Đi & Ở

Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường 10. 04. 23 - 5:27 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 8)

Astana (tiếng Kazakh: “thủ đô”) là một thành phố trẻ và mới trở thành thủ đô từ năm 1997. Tuy nhiên trong 25 năm qua, rất nhiều tiền của đã được đổ vào đây để xây dựng hàng loạt công trình cơ quan, trụ sở, bảo tàng và đền đài. Kiến trúc của Astana được nhiều người thích thú bởi sự… kỳ quái của các công trình.

Ở bầu thì tròn, ở Astana thì méo

Sau bảo tàng, mình bắt Yandex đi qua sông vào khu trung tâm chính trị, đi thang máy lên ngọn tháp Baiterek, nằm ở chính giữa khu vực trung tâm, biểu tượng của thành phố Astana. Ngọn tháp cao 97m, đánh dấu năm 1997 khi thành phố Akmolinsk trở thành thủ đô. Baiterek nghĩa là “cây dương cao”, là hình ảnh trong truyện thần thoại khi con chim thần Samruk (một dạng phượng hoàng của văn hóa Ba Tư) đẻ trứng trên chạc cây baiterek.

Tháp Baiterek ở trung tâm Astana, đằng cuối phía xa là tòa nhà/chiếc lều Khan Shatyr cao nhất thế giới. Ảnh: Ken and Nyetta trên Flickr

Cây baiterek là cây đời, cây vũ trụ kết nối âm giới, trần gian và thiên giới trong thần thoại người Turk (tức người Đột Quyết, tạm dịch là Thổ mặc dù người Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay là từ Trung Á mà ra). Quả trứng này (cũng là đài quan sát 360°) trên tháp tượng trưng cho sự sống mới của dân tộc Kazakh, một kỷ nguyên mới sau độc lập. Còn người địa phương thì gọi là Chupa Chups vì nó trông y như cái kẹo mút của hãng kẹo nổi tiếng thế giới này (có bán trên tầng cao nhất)! Người dân xếp hàng dài dằng dặc để được lên đến tầng có khuôn bàn tay dát vàng của “Tổng thống đầu tiên” Nazarbayev rồi chạm một lần cho biết cảm giác nắm tay người nổi tiếng.

Ngoài người trong nước thì khách du lịch chỉ thấy có người Nga. Lúc đó nhà mình vẫn tưởng là do không có nhiều đường bay từ Nga đi các nước khác nên họ tranh thủ đi du lịch các nước Trung Á anh em. Thấy nhà mình dắt theo con nhỏ, một gia đình người Nga bế em bé cũng vui vẻ bắt chuyện và chụp ảnh cùng. Hỏi ra mới biết họ từ Omsk sang. Những khách Nga khác mình gặp cũng từ vùng Siberi của Nga sang như Novosibirsk hay Yekaterinburg.

Bên bờ sông Ishim là Phủ Tổng thống với kiến trúc kết hợp phần dưới là Nhà Trắng Tổng thống Mỹ, phần trên là Điện Capitol (có lẽ ngụ ý rằng Tam quyền đây cả). Hai bên là hai tòa tháp hình nón cụt kính vàng chói lọi.

Phủ Tổng thống Kazakhstan nằm chính giữa hai tháp vàng nhìn từ tháp Baiterek (cũng dát vàng). Tòa nhà hình hộp cạnh tháp trái là trụ sở Hạ viện, tòa nhà cao tầng chóp tam giác cạnh tháp phải là trụ sở Chính phủ. Ảnh từ trang này 

Nhà hát Opera mới khánh thành năm 2010 cao to sừng sững lại xây kiểu cổ điển với hàng cột La Mã lừng lững. Hai viện Quốc hội thì xây thành hai tòa nhà chọc trời, Hạ Viện cao đến 100 mét còn Hai tòa nhà trụ sở các bộ tạo thành hai cánh cung khổng lồ ôm lấy khu Văn phòng Chính phủ, Quốc hội thì như hai dãy chung cư!

Bản đồ trung tâm Astana từ vệ tinh: 1. Tháp Baiterek, 2. Tòa nhà Abu Dhabi, 3. Nhà hát trung ương, 4. Phủ Tổng Thống, 5. Cung Hòa bình và hòa giải, 6. Thánh đường Hồi giáo Hazrat Sultan, 7. Đại học Mỹ thuật quốc gia, 8. Cung Độc lập, 9. Bảo tàng quốc gia, 10. Đại sứ quán Mỹ. Ảnh: Google Maps

Phía sau Phủ Tổng thống bên kia sông, một bên là Cung Độc lập hình chóp cụt như cái bánh ga tô, một bên là Đại học Mỹ thuật quốc gia hình miệng núi lửa (nón cụt lõm giữa) như chầu chực phun trào sáng tạo.

Đại học Mỹ thuật quốc gia/Cung sáng tạo Shabyt. Ảnh: Wikimedia Commons

Hai tòa nhà này cùng hướng về phía trung tâm nơi có Cung hòa bình và hòa giải hình kim tự tháp bằng kính. Đây là nơi diễn ra Đại hội lãnh đạo các Tôn giáo thế giới do Kazakhstan tổ chức, để mời đại diện của tất cả thần thánh trên thế gian đến đàm đạo.

Cung hòa bình và hòa giải. Ảnh: Wikimedia Commons

Nhà hát Astana hình cái bình gốm còn Nhà hát trung ương hình bầu dục bọc bởi những bức tường kính khổng lồ xiên chéo trông như (vỏ trai hoặc mảnh chai hơn là) cánh hoa.

Cung hòa bình và hòa giải. Ảnh: Wikimedia Commons

Rồi đến Bảo tàng Quốc gia lớn nhất Trung Á, Đền thờ Hồi giáo lớn nhất Trung Á, Trung tâm thương mại nhà ở cao cấp Abu Dhabi cao nhất Trung Á xây 13 năm chưa xong. Phía ngoại ô còn Bảo tàng tương lai là tòa nhà hình cầu cao và lớn nhất thế giới… nhiều không kể xiết.

Điều đáng nói là xung quanh những tòa nhà khổng lồ trên những khoảnh đất không thể rộng hơn này thường không một bóng người. Nhưng kể cả có người sử dụng đi chăng nữa thì cũng không thể không đặt câu hỏi về công năng, hiệu quả sử dụng so với quy mô dân số và chi phí duy tu bảo dưỡng những đại công trình coi tiền như vỏ hến này.

Phía kia của trục “thần đạo” là Trung tâm thương mại Khan Shatyr do kiến trúc sư Norman Foster thiết kế có hình dáng như một cái lều phủ bạt nhựa trong suốt hình nón khổng lồ. Khan Shatyr nghĩa là cái lều của Hoàng đế (ai đây?). Đề bài đặt ra là tái hiện cái lều nơi Khan ngự bằng một cái lều cao nhất thế giới trong điều kiện khí hậu cực kì khắc nghiệt của Astana với nắng nóng mùa hè, tuyết rơi dày, gió giật mạnh mùa đông nhưng phải đảm bảo hình dáng là cái lều. Toà nhà xây trong 1 năm rưỡi, khánh thành vào ngày 5. 7. 2010 nhân dịp sinh nhật 70 tuổi của bác Na.

Tòa nhà Khan Shatyr, cao 150m theo trường phái Tân tương lai của Forsters và cộng sự, nhìn từ trong phố. Ảnh: Đặng Thái

Ba lớp nhựa đặc biệt bọc tòa nhà để nắng ấm chiếu vào cùng với hình dạng cái lều và cửa thông gió trên đỉnh tạo hiệu ứng ống khói cho không khí lạnh bốc lên cao. Các luồng máy sưởi được điều chỉnh “bắn” vào dưới bề mặt nhựa khiến cho tuyết không đọng bên ngoài vào mùa đông. Mùa hè thì hệ thống điều hòa được bắn ngang dọc ở các tầng thấp hơn rồi “hút” dần lên các tầng cao. Nhờ có lớp nhựa cách nhiệt này mà nhiệt độ bên trong tòa nhà ổn định khi mà nhiệt độ trong năm ở Astana có thể thay đổi từ -35°C đến 35°C.

Bên trong Khan Shatyr với tàu điện chạy trên… tường (giữa trụ 1 và trụ 2 từ trái sang) và trò ghế rơi tự do trên tháp chính giữa. Ảnh: Đặng Thái

Khu bãi biển nhân tạo Sky Beach mà thực chất là hồ bơi cùng bãi cát đặt trên tầng 5 cao nhất của tòa nhà. Ngoài trời lúc đấy là 4°C mà vào đứng trên bãi cát thì nóng vã mồ hôi và nắng thì chói chang trên đầu. Có công viên nước với các loại ống máng trượt như dưới mặt đất và cát thì chở từ Maldives sang (nom cũng vàng nhưng hơi ngả màu xam xám!).

Bên trong Sky Beach Club. Đạo gì mà cũng có bikini thì đều hòa hợp hòa giải được hết. Ảnh: Đặng Thái

Mấy nước kiểu có lòng tự ti dân tộc to đùng thường rất hay dựng cột cờ cao chót vót. Kinh nghiệm cho thấy, nước càng bé thì cột cờ càng to, như các cột cờ to nhất thế giới lần lượt nằm ở Tajikistan, Azerbaijan, Triều Tiên, Turkmenistan, Jordan… Kazakhstan đương nhiên cũng phải có cột cờ thủ đô rồi.

Mình đến nơi lúc 11h nhưng chẳng thấy cờ đâu, có mỗi cái cột thép thẳng băng chỏng chơ trên quả đồi nhỏ. Bên dưới là một bức tường đá với câu châm ngôn gì đó của bác Na.

Cột cờ Astana. Ảnh: Đặng Thái

Mình theo bậc thang đi lên thì thấy một anh cảnh vệ mặc áo phản quang, tay cầm bộ đàm xua xua tay đuổi đi. Đang quỳ cạnh anh là một anh nhân viên kỹ thuật đang hí hoáy mở bụng cột cờ. Không biết mình không được lên là do an toàn lao động hay là do anh lo lắng cho quốc thể nữa.

Sau nửa tiếng, lá cờ cũng được dong dỏng kéo lên trong tĩnh lặng không kèn không trống không có cả băng phát quốc ca (mới đổi năm 2006). Thế nhưng chưa đến đỉnh thì cờ lại từ từ hạ xuống, cứ thụt lên thụt xuống thế 3 lần trong nửa tiếng nữa thì cuối cùng lá cờ màu thanh thiên với chim vàng, mặt trời vàng cũng tung bay trong nắng. Anh kỹ thuật gói lá cờ dự bị vào một cái bọc to như bao hàng quần áo chợ Ninh Hiệp rồi ném đánh bịch từ trên đỉnh đồi xuống đất.

Cận cảnh kích thước to lớn của lá cờ. Ảnh: Đặng Thái

Đối lập với những tòa nhà không thể phô diễn hơn ở trung tâm, các khu dân cư ở nội ô đều nhỏ vừa phải, phảng phất màu hoài cổ và cũ kĩ quen thuộc kiểu Liên Xô.

Một lối vào nho nhỏ bình dị của một chung cư. Ảnh: Đặng Thái

Cạnh khách sạn là một sân chơi trẻ em của mấy chung cư nhưng nền sân thì khá bừa bãi và đây kia lẫn rác nhựa, cầu trượt rụng ván gỗ, bàn quay thủng sàn và nhiều bộ phận khác nhau của các trò chơi mới cũ theo từng thời kì, rơi rung rủng. Trẻ con thì vẫn chơi và vẫn vui.

Ảnh: Đặng Thái

Một bà cụ chít khăn cầm cái can nhựa ra lấy nước ở máy. Giống như ở Nga, ga và điện siêu rẻ nhưng không ai đun nước vòi bởi có lẽ đường ống nước của cả thành phố đã hết khấu hao rồi!

Máy bán nước lọc ở dưới sân các khu dân cư. Ảnh: Đặng Thái

Tái bút: Trước khi về lại khách sạn, mình cho Yandex dừng lại ở một khu dân cư nhỏ, để tìm ra nơi mà các anh cảnh sát cửa khẩu ban đầu định gửi nhà mình đến nhận nhiệm vụ. Ông lái xe và hai anh cảnh vệ mắt tròn mắt dẹt vì chắc chưa từng thấy có khách du lịch đến đây bao giờ nên vui vẻ bấm cho kiểu ảnh. Nhưng khi đề nghị chụp chung thì các anh mặt tái mét, lắc đầu xua tay nguây nguẩy kiểu mất đầu như chơi chứ đùa à!

Vui xuân mới không quên nhiệm vụ. Ảnh: Đặng Thái

*

(Còn tiếp bài 10)

*

Oman-Kazakhstan:

- Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga

- Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng

- Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa

- Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm!

- Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi

- Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa

- Oman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch

- Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to?

- Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường

- Oman-Kazakhstan (10): Nurbankgate hay hạnh phúc của một tang gia

- Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả