|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamNGUYỄN ĐOAN NINH: Cười cười, Khóc khóc, Cười cười… 14. 04. 23 - 10:47 amVũ LâmNHỮNG CÁI NHÌN KỲ LẠ Thời nay, nếu dạo bộ hoặc đạp xe qua đôi cầu Long Biên-Chương Dương, thảnh thơi mà nhìn bãi giữa sông Cái (Hồng Hà) hiền hòa, rau trồng tốt xum xuê nơi bãi Giữa đậm mịn phù sa. Nhưng rảnh, thử xuống mà xem, sẽ thấy (hay phải dẫm lên ngay) vạn cái nhảm là rác. Cười trước khóc sau ra ngay được… Tẹo nữa, nếu chạm mình đến phố, sẽ chán mệt luôn tức thì, vì đường xá tắc nghẽn bất kỳ rồi thì ngạt khói, ù tai. Đang bình tĩnh đi, chợt có một chiếc xe lượn vòng giật mình, rẽ không nháy đèn. Nếu đang trên xe máy, thì cũng muốn tăng ga vượt ngang, rồi mắng: “Sao mày đi ngu thế, không xi-nhan, không đội mũ bảo hiểm, hả, hả???”. Nhưng nhìn ngang sang, thấy đứa nhỏ giai hoặc gái đang lái trên xe như tuổi con cháu, bèn ngậm miệng lại, không nỡ bắt nạt. Vậy làm sao vì không thể xóa được, mà điều tức tối đó, gọi là ẩn ức, sẽ bị đẩy xuống tiềm-vô thức ngay luôn! Rồi thì làm sao để mà xả-xì-trét những ẩn ức liên miên đó trong một ngày tỉnh táo và di dịch ở “xứ ta, cõi đời này”? Làm sao để đốt tan, rải tro xuống sông những bức xúc đó được đây? Mỗi người một cách thì phải. Có một lẽ sai lầm nhiều người mắc phải, trong đó có chính tôi, là mượn men say (cồn) để giải tỏa. Tuy nhiên, phải đến lúc nào bị “tuột xích danh dự”, thì mới ngẫm ra mấy câu thấm đậm lòng (vạn, triệu) dân ta trong Truyện Kiều là: “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa/ Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường…”. Hóa ra, những ẩn ức đó chìm sâu hóa bùn, nếu bức bối giải khuây không đúng cách, lại thành ra thả neo sâu sục bùn vô-tiềm thức lên, khuấy động chẳng ra sao đâu đâu… Xem tranh của Nguyễn Đoan Ninh như thả được chân vào “phim kinh dị-địa ngục”. Thật phì cười là đang chân không, hoặc dép, ngắm tranh lại thấy sửng cồ lên cảm giác căng căng thẳng méo, cứ như đang đi trên đường phố tắc loạn, xe cộ đi lại vô pháp vô thiên. Giật mình có khi như tưởng đang dạo thuyền vào… “hỏa ngục” (tức “địa ngục” như theo mô tả cảm giác trong Trường ca “Thần Khúc” của thi hào Ý Dante Alighieri (1265-1321). Chợt lại nhớ tiếp trong đoạn cuối của một đại sử thi Ấn Độ, có chi tiết chuyện một người anh cả cùng đám em xếp hàng vào Thiên đường. Đến lượt, Thánh gác cổng bảo, chỉ mình ngươi vào thôi, còn các anh em ngươi kia, lắm lỗi lắm, xuống Địa ngục hết. Người anh cả thưa rằng, vậy Thánh đạp luôn con xuống Địa ngục đi, vì xuống đó, con còn được có anh em! Chứ mình con chuẩn vé Thiên đường, vui sướng lắm, nhưng sẽ sẽ phải ngoại giao với những kẻ xứ khác nơi nơi, thì để làm gì!”. Một cảm giác nữa, là xem các ngày lao động chơi chơi tổng hợp giống nhàn nhã này, lại thấy cứ như tác giả “giải phẫu được Làng ta đây”. Về ngôn ngữ tạo hình, tạm gọi là Siêu-Biểu lai. Về các thủ thuật thực hành, thú vị ở chỗ thấm chất của một người du hành “mỹ thuật đạo” nhiều năm, dùng chơi từ “mạn họa” cho đến thuật “cổ động, quảng cáo”. Nhưng những thuật vẽ đó chỉ là các phương tiện. Ví như người giỏi phấn đấu, thực hành dùng cả được việc từ đi bộ, lái xe đạp, xe máy, ô tô, máy bay (hay cả tên lửa vào vũ trụ). Khi người vẽ và “điêu tô” giỏi, yêu nghề, đang khỏe, đang “phê lòi phấn đấu tưng tưng”, lại dùng được tất cả các “thuật” mình đã kinh qua trong đời, như: “minh họa”, “mạn họa”, “biếm họa”, ‘cổ động – quảng cáo họa”, lụa – giấy Dó trực họa… vân vân và vân vân, chỉ để như những nhánh gương để vẽ lại chính mình, soi lại chính mình… (và tất nhiên là mọi không gian bung xung lây quanh!) thì mới đáng sợ. Vậy thì, mọi các luồng sóng vô hình xung quanh nó sẽ ra sao??? Và, nhìn rộng ra hay tưởng tượng “bắc cầu vồng” cho phép, đây là một cuộc cuộc “đại tự sự”. Có dân tộc tính vô hình, còn ngoại hình thì vo ve ngoài kia ỏm tỏi lên là: Tây-Tầu-Mỹ-Nhật so đo các kiểu. Nhưng làm sao có được kính hiển vi-viễn vọng để nhìn lại dân tộc tính-thành-hình-chính-ta-đây, và ta là ai đó? Nếu thế thì mới thành được một dân tộc lớn, rồi mới có tư cách để mà… ngạo nghễ bung xung! Chúc mừng tác giả, giải tỏa cho dân ta một cách chân tình vui tươi không thể nào nói được bằng những “đại hý trường trào lộng bật nước mắt, hí lộng được cả quỷ thần kinh động” trong loạt tranh khổ rộng hoành tránh này. Nếu nôm na gần gũi thì bảo là may quá, chúng tôi không phải xem tranh phòng khách (hoặc duyên tình phòng ngủ) như nhiều khi. Hoặc chuyện khác ở thời nay bây giờ, nếu muốn thưởng thức tiệc mắt của họa sỹ xứ ta mà các “đại gia mới nổi” đang “đốt tiền âm phủ” sưu tập bộ lớn, dân thường làm sao mà ngắm được. Đây là chân dung hay “tiếu họa” của nước ta, mỗi ta hay mỗi chúng ta? Khởi thủy, chung kết đều Lời, tôi vô cùng trân trọng và khoái thú, xin gửi đến tới họa sỹ cùng người xem, mấy câu vần vè này: … Năm nay mới thấy xuân vui * (SOI: Nếu như quay về cách đây chừng dăm năm, Soi chắc chắn sẽ phải gọi điện thoại hoặc viết email qua lại suốt nửa ngày với tác giả để sửa một bài phê bình như thế này cho nó thành dễ đọc và sáng sủa. Nhưng nay Soi một là đã già, hai là đã thấy còn nhiều thứ “điên” hơn, “hũ nút” hơn, và ba là Soi đã nhận ra, mình chỉ là một tấm bảng công cộng, cái “điên” của ai viết lên trên ấy thì kệ, để người ấy tự chịu trách nhiệm. Soi chỉ có vài dòng này để chứng tỏ mình “vô can”. Quan trọng nhất là chúng ta được biết một tài năng, dưới cái nhìn của một người xem đặc biệt.)
Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|