Nghệ sĩ

Tsukioka Yoshitoshi (bài 3): Vẽ dũng tướng để nhớ một thời đại 17. 04. 22 - 6:28 pm

Candid

(Tiếp theo bài 1bài 2)

Như đã nói ở bài trước, sau sự kiện Tàu Đen năm 1853, nước Nhật đã phải mở cửa, chấm dứt chính sách Tỏa quốc đã kéo dài 200 năm. Nhưng từ đây mờ ra một thời kỳ hỗn loạn với nước Nhật, khi mà đất nước này phải đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa giá trị châu Á và văn minh phương Tây. Giới quý tộc samurai của Nhật chia rẽ sâu sắc, một bên muốn đứng lên chống lại chế độ Mạc Phủ và giết “bọn ngoại quốc” đang xâm lược vì cho là Mạc Phủ quá suy nhược để chấp nhận hòa ước với ngoại quốc; một bên thì nhận ra được sự thay đổi của thời thế, nhận ra Nhật Bản cần đón nhận văn minh phương Tây để phát triển. Giữa các Samurai nổ ra những cuộc chiến tương tàn. Sống trong không khí hỗn loạn, các tác phẩm của Yoshitoshi giai đoạn đó thường mô tả các cảnh bạo lực, máu me, giết chóc.

Nghệ thuật ukiyo-e vốn là một thứ nghệ thuật thấp cấp, dành cho quần chúng phổ thông, cũng tương tự như tranh Đông Hồ ở Việt Nam là tranh in dành cho dân chúng số đông. Tranh ukiyo-e do đó cũng chiều theo thị hiếu của quần chúng. Trong thời kỳ hỗn loạn ấy, người dân Nhật ai cũng được nghe kể về các trận chiến, về cái chết của những nhân vật anh hùng, nay họ có nhu cầu được xem những cảnh tượng bi thương và hào hùng ấy được tái hiện trên tranh ukiyo-e. Từ những năm 1860-1870, chủ đề chính của tranh ukiyo-e là bạo lực và cái chết, và tranh của Yoshitoshi về thể loại này bán rất chạy. Ông cũng bắt đầu thể hiện sự quan tâm với thế giới tâm linh, thế giới của những hồn ma..

Năm 26 tuổi, ông đã sáng tác một bộ tranh ukiyo-e 100 câu chuyện ma, lấy từ các truyền thuyết quen thuộc của Trung Quốc và Nhật Bản.

Một bức tranh trong bộ tranh này là “Watanabe cưỡi ngựa trong mưa”. Watanabe là một trong bốn vị thiên tướng của Minamoto no Yorimitsu. Bức tranh kể câu chuyện rằng có một con quỷ thường xuyên xuất hiện ở cổng Rashomon của Kyoto để giết hại người. Watanebe đã đến đó dùng thanh gươm nổi tiếng của ông để chém đứt tay con quỷ.

“Watanabe cưỡi ngựa trong mưa”

Bức tranh rất độc đáo, màu sắc tương phản dữ dội giữa màu đỏ của con ngựa nổi chính giữa bức tranh và những vệt mưa màu đen chạy chéo gần hết bức tranh che mắt người xem. Mưa dữ dội và gió quất vào mặt khiến vị dũng tướng phải khom mình trên lưng con ngựa đang chồm lên. Cuộc chiến đấu với con quỷ hẳn là phải là một trận ác chiến gian khổ.

Chi tiết tranh: gương mặt của tướng công

Chi tiết tranh: Người và ngựa

Nhìn kỹ bức tranh ta có thể thấy tài nghệ của Yoshitoshi ở từng chi tiết nhỏ của bộ giáp người dũng tướng, hoa văn trên yên ngựa, từng chi tiết bé nhỏ li ti xen lẫn với nhau. Để có thể ra được bức tranh này, những người thợ in đã phải tỉ mẩn làm từng bản in phụ trách các khu vực màu nhỏ và in lần lượt. Quả là kỳ công.

Chi tiết tranh: chi tiết màu áo vị tướng

Yoshitoshi rất giỏi trong việc miêu tả các khoảnh khắc, xem tranh ta có cảm giác như con ngựa đang chồm lên để chuẩn bị cho nhát gươm cuối cùng của Watanabe, nhát gươm quyết định sẽ cắt bàn tay của con quỷ. Cảm giác như họa sĩ đã đông cứng được khoảnh khắc ấy vĩnh viễn và cất vào bức tranh.

.

Dù sao thì cái tên của bộ tranh 100 câu chuyện ma là quá tham vọng với một người nghệ sĩ trẻ. Ông chỉ hoàn thành được chừng mấy chục bức nhưng chủ đề về những con ma đã ám ảnh ông mãi mãi.

Đó không chỉ là những con ma, những linh hồn để mua vui, đó chính là linh hồn của một nền văn hóa, của một thời đại đang tan rã. Nước Nhật mở cửa, văn minh phương Tây đổ vào, mọi người hồ hởi đón nhận những công nghệ mới, văn hóa mới. Tầng lớp võ sĩ Samurai bị mất đi đặc quyền đặc lợi của cả ngàn năm nay. Những nghề cổ truyền, những văn hóa truyền thống bị vứt bỏ. Yoshitoshi nhận thấy điều đó, ông vẽ như để tang một thời đại đang ra đi.

(Còn tiếp)

*

Tranh cổ Nhật Bản:

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Đồng lúa ở Asakusa và hội Torinomachi”

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Tào Tháo ngắm trăng lên sau núi Nam Bình”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Pháo hoa ở Ryōgoku”

- Tranh cổ Nhật Bản: Bắt cá trê bằng quả bầu, và kỹ nữ đánh đập cá trê

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng

- Tranh cổ Nhật Bản: cảnh công viên Ueno trong tranh sắc đỏ aka-e và tranh sắc xanh aizuri-e

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Trăng ở phố đèn đỏ”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige và “Anh đào đêm ở Phố giữa của Yoshiwara”

- Tranh cổ Nhật Bản: hai bức về anh đào đêm và chút phụ lục về Geisha

- Tranh cổ Nhật Bản: Tawara Tōda mang ba món quà từ Long cung thành trở về

- Tranh cổ Nhật Bản: tích Benkei trộm chuông chùa Mii

- Tranh “cổ” Nhật Bản: “tân bản họa” với mỹ nhân của Itō Shinsui

- Tranh “cổ” Nhật Bản: Mỹ nhân “cũ” và mỹ nhân “mới”

- Tranh cổ Nhật Bản: “Sóng lừng” của Hokusai

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 1): Vẽ samurai gặp quỷ

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 2): 14 tuổi vẽ trận hải chiến

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 3): Vẽ dũng tướng để nhớ một thời đại

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 4): Người tài máu me và sa đọa

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả