Nghệ sĩ thế giới

Artemisia Gentileschi (bài 1): Vì sao lại vẽ Judith cắt đầu Holofermes? 21. 06. 22 - 12:29 pm

Willow Wằn Wại

Câu chuyện về thánh nữ Judith là một trong những chủ đề tôn giáo được yêu thích nhất thời kỳ Phục Hưng và Baroque. Với sự sùng đạo và lòng yêu thương người dân vô tội, nàng góa phụ trẻ Judith đã dùng sắc đẹp và trí thông minh của mình để lọt vào doanh trại Assyria và lấy đầu Holofernes.

Bức tranh Judith của Giorgione, thời kỳ đỉnh cao Phục Hưng. Holofernes này nhìn hơi bị bình thản, hồi nhỏ xem tranh tôi còn tưởng dưới chân Judith là cái tượng đầu người. Cũng may không biết là đầu người nếu không chắc lớn lên bị ám ảnh.

Chủ đề này được các nghệ sĩ khai thác nhiệt tình, từ Donatello, Sandro Botticelli, Michelangelo cho đến Gustav Klimt.

Phiên bản Judith của Michelangelo với hai người nữ bưng cái đầu mới chặt được.

Nhưng phiên bản hiện thực nhất, kịch tính nhất và cũng mang đậm tính nữ nhất là phiên bản của một nữ họa sĩ hiếm hoi thời đó: Artemisia Gentileschi.

“Judith cắt đầu Holofernes”, phiên bản đầu tiên Artemisia vẽ năm 18 tuổi

Artemisia không những đã vẽ tranh dưới góc nhìn của phụ nữ, mà thậm chí còn vẽ gương mặt của bản thân lẫn của kẻ đã cưỡng hiếp mình vào tranh, biến bức tranh thành một công cụ truyền tải ý nghĩa đậm nét và độc nhất.

Bức tranh Judith cắt đầu Holofernes, phiên bản thứ hai của Artemisia

“Mì chính cánh” thời Baroque

Artemisia là con gái của Orazio Gentileschi, một họa sĩ rất thành công. Nhờ lớn lên trong xưởng vẽ và được cha cho phép, khích lệ, cô đã có một cơ hội hiếm hoi mà phụ nữ thời đó không có: học vẽ. Tài năng của Artemisia được bộc lộ từ sớm và cha cô cũng không khỏi kinh ngạc về điều ấy. Chỉ sau 3 năm, cô đã vượt qua các môn sinh của ông.

Do phụ nữ thời đó không được ra ngoài đi học, Orazio đã mời bạn mình là Agostino Tassi đến dạy vẽ cho con gái. Kết quả là Agostino đã cưỡng hiếp Artemisia khi cô 17 tuổi. Như bao gã đàn ông từ trước tới nay trong lịch sử, lúc đầu Agostino hứa hẹn sẽ “chịu trách nhiệm”, cuối cùng thì “ăn xong dông”. Orazio biết chuyện đã thưa kiện đồng nghiệp của mình, một điều hiếm thấy thời đó. Nạn nhân, tức Artemisia, phải chịu nhục hình từ tòa án để đánh giá xem cô có nói sự thật hay không, trong khi bị cáo là Agostino thì ung dung rung đùi ở ghế.

Phiên tòa kéo dài suốt 8 tháng để lấy lời khai của các nhân chứng. Artemisia, như bao phụ nữ thời đó, cố nhiên chỉ ngoan ngoãn ở trong nhà, không ló mặt ra đường nên rõ ràng là một phụ nữ đứng đắn. Ngược lại, Agostino thì bị nhiều người tố cáo vì nhiều tật xấu trời ơi đất hỡi. Cũng phải nói rõ rằng thời đó, họa sĩ được các nhà bảo trợ tên tuổi sủng ái thì rất ngông nghênh và sống buông thả, ngay như danh họa Caravaggio cũng xiên chết người ta chỉ vì cãi nhau khi cá độ đánh bóng.

Bức tranh vẽ Thánh nữ Catherine. Lúc đầu đây là một bức tranh tự họa của Artemisia, sau đó được sửa lại thành Thánh nữ Catherine. Trùng hợp là về sau Artemisia cũng bị tra tấn như thánh nữ.

Vụ kiện đặc biệt thu hút sự quan tâm của mọi người, thứ nhất vì thời đó chả ai bị hiếp dám lên tiếng cả, thứ hai là vì nó xoay quanh hai họa sĩ nổi tiếng của Rome khi đó. Cuối cùng thì hai cha con thắng kiện, nhưng Agostino thì chẳng bị sao ngoài việc được mời lánh mặt khỏi Rome một thời gian, vì có ô dù quá to là Giáo Hoàng. Còn cha con Artemisia thì muối mặt với bà con làng xóm vì cô con gái chưa chồng đã mất trinh. Orazio đành kiếm một mối cho cô con gái đã mất danh dự của mình, gả vội cho một ông chồng họa sĩ không tên tuổi ở Florence.

Gả con gái tới Florence có lẽ là một lựa chọn mang tính yêu thương của Orazio. Artemisia rất may mắn không bị hỏng tay sau khi bị tra tấn trong phiên tòa, nên cô vẫn có thể vẽ tiếp. Florence là vùng đất thiêng của thời Phục Hưng, và với danh tiếng và mối quan hệ của cha, cô có thể kết nối với các họa sĩ khác. Chính tại đây, Artemisia trở thành người phụ nữ đầu tiên được học ở Accademia delle Arti del Disegno (tạm dịch: Học viện Nghệ thuật Hội họa). Nhờ vậy cô có thể mua họa cụ và nhận hợp đồng mà không cần phải thông qua sự đồng ý của chồng. Cũng từ đây, cô bắt đầu được học chữ và kết giao với bạn bè, bao gồm cả những người thuộc giới tri thức.

Một năm sau vụ bị cưỡng hiếp, Artemisia đã trả thù theo cách riêng của mình: vì khi đó không biết chữ, cô đã vẽ cảnh Judith lấy đầu Holofernes, trong đó gương mặt của Holofernes không ai khác chính là mặt của kẻ hiếp dâm Agostino Tassi. Tám năm sau, khi tài năng ngày càng chín muồi, cô vẽ lại bức Judith nhưng đã nâng nó lên một tầng cao hoàn toàn mới.

Chi tiết tranh “Judith cắt đầu Holofernes”, phiên bản đầu tiên Artemisia vẽ năm 18 tuổi

Chi tiết tranh “Judith cắt đầu Holofernes”, phiên bản hai, khi Artemisia 26 tuổi

(Còn tiếp phần 2)

Ý kiến - Thảo luận

12:55 Wednesday,22.6.2022 Đăng bởi:  Ngọc chiếu
Bài viết hay, cảm ơn tác giả.
...xem tiếp
12:55 Wednesday,22.6.2022 Đăng bởi:  Ngọc chiếu
Bài viết hay, cảm ơn tác giả. 
17:36 Tuesday,21.6.2022 Đăng bởi:  Huy Hoàng
Lâu lắm rồi mới đọc bài phân tích hội họa trên Soi. Rất cảm ơn tác giả!
...xem tiếp
17:36 Tuesday,21.6.2022 Đăng bởi:  Huy Hoàng
Lâu lắm rồi mới đọc bài phân tích hội họa trên Soi. Rất cảm ơn tác giả! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Marina Abramovic - Tuyên ngôn đời nghệ sĩ

Marina Abramovic – Khôi Nguyên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả