Đi & Ở

Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi 17. 08. 20 - 10:42 am

Đặng Thái

(Xem tiếp bài trước)

Đây là câu chuyện đi tìm chỗ ở tại Mát…

Mình nhanh chóng dậy đi tìm chỗ mua nước và đồ ăn sáng. Buổi sáng phố xá vẫn vắng, xe cộ chưa đi lại gì hết. Ra phố là đã tia ngay thấy một cửa hàng bên kia đường có chữ супермаркет (supermarket). Thế nhưng trước khi sang đường thì bỗng nhìn thấy ngay bên cạnh nhà nghỉ đang ở sừng sững một cái tòa nhà khổng lồ, to khủng khiếp, nom phải đến hàng ngàn phòng, gương kính sáng lóa. Mình đoán đây là trụ sở của Bộ gì đấy, lúc đêm xe chạy qua cũng loáng thoáng thấy có tượng đồng chí nào đấy dựng phía trước, nhưng ban đêm không thấy nó to như ban ngày. Để thỏa chí tò mò, mình liền tra điện thoại ngay xem là Bộ gì thì… hóa ra nó là cái khách sạn tên là Cosmos! Và ngạc nhiên hơn là giá báo trên Google chỉ bằng giá phòng cái “nhà nghỉ” này!

Khách sạn Cosmos. Ảnh: Đặng Thái

Khách sạn Cosmos, một trong những khách sạn to nhất Nga và châu Âu được xây dựng nhằm phục vụ Thế vận hội 1980. Chắc từ bấy đến nay khách sạn này mới có dịp kín phòng khi Nga đăng cai một sự kiện thuộc hàng lớn nhất thế giới. Mình bấm liên tục để đặt phòng thì các trang web báo hết cả. Thế là mình dẹp mẹ nó cơn khát sang một bên để đi bộ vào khách sạn. Cái gì ở Nga nó cũng to các bác ạ, từ phía sau mà đi rất nhanh vòng ra phía trước cũng mất gần 10 phút. Phía trước khách sạn hóa ra là tượng De Gaulle chứ không phải đồng chí Liên Xô nào cả, do khách sạn này được các kiến trúc sư Pháp hợp tác với kiến trúc sư Liên Xô thiết kế. Đi theo đường xe ôtô lên mặt tiền khách sạn thì dài, mình đi tắt vào tầng dưới mặt đất tức là tầng hầm của khách sạn. Có anh bảo vệ ngồi gật gà gật gù với cái cổng soi an ninh, mình đi qua kêu bíp bíp anh cũng chả nói gì vì hình như ai đi qua nó cũng bíp bíp.

“Hết phòng rồi ạ!” Em lễ tân nói tỉnh bơ, xong đi luôn. Mình nhìn mấy đoàn khách Trung Quốc vừa đi xuống thang máy, vừa xì xà xì xồ, cười phớ lớ mà ức, tại sao ông giời không cho mình đặt được phòng nào trong số 1777 phòng của cái khách sạn to như Tòa thánh này. Mình quay lại khu nhà nghỉ, đi tìm hỏi mấy chỗ xung quanh. Bây giờ thì mọi người, tức là lễ tân nhà nghỉ, lại nói được tiếng Anh trôi chảy một cách đáng ngạc nhiên. Có khách sạn trông tử tế nhất, mình xem giá online là 8500 rúp/đêm, vào hỏi thì anh lễ tân ngọt ngào đưa ra giá là 10500! Còn lại mấy chỗ khác đều là cả tòa nhà tập thể rồi cải tạo như chỗ mình đang ở, hơn nữa còn hết phòng! Đi du lịch mùa đại lễ thì biết làm sao, cơ hội làm ăn nghìn năm có một (theo đúng nghĩa đen) của người ta!

Sau khi ăn sáng bằng mấy miếng sandwich cá hộp và món sữa tươi nhạt thếch, mình nhanh chóng lao vào tìm phòng khách sạn. Với giá tầm $60 (3600 rúp) chỉ có phòng ở những vùng xa trung tâm, nghĩa là ở những ga gần cuối đường tàu Metro. Cô mình ở Kazan đã có lần nói đùa qua điện thoại là hay cả nhà dọn đi ở tạm chỗ khác để lấy nhà cho khách du lịch thuê; cô mình thì đùa nhưng ở đây người ta làm thật. Tất cả các phòng này đều là một phòng trong căn hộ, và 99% đều là nhà dân, tranh thủ mùa hội mà cho thuê ở một nước rất thiếu khách sạn, trong một tháng World Cup có thế kiếm ngon ơ gần $2000. Thế là mình quyết định một chỗ ở gần ga Altufyevo, ga cuối trên tuyến màu xám số 9.

Quang cảnh nhìn qua cửa sổ tàu. Ảnh: Đặng Thái

Ngồi trên tàu nhìn thấy phía sau một xưởng sản xuất nước lọc đóng bình, nhìn kiểu này có vẻ giống “nước lọc” vặn vòi ở Việt Nam lắm! Chính phủ Nga nói rằng nước vòi của họ uống được trực tiếp nhưng các nước Âu Mỹ Úc đều khuyến cáo công dân đi Nga thì không được uống nước vòi. Cá nhân mình thử nước vòi Nga cũng cảm thấy không uống được, vẫn bị xít răng và chát trong miệng. Đường phố ở đây có vỉa hè rộng không thế tưởng tượng được, rất nhiều chỗ rộng đến hai chục mét, bác nào kinh doanh mặt tiền ở Hà Nội nhìn thấy chắc tiếc xót ruột! Người đi bộ trên vỉa hè và người bắt xe buýt rất đông. Xe buýt cũng rất nhiều nữa, cứ 5 phút là thấy người đứng kín vỉa hè đợi xe buýt, xe đến dọn người đi hết sạch, 5 phút sau người lại đông nghịt, cứ 5 phút xe lại đến và cứ thế lặp lại cho đến… 12h đêm! Tầng 1 của nhiều chung cư đã biến thành các ki-ốt, bán hàng tạp hóa và các loại rau củ thịt thà, chỗ nào sang hơn thì làm hiệu thuốc hay hàng ăn. Giống như Việt Nam ta thời mở cửa, trong cùng nhà tập thể, vợ ông tướng nhà to phía trong phải nịnh vợ ông tá căn bé phía ngoài (lúc phân không ai muốn nhận) đổi nhà để lấy mặt tiền mà kinh doanh.

Từ trên chung cư nhìn sang đường. Ảnh: Đặng Thái

Mình tìm đến nhà số 8 mà không tài nào tìm ra cái chung cư ấy vì có quá nhiều nhà chung cư cũ cũ giống hệt nhau. Hóa ra cả chục tòa nhà chung cư sát nhau đều cùng một địa chỉ số 8. Gọi điện hỏi tay chủ nhà thì cứ thấy mình gọi là họ dập máy rồi nhắn tin. Mình thấy nhắn tin sốt ruột quá, lại không muốn tốn pin điện thoại mở 3G nên gọi luôn, không hiểu tay này có gì mờ ám mà không dám nghe điện thoại trong khi tin nhắn vẫn trả lời đều như vắt chanh. Cuối cùng khi họ nghe máy ú ớ thì mình mới hiểu ra là họ không nói được tiếng Anh nhưng nhắn tin thì có Google Dịch nên trả lời lại được. Ngồi đợi chán chê mà cả khu chung cư to đùng không một ai ra vào, chỉ cách đường cái mấy mét, vẫn nhìn thấy người qua lại, nhưng ngồi đây giữa tán cây sum suê thấy mát rượi và yên bình lạ lùng. Mãi mới có một bà người Trung Á, người nhỏ xíu, đi thoăn thoắt vào nhà và liếc nhìn mình. Một lúc sau (chắc là dọn dẹp phòng xong) thì chính bà này mở cửa và đưa cho mình mật khẩu vào chung cư cộng với chìa khóa. Tất cả cửa chính ở chung cư Nga đều bằng sắt, cực kì nặng và khi đóng lại thì khít vào khung cửa đến một tờ giấy cũng không lọt. Có lẽ là để ngăn cái lạnh mùa đông. Vừa bước vào nhà là khu hòm thư, hòm thư để trong nhà chứ không phải ngoài trời. Có một chi tiết làm mình nhớ và khi về Úc kể với mấy ông bạn Tây, người ta còn không tin và cười lăn cười bò khi nghe kể rằng bên Nga đến hòm thư cũng có máy sưởi!

Máy sưởi cho khu hòm thư, không nói điêu! Ảnh: Đặng Thái

Thang máy bé tí và mang hiệu Moslift, chắc là sản xuất ở Nga vì mỗi khi mở cửa nó rung lên bần bật, khi đi lên thì lắc như trò chơi cảm giác mạnh và nghe tiếng dây cáp kéo soàn soạt. Có lần bước vào lúc thang máy đang đóng cửa, nó kẹp cho kịch một cái đau điếng, rồi mới chịu mở ra vì chẳng có cảm ứng gì hết, sau phát đấy sợ hết hồn luôn. Chung cư Nga luôn có 3 lần cửa: một cửa chính, một cửa vào mỗi tầng và một cửa nhà, tất cả đếu bằng thép sơn nặng như cửa nhà tù và có vẻ là sản xuất ở cùng một nhà máy vì thấy giống hệt về thiết kế mẫu mã.

Trong nhà tối tăm và ngập ngụa đồ đạc không khác gì một bãi rác chỉ may là không hôi. Giầy dép nhiều và vứt bừa bãi. Chổi cùn rế rách ở khắp nơi, tủ to tủ bé nhồi nhét đủ các đồ đạc què cụt sứt mẻ, trên tường lịch cũ lịch mới rách tả tơi, ảnh Chúa trên lịch bị rách ngang người, còn mỗi đầu trên tường. Giường ngủ là cái ghế sofa của IKEA, loại có thể kéo ra thành cái giường tạm.

Rất bất ngờ khi người ở cùng nhà là một bạn sinh viên Nga rất xinh, tóc vàng, mắt xanh, da trắng, người mảnh khảnh như rất nhiều cô gái Nga trẻ khác. Không hiểu sao các em gái Nga lúc trẻ thì gầy, cằm thon và xinh như mộng nhưng lấy chồng xong thì nhanh chóng phì ra như cái hồ lô tuột cạp. Khác hẳn bên Úc, tỉ lệ phụ nữ trẻ béo tròn rất nhiều còn ở Nga gần như không có con gái còn trẻ mà nặng cân. Có lẽ do ngày trẻ thiếu tiền và đói ăn chăng? Ban đầu bạn ấy tỏ ra lạnh lùng nhưng hóa ra là ngượng nghịu và lúng túng khi nói tiếng Anh (mặc dù nói khá tốt) rất dễ thương, trả lời rất thật thà, hoàn toàn không giống với gái Anh (và các nước nói tiếng Anh). Bảo sao mấy cha Mỹ với Anh sang Nga cua gái cứ nhoay nhoáy.

Xe buýt trước cửa nhà với phụ nữ/gái Nga trước và sau khi lấy chồng! Ảnh: Đặng Thái

Mình cứ nhớ mãi cảnh em ấy ngồi làm toán cao cấp trong bếp, cứ như nàng Lọ Lem ngập lụt giữa đống đồ đạc vậy. Em ấy thuê phòng trong nhà này dài hạn để đi học Đại học Tài chính, nhưng thật bất ngờ là giá phòng mình thuê không phải đắt mà em ấy ở dài hạn cũng phải trả gần bằng như thế mỗi ngày. Giá thuê nhà ở Moskva quá khủng khiếp, giá mua nhà còn kinh dị hơn nếu so sánh về chất lượng cơ sở hạ tầng với bên Úc dù ở Úc đã rất đắt đỏ, mà cái chỗ này chỉ là ga cuối cùng của tuyến tàu điện ngầm với vài trăm cái chung cư 15 tầng ở cạnh nhau. Chi phí sinh hoạt ở Moskva thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới mà chất lượng sống thì chưa xứng đáng tí nào. Cái tư duy thủ đô là to nhất, đông nhất, giàu nhất có lẽ từ Liên Xô mà ra khi mà mọi thứ tập trung ở Trung ương, sinh ra một loạt đất nước méo mó về quy hoạch, chuyển dịch dân cư, mất cân bằng kinh tế vùng và tư tưởng của dân chúng. Rất nhiều người đến Úc lần đầu mới biết Canberra là thủ đô chứ không phải Sydney và nó rất đẹp nhưng không hề đông đúc. Washington D.C của Mỹ, Ottawa của Canada và Wellington của New Zealand đều tương tự.

Đường xa mệt nhọc, nhuệ khí của binh sĩ đã hết sạch, kế hoạch đi chơi mặc kệ, mình lăn ra ngủ một mạch. Lúc ngủ dậy trời đã tối, tắm rửa xong ra phố cũng đã 9h, sợ rằng như bên Úc thì sẽ không còn cả đất mà cạp ăn nhưng rất may là hàng quán bên Nga mở rất muộn dù cũng đang lục tục đóng cửa cả rồi. Mùa hè ngân hàng mở đến 9h tối, còn các hàng ăn thì 9h đã đóng cửa. Siêu thị và hiệu thuốc thì mở rất muộn, đặc biệt là hiệu thuốc thường mở 24h. Một điều kì lạ là hiệu thuốc ở Nga siêu siêu nhiều, nhiều một cách bất thường, thành phố nào cũng vậy, ngõ ngách nào cũng có và 1 đoạn 100m có khi đến 5 hiệu thuốc, làm mình cứ tưởng trong đấy bán kèm thuốc lá hay rượu bia gì thì mới nhiều và mở muộn như thế, nhưng không, chỉ bán thuốc và đôi khi có lăn nách với dầu gội đầu!

Siêu thị bán đồ ăn thì vẫn mở nhưng các hàng ăn đã đóng cửa hết. Chỉ còn một tia hi vọng duy nhất (sáng đèn rực rỡ, người ra vào tấp nập), cũng là nơi bán đồ ăn mà mình ghê tởm nhất, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác: Макдоналдс (McDonald’s). Sau khi vác bụng ọc ạch (đói chẳng ra đói no chẳng ra no) về, mình còn rẽ vào một quầy mua mấy gói mì tôm để xem di sản của Vịn Vương tại xứ này ra sao và can nước lọc 5 lít để dự trữ quân lương.

*

ĐI LX xem WC:

- Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ

- Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky

- Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng

- Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka

- Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy

- Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga

- Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga

- Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan

- Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất

- Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ

- Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn

- Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi

- Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý

- Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga

- Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào?

- Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông

Ý kiến - Thảo luận

17:24 Monday,7.9.2020 Đăng bởi:  candid
Chỗ để hòm thư mà không có máy sưởi thì chết rét. Mùa đông đi ngoài đường chết rét nhiều khi chỉ mong có code mã cửa để vào trong đứng chờ cho đỡ lạnh.
...xem tiếp
17:24 Monday,7.9.2020 Đăng bởi:  candid
Chỗ để hòm thư mà không có máy sưởi thì chết rét. Mùa đông đi ngoài đường chết rét nhiều khi chỉ mong có code mã cửa để vào trong đứng chờ cho đỡ lạnh. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả