Gẫm & Bình

Bạn có là “nạn nhân” của Face-to-Facebook? 10. 02. 11 - 1:26 pm

Hồ Như Mai dịch

Tác phẩm sắt đặt tại Transmedial Festival

Một cặp nghệ sĩ “hacktivist”- (vừa là hacker vừa là nhà hoạt động xã hội, “vừa ăn cướp vừa la làng”) mới thực hiện một vụ tấn công trực tiếp mà hiệu quả một cách bất ngờ lên Facebook.  Đây cũng là một phần trong tác phẩm sắp đặt của họ tại Transmedial Festival đang diễn ra ở Berlin, có tên là Face to Facebook.

Paolo Cirio và Alessandro Ludovico (Ý) tuyên bố đã chôm rất nhiều dữ liệu và hình ảnh có sẵn từ một triệu hồ sơ Facebook rồi nhập lên trang www.Lovely-Faces.com, một trang hẹn hò giả, phân loại người dùng bằng chính… gương mặt họ. Động thái này, theo như hai nghệ sĩ, chính là một đòn giáng vào gã khổng lồ truyền thông xã hội, chuyên nghề thương mại hóa các mối quan hệ và phá hủy sự riêng tư của người ta, là Facebook.

Khi bài này đang được viết, trang Lovely Faces vẫn chưa được đưa vào hoạt động, sau khi dư luận tập trung chú ý vào cú tấn công bạo gan ngày 2.2. Tuy nhiên, ảnh chụp trang đầu của website này cho thấy hình một cặp đang mỉm cười, ngay bên dưới là lời chào hài hước: “Chào mừng đến trang hẹn hò duy nhất mà có người thật, thật lòng đưa lên thông tin và hình ảnh của mình. Bạn sẽ cảm thấy thật thoải mái ở đây. Chả khác gì Facebook.”

Trang Lovely Faces

Trong một thông cáo báo chí, Cirio và Ludovico mỉa mai tuyên bố rằng họ đang cố gắng “giải phóng thông tin cá nhân bị Facebook chiếm giữ làm của riêng”, còn tương thêm một sơ đồ quái chiêu, giải thích dài dòng chuyện họ chôm chỉa và phân loại hồ sơ như thế nào.

Sơ đồ dùng để làm Face to Facebook

Hai nghệ sĩ nói rằng đã dùng một thuật toán nhận diện gương mặt để phân loại hình ảnh và làm cho chúng có thể tìm kiếm được theo loại. Thế các “loại” ở đây là gì? Thôi thì có cả “dễ tính”, “hài hước”, “mềm mỏng”, “nhà leo núi” và “đểu giả”. (Chúng tôi đoán “nhà leo núi” ở đây chắc là nói tới chuyện bon chen giai cấp này kia, nhưng ở trên trang hẹn hò của châu Âu thì ai mà biết được…)

Hai nghệ sĩ – thủ phạm

Nếu sự vụ này làm cho bạn cảm thấy lo lắng rằng hồ sơ của mình đã bị chôm chỉa và đem ra làm trò hề, thì coi như hai nghệ sĩ đã thành công. Một tuyên bố dông dài về Face to Facebook bàn đến đủ mọi chuyện, từ những tiết lộ tưởng như không có gì đáng bàn về văn hóa của Facebook (“Rõ là đa số người sử dụng đều muốn xuất hiện trong diện mạo đẹp đẽ nhất”) đến những phán đoán tâm lý phổ biến về chuyện đàn ông đàn bà nhận xét hình ảnh của nhau như thế nào (nghe đâu là đàn ông thường nghiên cứu khuôn mặt để biết về “chuyện kia”). Nhưng bản tuyên bố lại kết thúc bằng những lời khá gay gắt, nói về nỗ lực của nghệ sĩ trong việc phá hoại uy tín của Facebook đối với người sử dụng, nhằm giáng một đòn chí mạng vào gã khổng lồ truyền thông 50 tỷ đô mà câu chuyện gây tranh cãi về nó giờ đây cũng trở thành ứng viên của giải Oscar.

Một số gương mặt bị đánh cắp ảnh và hồ sơ để đưa lên trang mai mối kia

“Dự án được thực hiện nhằm phá vỡ lòng tin mà 500 triệu người đặt vào Facebook,” Cirio và Ludovico phát biểu. “Dự án nói về những hậu quả của việc đăng tải những thông tin cá nhân nhạy cảm lên các trang mạng xã hội, mà đặc biệt là những hậu quả trong đời sống thật…Chúng tôi không chỉ phê phán tinh vi đối với một tập đoàn mạng khổng lồ, chúng tôi còn cố gắng định dạng một kiểu phá hoại đơn giản mà ai cũng làm được. Ai cũng có thể chôm chỉa thông tin cá nhân rồi đăng lại trong một ngữ cảnh khác, hoàn toàn không ngờ tới được.”

Face to Facebook rõ ràng đi theo một “truyền thống” của một số nghệ sĩ đương đại, còn được gọi là phái “truyền thông chiến thuật”. Ví dụ như vụ nhóm Yes Men – từng làm giả trang của Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO và đóng giả đại diện của nhóm thị trường tự do – hay hai đồng hương người Ý là Eva và Franco Mattes, làm giả trang của Vatican rồi từ từ thay đổi nó để thêm vào những tài liệu phá hoại.

Poster một phim của nhóm Yes Men

Dự án này là dự án thứ ba trong chuỗi ba dự án có tên là The Hacking Monopolism Trilogy (đại khái “Ba lần Đại phá chủ nghĩa độc quyền”), gồm những vụ phá hoại theo kiểu “nghệ thuật khái niệm”, nhắm vào những gã khổng lồ Internet. Ví dụ trong dự án năm 2005 Google Will Eat Itself (Google rồi sẽ tự ăn thịt mình) hai nghệ sĩ sử dụng doanh thu từ những cái click chuột lên các quảng cáo trên Google để mua cổ phiếu của chính Google, hi vọng sẽ tạo ra được một kiểu tự hoại đối với công ty này (trên lý lịch của mình, Cirio nói rằng anh đã nhận được thư cảnh cáo từ công ty).

Sơ đồ trong dự án “Google rồi sẽ tự ăn thịt mình”

Hay dự án năm 2006 Amazon Noir tấn công vào Amazon bằng việc tạo ra và phát tán những bản sách điện tử chôm chỉa dưới dạng PDF.

Sơ đồ trong dự án chôm sách Amazon Noir

Tập đoàn Facebook không hề thích thú gì với Face to Facebook. “Chôm chỉa thông tin của người khác là vi phạm các điều khoản của chúng tôi.” Barry Schnitt, giám đốc truyền thông nói với tạp chí Wired. “Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục có những động thái pháp lý để trừng trị thích đáng những tổ chức vi phạm này. Chúng tôi đang điều tra trên trang và sẽ có hành động phản hồi thích hợp.”

Đương nhiên, như tạp chí Wired trước đây từng chỉ ra, vụ Face to Facebook gợi nhớ đến chính những thử nghiệm ban đầu của người sáng lập Facebook là Mark Zuckerberg đối với FaceMash, một trang chuyên chôm hồ sơ của các nữ sinh Harvard để người dùng có thể vào xếp hạng.

(Theo Artinfo)

*

Bài liên quan:

– Bạn có là “nạn nhân” của Face-to-Facebook?
– PAOLO CIRIO: Facebook có thể rất nguy hiểm

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả