Đi & Ở

Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to? 09. 03. 23 - 4:07 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 7)

Vì không thể nào tìm được vé đi Almaty, mình đành lưu lại một ngày ở Astana.

Buổi sáng đầu tiên ở Astana, mình khoan khoái vươn vai thức dậy khi nghe tiếng gõ cửa, nhẹ nhàng đón lấy khay bánh mì ăn sáng từ cô nhân viên đầu quấn khăn mỏ quạ như những bà mẹ Nga hay Kazakh. Đặt khay xuống bàn cà phê, khẽ vén rèm cửa sổ, không khí trong phòng se se mát dịu thật dễ chịu so với cái nắng Trung Đông bỏng rát. Ô kìa, ngoài cửa sổ là một tán cây đang chuyển vàng và một sân chơi nho nhỏ giữa những toà chung cư ngả màu thời gian dưới bầu trời xam xám. Giai điệu bài hát ‘Thành phố vàng’ của phim Assa tự vang lên trong đầu khiến bỗng nhiên tràn ngập cảm giác trở lại thời Liên Xô. Người đứng bồn chồn trên vỉa hè chờ xe buýt, nhưng tại sao ai cũng mặc quần áo dầy khự như ngoài trời đang rơi tuyết vậy nhỉ?

Sáng đầu thu hơi xanh. Ảnh: Đặng Thái

Bởi vì trời rét tê tái các bạn ạ! Khi ở Úc đổi hướng đi Kazakhstan chỉ mở vội điện thoại kiểm tra thời tiết Almaty, thấy ngày 22°C, đêm 12°C thì hứng chí lắm, vơ tạm một cái áo măng tô mỏng rồi đi, hành lý chỉ toàn áo sơ mi và áo phông. Giữa đường vừa mải chơi vừa đặt vé Astana chẳng kiểm tra thời tiết, đến nơi mới biết hai thành phố nghìn trùng xa cách, thả gió bay đi… mịt mù! Nhưng lịch trình ban đầu chỉ ở đây một ngày, rồi đêm bay đi miền Nam nắng ấm nên không vấn đề gì, nghĩ mua áo rét làm gì cho nặng hành lý; vừa đi bộ, vừa lau tí nước mũi là xong. Ai ngờ ông trời thử thách, cho nhỡ máy bay và ở lại thêm hai ngày đợi tàu, tha hồ rèn luyện can trường. Xem dự báo thời tiết bao nhiêu năm, giờ mới biết khối áp cao Xi-bê-ri hàng thật nó ra răng. Thật ra một sơ mi, một áo khoác mỏng, một quần kaki cắn răng vẫn chịu được, chứ mặc phao trên phao dưới như người đi đường thì hơi quá.

Dân địa phương bảo các bạn đen quá, đến đúng những ngày thời tiết bất thường, chuyển rét đột ngột, đến hôm rời đi thì trời nắng ấm dần lên. Ảnh chụp màn hình: Đặng Thái

Dặt dẹo đi tìm một lúc thì có quán stolovaya trên tầng hai một hiệu sửa xe, nhưng… đóng cửa thứ Bảy. Do trời rất gió nên gần như không thể trụ được ngoài trời tham quan cái gì, cả nhà bèn rủ nhau đi bảo tàng lịch sử vì thấy nó ở khu trung tâm, có lẽ sẽ đông người, xung quanh có bán đồ ăn và có máy sưởi ấm. Thế nhưng từ lễ tân khách sạn, từ hai vợ chồng bác già bảo vệ hiệu sửa xe (không nghĩ là có nghề này!) rất nhiệt tình, đến anh lái xe Yandex đều không biết Bảo tàng là cái nhà gì và nằm ở chỗ nào!

Đến nơi thì thấy một toà nhà to vĩ đại, ốp đá và kính bề thế, nguềnh ngoàng, nằm ngổn ngang giữa một cái sân rộng mênh mông. Dù thiết kế theo kiến trúc hiện đại nhưng không hiểu sao vẫn tạo ngay cảm giác như công trình của một dòng họ mà con cháu mới đây làm ăn được, giờ về quê xây nhà thờ họ to nhất huyện.

