Nghệ sĩ thế giới

Xin lỗi, đây không phải thời trang 14. 01. 11 - 5:50 pm

Francis Hodgson - Ngọc Trà dịch

(Như đã hứa với các bạn, Soi xin đưa bài bình luận về bộ ảnh của Munem Wasif. Bài này trong bản gốc có tên “Nước mắt vùng nước mặn”. Soi xin đổi lại vì một lý do rất ngớ ngẩn là để các bạn dễ phân biệt với bài trước!!! Đoạn cuối bài này cực kỳ hay!)

Một chiếc thuyền nằm trơ trọi trên mảnh đất trước nhà cằn cỗi và nứt nẻ vì nhiễm mặn. (Vùng Gabura, Satkhira)

Mọi hệ sinh thái đều có điểm cân bằng mong manh của nó. Điều đó thì ai cũng biết. Các nhà khoa học vẫn đều đặn tìm cách ghi nhận những sự quá đà có thể dẫn đến mất cân bằng, ngay cả khi họ chẳng làm được gì để ngăn cản việc đó. Và thi thoảng, chi thi thoảng thôi, việc ấy kéo theo (sự thay đổi về) luật lệ, cơ chế và cuối cùng là sự bảo hộ.

Ở một vùng tây nam xa xôi của Bangladesh, Munem Wasif cho chúng ta thấy những mô hình nghe có vẻ trừu tượng này có ý nghĩa gì trong thực tế. Không ai biết đích xác tại sao mực nước ở vịnh Bengal lại đang thay đổi, nhưng chúng vẫn đang thay đổi. Trong một đất nước nổi tiếng là thấp dưới mực nước biển, ngày càng nhiều người phải sống trong nguy cơ lụt lội đến thảm họa. Sự xói mòn của bờ biển cũng đang gia tăng, một mối quan ngại sâu sắc trong một đất nước mà (dưới áp lực dân số) mỗi centimet vuông đất sử dụng được đều quý giá.

Độ mặn nước biến tăng khiến vùng đất màu mỡ thành cằn cỗi. Thân cây già tàn lụi này là một chứng tích của quá khứ lừng lẫy. (Vùng Ashasuni, Satkhira)

Munem Wasif đã tìm thấy một vùng mà những thay đổi trong một đơn vị đong đếm duy nhất – độ mặn của nước – có thể tác động lên toàn bộ ma trận cân bằng. Độ mặn đã tăng. Nền nông nghiệp cũ không còn hoạt động được nữa vì mấy loại cây cũ đơn giản là không mọc được. Nghề nuôi tôm – một nghề mới – đã lớn mạnh lên, chủ yếu để xuất khẩu, sử dụng ít lao động hơn và đe dọa nguồn sống của rất nhiều người khác. Đến lượt mình, nghề nuôi tôm làm đất đai bị phơi muối và thành nước lợ. Người làm nông giờ chỉ còn là lao động thời vụ. Những cơ cấu lao động và phân cấp xã hội dựa trên phân bổ lao động đã tồn tại lâu đời cũng đổi thay và tan rã.

Rất nhiều người phải liều dấn thân vào những vùng đầm lầy trồng dừa nước ở Sundarbans (một công viên quốc gia nằm về phía biên giới Ấn Độ) để đánh bắt cá và thu thập vật liệu lợp nhà vốn trước đây có sẵn ngay gần chỗ họ ở. Ở vùng Sundarbans họ phải đương đầu với một loạt hiểm họa đáng sợ: cá mập ăn thịt, cá sấu, hổ mang chúa và hổ Bengal tấn công.

Một người kéo lá dừa nước được chặt từ sâu trong rừng Mangrove, trở về thuyền. (Vùng Sunderban, Satkhira)

Phụ nữ (lúc nào cũng là phụ nữ) còn phải đi xa hơn nữa để tìm nước sạch. Các loại bệnh mới ngày càng gặp nhiều hơn, rõ ràng là có liên hệ với tất cả những thay đổi trên, nhưng không dễ gì chứng minh được mối liên hệ đó. Cứ thế, một mạng lưới chằng chịt những thay đổi có tính liên kết, chưa ai hiểu rõ, và đến một nửa là không thể tiên đoán chính xác được, đã hình thành.

Một phụ nữ múc nước ngọt từ ao. Mỗi ngày bà mất 4 giờ đồng hồ cho hai lần lấy nước. (Vùng Bolabaria, Satkhira)

Munem Wasif không đến vùng đất hoang này để cho chúng ta thấy sự trừu tượng của các chuyên gia thay đổi khí hậu hay những lí thuyết của các nhà kinh tế học vĩ mô. Nghề nhiếp ảnh là xử lí những gì cụ thể, và dự án này xử lí một vấn đề hết sức cụ thể. Bản thân Wasif là người Bangladesh. Không áo chống đạn, không hồi hộp, không phải mất năm tiếng đồng hồ chầu chực ở Vùng Cấm. Họ là người cùng một nước, dù không cùng vùng sinh sống với anh. Thổ âm có thể khác nhau nhưng ngôn ngữ thì chung. Trên thực tế Wasif đã thuê một cái xe máy để hoàn thành dự án này, và khi anh kể cho bạn nghe tên của những người trong ảnh thì đó là vì anh đã gặp họ và nghe họ nói, và biết về họ thực.

Những bức ảnh, do đó, gần như mang tính chủ quan. Người ta đã tốn quá nhiều giấy mực để cố xác định xem liệu khi nào thì các nhiếp ảnh gia nói sự thật và liệu họ có bao giờ nói sự thật không. Những bức ảnh này với Wasif hoàn toàn mang tính cá nhân, hoàn toàn là cách diễn giải những cảm xúc của riêng anh. Nhưng điều đó không ngăn chúng trở thành một thứ tư liệu quan trọng – và chân thật – về những gì đang xảy ra trong sự tương tác của phức hợp các biến số nơi xó xỉnh này của Bangladesh.

Một ngày của phụ nữ vùng này chủ yếu chỉ xoay quanh nhiệm vụ lấy nước. (Vùng Bolabaria, Satkhira)

Nhiếp ảnh có thể nói đến những vấn đề rất lớn mà cũng rất nhỏ. Wasif cho ta thấy cánh tay dài của Johura Begum đang giơ ra chạm vào người chồng đang chết dần vì ung thư gan, sự dịu dàng giản dị đó là thứ “dịch vụ y tế” duy nhất tồn tại trong một ngôi làng mà dân cư đang sống trong thiếu thốn trầm trọng này. Đây là một sự thật rất nhỏ bé, hiển nhiên. Người chồng chết, người phụ nữ tiếp tục sống – một quả phụ. Người chụp ảnh cũng có ở đó, anh ta biết. Nhưng điều này đồng thời cũng là một phức hợp nhiều ẩn dụ. Có rất nhiều bức ảnh như thế bởi vì cảnh tượng này đã diễn ra quá nhiều lần ở khắp nơi trên thế giới. Nó là một bức ảnh (lớn) về những vấn đề hạ tầng và tài chính, cũng như đạo đức và luân lý.

Sorifa Khatun (30 tuổi) ru một trong bảy đứa con ngủ. Chồng cô, Kased Mali, bị cọp vồ cách đây 6 tháng. (Vùng Gabura, Satkhira)

Trong một tấm ảnh khác, những thùng chứa nước ngọt trong những chiếc thuyền được kéo lê bằng chân qua một vùng bùn lầy trơ trọi. Shajhan Shiraj và các em của anh từ Gabura phải di chuyển ba tiếng đồng hồ mỗi ngày theo cách này. Những cái cây còi cọc, nước ngọt ở tít xa, ba người đàn ông, ba chiếc thuyền, và những vết lằn họ để lại trên đất bùn. Không chỉ là một bức ảnh đẹp: tính châm biếm của việc những chiếc thuyền phải di chuyển chậm chạp vất vả như vậy trong đất liền với nước là thứ hàng hóa duy nhất thật đau lòng đến không thể hình dung nổi.

Khi nước rút, Shajhan Siraj và anh em đẩy thuyền ra biển. Những chiếc thuyền được đổ đầy nước ngọt mà họ đã hứng sẵn trong đất liền. Mỗi ngày họ phải đi lấy nước mất 3 giờ đồng hồ. (Vùng Datinkhali, Satkhira)

Có một bước chuyển mạnh mẽ trong những bức ảnh này. “Đọc” chúng như những sự thật nho nhỏ, chúng tóm lấy trái tim bạn. Diễn giải chúng thành những sự thật lớn, chúng sẽ hướng bạn đến những nỗ lực thực tế để thay đổi tình hình. Bạn bị Wasif thôi thúc phải hành động mà không cần phải biết tên người chồng của Johura Begum là Amer Chan.

Amer Chan (60 tuổi), chồng của Johura Begum, bị ung thư phổi. Bà mới đi lấy nước về xong. (Vùng Patrakhola, Satkhira)

Chúng ta đã nghe nói về sự mệt mỏi của người làm từ thiện, sự cạn kiệt cảm thông. Mỗi người xem những bức ảnh này một lúc nào đó sẽ có cảm giác đã từng nhìn thấy chúng ở đâu đó rồi. Bộ ảnh Salgado ở Sahel, cũng gây sốc như vậy, có thể còn nhiều hơn. Rất giống về cảm xúc và âm điệu. Nhưng các nhiếp ảnh gia không có nhiệm vụ phải cung cấp cho chúng ta những cảnh tượng mới. Miễn là những cảnh này còn ở đó và trông vẫn thế, các nhiếp ảnh gia sẽ tiếp tục đưa chúng cho ta xem. Một số người sẽ nhìn ảnh của Wasif ở đây và gọi chúng là “phái sinh” (của thực tế); họ nói đúng. Nhưng đây không phải là thời trang. Ngành công nghiệp ung thư gan mùa này sẽ không cho ra mắt một mẫu quần dài mới. Người chụp ảnh chỉ làm được đến thế thôi. Nếu người xem đã mệt mỏi vì bị quấy rầy, mệt mỏi vì nhìn những cảnh tượng họ không muốn nhìn, có lẽ chúng ta nên hiểu rằng chính người xem mới cần phải chỉnh đốn tư tưởng của mình, chứ không phải người chụp. Munem Wasif đang làm nhiệm vụ của mình. Còn lại, tùy chúng ta.

Hiromunda từng là nông dân, nhận chăm nom hàng dặm dài đồng lúa. Rồi việc nuôi tôm làm đất nhiễm mặn, khiến ông không còn việc mà có thể nuôi sống gia đình nữa. (Vùng Patrakhola, Satkhira)

Francis Hodgson
Giám đốc mục Ảnh, Sotheby’s
Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Prix Pictet

*

Munem Wasif được đưa vào danh sách ngắn bình chọn giải Prix Pictet năm 2008. Là một phần không tách rời của giải, Pictet quyết định tài trợ cho một trong số các nghệ sĩ được đưa vào danh sách ngắn đi chụp một dự án liên quan đến vấn đề nước. Bộ ảnh này là kết quả của chương trình tài trợ đó.

 

**

Bài liên quan:

– Munem Wasif: mặn như nước mắt
– Xin lỗi, đây không phải thời trang

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả