Cua phá xí)
Civet de roussette

Món cuối cùng thì phần dịch tiếng Anh ghi là “flying fox” (sóc bay?!) nhưng thực tế nó là con… dơi. Civet là món thịt hầm nhừ nguyên con với rượu vang đỏ và hành tây tím. Đợi được ghi món đã lâu thì đợi ăn còn lâu hơn nữa, ăn kiểu Pháp mà!

Escargot, baguette và beurre. Ảnh: Đặng Thái

Nhà hàng cho dọn ra một ổ bánh mì và miếng bơ để chiêu đãi khách. Một đầu bánh mì mà to thế này thì cả cái bánh chắc phải hơn một mét. Bánh mì nóng giòn của nhà tự làm, đựng trong cái đĩa xám hình bầu dục có thành cao hay dùng ở Pháp. Thử hỏi trên đời còn món gì ngon hơn bánh mì nóng ăn lúc đói hả giời? Cứ bảo ăn từ từ để đợi món ra mà đợi mãi không thấy nên ăn hết nhẵn, nhặt đến cả vụn. Có thể nói luôn không cần đợi món chính: cái bánh mì này là món ngon nhất của nhà hàng (mà lại… miễn phí). Hóa ra không phải chỉ ở Pháp mới có bánh mì. Bánh mì ngon thế này ở Việt Nam chỉ có một lần ăn ở Cẩm Phả, đi chơi với người quen làm quản đốc mỏ than, ông ấy đi làm về đưa cho cái “bánh mì mỏ” nóng hổi, chuyên làm cho thợ mỏ ăn, ruột nó đặc kịt, ăn xong quên luôn sự đời và… bữa tối vì no.

Cua và dơi. Ảnh: Đặng Thái

Ốc sên được nấu rất vừa, đựng trong cái đĩa truyền thống với bộ đồ nghề chuyên nghệp. Nhưng mà ngon hơn cả lại là bơ, có lẽ là bơ tự làm ở địa phương. Cua phá xí cũng khá nhưng không ấn tượng lắm. Cuối cùng là món… dơi hầm. Có quán còn để nguyên đầu con dơi nhe răng trông phát khiếp, may mà ở đây đã bỏ đầu đi rồi. Ngược lại với mong đợi, thịt con dơi rất khô, nước sốt thì chua và đắng. Dĩ nhiên những món hầm Pháp thì bao giờ cũng hơi đăng đắng nhưng quả thực rất khó ăn, ấy là chưa kể thịt vẫn còn mùi nồng. Lần đầu tiên và cuối cùng trong chuyến đi phải bỏ thừa. Mấy hôm sau gặp bác Việt kiều mới biết bên này người Việt chuyên nấu món dơi… giả cầy và rựa mận, thơm ngon đáo để, Tây ăn thích mê!

Khi ra trả tiền thì thấy chỗ quầy rượu có treo ảnh Hoa hậu Vanuatu. Thấy mình nhìn tấm ảnh, cô phục vụ hỏi: “Me-xừ có muốn chụp ảnh với cô trong ảnh này không?”. Mình giật cả nảy, hỏi lại: “Làm sao mà chụp được hả chị?”. Cô chỉ tay ra sau lưng mình nói đơn giản: “Đang ngồi ăn kia kìa”. “À, ra là khách quen”. “Không, con gái ông chủ đấy, còn cái ông vẽ tranh treo khắp ở đây cũng đang ngồi ăn cùng. Để em ra gọi lại chụp ảnh nhé?”. “Thôi thôi, ai lại làm thế được” (Nghĩ cũng tiếc, chẳng mấy khi đi đâu lại gặp hoa hậu một nước ngồi ăn trước mặt mình). Ông chủ đang ngồi ăn cùng một chục quan khách quanh cái bàn tròn, nom toàn văn nghệ sĩ, ông ra dáng một người bảo trợ cho nghệ thuật lắm. Cô phục vụ tính tiền xong sau khi đã kiểm tra ba lần bằng máy tính, phải chạy lon ton ra đưa ông chủ duyệt hóa đơn một lần nữa. Gớm, quản lý cả đầu vào lẫn đầu ra! Nhận hóa đơn mình mới biết là giá trong menu chưa bao gồm thuế VAT 12,5%. Thịt dơi còn đang giắt trong răng đây này!

*

(Còn tiếp bài 9)

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

20:03 Monday,24.10.2016 Đăng bởi:  Candid
Giờ em mới biết món cua phá xí là món Pháp chứ không phải món Quảng Đông :D
...xem tiếp
20:03 Monday,24.10.2016 Đăng bởi:  Candid
Giờ em mới biết món cua phá xí là món Pháp chứ không phải món Quảng Đông :D 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả