Nghệ sĩ thế giới

Tsukioka Yoshitoshi (bài 2): 14 tuổi vẽ trận hải chiến 26. 03. 22 - 6:21 pm

Candid

Trong bài trước, ta đã xem một bức tranh vẽ ma của Tsukioka Yoshitoshi Ta có thể gọi ông là người Samurai cuối cùng của nghệ thuật tranh Ukiyo-e.

Chân dung Tsukioka Yoshitoshi. Hình từ trang này 

Năm 1853, đô đốc Mathew Perry dùng bốn con tàu chiến cùng đại bác đe dọa, buộc Nhật Bản phải chấm dứt chính sách Tỏa quốc. Nước Nhật đã phải mở cửa. Một thời đại mới đã bắt đầu mở ra. Cùng năm đó, nước Nhật cũng chứng kiến sự ra mắt của một họa sĩ Ukiyo-e mới 14 tuổi, người sau này sẽ trở thành họa sĩ ukiyo-e vĩ đại cuối cùng: Yoshitoshi Tsukioka.

Yoshitoshi, sinh năm 1839 tại quận Shimbashi của Edo, tên ban đầu của ông là Owariya Yonejiro. Bố của ông là một nhà buôn giàu có, là người đã dùng tiền để mua tước hiệu Samurai, nhờ đó gia đình đã có đẳng cấp Samurai. Lên 5 tuổi, Yoshitoshi được một người chú không con nhận làm dưỡng tử. Người chú rất yêu quý Yoshitoshi và dạy ông những bài học nghệ thuật đầu tiên ngay từ lúc đó. 11 tuổi, ông trở thành sinh viên trường đào tạo họa sĩ ukiyo-e nổi tiếng của Kuniyoshi Utagawa, một nghệ sĩ vĩ đại của môn nghệ thuật này. Chính sư phụ đã tặng ông cái tên mới: Yoshitoshi.

Một bức trong bộ “100 vẻ trăng” của Yoshitoshi. Hình từ trang này 

Ukiyo-e là tranh in bằng ván gỗ, về kỹ thuật thì cũng có các bước tương tự như tranh khắc gỗ Đông Hồ nhưng người Nhật đã nâng lên một đẳng cấp riêng biệt.

Đầu tiên, họa sĩ sẽ dùng mực tàu vẽ những bản nét chỉ có hai màu trắng đen, sau đó họa sĩ sẽ viết ra những chỉ dẫn màu sắc để phục vụ công việc in về sau.

Từ bản vẽ nét đen trắng, người thợ khắc sẽ chuyển sang những bản khắc gỗ khác nhau. Lần đầu tiên được thấy một bản ván của tranh ukiyo-e tôi đã kinh ngạc vì kích thước của nó khá nhỏ chỉ như một cuốn truyện tranh, thế nhưng đầy những chi tiết, những nét khắc nhỏ li ti đáng kinh ngạc miêu tả những chi tiết rất nhỏ như sợi tóc. Một bức tranh khắc gỗ Đông Hồ được in bằng 4 bản khắc, 3 màu cơ bản và bản nét màu đen. Một bức tranh ukiyo-e có thể được in bởi hàng chục bản khắc gỗ để đảm bảo tính chi tiết và độ chuyển màu sắc kỳ ảo.

Yoshitoshi đã học việc bằng cách tập vẽ nét ở trường của bậc thầy Kuniyoshi. Nghệ thuật tranh khắc gỗ khi ấy vẫn bị coi là một thứ nghệ thuật thấp cấp. Các họa sĩ của nghệ thuật này, bị ảnh hưởng bởi lối vẽ thư họa của Trung Quốc, thường coi trọng việc mô tả ước lệ để diễn tả tình cảm hơn là nghệ thuật tả thực của hội họa phương Tây.

Kuniyoshi Utagawa, “Bên bờ sông Sumida”

Kuniyoshi có quan điểm khác về việc này, tranh của ông nhấn mạnh vào việc tả thực cuộc sống. Đây cũng là lúc các họa sĩ Nhật du nhập những kỹ thuật vẽ tranh của phương Tây như phối cảnh. Tại trường, Yoshitoshi được học các kỹ thuật về phối cảnh và tả thực. Kết quả năm 14 tuổi, cùng năm với sự kiện Tàu đen, Yoshitoshi đã trình làng bộ tranh tả trận hải chiến tại Dan-no- ura. Sự ra mắt sớm của Yoshitoshi có lẽ do bệnh tật của sư phụ Kuniyoshi khiến ông đã phải làm thay rất nhiều trong những năm cuối đời của sư phụ.

Trận đại chiesn giữa nhà Minamoto và nhà Taira tại Dan-no-Ura, 1865

Về bộ tranh vẽ trận hải chiến

Dan-no-ura là vùng biển thuộc eo biển Shimonoseki. Tại đây, ngày 25. 4. 1185 đã xảy ra một trận hải chiến đẫm máu giữa hạm đội gia tộc Minamoto và hạm đội gia tộc Heike (Taira) trong cuộc chiến Genpei.

Trích đoạn tranh

Hai gia tộc này tranh giành quyền thống trị triều đình và thống trị nước Nhật. Nhà Taira kiểm soát Thiên hoàng, kiểm soát triều đình. Nhà Minamoto cố giành lại nhưng đã thất bại. Sự hằn thù giữa hai gia tộc đã lên đến đỉnh điểm, và Genpei là cuộc hải chiến định mệnh của họ.

Khởi đầu, quân Taira có lợi thế hơn. Tuy nhiên quân Minamoto đã phát hiện ra soái thuyền của Thiên hoàng Antoku và đã tập trung cung thủ để hạ sát Thiên hoàng. Toàn bộ hạm đội của gia tộc Taira bị tiêu diệt, nhiều người đã tự sát để bảo toàn khí tiết. Người ta đồn rằng hồn ma của gia tộc Taira đã biến thành những con cua ở vùng biển này: đến giờ người ta vẫn thấy hình ảnh các vị samurai cổ xưa trên mai những con cua sống tại đây. Người ta cũng đồn rằng vào những đêm mưa gió, có hàng nghìn đốm lửa quỷ hỏa – hồn ma gia tộc Taira – lướt trên đầu những ngọn sóng.

Chi tiết tranh

Yoshitoshi giới thiệu bộ tranh về trận hải chiến tại Dan-no-ura cùng lúc nước Nhật rung chuyển vì sự thua cuộc nhục nhã trước sức mạnh mới của thế giới, trước tàu thép và súng đại bác. Yoshitoshi xuất hiện trên bầu trời phù thế đồ cũng là lúc thời đại của những con tàu buồm, các samurai cùng các thanh kiếm katana đi vào lịch sử. Chính sự kiện này đã ảnh hưởng sâu sắc lên cuộc đời và các tác phẩm của ông.

Trích đoạn tranh

Về sau, chủ đề hải chiến tại Dan-no-ura sẽ còn được được Yoshitoshi lặp lại trong nhiều bức tranh khác.

*

Tranh cổ Nhật Bản:

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Đồng lúa ở Asakusa và hội Torinomachi”

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Tào Tháo ngắm trăng lên sau núi Nam Bình”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Pháo hoa ở Ryōgoku”

- Tranh cổ Nhật Bản: Bắt cá trê bằng quả bầu, và kỹ nữ đánh đập cá trê

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng

- Tranh cổ Nhật Bản: cảnh công viên Ueno trong tranh sắc đỏ aka-e và tranh sắc xanh aizuri-e

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Trăng ở phố đèn đỏ”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige và “Anh đào đêm ở Phố giữa của Yoshiwara”

- Tranh cổ Nhật Bản: hai bức về anh đào đêm và chút phụ lục về Geisha

- Tranh cổ Nhật Bản: Tawara Tōda mang ba món quà từ Long cung thành trở về

- Tranh cổ Nhật Bản: tích Benkei trộm chuông chùa Mii

- Tranh “cổ” Nhật Bản: “tân bản họa” với mỹ nhân của Itō Shinsui

- Tranh “cổ” Nhật Bản: Mỹ nhân “cũ” và mỹ nhân “mới”

- Tranh cổ Nhật Bản: “Sóng lừng” của Hokusai

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 1): Vẽ samurai gặp quỷ

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 2): 14 tuổi vẽ trận hải chiến

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 3): Vẽ dũng tướng để nhớ một thời đại

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 4): Người tài máu me và sa đọa

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả