Đi & Ở

Giáng sinh tặng gì? Hãy tặng một túi cam vàng! 17. 12. 23 - 12:37 pm

Pha Lê

Cách đây vài năm, tôi theo đuôi cô bạn người Pháp về quê mừng Giáng sinh cùng gia đình cô. Vì hai cụ thân sinh của bạn vui vẻ đón tiếp, lo cho mình bữa ăn chỗ ở, tôi đem theo đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam biếu hai cụ và sách truyện thiếu nhi cho các bạn nhỏ của gia đình. Lúc đặt quà dưới cây thông Noel, cụ ông nhìn thấy cảnh cháu chắt trong nhà được bao người tặng nào bánh kẹo, nào búp bê, đồ chơi xếp hình… bèn kể cho tôi nghe rằng ông là người gốc Ý. Thời ông còn nhỏ, Thế Chiến thứ hai nổ ra, gia đình ông dắt díu nhau từ Ý trốn sang Pháp để tránh Phát xít, cuối cùng cả nhà dừng chân tại vùng quê này để bươn chải kiếm sống. Thời ấy cả nhà khốn khó nghèo khổ, có hôm mấy anh chị em phải lục thùng rác công cộng tìm miếng ăn. Vào dịp Giáng sinh, quà của cụ ông chỉ có nhõn một quả cam.

Bố mẹ cụ ông hẳn đã rất yêu thương con của mình, vì ông đã nhận được một quả cam.

Vàng của Thánh Nicholas

Giáng sinh ở phương Tây, giống Tết của Việt Nam, là dịp nhà nhà đều mong mâm cao cỗ đầy. Khi quảng bá văn hóa, truyền thống lễ lạt, tất nhiên họ sẽ khoe những món ăn tượng trưng cho sự ấm no sung túc như ngỗng quay, gà Tây. Tuy nhiên dịp lễ lớn nào của thế giới cũng có những điều giản dị gắn liền với truyền thuyết, đức tin. Những điều này ít được nhắc tới, lại càng ít lên phim Hollywood, nhưng chúng mang ý nghĩa lớn và luôn có mặt vào dịp lễ, bất kể nhà giàu hay nghèo.

Quả cam là món như vậy, có gốc gác từ truyền thuyết về Thánh Nicholas.

Tương truyền  vào thế kỷ thứ 3 Công Nguyên ở thị trấn Myra – thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay – có một vị giám mục tên là Nicholas. Theo bản 18 cộng, vị Giám mục nghe tin có ba cô gái của một gia đình nghèo trong thị trấn sắp bị bán vào lầu xanh, theo bản truyện thân thiện với mọi lứa tuổi hơn thì ba cô gái không có tiền làm của hồi môn để lấy chồng nên ông bố của cả ba đang rất đau khổ.

Với lòng từ bi vô bờ, vị Giám mục lén đến trước nhà ba cô gái vào một đêm mùa đông lạnh lẽo, ông thò tay qua ô cửa sổ và ném vào trong ba túi vàng – có ghi chép nói rằng ông ném vô nhà ba quả cầu bằng vàng – để giúp các cô gái nghèo thoát phận bán thân.

Bản kể chuyện theo hướng của hồi môn nói thêm rằng sau khi lần lượt gả con về dinh, ông bố phát hiện ra người giúp mình chính là vị Giám mục, tuy nhiên ngài Nicholas dặn người bố đừng nói việc này ra.

Tác phẩm tái hiện lại cảnh ngài Nicholas ném ba quả cầu vàng vào nhà ba cô gái, có tên “Của hồi môn cho ba nàng trinh nữ” của tác giả Gentile da Fabriano, khoảng năm 1425. (Hình từ trang này)

Về sau, nhờ nhiều kỳ tích trong việc cứu nhân độ thế, người đời cũng như Giáo hội đã tôn vị Giám mục thành Thánh Nicholas. Hành động cho quà, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn nhưng làm trong bí mật, không cần ai biết của ngài lưu truyền đời đời. Vào dịp Giáng Sinh, các con Chiên bên Thiên Chúa giáo giữ thói quen làm phước giúp dân như Thánh Nicholas từng làm, tuy vậy quả cầu bằng vàng là món không phải ai cũng có, thế phải làm sao?

Đường đi của quả cam

Tất cả các loại cam quýt trên thế giới đều bắt nguồn từ vùng núi Himalaya, trong đó bao gồm Ấn Độ, Myanmar, Bhutan, Trung Quốc… từ đấy cam phân tán đi khắp nơi, bởi vậy lần đầu tiên phương Tây biết đến cam là nhờ trao đổi buôn bán với phương Đông qua Con đường Tơ lụa. Những từ chỉ quả cam trong ngôn ngữ phương Tây hầu hết cũng bắt nguồn từ tiếng Phạn – ngôn ngữ cổ của Ấn Độ và là một trong những ngôn ngữ dùng để chép kinh Phật.

Tiếng Phạn gọi cam là Nāraṅga, dựa vào đó vương quốc Ba Tư dùng từ naarenjee để chỉ cam, trong tiếng Tây Ban Nha cam là naranja. Thời xưa dân Ý gọi cam là narancia, rồi đổi lại thành arancia. Tiếng Pháp cổ đọc trẹo thành orenge, sau này người Pháp chỉnh cam thành orange, tiếng Anh theo đuôi cũng gọi cam là orange.

Ban đầu, do là “hàng nhập” nên cam thuộc dạng xa xỉ phẩm. Dần dần các nước Âu châu thuộc vùng Địa Trung Hải tập tành thuần hạt và trồng được cam nên nó không còn quá đắt nữa, dù vậy nó vẫn có giá trị như một món quà quý báu vì cam chưa phải là loại trái cây đại trà, rẻ, hay dễ mua bán ở phương Tây. Vào khoảng thế kỷ 12, các sơ bên Pháp nảy ra ý tưởng dùng cam quýt để thay cho quả cầu vàng kể trong truyền thuyết về Thánh Nicholas, các sơ bắt đầu làm nhiều túi quà, mỗi túi sẽ có táo, cam hoặc quýt, các loại hạt khô, và đặt túi quà này trước thềm cửa của các hộ gia đình nghèo.

Cũng có phân tích cho rằng vì hình dáng của cam khiến người ta nhớ đến quả cầu bằng vàng trong điển tích về Thánh Nicholas, và do cam vẫn còn là món ăn quý, nên Giáo hội mới dùng cam như vật tượng trưng để phát quà cho dân lành nhân dịp lễ, rồi hành động này lan tỏa đi khắp nơi, còn các sơ bên Pháp chỉ là một ví dụ cụ thể mà người đời thường nhắc đến. Từ đó cam trở thành biểu tượng của tình thương, lòng nhân ái, sự sẻ chia, và phước lành.

Với sự phát triển của khoa học nông nghiệp và giao thông vận tải, cũng tới ngày cam trở thành loại cái cây vừa mua thuận bán, giá cả nhẹ nhàng. Lúc ấy không chỉ nhà thờ mà người dân bình thường đã bắt đầu cho cam vào túi quà Giáng sinh, đặc biệt là quà dành cho trẻ em với mong muốn các bé được Thánh Nicholas phù hộ như ba cô gái trong truyền thuyết, hy vọng rằng bọn trẻ luôn hạnh phúc, khỏe mạnh, đầy đủ, ấm no.

Ăn cam, trang trí cũng cam

Cam không chỉ xuất hiện trong túi quà mà còn góp mặt trên bàn tiệc Noel. Chua nhẹ xen lẫn ngọt, lại thơm tho và hòa hợp với nhiều gia vị ấm cúng như quế, hồi, nhục đậu khấu… cam ứng dụng tốt cho món mặn cũng như món tráng miệng. Tâm điểm cho mâm cỗ Giáng sinh thường là ngỗng quay cam, vịt quay cam. Giăm-bông phết sốt cam nướng cũng là một món truyền thống cho dịp lễ này.

Vịt quay cam (hình từ đây)

 

Giăm bông phết sốt cam nướng (Hình từ trang này)

Tráng miệng ôi thôi phong phú với bánh nướng, bánh sô cô la, bánh phó mát cam. Nếu làm biếng, gia chủ có thể chuẩn bị đồ ngọt đơn giản hơn như rau câu cam, hoặc trifle cam – một món ăn dễ dãi đúng phong cách của đất nước Anh Quốc sương mù, bao gồm: bánh bông lan cắt nhỏ cho vào ly hoặc tô thủy tinh, ở trên có lớp trái cây, và lớp kem tươi hoặc kem trứng.

Bánh pudding cam mừng Noel (Hình từ trang Great British Chefs)

 

Rau câu cam (Hình từ đây)

 

Trifle Cam (Hình từ trang này)

Ngoài dùng chế biến món ăn, cam còn là vật trang trí truyền thống. Các gia đình Âu, Mỹ, Úc có thói quen dùng dao bào chuyên dụng để khắc hình họa tiết xinh xắn cho trái cam, sau đó đính thêm đinh hương lên vỏ để vừa tạo thơm vừa làm điểm nhấn. Gia chủ sẽ dùng những quả cầu cam “décor” bàn tiệc, hoặc sắp chúng lên dĩa cùng cành thông, quả thông… và đặt đĩa này vào một góc ấm cúng đặng trang trí cho nhà cửa thêm sáng sủa.

Đĩa trang trí truyền thống cho Giáng Sinh, tiếng Anh gọi mấy quả cầu cam này là orange pomander (Hình từ đây)

 


(Hình từ trang này)

Tiếp tục sáng tạo với chủ đề ngon bổ rẻ kèm thân thiện môi trường, không hiếm người cắt cam thành lát, hong khô, rồi xỏ dây treo chúng lên cây thông Noel, quấn quanh lò sưởi, kệ tủ, hoặc đính lên vòng hoa trước cửa nhà.

(Hình từ trang này)

(Hình từ trang này)

 

(Hình từ đây)

Quả cam của cụ ông

Không phải ai cũng có gà Tây, vịt quay, giăm-bông đón Giáng Sinh, nhưng ai cũng có thể có quả cam. Khi cam thành món bình dân, các bạn kính Chúa vẫn vui vẻ phát triển truyền thống này chứ không bĩu môi chê nó rẻ rồi chuyển sang trái khác, vì quả thực càng nhiều người nhận được phước lành càng tốt.

Thánh Nicholas không phân biệt giàu nghèo, vậy cớ gì mình phân biệt? Nhà khá giả có cam, gia đình cụ ông nghèo khó thiếu ăn thời Thế Chiến cũng có cam.

Nói cho cùng, nếu khổ đến mức phải đi bới rác tìm thực phẩm thì hẳn bố mẹ cụ ông đã cố gắng hướng tới câu chuyện về Thánh Nicholas để mỗi đứa con của mình có được một quả cam nhân dịp Noel. Ngồi nghe cụ ông kể về tuổi thơ cơ cực với thái độ vui vẻ, xong thấy con gái cụ ông ổn định thành đạt, anh em cụ ấm no, trẻ con nhà cụ ngoài cam ra còn nhận biết bao đồ chơi bánh kẹo, tôi thấy mừng vì những điều bố mẹ cụ mong ước khi tặng các con trái cam đã thành hiện thực.

[Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần]

Ý kiến - Thảo luận

20:50 Saturday,23.12.2023 Đăng bởi:  Huyen
Cảm ơn chị Pha Le rất nhiều vì bài viết! 
...xem tiếp
20:50 Saturday,23.12.2023 Đăng bởi:  Huyen
Cảm ơn chị Pha Le rất nhiều vì bài viết!  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả