Văn & Chữ

Truyện ngắn: NHẬT KÝ 13. 11. 23 - 12:33 am

Galina Dakharova - Trần Hiên sưu tầm và dịch

 

Alexander Kiselyov (1838 – 1911), “Nhà mát ở Crimea”

 

Sau khi cha qua đời, Đasha và chồng quyết định sẽ bán ngôi nhà ở quê. Cô đang mang thai, hai vợ chồng cần tiền để mua một căn hộ lớn hơn.

Đang là tháng 9 ấm áp. Đasha nhìn làng quê mình mà không nhận ra. Chỉ mới một năm thôi mà bao nhiêu hàng rào mới đã được dựng lên, những ngôi nhà mới với mái nhiều màu đã mọc lên thay cho những căn nhà cũ nát. Chỉ có ngôi nhà của gia đình cô là không thay đổi gì.

Stas đỗ chiếc xe Toyota ngay trước hiên nhà. Đasha ra khỏi xe và vươn vai. Bầu không khí tĩnh lặng và mát mẻ dường như cũng làm ta hơi choáng ngợp. Cô mở khoá cửa, bước vào nhà. Với cô căn nhà bỗng trở nên như nhỏ lại, chật chội hơn.

Cả năm nay không có ai ở trong ngôi nhà này cả. Sau khi mẹ cô mất, cha cô thường về đây một mình. Khu vườn khá rộng, nhưng ông không trồng cây gì mà chỉ hay vào rừng đi dạo hoặc đi câu cá. Ngay năm ngoái, khi đã bị bệnh khá nặng, ông cũng vẫn còn háo hức trở về đây. Ông bảo nơi đây không khí trong lành dễ thở hơn, sẽ chữa khỏi cho ông.

Đầu tháng 5, các con lại đưa ông về đây. Và chỉ trong ngôi nhà này Đasha mới hiểu ông đã phải bỏ cuộc như thế nào. Ông không thể sống một mình ở đây được. Đasha thuyết phục cha theo vợ chồng cô quay trở lại sống cùng trong thành phố. Một tháng sau ông nằm liệt giường và đến tháng 9 thì qua đời.

Cô và Stas đều là dân thành phố nên sẽ không thường xuyên về đây. Hơi xa, và vợ chồng cô cũng quen đi nghỉ ở biển hơn. Mà nếu không được trông coi thì ngôi nhà sẽ rất nhanh cũ nát. Trông nó giờ đã có dáng vẻ như ngôi nhà hoang. Cho nên vợ chồng cô quyết định bán đi trong khi nó còn vững chãi và ngăn nắp.

Nếu sau này tuổi tác cao lên, nhớ sự yên tĩnh và không khí làng quê thì hai người sẽ mua một nhà vườn ở gần thành phố hơn.

Mắt Đasha rưng rưng khi các kỷ niệm xưa ùa về. Ngôi nhà này được thừa kế từ ông bà ngoại cô. Đầu tiên là mẹ cô mất, rồi lần lượt bà ngoại, ông ngoại qua đời, và gần đây nhất là cha cô.

Vyacheslav Kubarev, “Tĩnh vật với máy quay sợi”

Đasha đứng ngắm tấm ảnh cô gái trẻ treo trên tường. Stas xách vào nhà mấy chiếc cắp đựng đầy đồ, tiến lại ôm eo cô.

– Anh chưa từng nhìn thấy bức ảnh này của em. Lúc chụp ảnh này thì em bao nhiêu tuổi? – Anh nhìn bức ảnh và hỏi.

– Không phải em, mà là ảnh mẹ. Em nhớ khi đó mẹ chừng 16 – 17 tuổi, mẹ vẫn còn là học sinh trung học mà.

– Em giống mẹ quá. Làm anh cứ nghĩ đây là ảnh em.- Stas nhìn vợ. – Em đưa anh cái xô, để anh đi lấy nước, em đun nước ta pha trà nhé.

Đasha sụt sịt mũi rồi đi vào bếp, quay trở lại với chiếc xô kẽm.

– Cái xô để úp. Nhưng dù sao thì anh cũng súc nó đi nhé. Máy nước cách đây hai nhà. – Cô vừa nói vừa đưa chiếc xô cho chồng.

– Ừ, anh nhớ rồi. – Stas vừa đi vừa lúc lắc chiếc xô.

Đasha quay trở vào bếp, bật bếp điện lên nhưng không được. “Chắc là không có cầu chì”, – cô nhớ ra. Cầu chì nằm dưới đất, bên dưới chiếc đồng hồ trong phòng. Cô lắp cầu chì vào, vỗ nhẹ và bếp điện nóng lên.

Đasha nhìn quanh. Chắc là cô sẽ không đem gì trong ngôi nhà này về, ngoại trừ tấm ảnh mẹ. Phải sang các nhà hàng xóm, hỏi xem ai muốn lấy gì trong số đồ đạc ở đây không.

Uống trà xong, Đasha sang nhà bên cạnh. Nhà đó không có hàng dậu ngăn cách với nhà cô.

– Cháu bán nhà à? – Bà Tanhia hàng xóm hỏi.

– Vâng. – Đasha gật đầu.

– Thế để cô qua xem, thực ra thì đồ nhà cô cũng đủ rồi. Có cần hỏi các nhà khác không?

– Dạ có ạ. – Đasha mừng rỡ.

Cô trở về nhà. Stas đang tìm thứ gì đó có thể đốt được. Dù sao thì cũng phải đốt lò sưởi lên. Trong nhà khá ẩm ướt. Stas mải lo đốt lò. Còn Đasha leo lên gác xép theo chiếc thang đang oằn xuống dưới sức nặng của cơ thể cô.

– Để anh trèo cho tốt hơn không? – Chồng cô hỏi, bỏ nắm giấy xuống bàn.

– Không, để em tự lên đó.

Ngày trước Đasha rất sợ trèo lên gác xép. Đêm đêm trên ấy cứ có tiếng bước chân. Có ai đó đi lại trên gác xép. Cha cô nói đó là tiếng chân mèo, hoặc tiếng ngôi nhà co lại sau một ngày nắng nóng. Nhưng Đasha vẫn trùm kín chăn lên tận đầu và cứ thế ngủ thiếp đi.

Mặt trời chiếu vào gác xép qua một ô cửa sổ vuông. Những hạt bụi nhảy nhót trong tia nắng như thể chúng là vật thể sống.

– Ở đây chẳng có gì đáng sợ cả. – Đasha nói thành tiếng.

Cô cố gắng không chạm vào những mạng nhện lớn giăng trên mái nhà, căng giữa những sợi dây mà bà cô từng phơi quần áo khi trời mưa. Đasha mở một chiếc thùng. Trong đó là những đồ treo cây thông giáng sinh. “Thì ra ông bà cũng từng dựng cây thông”. Ngày trước cô chưa bao giờ về đây vào mùa đông.

Trong một thùng khác có rất nhiều đồ chơi. Đasha không nhớ tí nào về các đồ chơi này. Cô nhìn quanh, và ánh mắt cô dừng lại ở mấy quyển sách hay vở gì đó nhô ra từ dưới tấm bảng ngay dưới mái nhà.

Đasha lôi ra một quyển vở học sinh. Giở qua mấy trang ố vàng, dính vào nhau do ẩm mốc vì thời gian, cô nhìn thấy những dòng chữ viết có ghi ngày tháng. Cô đoán đây hẳn là nhật ký. Nhật ký của mẹ cô.

Alexander Kiselyov (1838 – 1911), “Alexandra Mamontova ngồi bên bàn”.

Đọc nhật ký của người khác là không tốt. Mẹ cô mất đã mấy năm rồi, vậy mà những suy nghĩ của mẹ được viết ra trên những trang giấy ố vàng này vẫn còn đó. Xét từ một góc độ khác, thì nhật ký được viết để làm gì? Để một lúc nào đó người khác sẽ đọc được hay sao? Tại sao mẹ lại phải giấu nhật ký ngay dưới mái nhà?

Đasha ngồi xuống chiếc xô lật úp, giở lướt qua quyển nhật ký xem mẹ từng mong ước những gì. Một số trang viết chi tiết kỹ lưỡng, nhưng đa phần chỉ có đôi ba dòng.

Cô lật hú hoạ một trang và bắt đầu đọc.

“21.6.1988. Hôm qua anh Sergei trở về. Anh ấy lớn đẹp trai quá! Hôm nay chúng mình gặp nhau bên sông. Khi mình đến đó để tắm thì anh ấy đang bơi dưới sông. Nhìn thấy mình, anh ấy lên bờ. Anh ấy cao hơn mình phải đến hai cái đầu, không ít hơn. Đứng cạnh anh ấy mình thấy mình quá nhỏ bé và yếu đuối…

23.6. Anh ấy khen mình xinh, và nhìn mình đến mức mình nóng ran hết cả người…Bây giờ thì mình chỉ luôn nghĩ về anh ấy…”

Đasha ngừng đọc. Cô luôn biết về mẹ, đúng là mẹ, chứ không hề biết rằng bà đã từng là một cô gái phải lòng một chàng trai nào đó không phải là cha cô. Đasha bỗng thấy khó xử. Liệu cô có quyền đọc tiếp hay không đây? Nếu mà là cô thì liệu cô có thích bị ai đó đào bới sâu vào những suy nghĩ riêng, vào đời tư của mình không? Nhưng Đasha chưa bao giờ viết nhật ký, cô cho rằng làm thế chỉ tổ mất thời gian. Ghi chép lại mọi chuyện, để khi về già đọc lại và ngạc nhiên vì sự ngu ngốc của bản thân ư? Thật nhảm nhí. Mặt khác, nếu có điều gì cần giấu diếm thì nhật ký không nên đem cất giấu mà phải tiêu hủy đi chứ.

Tính tò mò thôi thúc, làm Đasha lại tiếp tục đọc. Cô giở vội những trang mẹ cô kể về những nụ hôn với Sergei và thú nhận yêu anh ra sao.

“25.8. Anh ấy đi rồi. Mình không hiểu là mình sẽ sống tiếp sao đây. Giá như được biến thành chim mà bay theo anh ấy. Năm sau chưa chắc anh ấy sẽ về đây. Vì anh ấy sẽ vào đại học. Không lẽ chấm dứt thế này? Mình không muốn, không thể sống thiếu anh ấy.”

Thế là hết. Khổ thân mẹ. Mẹ từng nói với cô rằng không có những trải nghiệm buồn và thất vọng thì con người ta không thể coi trọng những niềm vui mà cuộc sống đem lại. Bây giờ thì cô đã hiểu bà muốn hàm ý điều gì.

Theo như ngày tháng viết trong nhật ký thì bảy năm mẹ sau cô mới viết nhật ký trở lại. Có lẽ mẹ đã để cuốn nhật ký này ở quê.

“06.7.1995. Anh Oleg bảo mình kỳ nghỉ phép này nên về quê với bố. Anh ấy chuyển nơi làm việc, sẽ không được nghỉ phép. Anh ấy không muốn mình phải nghỉ ngơi trong thành phố nóng nực. Hơn nữa lại có thể giúp bố thêm. Anh ấy hứa sẽ về quê trong những ngày cuối tuần. Bố rất mừng. Hôm qua bố nướng bánh, ngon y như mẹ nướng. Bố thật giỏi, thật kiên cường, mặc dù vẫn luôn buồn vì sự ra đi của mẹ. Mà lạ thế, hình như nhà cửa cũng già đi hay sao ấy? Ngôi nhà này cũng trở nên nhỏ hơn và chật chội hơn.”

Đasha ngạc nhiên sao mẹ lại nghĩ giống mình thế sau một thời gian dài không về quê.

“Là mình tự thay đổi, chứ không phải ngôi nhà. Bây giờ ở trong nhà mình thấy bị gò bó. Mình đã nhìn thấy Sergei. Anh ấy ra dáng đàn ông lắm rồi. Bọn mình chào nhau từ xa, rồi mình trở vào nhà luôn. Qua rèm cửa, mình thấy anh ấy nhìn lên cửa sổ nhà mình. Hết rồi, chuyến tàu của anh đã đi qua rồi anh à. Em đã lấy chồng và yêu chồng của mình. Mặc dầu vậy tim mình vẫn hơi loạn nhịp, cũng chẳng cần giấu diếm làm gì…

07.7. Anh ấy ra bờ sông lúc mình đang giặt. Mình vội ra về. Không muốn để ai nhìn thấy bọn mình cùng nhau. Nhưng anh ấy nhìn mình đến mức mình chỉ muốn chui xuống đất hoặc rời khỏi quê ngay. Thật là đồ nhát gan. Mình sẽ không để ý đến anh ấy nữa.”

Đasha giở tiếp mấy trang vở dính vào nhau. Cô nhìn thấy một bông hoa khô ép giữa hai trang. Cô lấy nó ra chỗ khác ra để đọc cho khỏi vướng, nhưng nó mủn ra. Cô đành thổi bay những vụn cánh hoa đi.

“15.7. Mình đã làm ra chuyện gì thế này! Không thể bào chữa được! Mình yêu chồng mình cơ mà. Bây giờ làm sao có thể nhìn thẳng vào mắt chồng sau tất cả những gì vừa xảy ra đây?…

16.7. Oleg gọi điện, nói là không về quê được trong những ngày cuối tuần này vì phải đi công tác. Anh ấy không về được cũng tốt. Mình sợ phải gặp anh, sợ tự làm lộ mình. Không thể vì một phút nông nổi mà phá tan đi quan hệ vợ chồng mình, phá tan gia đình. Hừm. Mà công tác cái gì chứ vào ngày cuối tuần? Hay là anh ấy cũng có cô nào đó bên ngoài rồi? A ha, ăn vụng không biết chùi mép, mình ghen à. Tự anh có lỗi chứ. Tự nhiên lại bảo mình về đây? Sao lại bỏ mình một mình?…

24.7. Oleg về. Mình đã rất nhớ chồng. Mình thật chẳng ra làm sao! Khó mà tránh được Sergei. Cứ bước chân ra khỏi nhà là lại trông thấy anh ấy nơi này nơi kia… Trời ơi, tôi bị làm sao thế này?…

25.7. Bố cùng Oleg đi câu cá. Chồng mình câu được con cá măng và mừng vui như một đứa trẻ. Anh bảo mình chụp ảnh anh với con cá. Còn một tuần nữa thì mình hết phép. Sẽ quay trở về thành phố và sẽ quên đi mọi chuyện…”

Đasha xem trang cuối, ghi ngày mồng sáu tháng tám. Giữa các trang vở có một tờ giấy bị xé làm đôi, trên đó viết:

“Anh Sergei, em cần nói chuyện với anh. Em đợi ở chỗ cũ lúc 11 giờ nhé.”

Mẹ đã muốn nói gì với chú ấy? Sao mẹ lại xé đi chứ không gửi giấy hẹn cho chú Sergei? Rồi mẹ có về quê thăm ông ngoại nữa không? Đasha thấy không nên đọc tiếp nữa, hãy để bí mật mãi mãi là bí mật. Nhưng cô vẫn không bỏ quyển vở xuống. Những bí mật của cuốn nhật ký vẫn cuốn hút cô như nam châm. Cô giở lùi một trang và đọc được những dòng sau: “Ngày mai Sergei sẽ đi khỏi đây. Có nên nói cho anh ấy biết không nhỉ? Tốt nhất là anh ấy không biết. Anh Oleg thì vui ra mặt khi biết mình có thai, dành làm hết mọi việc. Ngốc ạ. Chẳng lẽ trước đây mình chưa từng múc nước giếng hay sao? Tạm biệt…(mẹ đã xoá đi một từ như kiểu xé rách trang giấy). Mình sẽ không nói cho anh ấy biết. Mình yêu Oleg. Còn những gì vừa xảy ra giữa chúng mình – thì đó chỉ là sự điên rồ, sự rối trí, là lỗi lầm mà thôi. Mà cũng có thể đứa con này là của Oleg? Cầu Trời cho đúng là như vậy.”

Yakov Kalinichenko (1869-1938), “Nằm võng, 1903”

Đến đây thì nhật ký không còn ghi gì nữa. “Thì ra mẹ đã phản bội cha với chính cái chú Sergei này ư? Một bí mật như thế của mẹ, mẹ giấu trong cuốn nhật ký này. Mình đọc làm gì kia chứ? Cha đã rất yêu mình, gọi mình là công chúa, luôn chiều chuộng mình…”

– Đasha, em ở đâu đấy?- từ phía dưới vọng lên tiếng của Stas.

– Em đây. Em xuống liền bây giờ.

Cô nhìn quyển vở. “Lại đút nó ra sau cái bảng à? Không được. Thế thì những người mua nhà có thể tìm thấy và sẽ đọc nó. Không để người ngoài biết bí mật này được.”

Cô xuống nhà, cầm theo quyển vở.

– Cái gì thế? – Stas hỏi.

Do dự một lát, cô nói:

– Nhật ký của mẹ. Mặt anh có bồ hóng kìa.

– Trong nhà nóng quá, anh mở hết cửa sổ ra rồi, không thì ban đêm chết ngạt mất. Chúng mình ra sông đi.

Đasha bước vào nhà, đặt quyển vở dưới chồng báo ố vàng trên bậu cửa sổ, lấy khăn tắm và xà phòng rồi cùng chồng đi ra sông.

Stas tắm khá lâu, xịt mũi và làm bọt nước bắn tung toé. Còn Đasha vẫn nghĩ về cuốn nhật ký của mẹ, tự trách mình tò mò. Cô không nghĩ mẹ xấu, nhưng dù sao thì…

– Em sao thế? Đang nghĩ gì thế? Hoài niệm chuyện cũ hay là sao? – Sau bữa tối Stas hỏi.

– Em đã đọc nhật ký của mẹ, chưa đọc hết, nhưng với những gì vừa biết được thì…không biết nên như thế nào…

– Anh thích những bí mật gia đình. Mà mẹ em làm sao, bà đã giết chết ai đó à? Hay là bà đã làm phép cho con bò của đối thủ bị chết à? – Stas trợn mắt lên.

– Anh thôi đi nào, em nói nghiêm túc đấy. – Đasha phật ý.- Vậy cái gì làm cho em không còn biết những gì đang xảy ra xung quanh thế? – Stas chỉ tay lên bếp điện.

Đasha kêu lên – thì ra cô vừa đặt bánh mì lên bếp mà không biết. May mà cô chưa bật bếp. Cô cầm lấy miếng bánh mì, ngồi đối diện với Stas.

– Mẹ viết rằng mẹ đã phản bội bố. Bà viết cả về em nữa…- cô trở nên lắp bắp, không thể nói thành lời.

– Ý em là bố em lại không phải là bố em sao?

– Thì là thế đấy.- Cô ngước nhìn chồng, mắt đẫm lệ.

– Trong ấy viết đúng như thế à? – Stas hỏi lại cho chính xác.

– Mẹ cũng không biết. – Đasha khẽ nói. – Từ thời phổ thông trung học mẹ đã yêu chú Sergei. Anh biết không, quyển nhật ký này bắt đầu từ câu chuyện tình đó. Nhưng hồi ấy chưa có chuyện gì. Họ không gặp nhau suốt bảy năm, sau đó mẹ về đây một mình, và họ đã gặp lại nhau. Em có cảm giác mẹ viết nhật ký là để tự mình xác định xem tình cảm đó là thế nào. Và chỉ có ở đây. Nhưng mẹ yêu bố. Em biết chắc như thế. Bố mẹ ít cãi nhau lắm. Em yêu anh cũng chính là vì anh giống bố em. – Đasha vội vàng giải thích, không để ý là nước mắt đã lăn trên má.

– Thú vị thật. – Stas cười. – Em nghe này, thậm chí nếu là đúng như em nói thì bố em vẫn là người bố đích thực của em, bố yêu em, bố nuôi em lớn, ai cũng có quyền sai lầm cả.

– Anh nói gì? Anh mà lại có thể phản bội em à? Đơn giản thế thôi sao? – Đasha phản ứng.

– Còn em thì sao? – Stas hỏi ngược lại. Đasha xấu hổ, không biết phải nói gì. – Anh không nghĩ rằng mọi chuyện dễ dàng với mẹ em. Anh chưa hề gặp bà, nhưng anh có cảm giác bà không phải là người nông nổi. Em đưa quyển nhật ký cho anh.

– Để làm gì? – Đasha sợ hãi hỏi.

– Để anh đốt nó đi. Không có chuyện gì xảy ra cả, em hiểu chưa? Ông Oleg Yakovlevich là bố của em. Chấm hết. Và cũng đừng lên án gì mẹ mình. Cứ ngồi mà suy đoán lung tung. – Stas đứng lên đi đi lại lại trong bếp. Bỗng anh dừng lại bên vợ. – Máu của em là nhóm gì?

– Nhóm ba. – Không hiểu Stas muốn nói gì, nhưng Đasha vẫn trả lời.

– Thế còn máu của bố? Em nên nhớ là em và bố đều đã phải làm xét nghiệm máu trước khi bố mổ đấy.

– Nhóm ba. – Đasha nói ngay.

– Thấy chưa! – Stas mừng rỡ. – Em và bố có cùng nhóm máu, có nghĩa ông là bố ruột của em.

– Thế nhỡ cái người thứ ba kia cũng có nhóm máu như thế thì sao? – Đasha nghi ngờ.

– Khó lắm. Sự trùng hợp như vậy rất khó xảy ra. Chẳng qua là mẹ em nhầm thôi. Anh cho rằng sau đó bà cũng đã hiểu ra là ông Oleg Yakovlevich chính là bố của em. Anh tin chắc như vậy. Cho nên em đưa quyển vở đây. Và ta chấm dứt mọi sự nghi ngờ đi nhé.

Đasha mang quyển vở đến. Stas đút nó vào lò sưởi và châm lửa. Quyển vở không chịu bắt lửa, cứ như là nó không muốn giấu đi những bí mật của mình. Nhưng cuối cùng nó cũng bị đốt thành tro.

Yakov Kalinichenko (1869-1938), “Nghĩ ngợi bên bếp lò”

Đêm ấy Đasha nằm mơ thấy mẹ đứng bên bờ sông, vẫy tay gọi ai đó. Rồi thì người đó không phải là mẹ mà là chính cô, Đasha, nhưng cô không gọi Stas hay bố cô, mà gọi một người đàn ông không quen. Đasha chợt tỉnh giấc, cố nhớ lại khuôn mặt người đàn ông trong mơ nhưng không nhớ nổi. Nóng quá. Cái áo phông cứ dính vào người. Cô tung chăn ra. Ngôi nhà kêu cọt kẹt. Và cô lại có cảm giác ai đó đang đi lại trên gác xép.

Ngày hôm sau, hai vợ chồng cô cho các nhà hàng xóm những thứ họ muốn. Trong khi Stas mang đồ đạc ra chất vào thùng xe, Đasha đứng chờ cạnh ô tô, cố ghi nhớ khu rừng phía xa và bầu trời xanh ngắt nơi đây. Trên bờ sông, một người phụ nữ cất tiếng gọi Sergei về ăn cơm rồi bà ấy trở vào ngôi nhà đối diện luôn.

Đasha đoán bà ấy chừng bốn lăm tuổi. “Nếu mẹ mình còn thì bà năm mươi hai tuổi. Hay bà kia chính là vợ của chú Sergei?”

– Anh làm gì mà lâu thế? Cứ thế này thì đến đêm chúng mình cũng chưa đi khỏi đây được. – Cô bỗng nổi cáu với Stas.

– Em sao vậy? Tốt nhất em hãy vào nhà kiểm tra lại xem có quên gì không. – Stas ngạc nhiên bảo.

Đasha mừng quá chạy ngay vào nhà. Cô không muốn nhìn thấy mặt cái ông Sergei kia chút nào. Nhưng khi cô khoá cửa và ra xe thì bên kia đường một người đàn ông đang đứng nhìn cô. Cô bối rối hẳn lên.

– Xin chào. Các bạn rời đi à? – Người đàn ông cất tiếng hỏi.

– Vâng, nhưng chúng tôi sẽ còn trở lại. – Stas trả lời thay cho Đasha, khi nãy thì vội thế mà bây giờ lại đang đứng đờ ra.

– Đi thôi em – anh nói với vợ.

Đasha ngồi vào xe, cố gắng không nhìn người đàn ông kia. Nhưng xe chạy được một đoạn, cô nhìn ngoái lại phía sau. Người ấy đang dõi theo xe của vợ chồng cô trong đám bụi mờ.

– Ông Sergei đấy. Ông ấy nhận ra em. Vì em giống mẹ mà.- Đasha nói.

– Nhận ra con gái của tình yêu đầu à. Thì sao nào? – Stas vặn to đài. Trong xe vang lên tiếng hát của ca sĩ Stas Piekha (Stanislav Pyatrasovich – “Stas” Piekha, là một ca sĩ và diễn viên nổi tiếng người Nga) “Hãy buộc những sợi chỉ này vào cổ tay, và em sẽ hạnh phúc, hạnh phúc, hạnh phúc”. – Về nhà thôi.- Và Stas vui vẻ nhẩm hát theo.

“Anh ấy sướng thật, có phải là phụ huynh anh ta đâu”, Đasha tủi thân nghĩ; nhưng rồi Stas hát hay đến nỗi cô cũng bắt đầu hát theo. Lúc đầu họ còn hát nhỏ, sau thì cả hai gào lên, át cả tiếng ca sĩ.

Ba tuần sau họ bán được ngôi nhà. Chỉ một mình Stas về quê giải quyết các việc liên quan. Đasha bị mệt. Khi cô đã mang bầu to thì hai vợ chồng cô mua căn hộ mới. Chuyển nhà làm mất đâu tấm ảnh của mẹ. Đasha đã lục tung mọi thứ mà không thấy tấm ảnh đâu nữa. Nó biến mất cùng với bí mật của quyển nhật kí.

Đasha cho rằng thế cũng tốt…

*

Cùng người dịch:

- Truyện ngắn: CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI

- Truyện ngắn: THỪA KẾ

- Truyện ngắn: TRÁI TIM LẠ

- Truyện ngắn: NHẬT KÝ

- Truyện ngắn: CÔ Y TÁ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả