|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞĐi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn 11. 08. 20 - 5:20 pmĐặng Thái(Tiếp theo các bài trước) Đây là câu chuyện đi tìm chỗ ở tại Mát nhưng thấy có nhiều điều về cuộc sống thành thị của tầng lớp bình dân Nga nên biên lại thành một bài. Quay lại từ lúc ngồi trên máy bay… Đến nước nào thì mình thường cố gắng đi máy bay của nước ấy vì như người trong ngành hay bảo: “Vietnam Airlines giống hệt như cái xã hội Việt Nam thu nhỏ”. Từ Úc đi Trung Quốc thì bay China Southern Airlines, còn từ Trung Quốc đi Nga thì bay Aeroflot. Tàu bay của giai cấp công nông mang hình Búa Liềm Bay Aeroflot cũng không có gì đặc biệt, tiếp viên vào biên chế hết nên gần như sắp đến tuổi về hưu cả. Vì trong cùng một liên minh Skyteam với Vietnam Airlines và China Southern Airlines nên giống nhau từ thiết kế khay ăn cho đến câu thông báo của cơ trưởng. Chỉ có đặc biệt là ghế máy bay bọc da hết, một tiêu chuẩn về sang trọng có từ thời Liên Xô, cuối máy bay có một góc nho nhỏ để ai thích ăn vặt đồ gì thì tự phục vụ. Mình có thử cái bánh gừng Nga, rất ngọt nhưng cảm giác đồ ngọt của Nga không phải đường hóa học, ăn nó vẫn thật thật thế nào. Việt kiều bên Nga và cả dân Nga suốt hai chục năm từ 1990-2010 sợ đi Aeroflot vì máy bay rơi nhiều như sung rụng. Trên bách khoa toàn thư Wikipedia, về tai nạn máy bay của Aeroflot phải có riêng một trang và mỗi thập niên lại có riêng một trang nữa. Aeroflot là hãng kém an toàn nhất trên thế giới, người ta thường đổ tại lịch sử của nó lâu đời từ năm 1923, thời máy bay còn lạc hậu nhưng hãng Qantas của Úc thành lập năm 1920 lại là hãng an toàn nhất trên thế giới, rõ ràng tai nạn nhiều là do máy bay dân dụng của Liên Xô rất lạc hậu và thường bị sử dụng quá đát. Từ ngày Aeroflot đoạn tuyệt với máy bay Nga thì khách bắt đầu đi đông trở lại và Việt kiều Nga chuyển sang đi Aeroflot vì hành lý tính theo hệ kiện (2 kiện là 23×2 = 46kg) so với Vietnam Airlines dùng hệ cân chỉ được 30 kg. Chọn đi máy bay của nước mình sắp đến cũng bởi vì các hãng này thường có phim của nước họ sản xuất, nói tiếng nước ấy thay vì những phim Hollywood xem lúc nào cũng được, xem đâu cũng có. Và phim trên máy bay thường là bài học vỡ lòng về văn hóa và xã hội nước ấy thời nay. Thủ pháp làm phim thì đã giống Hollywood rất nhiều nhưng cách biểu đạt thì một vài phim vẫn còn chất Nga. Phim phản ánh xã hội Nga khá chân thực, vẫn còn lạc hậu so với phương Tây nhưng muốn đua đòi theo Tây và đô thị đầy cạm bẫy, nguy hiểm. Diễn viên Nga thì rất xinh (có phim đưa cả đám sang Dubai cho mấy đại gia, hoàng thân quốc thích chọn lựa mà xót), và qua phim cũng thấy nước Nga là một nước đa chủng tộc, đa văn hóa chứ không phải chỉ mắt xanh, tóc vàng như mình vẫn tưởng. Nhà nghỉ đầu tiên chọn ở Mát là một cái nhà nghỉ bình dân nhỏ xinh giữa khu rừng thông ven đô, chủ nhà sống ở tầng 1, có vườn hoa be bé phía sau, trông trên ảnh thì thật là thích hợp cho việc tránh xa ồn ào phố thị, để tối đi mệt về thì ngủ cho lại sức. Chuyện đi tìm nhà nghỉ tiếp tục với đoạn ăn KFC ở bài trước. Để đến cái nhà nghỉ kì khu ấy còn phải bắt một xe buýt nữa. Việc đi tàu rồi đi tiếp buýt ở Tây hay ở Hà Nội thì cũng bình thường, nhưng cái khu này bến tàu bến xe, trời xâm xẩm tối, vừa nóng vừa mệt, mấy người Trung Á cứ gạ gẫm taxi với chỉ đường nên cũng chờn chợn. Cuối cùng cũng tìm ra cái chỗ bắt xe buýt, và xe buýt này không phải xe buýt to như trong phố, nó bé tí, là cái xe 12 chỗ với biển tên tuyến là tấm nhựa trắng dán chữ đỏ y như xe khách ở Việt Nam; mình đã chuẩn bị sẵn tên tiếng Nga của điểm dừng, bác tài gật gật nên cũng thấy yên tâm. Xe lao vào màn đêm như phim, đi mãi đi mãi qua hết chung cư nhà cửa, lại ra cánh đồng với rừng cây, cứ tối sâu hun hút, đến đoạn có cái đồn cảnh sát là mình thấy giống trên Google nên ú ớ bác tài thì ông ấy mới nhớ ra thả xuống. Điểm dừng xe buýt tối om ở giữa cánh rừng, hai làn đường toàn xe tải chạy kín đặc. Nhà nghỉ thì đã thấy ở bên kia đường nhưng làm sao qua được đường bây giờ? Mình lò dò ra đến mép đường, hai dòng xe tải vẫn chạy rầm rập, đèn sáng quắc. Mình thò đầu ra đường nhìn xem có liều băng qua được không thì bỗng nhiên cả hai bên đường xe dừng cả lại. Thì ra có cái biển nhường đường cho người đi bộ màu xanh da trời treo lủng lẳng trên cao, có hình người màu đen đi qua đường (mà ở Việt Nam cũng có nhưng không ai chấp hành bao giờ ấy). Đúng vẫn là ở châu Âu, thật văn minh, mình liền nhanh chóng đi qua vạch kẻ đường mà sang bên kia. Nhà nghỉ tối om om nhưng vẫn có dòng chữ “хостел” (hostel) bằng đèn neon sáng trắng. Nhìn vào trong thì thấy đèn và thấy có người đi lại mà không tài nào gọi được dù điện thoại hay gõ cửa, cổng đi vòng ra sau vườn thì khóa. Đang tuyệt vọng thì bỗng nhiên có ông hàng xóm trông hơi te te say rượu đi qua, ông ấy bảo cứ mở cửa mà vào. Đúng là mình lịch sự quá hóa rồ, cửa không khóa nhưng thấy đóng im ỉm nên mình không dám mở. Gia đình bà chủ nhà nghỉ đang ở trong gồm ông chồng to béo và một thằng cu tầm 6 tuổi. Cả nhà nhìn mình ngơ ngác. Bà chủ đang nói vào trong điện thoại để Google translate dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh với mấy bố Pakistan. Lẽ ra nhà nước Nga phải gửi điện cảm ơn cho Google vì có thể nói là Google translate siêu phàm đã giúp Nga tổ chức thành công World Cup. Mình nhanh chóng hiểu ra vấn đề, phòng của mình là phòng trống cuối cùng, bà này đã cho ba ông Pakistan thuê vì tối rồi mà mình chưa đến. Mấy ông Pakistan thì tưởng bở thuê được phòng rẻ ai ngờ phải đi quá xa nên không muốn ở chỗ này, nhưng giờ tối muộn rồi không muốn đi đâu nữa nên quyết bám trụ đến sáng. Bà chủ nhà nghỉ xem giấy đặt phòng online của mình xong thì quay ra nói (bằng điện thoại) là tôi sẽ đưa anh đến nhà nghỉ khác cũng của nhà tôi, xa hơn một tí, ok không? Cái chỗ mình đứng ngay gần bếp, thấy ông chồng mặc quần trễ hở khe đít đang luộc mấy con cá mắt trắng dã, mùi bay tanh ngòm, muỗi bay vo vo nên gật đầu đồng ý vội. Bà ấy gọi taxi xì xồ gì rất lâu, đứng đấy vừa nóng vừa muỗi nên mình cũng quyết là thôi thì ngủ tạm đêm nay rồi mai sẽ biến, ngày hôm nay đen đủi thế là đủ lắm rồi. Thằng bé nhanh nhẹn dắt mình xuống nhà đợi taxi, nó không hiểu tiếng Anh nhưng rất nhiệt tình trả lời mình bằng… tiếng Nga. Ông taxi cuối cùng cũng đến, đầu trọc và là người Trung Á. Ông này hỏi thằng bé kiểu như là cái điểm đến nó ở đâu, thằng bé khoa chân múa tay gì không rõ. Ông taxi gật gật rồi chở mình đi theo… bản đồ trên điện thoại. Lại kiểu mấy người lái Grab, Uber thời hiện đại, đường không biết, đã có tổ nghề Google Maps độ mạng! Ông này chạy về phía thành phố, mình đã khấp khởi mừng thầm thì sau mấy cây số, cái bản đồ nó bỗng chỉ ông này đến một chỗ giữa đường để quay đầu xe vì chỗ này có vạch đứt, còn trước nhà nghỉ là vạch liền. Đến đây thì lần đầu tiên mình được nếm mùi Nga ngố dù ông lái xe không phải Nga trắng. Ông ấy đi gần 4 cây số chỉ để đến chỗ có vạch đứt để quành đầu xe, mặc dù đường lúc này đã vắng, không hiểu là dân Nga chấp hành pháp luật hay vì gần đấy có đồn cảnh sát chuyên rình để phạt nữa! Và sau khi quay đầu xe thì ông ấy lao vút ngày càng xa thành phố, qua cái nhà nghỉ vừa rồi, qua hết cả cánh rừng. Nhà cửa hai bên đường ngày càng tiêu điều, xiêu vẹo. Cảnh nhà cửa đổ nát không phải giống phim ma mà giống như phim tài liệu về thành phố sau chiến tranh vậy, hoang tàn, bẩn thỉu và tối tăm, xấu hơn ở ngoại thành các thành phố lớn của Việt Nam nhiều. Đến khi nhìn thấy cái biển trên đường có chữ Москва (Moskva) gạch chéo đỏ (hết địa phận Mát-xcơ-va) thì mình lẩm bẩm: “Bỏ mẹ rồi!”. Thế mà ông ấy còn đi thêm độ 5 cây số nữa, rồi mới rẽ vào một cái đường đất, tối như hũ nút, chẳng biết ông ấy nhìn thấy gì không nhưng có vẻ như ông ấy chọn bừa một cái nhà nào đấy rồi dừng xe, nói vào điện thoại, dịch thành: “Đến nơi rồi, chúng mày xuống đi. Và trả tiền tao nữa”. Giờ đã gần 11 giờ đêm, xung quanh tối om, cái nhà to lù lù như cái nhà ma không một tiếng động, chẳng biết gọi cửa cách nào mà cũng chẳng biết ông này có đến đúng địa chỉ không. Thế là vớ ngay quả điện thoại của ông này, hí hoáy gõ tiếng Anh rằng: Ông biết có khu nào nhiều nhà nghỉ khách sạn thì chở chúng tôi đến, đừng đắt quá là được, càng gần trung tâm càng tốt. Ông này lơ ngơ không hiểu, xong giải thích mãi mới hiểu ra là chúng tôi đếch cần ở cái chỗ này, ông cho chúng tôi đến ngay chỗ nào có đèn đường và có khách sạn là được. Lúc đầu mình cũng cảnh giác vì đêm hôm khuya khuắt, ông này lại đầu trọc, nhưng khi nhìn thấy ảnh con trai bé tí trong màn hình điện thoại, mình hiểu rằng họ cũng chỉ là người lao động bình thường, ở tỉnh lên thành phố kiếm sống nên ở mé ngoại thành này, khách sạn họ cũng không biết chỗ nào có nhiều. Rất may là ngẫm nghĩ một lúc thì ông ấy hỏi cái gì đấy có chữ “Vê Đê En Kha” (VDNK), nghe đến đây thì mình nhận ra, đồng ý ngay để ông ấy đi đến khu ấy, mà mình biết chắc là theo như bản đồ metro thì ở trung tâm hơn chỗ này nhiều, lại cũng không quá xa nếu đi xe. Và chiếc taxi lại vút đi trong đêm, chở theo hai con mực giờ đã khô như mười nắng, vừa khát, vừa mệt, vừa nóng như sốt, vừa buồn ngủ, vừa phải chống mắt lên đề phòng xem có chở mình đúng đường không (hay lại vào lò mổ nào là xong). Lúc đầu còn hỏi han được mấy câu, biết ông là người Cư-rư-gư-xtan, sau mệt quá chỉ ngồi lim dim chờ cho đến nơi. Ngoài trời không phải ánh trăng, cũng không phải sáng kiểu ánh đèn thành phố, mà là một thứ ánh sáng ma mị gì đấy, mình nghĩ có lẽ đêm trắng là thế này chăng, khi mà vẫn còn ít ánh sáng le lói của mặt trời tàn lụi cuối đường chân trời. Xe chạy qua khu Trung tâm thương mại Hà Nội–Mát-xcơ-va sáng rực ánh đèn, bình thường thì sẽ phấn khích lắm nhưng giờ thì chỉ còn ngồi vật vờ. Xe đi vào đường cao tốc MKAD (tức là đường vành đai chạy một vòng tròn quanh Mát) nhưng rất xấu và xóc. Mất gần nửa tiếng thì mới ra khỏi cao tốc, mình nhận ra xe đã đến VDNK vì thấy bức tượng “Nam công nhân và nữ nông trang viên” huyền thoại, khổng lồ, đèn đuốc rực rỡ, đang giơ cao búa liềm sáng chói. Mình đã biết bức tượng kì vĩ này từ nhỏ, chỉ muốn một lần được nhìn tận mắt nhưng không ngờ lần đầu tiên lại thấy nó khi mắt đã toét nhòe. Ông taxi dừng xe ở một khu có vẻ như toàn chung cư, đường phố le lói ánh đèn dù chỉ cách đường cái có hơn trăm mét. Ông chỉ đấy, đấy toàn nhà khách sạn và nhà nghỉ đấy. Mình xuống xe trả 1000 rúp cho quãng đường 20 cây số. Nhà nghỉ đầu tiên có hai ông Nga béo nặng hàng tạ, cởi trần, đứng ngay cửa, mình thấy oải quá lần mò đến một nhà nghỉ tiếp theo. Quầy lễ tân trông như những nhà nghỉ ở Việt Nam cách đây 30 năm, ngập lụt trong giấy tờ và cái kệ gỗ dán trên tường để những chai lọ lỉnh kỉnh bám đầy bụi. Và từ khi bắt đầu đặt chân đến Nga, lần đầu tiên có một người trả lời câu hỏi mình đã học thuộc lòng (bạn có biết nói tiếng Anh không?) bằng một tiếng “Đa” (Yes) đõng dạc. Chị nhân viên lễ tân nói tiếng Anh rất rõ ràng rằng giá một phòng là 4000 rúp! Không bớt, không ở thì đi chỗ khác. Trong hành lang ngổn ngang những người là người , mấy người Peru (sang Nga xem bóng đá) ngồi đấy cười với mình rất tươi nhưng trông vạ vật như kiểu đi lên thành phố khám bệnh vậy. Lúc ấy đã hơn 12 giờ đêm, mình liền đồng ý nhưng tiền rúp còn đúng 3800! Lúc chiều mới đổi có 100 đô lấy 6000 rúp nghĩ là tạm đủ dùng. Tiền đô nhà nghỉ không lấy! Lại một quả Nga ngố nữa. Mình phải đề nghị là có đổi tiền đô không thì thấy bốc máy gọi điện cho ông chủ. Ông chủ xuất hiện là một tay người Tây Á, rất nhanh nhẹn bảo ok, nhưng chỉ đổi 100 đô thôi, và 100 đô ở đây chỉ được có 4800 rúp! Sau đó còn phải đợi dọn phòng. Chị lễ tân nhập thông tin hộ chiếu vào máy tính để khai tạm trú với công an, bà lễ tân thứ hai ngồi sau hỏi chị này: “Kitai phải không?” Mình nghe thấy liền nói luôn: “Tôi không phải Kitai, tôi là Vietnamski nhé”. Thế là hai bà kia liền cười xòa vì không ngờ mình nghe hiểu tiếng Nga, mình cũng cười vì mình chỉ biết mỗi chữ “Kitai” là China. Đi lên phòng thì hóa ra đây là một cái nhà tập thể cũ, tay chủ này mua rồi cải tạo lại thành nhà nghỉ. Cái phòng nghỉ là một phòng trong một căn hộ ngày trước. Trong “nhà” còn hai phòng nữa, cả 3 dùng chung nhà vệ sinh và một cái bếp bé xíu như kiểu căn hộ siêu nhỏ của VinCity bây giờ. Trong phòng có đúng hai cái giường, mùi xịt phòng nồng nặc như thuốc gián và một chai nước, mở ra uống thì nước chát xít, rõ là nước vặn vòi ra, mà theo khuyến cáo của Tây thì nước vòi ở Nga không uống được. Vội mở cửa sổ, cửa ban công ra cho thoáng thì nghe tiếng muỗi vo vo. Bên ngoài trời đã mát nhưng người mình thì nóng hừng hực, mệt quá nằm lăn ra ngủ vì hôm nay đã khởi hành từ 8 giờ sáng ở Trung Quốc, tức là 3 giờ sáng ở đây, đến giờ là gần 1h sáng ngày hôm sau rồi mới được duỗi chân một tí. Thế mới biết người tính không bằng trời tính, ngày khởi hành ở Úc đã xem là ngày rất đẹp (mùng 6 âm, còn nhớ vì ngày mùng 5 âm là Tết Đoan Ngọ, là ngày nghỉ lễ siêu đông người đi lại ở Trung Quốc nên tránh ra) nhưng không ngờ ngày hôm sau mới là ngày từ Trung Quốc đi Nga, mùng 7. Các cụ đã nói: “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba” là có cái lý của nó. Cái này hoàn toàn không hề mê tín bởi lẽ đi máy bay là một cái việc cực kỳ may rủi, chính thế nên ở châu Á, vé bay ngày âm đẹp bao giờ cũng nhanh hết và ngày xấu thì rất hay còn và thường rẻ. Tại sao nói đi máy bay là việc may rủi hên xui? Vì người đi máy bay nhiều thì luôn biết, có hàng trăm ngàn thứ có thể xảy ra ảnh hưởng đến hành trình của bạn: gió mưa, nhân viên mặt đất, nhân viên hàng không, thợ kỹ thuật máy bay, phi công, đường ra sân bay, giấy tờ, hành lý, chính trị, dịch bệnh… chỉ cần một ông trong mấy ông đấy khó ở thôi là một phần hoặc cả hành trình của bạn đen như bồ hóng! Thế nên cho tâm lý đỡ bất an, đi chơi mình được lựa chọn ngày, thì tội gì không chọn ngày bớt xấu phải không ạ! Và một ngày không thể tệ hại hơn đã bồi thêm một quả cuối: Mới 3 giờ sáng, mặt trời đã lên quá ngọn tre à nhầm ngọn bạch dương, chiếu ánh nắng vàng rực rỡ vào tận giường. Mình cố gắng vật vờ được đến 7 giờ thì phải bò dậy vì mồm khô khốc, khát nước quá. Ngoài trời vẫn còn hơi lành lạnh. * ĐI LX xem WC: - Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ - Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky - Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng - Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka - Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy - Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga - Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga - Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan - Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất - Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ - Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn - Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi - Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý - Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga - Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào? - Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|