Nghệ sĩ thế giới

Những tay tổ của điêu khắc đồ vật (phần 1) 26. 03. 11 - 6:18 am

Judith Collins – Biên dịch: Phạm Long – Hiệu đính: Đào Châu Hải

 (Loạt bài này có tên Điêu khắc Đồ vật hậu Pop và khá dài. Soi xin phép đổi tên và chia làm 4 kỳ).

.

Trong suốt chín thập kỷ sau ngày khởi xướng thứ nghệ thuật “readymade” của Duchamp (sự kiện Chiếc bô đái– ND), vô số điêu khắc gia đã ào theo xu hướng này; ảnh hưởng của ông vẫn còn đặc biệt mạnh mẽ cho tới tận ngày hôm nay trong một thế giới mà đồ sản xuất hàng loạt với số lượng lớn chiếm ưu thế cùng với nhiều vấn đề gây tranh cãi về nghệ thuật cao quýnghệ thuật tầm thường, tính duy nhất (uniqueness) và sự “độc sáng” (aura) của những sản phẩm nghệ thuật.

Năm 1936, hai thập kỷ sau khi xuất hiện nghệ thuật đồ chế sẵn (readymade), học giả Walter Benjamin (1892-1940) công bố một tiểu luận quan trọng Nghệ phẩm trong thời đại sao chép cơ khí (The Work of Art in the Age of Mechanical Reproduction). Trong bài luận này, ông định nghĩa tính độc đáo luôn gắn với tác phẩm nghệ thuật bởi sự chân xác và nguyên bản, tạo nên tính “độc sáng” của nó. Tính độc sáng này bị lu mờ một khi xuất hiện sự sao chép cơ khí.

Benjamin nhận thấy những ý tưởng mới – sao chép một tác phẩm nghệ thuật bằng máy thay vì bằng tay – dường như đã tác động tới cả nền kinh tế và văn hóa. Ngay khi được tái phát hiện vào những năm 1960, vào lúc các nghệ sĩ tìm cách mở rộng hoạt động nghệ thuật thông qua khả năng tái chế và phổ biến [của ngành cơ khí chế tạo hàng loạt], bài tiểu luận của Benjamin lập tức trở thành một văn bản kinh điển. Phong trào Nghệ thuật Đại chúng (Pop Art) của những năm 1960 tương thích với hình ảnh một thế giới sản xuất hàng loạt, trong khi Xu hướng Tối giản (Minimalist) sau đó chấp thuận các yếu tố tái diễn – các sản phẩm hay loạt sản phẩm được chế sản vô tính bởi nền công nghiệp (do máy móc và các nhà sản xuất chế tạo ra, không có bản sắc, đặc tính riêng).

Bottle Rack của Duchamp

Năm 1968, trong cuốn sách Hệ thống Đối tượng (The System of Objects), nhà xã hội học người Pháp Jean Baudrillard đưa ra những phê phán về mặt văn hóa cái bản chất hàng hóa trong một xã hội tiêu dùng và đưa ra nhận định rằng trong thực tế, tất cả các đồ vật đều có hai chức năng: “được sử dụng” và “bị sở hữu”.

Có sự khác biệt thú vị trong những phản ứng đương đại đối với khái niệm đồ chế sẵn (readymade): một số nghệ sĩ chiếm đoạt và thể hiện chúng mà hầu như không hề thay đổi chất liệu; một số tìm cách sửa đổi, còn những người khác lại sáng tác ra các đối tượng giống như đồ vật sản xuất hàng loạt. Cả đồ quý hiếm lẫn vật tầm thường đều được sử dụng. Tất cả được thực hiện với một ngôn ngữ hóm hỉnh, kế thừa gia tài Duchamp cùng những phê phán về quyền lực và sự có mặt nhan nhản của [hoạt động] tiếp thị toàn cầu và thế giới hàng hóa tiêu dùng.

Gift của Man Ray có đóng thêm đinh vào bàn ủi

Những hình thức mới của điêu khắc readymade xuất hiện tại Anh và Mỹ cùng một lúc, vào đầu những năm 1980, song với những quan điểm khác nhau. Ở Anh, giới phê bình tạo ra thuật ngữ mới “điêu khắc đồ vật” (Object sculpture), trong khi đó ở Mỹ thể loại điêu khắc này được mô tả bằng những từ thông tục hơn, ví dụ như “[điêu khắc] hàng chợ” (commodity) hoặc “điêu khắc cưỡng đoạt” (appropriation sculpture).

So với đồng nghiệp Mỹ, các nhà điêu khắc đồ vật Anh rẽ qua một nẻo khác hoàn toàn. Tại Vương quốc Anh, các nghệ sĩ ít quan tâm tới đồ hàng hiệu, hàng mới. Nghệ sĩ Anh ưa dùng đồ cũ, đồ bỏ đi hay các thứ tầm thường, họ hiếm khi sáng tác bằng những đồ có nhãn mác. Nghệ sĩ Richard Wentworth đã mô tả phương pháp tiếp cận của người Anh là “khai quật thùng rác” (the archaeology of the dustbin). Phương pháp tiếp cận của các nghệ sĩ Mỹ lại theo những bậc tiền bối Pop Art. Tại New York, năm 1960, Jasper Johns làm hai lon bia Ballantine bằng đồng sơn màu, và năm 1964 Andy Warhol bắt đầu làm điêu khắc gỗ in lưới nhại theo các nhãn hàng hoá và đồ hộp phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Mỹ.

Hai lon bia Ballantine bằng đồng sơn màu của Johns Jasper

Vào cuối những năm 1970, tại Hoa Kỳ, Haim Steinbach bắt đầu làm việc với đồ dùng phổ thông và đầu những năm 1980 công bố loạt tác phẩm Hiển thị bao gồm những giá kệ trên đó sắp đặt đồ vật mượn từ bạn bè. Ông thường gây chú ý bởi phương cách biến đổi nội dung của đối tượng khi chuyển chúng từ một không gian cá nhân tới nơi công cộng. Năm 1984, Steinbach khởi sự chế tác những chiếc kệ hình nêm có chữ ký cá nhân và có đặt những hàng hiệu mới, được mua từ các cửa hàng và siêu thị. Tìm kiếm các đối tượng chuyển tải được “đặc điểm in ấn và sự cộng hưởng văn hóa”, tác phẩm của ông là sự tham chiếu cách thức lựa chọn, sắp xếp và bày biện đồ vật trong khung cảnh cửa hàng bán lẻ.

Không đề của Haim Steinbach

Một tác phẩm điển hình của Steinbach sáng tác vào giữa những năm 1980 mang tên Siêu đỏ # 2, gồm bốn chiếc đèn lava màu đỏ và vàng, chín chiếc nồi nấu ăn màu đỏ xếp chồng lên nhau và sáu đồng hồ báo thức kỹ thuật số có các chữ số cảnh báo màu đỏ. Cái tiêu đề vừa gây chú ý đến màu sắc, lại có thêm tiền tố “siêu” khiến đồ vật như tăng thêm phần rực rỡ.

Siêu đỏ #2, Haim Steinbach

Jeff Koons lại là một nhà điêu khắc hàng hoá/cưỡng đoạt khác, người đã phát hiện ra thứ vật liệu cơ bản của mình từ nghệ thuật trang trí Hoa Kỳ rẻ tiền. Năm 1979, ông bày tác phẩm đầu tiên trong loạt tác phẩm có tên gọi Mọng Căng – những bông hoa khổng lồ bằng plastic được phóng đại, bơm căng hoặc các con vật đồ chơi mua tại cửa hàng, chẳng hạn tác phẩm Thỏ (1986) bằng bạc to vật vã.

Thỏ của Jeff Koons

Sau đó, ông chuyển sang các hàng hiệu gia dụng mới như ấm điện, lò nướng, máy hút bụi và chổi lau sàn, rồi ông bày biện trong các hộp thuỷ tinh hữu cơ có chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang, nhại lại hình thức bày đồ trong cửa hàng. Năm 1980, một trong những tác phẩm điêu khắc này đã được trưng bày trong cửa sổ mặt tiền của Tân Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại, New York, hoàn tất chuỗi triển lãm các tác phẩm đầy tính châm biếm.

.

Năm năm sau, ông khánh thành loạt tác phẩm Equilibrium Tanks – Các Bồn Chứa Cân Bằng gồm những quả bóng chuyền dìm trong một chất lỏng. Để giữ những trái bóng đúng chỗ, ông nhờ tới sự giúp đỡ của Tiến sĩ Richard Feynman, nhà vật lý đoạt giả Nobel. Đồng thời, Koons bắt đầu đổ khuôn các đồ lượm được bằng đồng và thép không rỉ, hoặc tạo mẫu chúng bằng sứ hoặc gỗ.

Equilibrium Tanks – Các Bồn Chứa Cân Bằng, Jeff Koons

Để bắt đầu, cả Steinbach và Koons để cho mỗi đối tượng, thường là hàng hiệu, giữ được danh tánh ban đầu của nó, mặc dù họ đã tạo cho chúng một bối cảnh mới. Nhưng khi Koons bắt đầu đúc các vật thể theo kiểu làm phiên bản hoặc sao chép bằng tay của thợ thủ công, ông đã chế thêm tính kỳ quặc vào ý tưởng “độc sáng” ban đầu.

(còn tiếp)

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tâm vận động theo bút

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả