Đi & Ở

Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm! 04. 12. 22 - 5:28 pm

(Tiếp theo bài 3)

Nhớ lại khi mở trang mạng để nộp evisa của Oman, thấy ngay phần đầu là hình người đàn ông Oman trong trang phục truyền thống sặc sỡ và các cảnh đẹp ở Oman, chắc để quảng cáo cho ngành du lịch mới chập chững bước đi ở đất nước còn ít khách du lịch biết đến này. Vừa thao tác tiếp mình vừa thắc mắc, thiếu gì thanh niên trai tráng cười tươi mến khách mà lại chọn ngay một ông trung tuổi, mặt thì nghiêm nghị, mắt lờ đờ phê pha để ngay trang chính! Hay có lẽ quảng bá thương hiệu rằng Oman là một nước sleepy (theo ngôn ngữ của Tây) tức là những đô thị và những làng chài mơ màng ngủ yên trên một bán đảo Ả Rập mà lúc nào cũng sôi sục tiền vàng, nhà chọc trời, giương oai diễu võ giả và súng đạn thật.

Trang nộp visa điện tử của Oman. Tốc độ xử lý rất nhanh, chỉ qua đêm là có visa. Ảnh chụp màn hình.

Đến lúc nghiên cứu thêm mới vỡ lẽ ra là… mình phạm thượng quá. Đấy là đương kim hoàng thượng, Sultan Haitham nên áo choàng mới có hai cái dải màu vàng như thế! Bỗng nhớ ra là hai năm trước có đọc thấy tin Sultan Qaboos băng hà thật, hồi đấy mới chớm dịch Covid. Bao nhiêu năm, hình ảnh Oman luôn gắn liền với Sultan Qaboos bởi nhà vua ở ngôi cũng có hạng số má trên thế giới, số một ở thế giới Ả Rập với 49 năm 6 tháng. Quan trọng hơn, nhà vua không phải hình thức như Nữ hoàng Anh hay vua Thái mà là người có thực quyền chuyên chế, trực tiếp điều hành đất nước. Nửa thế kỷ trị vì, đưa đất nước nợ nần cày lên sỏi đá thành một nước tiến bộ và văn minh bậc nhất Trung Đông giữa bao nhiêu làn đạn, nên dân tôn thờ vua như thánh sống, bây giờ nhắc đến vẫn có người chảy nước mắt.

Sultan Qaboos không có con, có lấy cô em họ nhưng đã li dị mấy chục năm, nghe (cả nước) đồn rằng vì nhà vua có đội cận vệ chăm sóc ân cần hơn nhiều (Chết, lại phạm thượng!). Vua băng hà mà truyền thống của Oman là không lập Thái tử, nên ngai vàng do hội đồng Nguyễn Phước tộc… à quên Hội đồng Al Said tộc quyết định. Dòng trưởng đứt thì ngai vàng phải chuyển cho dòng thứ. Ông chú (vừa là Thủ tướng đầu tiên và bố vợ cũ) của Sultan có 7 người con trai thì có 3 người được vào tầm ngắm:

– Asa’ad là Chuẩn tướng 16 năm trong quân ngũ, đã bỏ quân hàm để sang làm Phó thủ tướng phụ trách ngoại giao, râu hùm hàm én mày ngài.

– Haitham là Bộ trưởng Di sản và Văn hoá gần 20 năm, Thứ trưởng ngoại giao 16 năm, khởi nghiệp chính trị bằng Chủ tịch hiệp hội bóng đá, trông hiền lành và mải chơi, râu nửa đen nửa trắng.

– Shihab chỉ là Trung tá hải quân nhưng lại là cố ván thân cận với Qaboos, người dong dỏng cao trang nhã, râu tóc trắng muốt như ông anh họ.

Hoàng thân Shahib và nhà vua Haitham khiêng linh cữu nhà vua Qaboos trong đám tang tổ chức theo nghi lễ quân đội. Ảnh: Getty Images

Nếu cho các bạn chọn thì các bạn chọn ông nào? Hội đồng hoàng tộc chịu chết, nên quyết định Plan B là mở di chiếu của Qaboos trong phong bì dán kín (loại mà nhà Thanh cất trên hoành phi Chính Đại Quang Minh). Thế là hôm sau Hoàng thân Haitham lên ngôi, lễ đăng quang rất đơn giản chỉ có tuyên thệ trước Quốc hội như bất kỳ ông Tổng thống nào, vừa đọc lời thề vừa nhìn lên trần nhà!

Lịch sử lằng nhằng: Xã tắc nát dần, giang sơn rạn nứt

Oman từng là một đế quốc, không phải cỡ mặt trời không lặn như Anh Quốc hay Ottoman nhưng cũng cai trị kha khá đất đai và chuyên nghề hàng hải, buôn bán nô lệ mà giàu có. Đế quốc Oman đến đầu thế kỷ 19 có 6 phần:

• Vùng Muscat: là dải đất ven vịnh Oman ở cửa ra của vịnh Ba Tư

• Vùng Oman: là phần sỏi đá ở trong nội địa, phía nam giáp biển nhưng là biển Ả Rập

• Vùng Dhofar: là phần đất phía nam, tuy cũng toàn đá nhưng vào mùa thu (khareef) có gió mùa Đông Nam thổi vào nên cây cối xanh tươi mà mây mù giăng kín lối

• Vùng Pirate Coast: là bờ biển phía nam vịnh Ba Tư, tức các nước tí hon siêu giàu ngày nay (UAE và Bahrain) nhưng thời đó vua chúa chỉ là các tù trưởng, chuyên nghề mò ngọc trai và cướp biển

• Vùng Balochistan: là phần bờ biển phía nam Iran và Pakistan ngày nay, nơi người Baloch sinh sống, đến bây giờ vẫn đòi độc lập khỏi hai nước nói trên

• Vùng Zanzibar: là phần bờ biển Kenya, Tanzania và Mozambique ở châu Phi ngày nay và đảo Zanzibar.

Với các thế lực phương Tây như Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ, các vua Oman vừa đánh vừa đàm, vừa chia rẽ vừa lợi dụng.

Bản đồ đế quốc Oman với các thuộc địa đều trải dài trên bờ biển. Ảnh: AbdurRahman AbdulMoneim

Năm 1856, Said bin Sultan băng hà mà có đến 26 ông con trai nên Hội đồng hoàng tộc bỏ phiếu mãi không xong và việc choảng nhau là tất yếu. Người Anh đứng ra hoà giải và kết luận là Anh ba, anh tư, anh năm lấy phần Muscat. Anh sáu, anh tám, anh mười lăm, anh hai mươi lấy phần Zanzibar. Gươm đàn hai gánh, giang sơn hai chèo.

Về phần Zanzibar:

Thành cổ Nizwa (bên trái) ở chính quốc và thành cổ Zanzibar (bên phải) ở thuộc địa. Ảnh: Andries Oudshoorn và Erasmus Kamugisha

Các vua Zanzibar nối ngôi nhau đến tận năm 1964 khi Đảng Cộng sản Zanzibar (ASP) làm cuộc cách mạng đẫm máu, giết sạch người Ả Rập (Oman) và Ấn Độ. Đoạn phim quý giá duy nhất do các nhà làm phim Ý quay từ trực thăng có thể xem được tại đây. Đây chỉ là trích đoạn từ Africa Addio, một trong những phim tài liệu quan trọng nhất trong lịch sử điện ảnh.

Sultan Jamshid, vị vua cuối cùng của Zanzibar, tuy không có ấn vàng hình rồng mang theo nhưng cuối cùng cũng được cấp visa trở về Oman định cư vào năm 2020 sau 50 năm lưu vong ở Anh Quốc.

Về phần Muscat:

Năm 1932, khi Sultan Said bin Taimur lên ngôi ở Muscat thì đất nước chỉ còn 4/6 vùng kể trên sau khi đã mất Pirate Coast và Zanzibar, cộng thêm một núi nợ của bọn tư bản Ăng-lê. Sultan Said bin Taimur thấy Mỹ giàu có thì cũng thân thiết, không chỉ đi Washington D.C, mà còn sang Virginia đặt vòng hoa viếng lăng bác Từn hẳn hoi. Đây là tiền đề để khi người Anh rút đi sau này thì Mỹ trở thành đồng minh thân cận có căn cứ quân sự ở Oman.

Vua Said bin Taimur xem lính Anh tập trận ở Aldershot năm 1938. Ảnh: Len Putnam/AP

Thế rồi đùng một cái người Anh tìm ra dầu ở vùng Vịnh, cứ cắm mũi khoan xuống là dầu phun lên như suối từ Iraq đến tận Dubai. Cả vùng đều có, chẳng nhẽ Oman lại không có dầu? Thế là vùng nội địa cằn cỗi (vùng 2 nói trên) bỗng trở thành mục tiêu khoan đục của liên quân hút dầu Anh-Mỹ-Hà Lan-Pháp.

Bản đồ Oman xuất bản năm 1870. Ảnh: Johnson’s New Illustrated Family Atlas, New York

Vùng 2 này, tên chính thức khi đó là Tiểu quốc hồi giáo Oman, vốn toàn đất trống đồi trọc, đứng đầu bởi một vị giáo chủ (Imam) – một chức quan đầu tỉnh thần phục lỏng lẻo dưới trướng Sultan. Nơi này vẫn lờ đờ ngủ yên suốt 1200 năm, thế nhưng giờ cho Tây vào hút (dầu) xách (xăng) thì vị Imam lại không chịu.

Cuộc chiến Jebel Akhdar (tên dãy núi ngăn cách vùng Muscat với vùng Oman) nổ ra năm 1954 giữa phe Muscat do Anh yểm trợ với phe Oman do Saudi và Ai Cập yểm trợ, xoay quanh việc không chịu để Anh nó cướp dầu. Năm 1959, vị Imam cuối cùng của vùng Oman không chịu nổi bom Anh đã chạy sang Saudi tị nạn đến 2009 mới qua đời. Sultan Said thống nhất đất nước, đặt tên là Vương quốc Muscat và Oman, mời các anh vào múc dầu thoải mái để trừ nợ. Thế nhưng Muscat và Oman vẫn là một đất nước lạc hậu trong khi thế giới người ta đi lên vù vù.

Lính đặc nhiệm SAS của Anh cưỡi lạc đà ở Oman năm 1961. Ảnh: Topfoto

Quân cách mạng đến khi hoàng tử Qaboos còn đang bị nhốt

Năm 1965, quân cách mạng nổi dậy ở tỉnh Dhofar, nơi có thành phố Salalah xanh mát với cung điện của Sultan. Cuộc nổi dậy với vũ khí Liên Xô và cố vấn quân sự Trung Quốc nhanh chóng trở thành nội chiến, hòa chung trong không khí giải phóng vùng Vịnh khỏi đế quốc Anh trên cả bán đảo Ả Rập. Quân triều đình gọi quân cách mạng là Adoo (Á-đù, tức “kẻ thù” hay “địch”).

Cô du kích Mặt trận bình dân giải phóng Oman những năm 1970. Ảnh: Uỷ ban đoàn kết quốc tế Pháp (Comité Français pour la Solidarité Internationale)

Sultan Said bị ám sát hụt năm 1966 và quân triều đình thua liên tiếp vì giặc Adoo vừa đọc Mao tuyển vừa phóng tên lửa Katyusha của Liên Xô. Sultan từ đấy lao vào hoảng loạn và thi hành những điều luật cấm đoán kỳ quặc nhất trên cả nước từ cấm đeo kính đen, cấm che ô, cấm điện, cấm đài và đến cấm cả nói chuyện ngoài đường nhiều hơn 15 phút. Nhiều người trong hoàng tộc cũng bị nhốt trong cung cấm để đề phòng phản loạn, bao gồm cả cô công chúa lai Nhật – em cùng cha khác mẹ với ông – và hoàng tử Qaboos khi ấy mới tốt nghiệp Học viện quân sự rồi phục vụ trong quân ngũ ở Anh về.

Năm 1970, quân Adoo đã đánh đến sát nút, cách Muscat có 150 km. Đất nước khi ấy xơ xác, cơ sở hạ tầng không có gì, dân thì nổi dậy, vua thì vẫn tiền dầu bỏ túi, muốn đất nước không Tây hóa mà giữ nguyên như thời trung cổ, nên người Anh quyết định thay ngựa giữa dòng. MI6 cho ghi âm lời đề nghị đảo chính lẫn vào băng nhạc cát-xét để tuồn vào cung điện nơi hoàng tử Qaboos bị nhốt. Hoàng tử 30 tuổi đồng ý.

Ngày 23. 7. 1970, quân đội Oman dưới sự chỉ đạo của sĩ quan Anh tiến vào hoàng cung Al Hosn, toàn bộ lính cảnh vệ đầu hàng, vua Said sau khi lỡ tay tự bắn vào chân mình thì ký vào văn bản thoái vị và lên máy bay đi Anh an trí đến cuối đời.

Cuộc đảo chính này và cả hai cuộc chiến với sự tham gia đông đảo của lính Anh đều bị giấu kín với công chúng nước Anh và chính phủ Anh không thừa nhận họ đạo diễn cho đến tận gần đây khi các tài liệu được giải mã. Năm 2016, chính phủ Anh vẫn còn rút lại một tài liệu không cho giải mã, liên quan đến Mark Thatcher, con trai của bà đầm thép Thatcher, về việc tay này đòi mẹ chạy chọt với Sultan Qaboos cho dự án xây trường đại học và mỏ dầu ở Oman. Nhưng quan trọng hơn là tài liệu này còn có thể hé lộ thông tin về khoản hoa hồng bán vũ khí (đồn rằng) 16 triệu đô cho Mark. Thương vụ bán 40 tỉ bảng vũ khí cho Ả Rập Saudi được coi là hợp đồng xuất khẩu lớn nhất trong lịch sử nước Anh. Thanh danh của Thatcher vấy bẩn cũng đều do dung túng cho những phi vụ bẩn thỉu khắp thế giới của ông con quý hóa.

Xã tắc từ đây vững bền, giang sơn từ đây đổi mới

Qaboos lên ngôi Sultan, thừa kế một đất nước còn tệ hại hơn lúc bố ông nhận từ ông nội: bệnh dịch đói nghèo tràn lan, toàn dân mù chữ, cả nước có 3 trường tiểu học, 2 bệnh viện, 13 bác sĩ và 10 cây số đường nhựa. Tuổi thọ trung bình chỉ là 49,3 trong khi đất nước xuất khẩu dầu. Chàng trai Tây học tiến hành canh tân đất nước dưới sự cố vấn của người Anh, từ việc thành lập ngay Bộ Y Tế đến việc miễn tội cho những ai từng chống lại bố mình. Quốc hội được thành lập với sự tham gia của tất cả các dân tộc và bộ lạc khác nhau vào việc điều hành Chính phủ.

Quyết định quan trọng nhất về mặt quân sự của Qaboos và cầu viện Shah của Iran. Việc này bị cả thế giới Ả Rập chỉ trích là tại sao lại rước xe tăng Ba Tư về giày mả tổ nhưng Qaboos biết rằng chỉ có Iran với vũ khí nhiều như núi mới có thể giúp mình. Quân Iran cộng với hàng trăm triệu đô hiện đại hoá quân đội Oman đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Trong khi đó Trung Quốc trở mặt và đổi chiến thuật thân thiện với Mỹ (và Iran) khiến quân Cộng sản ở Oman dần dần bị đánh lui. Qaboos vì thế mang nợ với Iran và trở thành nước Ả Rập duy nhất thân thiện với Iran kể cả khi đã chuyển sang chế độ Thần quyền. Oman ngày nay là nơi trung gian đầu mối để liên lạc và đàm phán giữa các thế lực ở Trung Đông, hay cả giữa Iran và Mỹ. Đó là lý do vì sao khi Qaboos băng hà vào năm 2020, phương Tây phải hồi hộp chờ xem ai kế vị Oman vì tướng Qassem Soleimani của Iran mới bị Mỹ bắn chết một tuần trước đó.

Vua Qaboos Bin Said thăm chính thức nước Mỹ tháng 12/1983. Ảnh: White House Photographic Collection, 1/20/1981 – 1/20/1989

Đời sống dân được cải thiện rõ rệt, điện đèn giăng giăng như mắc cửi, đường nhựa trải thảm khắp nơi, trường học mọc lên như nấm, trẻ con được đi học thay vì sang Trung Quốc huấn luyện quân sự. Lenin đã nói: “Chủ nghĩa cộng sản = chính quyền Xô viết + điện khí hóa toàn quốc”. Đây là nơi xa, không được chịu giáo hóa của thiên triều nên sang đến nơi công thức nó rụng mất chỉ còn: “Chủ nghĩa cộng sản = điện khí hóa toàn quốc”. Bất chiến tự nhiên thành, có điện rồi lo mà xem tivi chứ đánh nhau làm gì cho nắng rát mặt. Sultan Qaboos đã hoàn thành hai việc lớn: kết thúc chiến tranh, thống nhất sơn hà và hiện đại hóa đất nước. Từ đó cho đến ngày nay, thu nhập và cơ sở hạ tầng của Oman phát triển mỗi năm. Vì thế sự kính trọng của dân chúng dành cho đức vua là không thể đong đếm; đến mức mà đức vua tuy đã thôi rồi, nhưng trên tường vẫn cứ ngồi cạnh em!

Chân dung Sultan chính thức của Nhà nước Oman, dân chúng cứ có tường là treo, đủ kích thước to nhỏ. Ảnh: Bộ Ngoại giao Oman

(Còn tiếp bài 5)

*

Oman-Kazakhstan:

- Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga

- Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng

- Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa

- Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm!

- Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi

- Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa

- Oman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch

- Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to?

- Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường

- Oman-Kazakhstan (10): Nurbankgate hay hạnh phúc của một tang gia

- Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Ý kiến - Thảo luận

19:36 Saturday,10.12.2022 Đăng bởi:  Sao Lại Xát Muối Vào Mồm Em
Thế mới thấy, thể chế nào chả quan trọng, người đứng đầu là ai cũng chả quan trọng nốt. Cứ mang đến cuộc sống ấm no sung túc cho người dân thì tự khắc dân sẽ theo mà thôi.
...xem tiếp
19:36 Saturday,10.12.2022 Đăng bởi:  Sao Lại Xát Muối Vào Mồm Em
Thế mới thấy, thể chế nào chả quan trọng, người đứng đầu là ai cũng chả quan trọng nốt. Cứ mang đến cuộc sống ấm no sung túc cho người dân thì tự khắc dân sẽ theo mà thôi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả