|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩArtemisia Gentileschi (bài 2): Cắt đầu Holofermes phải cần thêm cô hầu gái 24. 06. 22 - 10:25 amWillow Wằn Wại(Tiếp theo phần 1) Judith và Salome là hai tích trong Kinh Thánh, cả hai đều liên quan đến một người đẹp với một cái đầu đàn ông, nhưng một tích là nữ chính diện (Judith), một tích là nữ phản diện (Salome). Thành ra để tránh nhầm lẫn, các họa sĩ dần dần đã cho thêm thanh kiếm vào các tranh vẽ Judith. Thanh kiếm với Judith vì vậy mang tính biểu tượng cho Công giáo là chính. Tới giai đoạn Baroque, Caravaggio – cũng là một người bạn của gia đình Artemisia – với con mắt hiện thực đặc sắc đã chọn một chủ đề kịch tính hơn nhiều: ông không vẽ Judith cầm cái đầu Holofernes, thay vào đó ông chọn tái hiện lại cảnh Judith ĐANG cắt đầu Holofernes. Thanh kiếm là một vũ khí đóng vai trò then chốt trong tác phẩm. Là một bậc thầy ánh sáng, bức tranh vẽ người đàn ông quằn quại vì bị hành quyết, máu phun ra tấm khăn trải giường trắng gây ấn tượng mạnh mẽ với bất cứ ai, trong đó có Artemisia. Nói thêm, cha của Artemisia là họa sĩ Orazio cũng mở rộng đường cho con gái, giúp cô được gặp gỡ Caravaggio và học hỏi nhiều từ tính hiện thực trong các tác phẩm của cây đại thụ này. Artemisia đã chọn chủ đề giống hệt như của Caravaggioo, nhưng đẩy mức kịch tính và tàn bạo lên đến đỉnh điểm. Theo lời khai của cô, lúc bị cưỡng hiếp, cô đã tìm mọi cách chống trả, cào cấu và thậm chí lấy dao ra đâm Agostino. Trải nghiệm này, cùng với việc chịu nhục hình trong phiên tòa rõ ràng in sâu vào trong tâm trí cô, tạo thành một kinh nghiệm thực tiễn về bạo lực, và cô đã truyền tải điều đó vào tranh. Trong bức tranh của Artemisia, tạo hình Judith là dựa trên Judith của Caravaggio nhưng bố cục có thay đổi, với gương mặt đau đớn của Holofernes nằm ngay chính giữa tranh, cũng chính từ đó máu phun ra xối xả. Nếu như tranh của Caravaggio vẫn còn chất “kịch” thì tranh của Artemisia chính là làm văn tả thực, kéo các nhân vật lại gần nhau hơn, thể hiện một cuộc giằng co quyết liệt hơn. Kẻ phản diện với một cánh tay đang vươn lên cao ở giữa tranh, kéo thành một trục dài từ gương mặt há hốc, cho thấy một cuộc vật lộn quằn quại đau đớn hơn hẳn. Trong tranh của Caravaggio, Judith của ông có tư thế lả lướt tóc tai áo váy bồng bềnh, nhìn chiếc cổ kẻ thù bị cứa ra với sự ghê tởm (cũng là cảm giác của người xem tranh). Khác với bức tranh của người đi trước Judith của Artemisia ở phiên bản đầu mặt rất tỉnh, nếu không nói là có phần thỏa mãn. Ở phiên bản thứ nhì (tức 8 năm sau đó), mặt mũi của Judith (và cô hầu gái) có nghiêm nghị hơn, lông mày nhíu lại, môi mím lại thể hiện sự quyết liệt trong suy nghĩ. Judith của Caravagio lăn xả vào hành động, việc ống tay áo của cả hai nhân vật được xắn lên từ trước cho thấy hai chị gái đã lên kế hoạch cẩn thận và đồng lòng thực hiện. Vụ ám sát không phải là việc bất ngờ phát sinh mà là một việc có tính toán và chủ đích. Điều tăng thêm gấp đôi phần hiện thực mà chỉ Artemisia mới làm được, vượt xa cả Caravaggio, là nhân vật hầu gái. Trong khi ở tất cả các bức tranh do các họa sĩ khác vẽ, nhân vật này hoặc không xuất hiện, hoặc đóng vai phụ, cầm cái túi hay khay đựng cái đầu, thì trong tác phẩm của mình, Artemisia cho nhân vật này cũng nằm ngay ở trục trung tâm bức tranh và đóng vai trò trợ tá hành động, ở đây là ghì tay Holofernes xuống để Judith xử lý. Bàn tay và khổ người to lớn của Holofernes so với gương mặt hầu gái bé nhỏ (dù đã rất đô con) cho thấy sự chênh lệch to lớn về sức mạnh. Chỉ có nạn nhân của vụ hiếp dâm như Artemisia mới hiểu được rằng không dễ gì có chuyện một phụ nữ đánh nhau solo mà thắng được đàn ông. Và việc hai người phụ nữ người ghì thẳng xuống, người nắm tóc, người cắt cổ cũng làm tăng mức độ hành động trong tranh. Nhân vật hầu gái này như lời tuyên bố chị em phụ nữ đoàn kết lại, đồng thời phản ánh một sự thật đáng buồn là khi vụ hiếp dâm xảy ra, Artemisia kêu cứu nhưng không được hầu gái giúp đỡ. Thậm chí hầu gái của cô đã bị mua chuộc để cố tình sắp xếp việc cô và Agostino ở riêng với nhau. Bức tranh như một hình ảnh ẩn dụ “Nếu…thì…” cho trường hợp của cô, là trải nghiệm thực tế đau buồn cô đã phải trải qua. (Còn tiếp phần 3) Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|