Nghệ sĩ thế giới

Tuyên ngôn nghệ thuật của Maria Petschnig 21. 03. 11 - 2:45 pm

Lê Quảng Hàm st - Ngọc Trà dịch

Kip masker 2007 (Mặt nạ da non?)

Tác phẩm của tôi khám phá mối quan hệ giữa cơ thể và quần áo, chú ý đến những vấn đề liên quan đến bản năng giới tính, bản sắc, thói tò mò tình dục, thói ảo tưởng, tất cả từ một góc nhìn đặc biệt nữ quyền / hậu – nữ quyền.

Tôi cố tình chơi đùa với các định kiến và những suy nghĩ rập khuôn, tạo một sự tráo đổi liên tục giữa cái gợi cảm và cái lố bịch, cùng lúc khai thác một tập hợp bất tận những vai diễn, tư thế, cá tính.

Mọi quần áo đều mang một thông điệp giới tính, đồng thời thực hiện chức năng của một loại mặt nạ xã hội. Đối nghịch với nó, tôi quyết thay đổi động lực này, nhấn mạnh vào yếu tố điêu khắc của quần áo thay vì chức năng là một bộ da thứ hai. Do đó, trong tác phẩm của mình, tôi cố gắng khuyến khích một cách nhìn mới, thật, không phán xét, vượt ngoài những khái quát hóa thông thường và những quan niệm mang tính khách thể hóa về cơ thể.

Bằng một cách táo bạo và đôi khi gây tranh cãi, tôi vứt bỏ những quy ước về giới, sử dụng chính cơ thể của mình, phó mặc bản thân cho con mắt công chúng.

Minnie

Từ lúc bắt đầu hoạt động nghệ thuật, tôi vẫn hay tổ chức những màn trình diễn riêng (trong nhà mình, không có khán giả), tại đó cơ thể tôi là vật liệu tạo hình chính, được điểm trang bởi những quần những áo được thay đổi tùy theo gu của chính tôi. Bên cạnh quần áo, tôi cũng sử dụng các khái niệm dựng cảnh khác nhau để tạo một môi trường tổng thể, nắm bắt được quan điểm nghệ thuật của tôi một cách tốt nhất.

Vì ban đầu là được học về hội họa, những màn trình diễn riêng này chỉ dùng để nghiên cứu những hình ảnh mà tôi sẽ vẽ. Vào năm 2006, sau một vài lần làm video thể nghiệm,, tôi hoàn toàn từ bỏ giá vẽ và bắt đầu ghi lại những màn trình diễn này trực tiếp bằng video và nhiếp ảnh. Hiện giờ công việc mà tôi hay làm trong studio là suy nghĩ và chuẩn bị một buổi trình diễn, hoặc biên tập một đoạn phim, hơn là những hoạt động cổ điển của họa sĩ là vẽ vời.

Đến bây giờ, tôi vẫn thấy thực là kì cục khi gọi những hành động thân mật tôi làm một cách thường xuyên là “các màn trình diễn”. Đúng hơn, tôi chỉ cảm giác chúng là những hoạt động tự nhiên. Quyết định ghi lại những hoạt động ấy đến với tôi sau một thời gian không xác định và khi tôi đã bắt đầu ý thức hơn về những gì mình muốn làm. Mỗi một video của tôi đều lấy một màn diễn làm điểm khởi đầu. Mối quan hệ của tôi với phim ảnh là để ghi lại các hoạt động của mình và dùng phương tiện ấy như một hoạt động nghệ thuật mở rộng hoặc độc lập. Tôi cũng áp dụng cùng một khái niệm đó khi dời các hoạt động ban đầu của mình sang một không gian công cộng hơn hay không gian triển lãm – chiếc máy quay lúc này có tác dụng là một chiếc cầu nối giữa công chúng với bản thân tôi.

Born to perform (Sinh ra để trình diễn) 2010

Đến nay, tôi vẫn thích sử dụng cơ thể của chính mình trong tác phẩm để có được sự kiểm soát hoàn toàn về hình ảnh, cũng như vì các lí do về thực hành khác. Khi ghi lại chính cơ thể mình, tôi có được một cái nhìn tách xa ra khỏi mình và việc đó cho tôi khả năng thể hiện một mức độ tự chủ nhất định. Theo đó, tôi hoàn toàn chủ động: tôi đạo diễn, biên kịch, và diễn tả cái nhìn về nữ quyền của chính tôi. Quá trình này cũng hợp nhất vai trò của người biểu diễn cũng như người quay phim (nghệ sĩ video art), và tôi cho đây là một khái niệm mới, mở rộng hơn về hành động tự thể hiện nữ quyền.

Điều ấy là rất quan trọng vì với một khán giả nữ, việc phô bày cơ thể nữ dù ở nơi công cộng hay chốn riêng tư thường làm họ cảm thấy xấu hổ hơn là cho họ cảm giác mạnh mẽ. Truyền thông chọn những hình ảnh đã được thao túng nhiều dựa trên những quy tắc, hình mẫu và tiêu chuẩn lý tưởng nào đó về cái đẹp, và do đó có một ảnh hưởng lớn và tùy tiện lên việc người phụ nữ nhận thức về chính mình như thế nào.

Mặt khác, phụ nữ hiện đại tuy đã giành được cái quyền muốn mình được trông ra sao tùy mình, nhưng cách chúng ta nhìn nhận về cơ thể phụ nữ có vẻ vẫn chưa thay đổi nhiều. Cũng thế, có một mối quan hệ mơ hồ giữa tính khỏa thân và tính dục trong xã hội Mỹ mà không hiểu sao đã lấn sang lãnh địa của chủ nghĩa nữ quyền. Và tôi muốn nói đến sự mâu thuẫn cùng tính mơ hồ này trong các tác phẩm của mình.

Only the perverse fantasy can still save us (Chỉ có những trò quái dị mới cứu được chúng ta) 2008

*

Bài liên quan:

– Maria Petschnig xinh nghịch
– Maria Petschnig: Tuyên ngôn nghệ thuật

Ý kiến - Thảo luận

16:57 Tuesday,22.3.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
hi hi, chúng em thấy mấy bức hình của Maria trông giống như những cái mặt nạ quá, nhộn thật đấy ạ, và cũng sâu sắc ạ, chẳng như mấy bức hình chụp nghệ thuật body-art của các chú các anh trường em, xấu ơi là xấu, tốn mầu ơi là tốn, tốn mẫu ơi là tốn, mà bắt các chị tình nguyện viên cởi nhiều thế ạ.
...xem tiếp
16:57 Tuesday,22.3.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
hi hi, chúng em thấy mấy bức hình của Maria trông giống như những cái mặt nạ quá, nhộn thật đấy ạ, và cũng sâu sắc ạ, chẳng như mấy bức hình chụp nghệ thuật body-art của các chú các anh trường em, xấu ơi là xấu, tốn mầu ơi là tốn, tốn mẫu ơi là tốn, mà bắt các chị tình nguyện viên cởi nhiều thế ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

10 bí quyết để trở thành
Họa sĩ Đói Dài

Kinh nghiệm của Lynn Basa – Lê Quảng Hàm st và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả