|
|
|
|||||||||||||
Thiết kếNước hoa: thứ thời trang vô hình nhưng cho nỗi đau ví rất thực 10. 10. 20 - 12:40 pmWillow Wằn WạiVốn là người không quan tâm đến ngành công nghiệp thời trang và luôn ủng hộ tái chế/sử dụng lại quần áo cũ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mê mẩn một phân khúc nhỏ trong đó, lại còn là phân khúc vô hình: nước hoa. Trong tiếng Anh thì nước hoa cũng là để “mặc” (wear) nữa, thật vừa khéo với người vốn không quan tâm lắm đến ăn mặc như tôi. Lúc trước, tôi luôn nghĩ mình chỉ cần có một hai chai nước hoa để dùng cho thơm tho ấn tượng là đủ rồi. Chai nước hoa đầu tiên tôi có là mùi hương mà chị cùng phòng xinh đẹp hồi học đại học sử dụng. Nước hoa với tôi khi ấy đúng nghĩa là một loại xa xỉ phẩm, có là nâng niu cất giữ không dám dùng, và chỉ có để thơm tho chứ không để chơi bời gì cả. Mọi chuyện chỉ bắt đầu khi tôi tìm hiểu về đá quý, nghe rất không liên quan. Trong thời gian đó tôi bắt đầu quan tâm hơn đến những thứ có thiết kế đẹp mắt, bao gồm cả những chai nước hoa. Trong cơn tò mò, tôi đã đặt mua mẫu thử một chai nước hoa mùi hoa cam. Kể từ đó, tôi bắt đầu lao vào hành trình tìm kiếm và tận hưởng mùi hương, tốn kha khá hầu bao, có khi còn bị chê trách và dính vào vô số rắc rối vì nó. Nước hoa không thể nhìn thấy được mà chỉ có thể ngửi được. Những mùi có thể ngửi lại tùy vào khả năng cảm nhận mùi của mỗi người, ví dụ như những perfumer (chuyên gia chế tác nước hoa) có thể ngửi được 100-200 mùi khác nhau, người thường như chúng ta thì chỉ loanh quanh với những mùi quen thuộc. Hay như tôi khi đã bị sổ mũi thì mùi nào cũng là… không mùi. Chưa kể, thành phần chính của nước hoa là tinh dầu và dung môi cồn, cho nên mùi tỏa ra là mùi gì thì còn tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường, vào độ ẩm không khí, vào thể trạng da của người xịt và cả cảm xúc của người ngửi nữa. Có những chai nước hoa trên da tôi bốc mùi khét lẹt như gỗ cháy nhưng trên da người khác lại là mùi gỗ đàn hương mềm mịn béo ngậy. Hoặc bạn tôi, một anh bạn cực kì manly mạnh mẽ, cứ xịt chai nào có hương hoa là… cả người chỉ tỏa toàn mùi hoa. Đó là nói cùng một chai, chứ trường hợp mỗi chai ra mùi khác nhau cũng không phải không có. Vì thế nên chơi nước hoa là cái chơi luôn biến động, không thể đảm bảo 100% sẽ luôn cho ra kết quả như ý mình mong muốn. Có lúc sẽ bị thất vọng, có lúc thì lại nhiều bất ngờ. Chính sự biến ảo thú vị ấy khiến tôi cứ thử đi thử lại để khám phá ra những cung bậc mùi hương khác nhau, dù đôi khi có những mùi hương khiến tôi bị phàn nàn rất nhiều. Như đã kể, chai Light Blue là mùi hương chị cùng phòng xinh đẹp hồi đại học hay sử dụng, và vì thế tôi cực kỳ thiện cảm với nó. Mùi hương trái cây mát mẻ phù hợp mùa hè. Hộp Light Blue màu xanh da trời nhạt mát mắt, phủ lớp nhung mềm. Nhiều người chê hỗn hợp mùi cam chanh trong này ngửi y như mùi… nước rửa bát. Nhưng với tôi, chai này mãi là hình ảnh một chị gái thanh mảnh xinh đẹp tuổi 19 mà tôi đã quý mến. Một chai khác tôi cũng từng rất mê và khiến tôi bị choáng ngợp là Cool Water của Davidoff. Nhà nước hoa này từng khiến cả thế giới sửng sốt vì cho ra đời chai nước hoa mùi… nước. Cool Water của Davidoff cũng chỉ có thể “chơi” được một chút, vì hương nào càng nhẹ sẽ càng bay đi nhanh, nữa là hơi mùi nước. Nhưng tôi vẫn phải mua về chỉ để lâu lâu được tận hưởng lại cái cảm xúc kì diệu mà hỗn hợp mùi tạo ra. Cũng từ nhà Davidoff mà một kỉ nguyên mới cho những chai nước hoa mùi nước biển, nước mát, v.v… ra đời. Olene của nhà nước hoa Diptyque là chai nước hoa niche đầu tiên tôi sở hữu. Niche có thể hiểu là những nhà nước hoa chỉ tập trung vào làm các sản phẩm tạo mùi hương, tách ra khỏi họ hàng gia tộc thời trang. Nhà Diptyque cũng thường làm các mùi theo hướng thiên nhiên, gợi nhắc về một kỉ niệm hay địa điểm nào đó. Một số mùi kinh điển của nhà này suốt 30-40 năm đến giờ vẫn còn được ưa chuộng. Diptyque Olene có mùi hoa nhài tự nhiên. Mùi hương này đã trải qua một lần thay đổi công thức. Ở bản cũ, nhài ngọt đậm hơn, có nét già và sắc, hương trà cũng rõ rệt hơn. Ở bản mới, nhài trẻ trung và trong mát, nhiều hương “xanh tươi” hơn, vì thế có thể coi là dễ sử dụng với đa số người dùng. Và dù là bản cũ hay bản mới thì mùi cũng nhẹ nhàng, bay nhanh. Đây là mùi mà mẹ tôi cũng rất yêu thích, hai mẹ con thường dùng khi đi chơi. Từ Olene trở đi mà tôi bắt đầu dốc sức, dốc công và… dốc hầu bao cho cái thú vui mà bạn tôi gọi là “phù phiếm” này. Mancera là một “nhà niche” nổi tiếng vì nước hoa bám và tỏa rất ghê. Các thiết kế chai của hãng này đều giống nhau nhưng tôi thích chai Pearl và concept (chủ đề) của chai này nhất. Tên chai là Ngọc Trai, và duy nhất nắp chai của chai này, nhà Mancera đã cẩn thêm một lớp xà cừ (Mother of Pearl – dịch nguyên gốc ra tiếng Việt là Mẹ Ngọc).
Ngọc trai nằm ở trong xà xừ là quá chuẩn xác rồi! Mùi hương cũng có độ bóng bẩy, tạo ra bởi mùi sung béo, khiến tôi liên tưởng đến sự mượt mà của một viên ngọc thực thụ. Đây không phải là mùi tôi thích nhất nhưng concept của nó khiến tôi ưng nhất và tôi cũng phải tậu về một chai dù hiếm khi dùng, nên mãi chả hết nổi. Cũng là anh chị em ruột của Mancera là nhà Montale. Vỏ chai nhà này làm bằng nhôm cho nên khi cầm chai lên sẽ có cảm giác… nhẹ bỗng, cứ như chai rỗng vậy, đã vậy nhà này toàn làm chai 120ml trong khi dung tích nước hoa là 100ml. Thành ra rất nhiều người mua lại nước hoa Montale của tôi rồi cứ thắc mắc tôi có nói điêu hay rút ruột chai của họ không, vì họ lắc thấy vừa nhẹ vừa rỗng. Nguyên nhân của việc này là do nhà Montale gốc vốn ở Ả Rập mà dân Ả thì cực đam mê mùi hương, nên khi bán nếu khách muốn có mùi hương đậm đặc hơn nữa thì người bán sẽ bơm thêm 20ml tinh dầu vào cho khách. Sau này Montale tách ra, một bên ở Pháp, một bên ở UAE, hai bên kiện tụng qua lại vấn đề bản quyền. Chai Montale nào trên thế giới giờ cũng 120ml và bằng nhôm dù có là của bên nào. Nhà này bám tỏa đã lâu rồi, tôi còn mua hẳn một chai extrait (đậm hơn, nhiều tinh dầu hơn so với eau de parfum hay eau de toilette). Cuối cùng thì khóc dở mếu dở vì lượng tinh dầu quá đậm nên xịt lên áo sẽ khiến áo bị sẫm màu, xịt lên áo trắng thì thành vết ố luôn. Mà vì mùi bám quá lâu, xịt lên quần áo có khi còn dính tận 3-4 ngày, mùi bám hết ra quần áo khác, không thể xịt được mùi nước hoa nào khác nữa. Dù rất cưng chiều em nhưng sau 4 năm rước em về nhà, tôi vẫn chỉ dùng được có vỏn vẹn…. 10ml, trong đó có 7ml đã chiết lại để tặng cho bạn bè. Tôi có rao bán chiết bớt lại để mọi người dùng thử (và cũng để dùng cho hết) mà ai nghe đến nỗi ám ảnh “chỉ toàn mùi hoa hồng, mùi đậm bám lâu, nồng nàn, chả còn dính được mùi nào khác” thì đều từ chối. Thơm thì cũng thích đấy nhưng quá lâu thì ai cũng ngán. Chai này còn có một kỉ niệm xấu hổ khác của tôi. Đó là tôi xịt lên ngực áo (áo đen) khi hẹn bạn đi chơi, chỗ áo bị xịt trở thành một quầng đậm như bị ướt nước, mà ở ngay vị trí nhạy cảm. Một người bạn (là con trai mới xui xẻo) phát hiện ra và mách cho tôi biết, lại còn chua thêm một câu là “cứ như vừa cho con bú xong”. Với nhà Gucci, tôi không phải fan của nhà này, càng không phải fan của hoa huệ, dù tôi có may mắn được ngửi và thử một số chai huệ rất nổi tiếng trong làng nước hoa. Nhưng Gucci Bloom với sự lai giữa huệ và nhài, mang đến chút hơi trong mát ngọt thanh nhẹ nhàng lại khiến tôi say đắm. Mùi hương tỏa rất tốt, độ bám vừa phải, xử lý hoa trắng tinh tế khiến hương hoa cứ lơ lửng trong không khí, nhài và huệ kết hợp thành bản thể thống nhất không hề nửa vời, tạo thành một bông hoa mới, dịu dàng mà vẫn khác biệt. Tôi vốn là người thích những thứ lấp lánh nên không thích cách thiết kế tối giản của chai này, cũng không thích cái concept quảng cáo của nó nhưng mùi hương thì dù thế nào cũng không thể ghét nổi. Nếu chai Pearl của Mancera là mua vì thích concept thì Bloom của Gucci thì mua vì mùi hương, hoàn toàn là vì mùi. Một trường hợp “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” điển hình. Chai nước hoa mùi trà đầu tiên tôi thích, và cũng là chai đầu tiên tôi có là L’ilé au Thé của nhà Annick Goutal. Chai này là quà tặng của một người bạn tôi cực kỳ quý mến và ngưỡng mộ. Nhà Annick Goutal tuổi đời cũng chưa phải là nhiều nếu so với các cây đại thụ khác: chỉ tầm… 40 năm. Hãng cũng không ra mắt quá nhiều mùi, nhưng những mùi hương đều có phong cách và chất “nghệ” riêng. Theo quan điểm của tôi thì với nhà này có thể nhắm mắt mua đại một chai bất kì cũng sẽ mua được một chai hay ho. L’ilé au Thé được lấy cảm hứng từ đảo Jeju Hàn Quốc, hương trà thơm nhẹ lẫn với chanh, một cốc trà chanh mát lành thực thụ. Tôi chưa được đến đảo Jeju dù có từng đến Hàn Quốc, cũng có mua thử trà Osulloc của đảo Jeju uống thử để xem cái vị nó có gợi nhắc đến L’ilé au Thé hay không. Cuối cùng thì cũng chẳng có mùi nào giống, có lẽ phải đến tận đảo một chuyến, hít không khí trong lành se se, uống trà thêm lát chanh thì mới thực sự cảm nhận được? Thôi thì trong lúc chưa thể đi, cứ tận hưởng hành trình khám phá qua nước hoa đã. L’ilé au Thé được tôi đặc biệt yêu thích và ưu ái, đến mức tôi giữ cả cái bọc nylon lại, vuốt cho phẳng phiu không nỡ vứt.Một phần vì hương trà chanh thơm nhẹ tinh tế quá đỗi, một phần vì cả chai và hộp đều vừa mắt tôi. Em này là một mỹ nhân mười phân vẹn mười, trong cũng đẹp ngoài cũng đẹp, chẳng có gì để chê. Bản chai vuông thủy tinh là bản dành cho nam giới, nữ giới sẽ có chai hình tròn, mùi thì giống hệt nhau. Hãng Annick Goutal đã đổi tên thành Goutal Paris và bỏ luôn tất cả các thiết kế chai cũ. Kiểu chai vuông thế này đã ngừng sản xuất và trở thành hàng vintage (đồ cổ), khiến nó trở nên khá hiếm, càng có lý do để tôi o bế nó hơn. Lại nói về vintage, với thế giới nước hoa thì việc mùi hương bị thay đổi công thức (reformulate – hay gọi là reform cho ngắn gọn) là điều hết sức bình thường, dẫn đến việc có những chai vẫn ra lò đều đều mỗi tháng nhưng mùi hương thì lại không như cũ nữa. Việc săn tìm những chai nước hoa vintage cũng là một thú vui, một hành trình khám phá của nhiều nhà sưu tập. Vì không có khả năng vung tiền như cát nên tôi không tham gia vào cuộc chơi này nhưng có một số mùi hương thì tôi luôn cố tìm mùi vintage của nó. Ví dụ điển hình là chai Trésor của hãng Lancôme. Đây là một chai nước hoa gắn bó với tôi, còn hơn cả chai Light Blue của Dolce & Gabbana. Mẹ tôi, người phụ nữ đẹp nhất tôi từng biết tới đã dùng mùi hương này khi tôi còn nhỏ. Ký ức của tôi về những ngày thơ bé khi mẹ vắng nhà là mở tủ trang điểm của mẹ ra, lục mở hộp nước hoa quý giá để lén hít ngửi cái hương thơm của thế giới người lớn xa vời mà mình chưa được chạm tới. Trải qua mấy chục năm, Trésor cũng không thoát khỏi việc bị reform. Hương hoa hồng và trái cây chín đã được xử lý lại để trở nên nhẹ nhàng hơn, giảm độ ngọt, giảm hương phấn. Mùi hương bây giờ khá hiện đại và sang trọng nhưng trong tôi thì cái hương phấn mà nhiều người chê là già, hương quả chín trộn với gỗ ngọt đằm cổ điển mới là Trésor mà tôi từng biết. Tôi vẫn tìm kiếm bản Trésor vintage ở nhiều nơi nhưng thường không ra được kết quả mong muốn, chủ yếu các chai tôi tìm được vẫn là trong tầm 5-10 năm đổ lại đây, mùi hương đã được hiện đại hóa hơn. Nhưng có lẽ nhờ tôi ăn ở tốt, không bắt nạt chó mèo hoang, ăn cơm không bỏ mứa đồ ăn, cho nên ông trời chiếu cố cho tôi thật nhiều. Cuối cùng tôi cũng có may mắn mua lại nó từ một nhà sưu tập, cũng đồng thời là chủ cửa hàng nước hoa danh tiếng. Lại đúng là bản năm 1990, phiên bản đầu tiên của Trésor. Dù là người duy lý, tôi vẫn muốn coi việc này là cơ duyên. Khỏi phải nói tôi đã vui vẻ và hạnh phúc thế nào. Chai nước hoa này tôi dành tặng mẹ nhân ngày sinh nhật của bà, một mùi hương mà hơn hai mươi năm bà mới có lại. Lạc đề một chút, chai Trésor mùi trái cây và hoa ra mắt năm 1990 này thực ra không phải bản đầu tiên. Lancôme đã cho ra mắt Trésor từ năm 1952, cùng tên gọi nhưng mùi hương và chai lọ hoàn toàn khác. Mãi cho đến năm 1990 thì bản hiện đại mới ra đời. Cho nên trên thực tế chai nước hoa tôi có vẫn chưa phải hàng siêu cổ. Tất nhiên ai yêu nhiều mà chẳng có những mối tình khiến người ta trăn trở. Và trăn trở đầu đời của tôi là Raghba của nhà Lattafa. Lattafa là nhà nước hoa nội địa của UAE (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), và như đã nói ở trên, nói đến mùi hương mà bỏ qua các bạn Ả Rập là thiếu sót nhất trần đời. Tôi vốn không ưa lắm nhóm mùi phương Đông, sự pha trộn hương liệu của trầm, gỗ thơm tạo ra một mùi vừa thơm ngọt vừa ấm và đôi khi qua lớp gia vị lại tạo thành chút chua nhẹ ở nền. Nhưng Raghba thì khiến tôi phải bỏ qua cái vụ thích và không thích ấy vì em đẹp vượt trội. Hương trầm ngọt mịn ấm áp trong veo, độ ngọt sánh làm nền mượt mà, hương khói (nhang) âm trầm sâu sắc. Vì sao trăn trở? Vì đây là mùi tôi hầu như không thể dùng. Nó quá đậm, bám tỏa quá tốt, tính cách của mùi hương không phù hợp với tôi dù nó đẹp tuyệt vời. Nói một cách đơn giản, đây là một bộ váy lấp lánh xinh đẹp nhưng tôi biết nếu mua thì tôi sẽ không bao giờ mặc mà chỉ để ngắm thôi. Tôi mua một chai chiết nhỏ 10ml và vẫn chỉ dùng để ngửi chứ không để “mặc”. Suốt 4 năm tôi cứ suy nghĩ mãi về việc nên giữ hay nên bán lại cho rồi, vì để đấy không dùng thì phí quá. Rồi tôi quyết định tặng nó cho bạn mình, người cực kỳ thích mùi hương này.
Sau đó thì tôi… mua luôn một chai to đùng 100ml về. Vẫn chỉ để ngắm và xịt lên tay ngửi chứ không để xịt ra đường. Thôi thì cuộc đời có được bao nhiêu, người mình yêu mình còn chưa chắc có được, đến chai nước hoa còn không có được luôn thì buồn chết mất. Trước mắt thì cứ ngắm nghía chai nước hoa màu hổ phách ấm áp lấp lánh bên cửa sổ là đủ vui rồi, trời mưa ngửi mùi hương (nhang) trầm của Raghba là một trải nghiệm tuyệt đỉnh. Thế giới nước hoa vốn muôn màu muôn vẻ, trên đây chỉ là một số rất rất ít những mùi hương mà tôi có ít nhiều kỉ niệm gắn bó cùng. Đã có nhiều lần tôi muốn bỏ cái thú vui hao tài tốn của này (tốn cả chỗ và thời gian) nhưng rồi lại chẳng bỏ được. Tôi đến với nước hoa một thời gian cũng không dài, chỉ vỏn vẹn 6 năm và tầm 150 mùi khác nhau nhưng mỗi mùi hương đều cho tôi một cảm nhận, một kỉ niệm riêng biệt, và cả độ đau ví khác nhau nữa. * Về nước hoa: - Nước hoa: thứ thời trang vô hình nhưng cho nỗi đau ví rất thực - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 1): Do Son và Tam Dao - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 2): Baccarat Rouge 540 của nhà Maison Francis Kurkdjian - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 3): Byredo Rose of No Man’s Land - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 4): “cú lừa” Guerlain Mitsouko - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 5): Miss Dior và New Look 1947 – Ai là Miss Dior? - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 6): Endymion và Luna – đồ Hoàng gia xịn vẫn nhập nhằng quan hệ - Nước hoa: vũ khí vô hình của (anh) chị em Ý kiến - Thảo luận
23:41
Wednesday,9.12.2020
Đăng bởi:
Willow Wằn Wại
23:41
Wednesday,9.12.2020
Đăng bởi:
Willow Wằn Wại
@Trần Ý Dịu: cảm ơn chia sẻ của bạn. Miss Saigon thực tế là một mùi hương (hoặc bộ sưu tập mùi) được làm khá tốt. Việc nó thành công và được mọi tầng lớp lao động ở Việt Nam biết tới là một điều vui.
Hương Fleur d'Oranger (Orange Blossom - hoa cam) của nhà Fragonard mình cũng có nè :D Theo mình đoán thì người bán chai này mà bạn mua được là ở tình Hà Hưng Thái Bình. Thế giới nước hoa ở Viêt Nam nhỏ bé nên mọi người đều biết nhau. nhà Fragonard cũng na ná như Hoarient (làm ra Miss Saigon), một thương hiệu local sản xuất chủ yếu phục vụ người trong nước, giá cả bình dân phải chăng. Mình cũng rất thích mùi hương hoa bưởi này, rất vui vì đã gặp được người cùng gu
15:32
Wednesday,9.12.2020
Đăng bởi:
Trần Ý Dịu
Cám ơn bài viết rất thú vị của bạn! Nước hoa là để MẶC. Mình tuyệt đối không dùng mỹ phẩm nhưng không hiểu sao lại mê nước hoa đến kì lạ. Và mình gọi đây là sở thích di truyền. Vì mỗi lần bố mình về quê thắp hương ông nội đều mang theo một chai nước hoa (Dĩ nhiên chỉ là MISS Sài Gòn) rắc trên mộ ông. Chai- tạm được gọi là nước hoa- đầu tiên trong đ
...xem tiếp
15:32
Wednesday,9.12.2020
Đăng bởi:
Trần Ý Dịu
Cám ơn bài viết rất thú vị của bạn! Nước hoa là để MẶC. Mình tuyệt đối không dùng mỹ phẩm nhưng không hiểu sao lại mê nước hoa đến kì lạ. Và mình gọi đây là sở thích di truyền. Vì mỗi lần bố mình về quê thắp hương ông nội đều mang theo một chai nước hoa (Dĩ nhiên chỉ là MISS Sài Gòn) rắc trên mộ ông. Chai- tạm được gọi là nước hoa- đầu tiên trong đời mình có được là chai tinh dầu hoa hồng của Bun được bạn bố là một phóng viên thường trú nước ngoài mang về tặng cách đây gần 30 năm. Đó là một ống tinh dầu trong một chiếc vỏ gỗ khắc hình hoa hồng cực kì đẹp. Mình cũng chỉ dám dùng có vài lần rồi thì cứ mở ra ngửi rồi đóng lại. Cho đến giờ chai NƯỚC HOA đầu đời vẫn theo mình di chuyển khắp nơi, tạm thời yên vị trong tủ kính, thi thoảng mình lôi ra ngắm nghía, hít hà. Chai nước hoa tiếp theo mình không thể nhớ tên (Điều tệ hại nhất cuộc đời MẶC NƯỚC HOA là không bao giờ nhớ tên, khi nào cần lại phải mở ra xem lại) là do một người bạn du học ở Úc gửi về tặng. Một hương ngọt ngào, bám mùi bền bỉ. Hết chai nước hoa đó, mình chẳng thể đủ tiền mua chai mới. Cho đến khi đi làm, mình bắt đầu mua chai nước hoa đầu tiên cho bản thân là chai Coco mademoiselle từ một nữ tiếp viên hàng không. Có lẽ ám ảnh về chau nước hoa xịn đầu tiên mua được trong đời nên đó là mùi hương tuyệt nhất trong suốt những năm tiếp theo. Rồi mình bắt đầu mua khá nhiều, được tặng cũng không ít. Nhưng thích nhất vẫn là Coco mademoiselle. Cho đến khi được một người bạn tặng cho một chai chiết. Trời ạ! Xịt phát là thấy ngay tháng 3 hương bưởi, thấy ngay mưa xuân, thấy ngay quê ngoại Bắc Ninh. Hỏi ngay người bạn cái chai cái chai mày chiết đâu, đưa đây. Tìm trên mạng, ra nó không phổ biến: Fleur d'Oranger Intense của nhà Fragonard (đấy, đánh cái tên cũng phải mở ra lò mò gõ lại). Một năm tìm kiếm chỉ thấy một người tận Sài Gòn có bán. Nghe quả ship xa xôi nên thôi. Thế mà rồi huỵch cái tình cờ mua được ngay tại Hà Nội, chuyển khoản trả tiền cho người bán tận Thái Bình, he he. Cơ mà lòng như mở hội. Buồn cười nhất là không hề có bọc nilon, người bán giải thích nước hoa nhà này đều CỞI TRẦN như thế. Ở thì thôi đã trót mê rồi người ta nói gì cũng gật.Xịt cũng nhẹ tay vì có 50ml thôi. Chia sẻ cùng bạn vài dòng và cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ vì bạn có thể đọc vanh vách tên các nhà, các hãng.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Hương Fleur d'Oranger (Orange Blossom - hoa cam) của nhà Fragonard mình cũng có nè :D Theo mình đoán thì người bán chai này mà bạn mua được là ở tình Hà Hưng Thái
...xem tiếp