Bảo tàng quốc gia nước Cộng hoà Kazakhstan. Ảnh: Davide Mauro

Đứng trước Bảo tàng này không thể không nghĩ ngay đến Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc dù rằng bảo tàng Hàn Quốc có không gian xung quanh đẹp hơn nhiều và còn to hơn nữa. Ông giám đốc bảo tàng Kazakh này tự tin tuyên bố hôm khánh thành rằng bảo tàng nước ông to đứng top 10 thế giới. Như người ta vẫn đùa rằng bên trong càng bé thì bên ngoài càng muốn xây to. Bên trong có khi cũng lại lèo tèo như bảo tàng Hàn Quốc to hàng đầu thế giới mà thôi!

Xung quanh bảo tàng là các đại công trường quây bạt, nhìn ảnh quảng cáo thì chắc xây chung cư. Người còn chẳng thấy một mống nữa là hàng quán. Đi vào đến khuôn viên bảo tàng thì không có một chút cây cối, hoa lá hay hồ nước tiểu cảnh gì, chỉ có một cái sân lát đá to vật và một cầu thang đá khổng lồ, chỗ nứt chỗ khấp khểnh chỗ đổi màu bẩn bẩn, cỏ mọc lác đác giữa các tấm đá lát. Dưới tầng 1 không có một cái cửa nào mở, chỉ có gió hun hút luồn qua giữa các khối nhà đã chắn hết nắng, vừa âm u vừa rét, không biển chỉ dẫn, không biểu ngữ băng rôn, không panô áp phích, không biết đường nào mà lần.

Gió luồn qua “khung” nhà, vả vào mặt khách lạnh buốt. Không rõ mùa đông thì thế nào! Ảnh: Đặng Thái

May quá vớ được hai bác trung niên, bám theo lên một con dốc thì thấy lối vào trên tầng 2.

Vào đến bảo tàng thì ấm hơn, cánh cửa nặng trịch đóng lại là như một thế giới khác. Giống như ở Nga, ngay cửa vào bao giờ cũng là phòng gửi áo khoác. Nhưng lần này khác ở chỗ, bạn nhân viên đứng xé vé bắt bằng được nhà mình phải gửi áo khoác mới cho vào. Mình phải bảo bên trong có mỗi manh áo cộc, máy sưởi của bảo tàng chưa đủ để hoàn hồn nên xin cho mặc thêm một lúc.

Đại sảnh của bảo tàng cao to lồng lộng nhẽ nào máy sưởi chạy chả không ăn thua. Trên cao là một con chim đại bàng khổng lồ dang rộng cánh ghép bằng hàng trăm thanh kim loại dát vàng. Giang hồ đồn rằng con chim có thể quạt cánh và cử động đầu đuôi nhưng hôm ấy không có cơ may được chứng kiến mà cũng không thấy bảo tàng có ghi chương trình gì. Bên trên là một quả cầu cũng to đại tướng, dát vàng. Bên tay trái trên tường là bản đồ nước Kazakhstan khổng lồ bằng đá trắng với lời dạy của bác Nazabayev. Phía dưới, đằng cuối sảnh là bác Nazabayev ngồi êm ái trên ghế bành bằng đồng khá cứng đặt trên đài cao bảy bậc cẩm thạch như nhắn nhủ người xem rằng: đừng tưởng vào đến Bảo tàng mà thoát khỏi ánh mắt trìu mến của ta!

Đại sảnh Bảo tàng. Ảnh: Đặng Thái

Các gian trưng bày của bảo tàng đều mới cứng, bóng lộn. Tủ trưng bày sáng loáng và đèn đóm đẹp nhưng cách trưng bày thì vẫn cổ lỗ sĩ lắm. Màn hình cảm ứng không có để khách tương tác chứ đừng nói đến các công nghệ 3D hay dùng app này nọ. Gian đầu tiên là trưng bày đặc biệt/không thường xuyên về các sách cổ và thư pháp của người Kazakh bằng chữ Ả Rập nhưng không có một chữ tiếng Anh nào thì cũng chỉ gật gù lướt qua chứ bó tay chịu trói.

Các phòng trưng bày thì khổng lồ và hệ thống chiếu sáng rất đẹp (thuê Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc thiết kế) nhưng hiện vật thì không có gì đáng bàn. Không biết do không có hiện vật hay không biết cách bày, hay kết hợp cả hai như Bảo tàng Hà Nội trứ danh. Mình không đóng thuế ở đây mà còn xót xa cho tiền thuế của dân nước này. Hầu hết hiện vật là phục dựng hoặc bản sao, đáng kể nhất có bộ áo giáp vàng (phục chế) cực kỳ tinh xảo của một chiến binh Scythia (khoảng 400 – 200 năm TCN) mà các nhà khảo cổ khai quật được nhiều mảnh vụn khuy áo, đai lưng… đều bằng vàng. Ở đây cũng có hình đúc những con hươu bằng vàng với sừng xoắn đặc trưng được coi như một trong những hiện vật quý giá nhất của Bảo tàng Hermitage ở Nga, đặc trưng cho nền văn minh Scythia – một nền văn minh du mục thời đại đồ sắt phát triển khá rực rỡ ở khu vực Kavkaz, Ukraina và bán đảo Crưm. Kazakhstan cho phục dựng bộ áo giáp này, mặc lên man-nơ-canh, gọi là Golden Man và đưa đi trưng bày khắp thế giới.

Ông con tự nhiên đứng chắp tay vái lạy man-nơ-canh vì chắc nghĩ rằng toà nhà này là một cái đền thờ đầy các thần thánh mặc quần áo dát vàng ngồi trong tủ kính! Ảnh: Đặng Thái

Lịch sử của Kazakhstan là lịch sử của những bộ lạc du mục, nay đây mai đó, quyền lực không tập trung vào một ai hết vì lãnh thổ quá rộng và khí hậu khắc nghiệt. Bao nhiêu kẻ cai trị đã đi qua vùng đất này từ Khang Cư, Túc Đặc, Hung Nô, Đột Quyết, Mông Cổ… và cuối cùng là người Nga.

Bảo tàng này đại diện cho thủ đô Astana, một thành phố xây mới hoàn toàn giữa hoang vu giá rét nhằm tách khỏi ảnh hưởng của thực dân Nga với trung tâm kinh tế-chính trị cũ ở Almaty. Phần lịch sử cận đại chỉ trưng bày về các nhà trí thức người Kazakh với nhiều cái tên khá là Nga. Người Nga hoàn toàn biến mất khỏi ký ức của nước Kazakhstan hiện đại cũng như người Pháp không tồn tại trong lịch sử Việt Nam ở bảo tàng. Dĩ nhiên thời gian cai trị của người Nga ở Kazakhstan dài hơn và ảnh hưởng sâu rộng hơn rất nhiều so với người Pháp ở Việt Nam.

Tượng Kultegin Kagan, hoàng tử và đại tướng Hậu Đột Quyết, khoảng đầu thế kỷ VIII, Mông Cổ, bản sao. Phì cười vì thấy giống hệt mặt anh công an cửa khẩu hôm trước. Ảnh: Đặng Thái

Trong cuốn sách “Chúc ngủ ngon, ngài Lênin: hành trình qua những ngày cuối cùng của Đế quốc Xô viết”, nhà báo Tiziano Terzani đã đến tham quan bảo tàng lịch sử Kazakhstan ở Almaty vào những tháng cuối cùng trước khi Kazakhstan độc lập (12/1991), cũng là nước Cộng hoà cuối cùng chấp nhận sự thật rằng Liên bang không thể tồn tại được nữa. Tác giả nêu lên một chi tiết rất thú vị là người thuyết minh già của Bảo tàng, làm việc ở đó từ năm 1956, đã nhiều lần phải học lại những bài thuyết minh khác nhau để kể lại cùng một câu chuyện lịch sử. Lịch sử chỉ là vấn đề người ta muốn diễn giải thế nào mà thôi. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc đổi tên địa danh ở Kazakhstan: quảng trường, đường phố, cơ quan và cả thủ đô, đổi tên nhiều đến mức bản đồ sửa không kịp.

Gian trưng bày Quá trình độc lập của Kazakhstan. Ngoài hành lang là một triển lãm ảnh về hợp tác giữa Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đất nước Hồi giáo thế tục, có mối liên hệ máu mủ và lịch sử. Ảnh: Đặng Thái

Vào năm 91, người Kazakh, dân tộc bản địa của nước này chỉ chiếm chưa đến một nửa dân số, đa số nửa còn lại là người Nga. Những người Nga này cùng con cháu sinh ra ở Kazakhstan đều là thành phần phản cách mạng, phản động, kẻ thù giai cấp bị đi đày. Dưới thời Stalin, tất cả các chủng tộc khác nhau trên đế quốc bị đưa đến Kazakhstan biến nơi này thành một hợp chủng quốc thu nhỏ với cả người Đức, người Do Thái hay người Triều Tiên. Người Đức, vốn sống dọc sông Volga gần 200 năm, trung thành với nước Nga và Đảng Cộng sản Liên Xô bị đem đến nhốt ở Kazakhstan vì sợ làm đội quân thứ năm cho Hitler. Người Triều Tiên bị chở sang từ tận vùng Viễn Đông vì sợ làm gián điệp cho đế quốc Nhật.

Khi độc lập thì người Kazakh bắt đầu hừng hực khí thế đòi lại quyền làm chủ cho dân tộc mình. Những người Nga và người Đức hai ba đời sinh sống ở đây qua một đêm… bỗng thành người ngoài, muốn học tiếng Kazakh để tồn tại cũng không được, đi thì dở mà ở cũng không xong. Nước Đức đã mở cửa để 60 vạn người gốc Đức ở Kazakhstan “hồi hương” nhưng rồi cả hai bên vỡ mộng: chính quyền Đức nhận ra những người này chỉ có dòng máu Đức chứ thực ra là người Nga hoàn toàn từ tiếng nói đến tôn giáo, người Đức ở Kazakhstan cũng không sống nổi trong xã hội Đức hiện đại và lại tìm đường quay về Nga. Năm 1999, thống kê dân số cho thấy người Kazakh đã chiếm đa số trở lại nhưng quá trình thoát khỏi văn hoá Nga vẫn còn vô cùng khó khăn và căng thẳng.

Tầng trên cùng là Gian trưng bày mỹ thuật. Vì tranh không có gì đặc sắc nên ngắm tranh là phụ, ngắm e… hèm người là chính. Không biết những bạn gái Nga sinh ra và lớn lên ở đây nghĩ gì khi ngắm tranh chỉ toàn những khuôn mặt Trung Á và những Khan (Khả Hãn) đánh trận trên lưng ngựa? Ảnh: Đặng Thái

Trong vô vàn thông tin ở bảo tàng, có một câu chuyện nhỏ trong góc tối om, trưng bày về những năm kinh hoàng thời Stalin, là khiến mình nhớ nhất. Đó là chuyện về những người Nga, “kẻ thù của nhân dân”, bị đày đi lao động khổ sai ở Kazakhstan. Những người này đói bệnh, kiệt quệ sau một ngày đi hành xác lao động về, lết qua trước những người dân địa phương đứng nhìn. Đám trẻ con và cả người lớn lao ra chửi té tát: “Các ngươi bị căm ghét ở Moskva, đến đây người ta cũng nguyền rủa chúng mày, chết đi, chết đi” rồi lấy đá ném tới tấp vào những người tù khổ sai. Những người tù nhặt đá lên và nhận ra không phải đá cuội, mà là những cục sữa khô được dân ném cho để ăn cầm hơi. Mình đã ăn thử những cục sữa này bán ở ven đường quốc lộ, rắn như đá và vừa mặn vừa chua, nhưng đúng là ăn vào thì rất nhanh hết đói vì nhiều đạm.

Sữa ngựa chua lên men trong chai nhựa và sữa ngựa khô các kích cỡ khác nhau bán ở ven đường quốc lộ. Ảnh: Đặng Thái

Những người tù ấy sống được đến ngày Stalin và Beria chết để kể lại câu chuyện này cũng là nhờ những hòn sữa khô cứng ngắc ấy của những người dân du mục, vốn chẳng dư thừa gì thức ăn. Trong tủ trưng bày chỉ có một hòn sữa khô khốc trên một cái bát sắt hoen rỉ.

(Còn tiếp bài 9)

*

Oman-Kazakhstan:

- Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga

- Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng

- Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa

- Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm!

- Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi

- Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa

- Oman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch

- Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to?

- Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường

- Oman-Kazakhstan (10): Nurbankgate hay hạnh phúc của một tang gia

- Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Ý kiến - Thảo luận

22:28 Sunday,9.4.2023 Đăng bởi:  Huyền Ngô
Hay quá bạn ơi! Mình đọc một lèo từ bài 1 của bạn đến đây. Giọng văn của bạn rất dí dỏm, lối viết rất hay, lôi cuốn, đọc không dứt được. Cám ơn bạn đã chia sẻ, ngóng chờ tiếp bài của bạn. 
...xem tiếp
22:28 Sunday,9.4.2023 Đăng bởi:  Huyền Ngô
Hay quá bạn ơi! Mình đọc một lèo từ bài 1 của bạn đến đây. Giọng văn của bạn rất dí dỏm, lối viết rất hay, lôi cuốn, đọc không dứt được. Cám ơn bạn đã chia sẻ, ngóng chờ tiếp bài của bạn.  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả