Bàn luận

Điệu nhảy chết người (phần 1):
Hư hỏng thì nổi tiếng hơn 22. 06. 21 - 12:13 am

Willow Wằn Wại

Đa số mọi người đã rất quen với câu chuyện  về nàng Salome, con gái của Herodias. Nàng say mê thánh John (Gioan Tẩy Giả) nhưng bị cự tuyệt. Tại một bữa tiệc, vua Herod, bố dượng kiêm chú của nàng, hứa sẽ ban cho Salome bất cứ thứ gì miễn là nàng chịu nhảy điệu múa mang tên Bảy Tấm Mạng Che, mỗi một đoạn nàng lại bỏ một tấm mạng xuống, tạo thành một điệu múa quyến rũ chết người. Và chết người thật. Kết thúc điệu múa, nàng xin cho mình cái đầu của Thánh John.

Minh họa của Aubrey Beardsley cho vở kịch Salome của Oscar Wilde. Mái tóc của Salome được vẽ gợi nhắc đến những con rắn trên đầu của Medusa.

Phiên bản trên vẫn được coi là câu chuyện chính thống về Salome, tới mức nhiều nguồn và bài viết khẳng định câu chuyện trên xuất xứ từ Kinh Thánh. Thực tế không phải như vậy.

Trong Kinh Thánh có một Salome được nhắc đến nhiều nhất, và bà không phải là công chúa công nương gì cả, cũng chẳng hề nhảy múa hay hư đốn. Bà là một vị thánh. Thánh Salome và các con trai đều là những tín đồ ngoan đạo của Jesus Christ. Khi Chúa bị đóng đinh trên cây thập giá, bà cũng xuất hiện: “Lại có những đàn-bà đứng xa xa mà xem. Trong số ấy có Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri là mẹ Gia-cơ nhỏ, và Giô-sê, cùng Sa-lô-mê“ (Mark 15:40).

Ba ngày sau, bà đã cùng mọi người tới để làm nghi lễ xức dầu cho Chúa, và được thiên thần thông báo về việc Chúa đã phục sinh: “Ngày Sa-bát qua rồi, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê mua thuốc thơm đặng đi xức xác Đức Chúa Jêsus” (Mark 16:1).

Salome cũng được xếp vào nhóm “Ba vị Mary” (The Three Marys), bao gồm Mary Magdelene và Đức Mẹ Mary, nên tên bà cũng được gọi là Mary Salome.

 

Bức tranh Ba vị Mary bên mộ Chúa (The Three Marys at the Tomb). Bức tranh được tin là tác phẩm của Hubert van Eyck, anh trai của danh họa Jan van Eyck. Bức tranh vẽ lại cảnh Ba vị Mary tới làm lễ xức dầu và gặp thiên thần báo tin về sự Phục sinh. Trên tay mỗi vị có cầm một bình dầu thơm.

Một số thuyết cho rằng Mary Salome là chị em cùng mẹ khác cha với Đức Mẹ, nghĩa là Mary Salome còn là dì của Jesus Christ.

Bức tranh thờ The Holy Kinship của Lucas Cranach Cha. Tranh thờ kiểu này thường có ba phần, hai phần hai bên là hai cánh cửa như cửa tủ. Bình thường tranh được đóng lại, khi cần sẽ mở ra. Vì thế nên các họa sĩ cũng thường tập trung phần quan trọng nhất vào giữa và các nhân vật bớt quan trọng hơn sẽ được vẽ hai bên. Từ trái qua: gia đình của Mary Cleophas và Alphaeus với hai người con trai. Ở giữa là Đức Cha đội mũ màu xanh, Thánh Anne, Chúa Hài Đồng và Đức Mẹ; phía sau lưng họ là ba người chồng của Thánh Anne. Cánh phải là Mary Salome cùng chồng Zebedaeus và hai con trai.

Salome là vị nữ thánh bảo trợ cho thành phố Veroli, Ý. Tại đây cũng có nhà thờ mang tên bà và nhiều người cũng tin rằng bà được chôn cất tại đây.

Còn Salome nhảy múa xuất hiện trong đoạn nào? Trong Kinh Thánh, nàng thậm chí còn… chẳng có tên, chỉ được gọi là “con gái của Herodias”: “Vừa đến ngày ăn mừng sanh-nhựt vua Hê-rốt, con gái của Hê-rô-đia nhảy múa ở giữa người dự đám, vua lấy làm thích lắm” (Matthew 14:6).

Phúc Âm Mark (6:14-29) kể lại chi tiết toàn bộ vụ việc thánh John bị chém đầu. Trong đó cũng không nêu tên con gái của Herodias là ai, chỉ kể rằng nàng múa đẹp và làm vừa lòng vua Herod, nên Herod lỡ hứa với nàng sẽ tặng nàng thứ nàng thích. Thế là mẹ nàng xúi nàng xin cái đầu của thánh John. Con gái của Herodias vẫn chỉ là nhân vật vô danh, được kể phớt qua, không có đặc điểm gì đáng kể.

 

Bức Salome của họa sĩ Luini thời Phục Hưng. Luini chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Leonardo da Vinci. Trong bức tranh này. Luici thể hiện một Salome đang khó chịu, buồn rầu, hối hận vì cái chết của rhánh John, cho thấy một Salome đã bị lợi dụng trong trò chơi tôn giáo.

Cái tên Salome được ấn định cho nàng là dựa theo những ghi chép của sử gia Flavius Josephus. Herodias trong lịch sử lúc đầu được gả cho chú mình – hoàng tử Herod II – và sinh ra Salome, sau đó bà ly dị và cưới anh em cùng cha khác mẹ của Herod II là Herod Antipas. Trong con mắt của nhiều nhà sử học thì Herodias lẫn Herod Antipas thực ra cũng không liên quan gì lắm đến cái chết của thánh John, chỉ là sách Phúc Âm mượn tên bà và chồng bà (kiêm chú họ) cho vào.

Kinh Thánh viết rằng Herod là vua, còn trong lịch sử thì Herod Antipas, chồng của Herodias, chỉ là người cai trị một phần của một trong số các tỉnh của Đế chế La Mã mà thôi. Sự khác biệt này dẫn đến nhiều nhầm lẫn khi viết lại, hoặc sự phức tạp khi dịch vở kịch Salome của Oscar Wilde. Người thì dịch là Vua của Judea, người thì dịch là Thái Thú, Quận vương hoặc Quốc vương.

Cũng theo ghi chép của sử gia Flavius Josephus thì Salome cũng chẳng gây ra chuyện động trời gì, giống như vô vàn những nàng công chúa khác, bao gồm mẹ nàng, được gả cho chú của mình là Thái thú Philip. Việc kết hôn trong nội tộc khá phổ biến trong thời đại đó. Cũng có giả thiết rằng nàng Salome con của Herodias được gả cho người khác, còn Salome vợ của Thái thú Philip là một người em họ khác của ông. Dù cho có thế nào thì Salome trong lịch sử cũng không liên quan gì đến thánh John.

Trong khi Mary Salome chỉ phổ biến trong các tác phẩm tôn giáo, Salome biết múa đã trở thành một biểu tượng femme fatale trong văn hóa. Sự hợp nhất thông tin giữa Kinh Thánh và lịch sử đã tạo ra một hình ảnh Salome bất hủ, truyền cảm hứng cho vô vàn tác phẩm nghệ thuật.

Salome, vẽ bởi Henri Regnault. Nhìn cái mâm và cách ăn mặc lả lơi là biết đây chắc chắn không phải là Mary Salome.

*

Salome:

- “Salome” – đã quyến rũ thì thường gây chết người (phần 1)

- “Salome” của Aubrey: Art Nouveau làm đau mắt người giả dối

- Điệu nhảy chết người (phần 1):
Hư hỏng thì nổi tiếng hơn

- Điệu nhảy chết người (phần 2):
Múa bụng mỗi người một phách

- Opera Salome của Strauss: “kinh khủng, nổi loạn, ghê tởm”, nhưng…

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả