Gẫm & Bình

Nghệ thuật sắp đặt trong điêu khắc (1) 11. 01. 11 - 4:28 pm

Judith Collins - Phạm Long biên dịch - Đào Châu Hải hiệu đính

[Trích từ chương INSTALLATION trong cuốn SCULPTURE TODAY của Judith Collins]

“A familly man and a sculptor” của Henry Moore

Những năm 1980 chứng kiến sự nổi lên của hiện tượng “phê phán các định chế”, đồng nghĩa với việc các gallery nghệ thuật không còn tính năng của những không gian vật lý thuần túy. Toàn bộ hệ thống hỗ trợ từng giúp cho các cơ sở nghệ thuật tồn tại và phát triển đều trải qua những cơn thử thách sống còn: công tác tuyển chọn, tổ chức triển lãm, tài trợ, quảng bá, bảo tồn, mua bán, lập hồ sơ khách mời, bổ nhiệm ban quản trị phải thường xuyên đương đầu với việc quản lý các bộ sưu tập theo chủ đề. Hạ tầng cơ sở của các phòng trưng bày như bục bệ trưng bày, biển báo, bản tin và hàng rào cũng can dự vào việc tạo nên những khu vực ngoại biên và trung tâm. Mọi người được chăm sóc rất kỹ lưỡng: không còn bị coi là những kẻ vô danh, ai cũng được quan tâm cùng với văn hóa, chủng tộc, kể cả những phiền toái về giới tính của mình.

Việc chuyển không gian triển lãm từ gallery nghệ thuật sang quý ra nơi công cộng bình dị, ví dụ như đường phố, đã làm giảm đi cơ hội (có được vị trí) trưng bày tạm thời hoặc vĩnh viễn cho những tác phẩm nghệ thuật ba chiều. Vào thập niên 1960 – 1970, xu hướng nghệ thuật sắp đặt (installation) bắt đầu nở rộ trong điêu khắc công cộng, mà một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa điêu khắc từ gallery vào cuộc sống đời thường là thành phố Münster của Đức.

Nếu năm 1967, các quan chức Münster còn từ chối món quà của Henry Moore – một tác phẩm điêu khắc bằng đồng dự kiến dựng tại một địa điểm ngoài trời, thì năm 1977, họ đã đồng ý cho dựng một tác phẩm điêu khắc kim loại của điêu khắc gia người Mỹ George Rickey trong công viên thành phố. Việc này gây nên một số phản ứng từ phía công chúng. Đáp lại những ý kiến băn khoăn lo lắng đó, curator Kasper Konig đã phối hợp với nhà chức trách thành phố tổ chức một triển lãm điêu khắc gồm có hai phần: phần đầu trình bày về lịch sử điêu khắc thế kỷ XX theo thứ tự thời gian và được trưng bày trong viện bảo tàng, trong khi đó phần thứ hai với các tác phẩm điêu khắc theo xu hướng Tối giảnHậu Tối giản được bố trí ngoài trời. Sự kiện này đã nhận được sự đồng thuận của cả quan chức và dân chúng thành phố.

George Rickey , “Drei rotierende Quadrate”, tác phẩm điêu khắc động dựng trong công viên thành phố Münster năm 1977 từng bị công chúng phản ứng

Và Konig tiếp tục được thành phố ủy thác tổ chức một triển lãm nữa vào năm 1987. Lần này, ông mời được sáu mươi ba điêu khắc gia đương đại tham gia sáng tác những công trình nghệ thuật mới có liên quan đến địa dư và lịch sử của Münster – một đô thị từng bị đánh bom nặng nề trong Đại chiến Thế giới II và đã tái thiết lại trong những năm 1950. Có thể nói triển lãm điêu khắc ngoài trời năm 1977 như một thử nghiệm, qua đó thành phố Münster đã nâng cao vị thế của mình trong thế giới nghệ thuật toàn cầu cũng như thiết lập nên một địa chỉ khả dĩ cạnh tranh được với thành phố Kassel, cũng thuộc Đức, nơi cứ năm năm một lần lại tổ chức sự kiện nghệ thuật Documenta – một triển lãm nghệ thuật đương đại vào loại lớn nhất thế giới.

Cuộc thử nghiệm 1977 thành công mỹ mãn, thế giới điêu khắc hăm hở đón chờ cuộc triển lãm Münster năm 1987 để trưng bày tác phẩm của mình, và họ đã không bị thất vọng. Một số công trình điêu khắc đã được mua lại cho thành phố và bảo tàng (và hiện nay chúng vẫn còn hiện diện ở đó). Năm 1997, có gần tám mươi nghệ sĩ đã gửi tác phẩm tới triển lãm tại Münster, và lần gần đây nhất, năm 2007, số nghệ sĩ tham dự là ba mươi lăm người. (Ngày nay, triển lãm điêu khắc định kỳ 10 năm một lần tại Münster, Sculpture Projects Münster, là một trong những triển lãm điêu khắc đương đại quốc tế nổi tiếng thế giới – ND).

Triển lãm Sculpture Projects Münster

Khác với các không gian đô thị như Münster, đã có những nỗ lực lắp đặt điêu khắc trong công viên thành phố, hoặc thậm chí còn nhiều hơn ở vùng đồng quê, chẳng hạn như đã có nhiều nghệ sĩ thực hành xu hướng nghệ thuật Bối cảnh (Land Art) vào thập niên 1960 – 1970, song ngay từ những năm 1930 nhiều hội đồng thành phố đã bắt đầu tổ chức các triển lãm điêu khắc trong công viên, mà Zurich là một trong những thành phố đi đầu. Năm 1949, tại Sonsbeek, Hà Lan, và năm sau tại Middelheim, gần Antwerp, đã có những triển lãm điêu khắc đương đại ngoài trời.

Bảo tàng điêu khắc ngoài trời Middelheim: Tượng “The Dog” của Alexander Calder (1958), thép sơn đen

Những hoạt động táo bạo tương tự cũng diễn ra sau đó tại công viên Battersea Park ở London. Công viên Middelheim đã trở thành địa điểm thường trú của các tác phẩm điêu khắc, thậm chí được coi là hình mẫu khi người ta thiết kế công viên văn hóa Kröller-Müller tại Otterlo, Hà Lan vào năm 1961.

Công viên văn hóa Kröller-Müller

Vài năm sau, Isamu Noguchi đã xây dựng đồ án Vườn điêu khắc Rose Billy ở Jerusalem, và cũng trong thời gian đó, Trung tâm nghệ thuật Storm King, một công viên điêu khắc ngoài trời, đã được khánh thành tại Mountainville, mạn bắc New York. Những người sáng lập Trung tâm Storm King kể rằng rằng họ có cảm hứng thành lập một địa điểm dã ngoại cho điêu khắc đương đại sau khi được chiêm ngưỡng gần một trăm tác phẩm của David Smith do chính nghệ sĩ sắp đặt trong khu vực xung quanh ngôi nhà của ông và tại xưởng điêu khắc ở Bolton Landing.

Trung tâm nghệ thuật Storm King, một công viên điêu khắc ngoài trời

Đây là một trong những cuộc hôn phối tuyệt vời giữa điêu khắc và địa điểm nhờ tầm nhìn của một con người hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng việc trưng bày điêu khắc ở nơi đông đúc cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Trong những năm 1970, phê bình gia kiêm curator Jean-Christophe Amman còn đưa ra thuật ngữ “điêu khắc tiện thể” (hay “điêu khắc nhảy dù” – “drop sculpture”) để mô tả cái bản chất tùy ý và không biệt vị (non-specific) của một số tác phẩm điêu khắc công cộng/ngoài trời (được dựng lên tại một số nơi hết sức cẩu thả). Hầu như tất cả các tác phẩm điêu khắc tại Münster đã được lắp đặt tại những vị trí rất cụ thể (site-specific), rất “trúng”, sự hòa đồng của chúng với cảnh quan môi trường xảy ra ngay khi nghệ sĩ bắt tay vào việc phác thảo điêu khắc (và lên kế hoạch lắp dựng).

Nếu kể về những hành động can thiệp vào những không gian biệt vị trong nhà, có lẽ chúng ta phải quay trở lại với Marcel Duchamp, tiếp theo là Yves KleinAndy Warhol, rồi tới những nghệ sĩ đương đại. Năm 1968 nghệ sĩ người Mỹ Walter De Maria đã dùng 250 mét khối đất lấp đầy căn phòng triển lãm ở Müchen, khiến khách xem không thể bước vào gallery được.

Tác phẩm Earth Room (1977) của Walter De Maria (tái hiện lại tác phẩm năm 1968 ở München)

Thậm chí, không để người xem hé nhìn tí ti vào bên trong, Daniel Buren đã gắn kín phòng triển lãm Apollinaire Galerie, Milan, trong cuộc triển lãm của ông vào tháng 10 năm 1968, còn triển lãm của Robert Barry năm 1969 thì được đặt tên là Trong Thời Gian Triển Lãm Gallery Sẽ Đóng Cửa.
Joseph Beuys và Bruce Nauman cũng đã thể hiện những căn phòng trống không và coi đó như một phần tác phẩm của họ. Gần đây nhất, sự can thiệp kiểu đó vào không gian bảo tàng đã xảy ra với công trình của nghệ sĩ Tây Ban Nha Santiago Sierra, ông cũng niêm phong gallery Lisson mới tại London vào tối khai trương, đóng cửa Gian triển lãm Tây Ban Nha tại Venice Biennale 2003, dẹp bỏ tất cả “nội dung” trưng bày và hầu hết các kết cấu (tủ, kệ) trong Bảo tàng Dhondt Dhaenens ở Deurle, Bỉ vào năm 2004. Các tác phẩm nghệ thuật bị đưa ra khỏi các gian trưng bày của bảo tàng, cửa kính được gỡ xuống, và tất cả những nét đặc trưng của nội thất đều bị tước bỏ, để lại một tòa nhà trống trơn còn lại mỗi bộ khung rường.

Phòng triển lãm của Santiago Sierra

 

(còn tiếp)

 

 

Ý kiến - Thảo luận

12:53 Thursday,13.1.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Chúng em thấy nhiều nơi trên đất nước ta bây giờ cũng có nhiều công viên tượng, vườn tượng lắm, ở bờ sông Hương xứ Huế nhé, ở chân núi Hùng Phú Thọ nhé, ở ngoài Tuần Châu nhé, lại ngay cả Thủ Đô có Bờ Hồ trước đền Ngọc Sơn cũng thấy mấy con tượng xinh xắn. Nhưng các anh điêu khắc lớp trên bảo đấy chưa phải là các công viên văn hóa, cũng chưa được
...xem tiếp
12:53 Thursday,13.1.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Chúng em thấy nhiều nơi trên đất nước ta bây giờ cũng có nhiều công viên tượng, vườn tượng lắm, ở bờ sông Hương xứ Huế nhé, ở chân núi Hùng Phú Thọ nhé, ở ngoài Tuần Châu nhé, lại ngay cả Thủ Đô có Bờ Hồ trước đền Ngọc Sơn cũng thấy mấy con tượng xinh xắn. Nhưng các anh điêu khắc lớp trên bảo đấy chưa phải là các công viên văn hóa, cũng chưa được xếp loại là những trung tâm nghệ thuật. CHúng em chưa hiểu tiêu chí nào thì đạt hai chữ "văn hóa" với lại "nghệ thuật" ạ. Vì nếu xét về mật độ tượng, cũng có rất nhiều tượng trong các khu vườn đấy chứ ạ??? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả