Đi & Ở

Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa 28. 11. 22 - 6:29 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 2)

Giá xăng là chuyện nóng toàn cầu suốt cả năm qua, từ nước giàu đến nước nghèo, từ chính trị gia đến dân đen đều méo mặt. Thế đam mê road trip (lái xe đường trường) vào thời buổi này thì phải làm sao, dễ thôi, sang Oman mà vít ga, xăng vẫn còn rẻ lắm.

Theo kết quả nghiên cứu trước khi đi thì Oman có hệ thống đường nhựa rất tốt, xe cộ thưa vắng và quan trọng là bằng lái nước nào cũng vào lái bình thường, như bằng lái Úc của nhà mình không cần kẹp thêm gì. Một chi tiết nữa là trẻ con ở Oman phải ngồi ghế baby car seat như ở Úc nên mình đồ rằng lái xe ở đấy cũng khá an toàn vì tiêu chuẩn thế là cao rồi. Các điểm du lịch ở Oman cách nhau cũng khá xa, phương tiện công cộng không có, riêng thủ đô Muscat đã dài 40km chiều ngang thì không thuê xe cũng ốm. Bố mình ngày xưa đi qua Oman đã bảo là taxi đắt đến mức không dám đi, nghe cũng hãi.

Một góc thủ đô Muscat với pháo đài Muttrah trên núi. Ảnh: Juozas Šalna

Có rất nhiều hãng cho thuê xe ở sân bay Muscat, cả quốc tế kiểu Hertz, Avis, Europcar cho đến các hãng nội địa chữ loằng ngoằng. Mình đặt xe của hãng InterRent ở sân bay Muscat qua mạng vì thấy rẻ mà (có vẻ) chất lượng hơn mấy hãng lớn kia. Nhưng dù đọc bao nhiêu review cũng không rõ cái văn phòng hãng này nằm chỗ nào, chỉ biết là có xe ở sân bay. Thôi thì nhắm mắt đưa chân.

Bước chân xuống sân bay Muscat thấy vô cùng hiện đại. Mọi thứ mới cóng, sạch tinh tươm, ghế ngồi ngoằn ngoèo kiểu Bắc Âu và đèn chiếu tim tím hai bên lối đi cho tăng độ huyền bí Ả Rập trong mùi hương trầm lãng đãng được hàng chục máy xông nhả khói phà phà. Các bảng quảng cáo hai bên là cảnh đẹp Oman và cả giới thiệu nơi này được Giải sân bay cải thiện nhất Trung Đông. Giải này giống kiểu Nội Bài nhận năm 2016, nhà ga hành khách trước đó giống như cái ga tàu hàng tỉnh, xây mới xong thì nhận giải luôn. Tuy nhiên sân bay rộng lớn vẫn còn vắng tanh và ngoài đường băng thì chỉ có lác đác máy bay của hai hãng Oman Air và SalamAir mang theo giấc mơ trung chuyển thế giới, cạnh tranh với UAE và Qatar.

Nhân viên hướng dẫn của sân bay rất đông đảo và nhiệt tình chỉ cho mình biển của hãng thuê xe InterRent bé xinh… đặt trên quầy của Europcar! Thủ tục nhập cảnh lâu bao nhiêu thì thuê xe nhanh bấy nhiêu. Cô nhân viên ngồi quầy nói ngọt quá làm mình phải móc ra thêm 20 OMR (1tr2) mua bảo hiểm xe 4 ngày. Đưa chìa khóa xong, nàng còn dặn thêm: “Anh nhớ phải đi Nizwa nhé, đẹp lắm”. Nghe bùi tai thế là nhét thêm Nizwa vào lịch trình vốn chỉ định loanh quanh bờ biển.

Xe thuê mới cứng, bóng lộn, mới đi có 6000 cây số. Tất cả các xe cho thuê khác trông đều mới cóng như vậy (và tất cả các xe bình thường đi trên đường đều mới luôn!). Đi vòng vèo xuống đến tầng trệt lấy xe (vã mồ hôi hột vì ngoài trời 38 độ C!) thì bác giao xe đã lấy xe ra lối đi, bật sẵn điều hòa mát lạnh. Sau mới biết là bên này người ta đi vào siêu thị mua cái gì chẳng hạn, thì xe vẫn bật điều hòa chạy bình thường, không thì người chui vào xe dưới nắng sẽ thành kebab ngay.

Đổ xăng có người đứng bơm là đã biết về đến châu Á. Ảnh: Đặng Thái

Nói thêm về taxi thì giá khá cao do nghề lái taxi chỉ có dân Oman mới được làm. Muốn rẻ hơn thì đi app Otaxi (cũng chỉ có dân Oman lái) 7-10 km chỉ hết 1.5 OMR. App này buồn cười ở chỗ là không có nút đặt điểm đến mà chỉ có nút gọi xe đến đón mình, lên xe rồi mới nói tài xế là đi đâu. Bởi vì cả thành phố chẳng có địa chỉ gì hết, nhà có số nhưng phố chả có tên, thế mà người ta vẫn đi được mới tài, tất cả là nhờ thánh Google Maps độ mạng. Nhà mình đi ăn phở phải xin chủ quán toạ độ Google thì mới đến nơi.

Lái xe khỏi thành phố thì đường mênh mông bát ngát, nghe giang hồ đồn là đâm phải lạc đà còn dễ hơn đâm phải xe khác. Nhưng đồn thế thôi chứ mình đi 4 ngày thấy đúng 1 con lạc đà già bên vệ đường còn không kịp chụp ảnh.
Từ Muscat đi xuống thành phố Sur phía nam, đường 6 làn xe giữa bốn bề núi đá; lúc trèo đèo, lúc bám biển, hùng vĩ không ngờ, trong tiếng nhạc Ả Rập lúc ngân nga lúc xập xình rất hợp cảnh. Hai bên đường lác đác vài nóc nhà, chỉ có mấy nghìn cột đèn ở dải phân cách làm bạn. Thằng con đếm cột đèn được đến cái thứ mấy trăm thì gục. Nắng chang chang nhưng Oman không dùng điện mặt trời mà chủ yếu đốt khí ga làm điện. Mình không dám chạy xe đêm ngoài sa mạc để kiểm chứng chứ trong thành phố thì đúng là đèn sáng vàng rực cả đêm dù trên đường ra sân bay buổi sớm chỉ lác đác vài cái xe. Nhà trong thành phố cũng y hệt một kiểu phẳng lì đơn giản như thôn quê nhưng cột đèn trong phố thì chạm trổ cầu kỳ vô cùng khiến ta không thể không băn khoăn về triết lý sống của người Oman là thế nào?

Biển báo giao thông giữa sa mạc ở Oman. Ảnh: Franzfoto

Biển báo giao thông ở Oman là kiểu châu Âu, tức là gần giống Việt Nam. Đội Mỹ Canada Úc New Zealand sang đây mắt tròn mắt dẹt không hiểu biển cấm cái kèn là biển gì (cấm thổi kèn nói chung hay cấm thổi kèn nơi công cộng) hoặc biển xe đen xe đỏ, có phải là biển tránh đường cho quan lớn hay không! Nhưng cái biển cần nhất là biển cảnh báo có gờ giảm tốc độ thì không thấy đâu. Đường ở Oman có những cái gờ giảm tốc to vĩ đại, không phải là gờ nữa mà phải gọi là con lươn vắt ngang đường mới đúng. Húc phải thì chỉ có tung đít như kiểu đi xe điện đụng trong công viên vậy. Rất nhiều chỗ không những không có biển báo, mà còn chả có vạch sơn, xe xóc, đầu chạm trần xe rồi mới biết! Dần dần thì rút ra kinh nghiệm là vào khu đông dân cư, hoặc ngã ba ngã tư (giữa hoang mạc) đều có gờ giảm tốc, nhất là khi thấy xe đằng trước bò thật chậm thì liệu hồn mà đi chậm lại, chậm dưới 15 km/h không thì trong xe ai đang nhịn tiểu sẽ có kỉ niệm nhớ đời và hạnh phúc gia đình lại bị đe doạ nghiêm trọng.

Biển này ghi: “Các ông đang cày cuốc”, thế các bà đi đâu? Đi học đại học chứ biết làm gì cho hết ngày bây giờ? Ảnh: Đặng Thái

Do đường có những chướng ngại vật nguy hiểm như thế nên mình không dừng lại ở thành phố Sur, mà đi tiếp đến khu bảo tồn rùa biển Ras al Jinz cách 50km để không phải đi đường lúc tối trời. Đường nhựa đi đến tận Khu bảo tồn bên bờ biển lộng gió giữa hoang vu núi đồi với giá phòng rẻ nhất là 200 USD một đêm ở trong mấy túp lều rách mái tranh… đúng chất du lịch sinh thái. Dĩ nhiên cái khó ló cái khôn, một nhà nghỉ ở ngay cửa Khu bảo tồn đã mọc lên với giá 70 USD, thôi thì kính các đại gia châu Âu ở trong, em đành chân trong chân ngoài.

Dọc bờ biển đi đến Sur thấy khá nhiều khu công nghiệp. Nhất là những nhà máy lọc dầu san sát nhau với những hệ ống lòng vòng đặc trưng không lẫn đi đâu được. Phải chăng tổ tiên người Oman trải hàng nghìn năm dưới điều kiện cằn cỗi khắc nghiệt nên Allah mới ban cho họ dầu mỏ để đổi đời chăng?

Thành phố Sur nằm mơ màng im lìm bên bờ biển Ả Rập. Ảnh: Andries Oudshoorn

Tuy nhiên có cái gọi là “lời nguyền dầu mỏ”, rằng không phải nước nào có dầu cũng trở nên thịnh vượng. Phát hiện ra dầu mỏ cũng như trúng xổ số, khi nhiều tiền quá không biết làm gì dễ khiến người ta hoang phí, dân chúng đâm ra ỷ lại và nhiều khi cả đất nước lao vào nợ nần, chưa nói đến chiến tranh để giành mỏ dầu. Oman tuy vẫn phát triển đều đều suốt mấy chục năm qua nhưng dầu mỏ cũng dần cạn kiệt và dự kiến sẽ hết trong hơn chục năm nữa. Vì thế Oman đang chuyển hướng sang một ngành kinh tế mới: du lịch.

Ngoài nhà mình châu Á, thêm một chị châu Phi, thì 90% số người đứng đợi tối đó ở Trung tâm bảo tồn rùa đều người châu Âu trung niên ngả già. Tất cả đều là những người tiên phong “khai phá” ngành du lịch sinh thái ở Oman. Dĩ nhiên rằng chúng mình không phải là những người đầu tiên đến đây, nhưng so với các nước khác thì ngành du lịch ở đây mới chập chững những bước đầu tiên. Nhưng cũng vì sơ khai như vậy mà mình còn được tận mắt chứng kiến những con rùa cái đẻ trứng trên bãi biển. Vài năm nữa, nếu khách ùn ùn kéo đến, không biết liệu rùa có còn quay lại đẻ nữa không?

Tòa nhà khu bảo tồn rùa biển Ras al Jinz. Ảnh: Đặng Thái

Đoàn khách đi bộ trong bóng tối mịt mùng dưới trời sao vằng vặc một quãng khá xa, xung quanh chỉ có tiếng sóng dạt dào. Dù đã xem phim tài liệu về rùa đẻ trứng trên tivi nhưng tận mắt thấy từng quả trứng rơi ra từ con rùa vẫn thấy xúc động làm sao. Rùa mẹ sau khi đẻ mấy chục quả trứng tròn vo, đều tăm tắp có vẻ như đã cạn sức (ai đẻ em bé rồi đều biết phải không nào?). Vậy mà nó lại tiếp tục lấy hai chân trước ra sức quạt cát để lấp lại đám trứng trong hố.

Người đẻ thì đã xem rồi mà hôm ấy mới được thấy rùa đẻ. Ảnh: Đặng Thái

Kì diệu hơn nữa là mọi người được tận mắt nhìn thấy một chú rùa con chui lên từ cát, một con rùa mới nở. Rùa con nở ra sẽ bò xuống biển ngay lập tức. Quãng đường vài chục bước chân ngắn ngủi ấy là cả một thử thách khổng lồ với con rùa bé xíu. Nó có thể bị cua cắp chết, chim mổ làm thức ăn, chó mèo cắn hay bò lạc đường không qua được bãi cát hoặc đuối sức nằm lại trước khi chạm vào sóng biển. Xuống biển rồi còn muôn vàn loài khác có thể tấn công, rồi phải tự tìm cái gì mà ăn theo bản năng sinh tồn. Đó là lí do vì sao rùa đẻ nhiều trứng trong hố nhưng chỉ có 1/10 sống sót đến ngày trưởng thành, và khắp thế giới người ta chung tay bảo tồn rùa biển, nâng niu từng quả trứng trước những người muốn ăn cả… trứng rùa.

Giới tính của con rùa lại được quyết định bởi nhiệt độ của cát, nếu cát dưới 28°C thì rùa sẽ nở ra đoàn đực rựa, nếu trên 31°C thì sẽ toàn Thị Nở. Buổi tối ở bờ biển này gió mát làm trời dịu hẳn lại so với cái nắng gay gắt ban ngày hay cái nóng hầm hập đêm ngày ở Muscat, có lẽ vì thế mà rùa chọn đẻ ở đây để trứng nở ra đủ nếp đủ tẻ. Một điều nữa mà các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được, đó là những em rùa cái tí hon ngày hôm nay sau khi bơi ra biển lớn, 25 năm sau đến tuổi sinh nở, sẽ lại quay về đúng bãi cát này để đẻ trứng chứ không phải bến bờ nào khác của đại dương mênh mông. Một khi đã trưởng thành rồi thì rùa có mai cứng, bơi khoẻ nên không sợ kẻ săn mồi nào nữa và cứ thế sống đến 70-80 tuổi. Chân ướt chân ráo từ khi lọt lòng ra biển lớn một mình đến khi quay về sinh nở cũng một mình, các bà mẹ rùa quả thực là những bà mẹ anh hùng!

Nhân viên khu bảo tồn vẽ lên cát giải thích nhưng mà tiếng Anh giọng trầm bổng điệu sa mạc trong tiếng sóng ầm ầm nên nghe chữ được chữ không. Ảnh: Đặng Thái

*
Sáng hôm sau khi mặt trời vừa lên (đã chói chang), mình lái xe băng qua làng chài (toàn nhà bốn tầng 300 mét vuông sàn) còn đang say ngủ, đi vài cây số về phía hừng đông.

Mới sáng ra mà nàng thơ người Pháp phòng bên đã phì phèo điều thuốc, trầm ngâm núi đồi. Ảnh: Đặng Thái

Điều thú vị ở chỗ nơi đây là điểm cực đông của bán đảo Ả Rập, nơi mỏm đá vươn ra biển Ả Rập hay chính là Ấn Độ Dương. Đỗ xe ở bãi cát, đã có các bác ngư dân đi đánh cá để lại… xe bán tải mới cứng đỗ trên bờ biển. Dầu thì nhà nước trợ giá, cá thì không ai tranh, các bác xây nhà to vật cũng phải.

Xem bản đồ thì thấy chưa tới nơi, bèn men theo vách đá, leo trèo bám víu độ nửa tiếng thì cũng đến điểm cực đông. Mặt trời chiếu xuống mặt biển xanh ầm ì, hắt ánh nắng lên những vách đá hùng dũng chạy dài vô tận. Từ đây về cực tây nước Úc đường quang thẳng tắp, chỉ có 7900 cây số chứ mấy.

Điểm cực đông của bán đảo Ả Rập. Ảnh: Đặng Thái

Lúc đi xuống không nhìn bản đồ điện thoại mà tí lạc vì đá trơ trọi bốn phía chỗ nào cũng giống chỗ nào. Tình cờ lại thấy một bãi biển phía dưới có dấu vết xây xi măng và mấy cái bồn nước, chẳng nhẽ Oman cũng có tệ nạn phân lô bán nền bãi biển cho resort? Về nhà đọc thêm mới biết hóa  ra đây là một di chỉ khảo cổ quan trọng, các nhà khảo cổ Mỹ đã tìm thấy những đồ gia dụng với chữ Ấn Độ cổ đại, minh chứng rằng con người xa xưa đã chọn mũi đá nhô ra này làm mốc đánh dấu trên đường đi giao lưu nhân dân kết hợp đánh quả từ Ấn Độ sang đây.

(Còn tiếp bài 4)

*

Oman-Kazakhstan:

- Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga

- Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng

- Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa

- Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm!

- Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi

- Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa

- Oman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch

- Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to?

- Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường

- Oman-Kazakhstan (10): Nurbankgate hay hạnh phúc của một tang gia

- Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Ý kiến - Thảo luận

20:23 Saturday,10.12.2022 Đăng bởi:  Thuỳ Hoan
Những bài viết của anh Đặng Thái thú vị quá! Cám ơn anh
...xem tiếp
20:23 Saturday,10.12.2022 Đăng bởi:  Thuỳ Hoan
Những bài viết của anh Đặng Thái thú vị quá! Cám ơn anh 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả