Trường phái

Những tay tổ của điêu khắc đồ vật (phần 2) 31. 03. 11 - 12:28 pm

Judith Collins – Biên dịch: Phạm Long – Hiệu đính: Đào Châu Hải

(Loạt bài này có tên Điêu khắc Đồ vật hậu Pop và khá dài. Soi xin phép đổi tên và chia làm 4 kỳ).

Chó (thui) thành Pompei – tác phẩm của Allan McCollum

Mặc dù nét đặc thù trong điêu khắc của Allan McCollum là sự chế tác hàng loạt và với số lượng lớn những hình thù lặp lại không bộc lộ dấu vết hay phong cách của nghệ sĩ, song vẫn dễ dàng nhận ra đó là tác phẩm của ông.

Ông có hai loạt tác phẩm đồ sộ: Các Vị Đại Diện Bằng Thạch Cao – Plaster Surrogates, bắt đầu làm từ năm 1982…

Các Vị Đại Diện Bằng Thạch Cao – tác phẩm của Allan McCollum

… và Những Cỗ Xe Tuyệt Hảo – The Perfect Vehicles, bắt đầu sáng tác từ 1985, là những chiếc bình được sản xuất hàng loạt, với cùng một khuôn đúc, được bày thành từng nhóm lớn. Trong Những Cỗ Xe Tuyệt Hảo, những chiếc bình có phong cách đời Minh đặc trưng, hàm ý về sự xa hoa và giai tầng xã hội.

Những Cỗ Xe Tuyệt Hảo – Allan McCollum


Tác phẩm của Allan McCollum

Lượng tác phẩm khổng lồ của McCollum là những hồi đáp thông minh và dí dỏm những luận điểm của Baudrillard. Tác phẩm lớn nhất cho đến nay của McCollum là Hơn Mười Ngàn Tác Phẩm Lẻ – Over Ten Thousand Individual Works, gồm rất nhiều các vật nhỏ bằng thạch cao sơn cùng một màu. McCollum xếp chúng thành hàng lối, để bộc lộ rõ những khác biệt và tương đồng của chúng. Mỗi đồ vật là riêng biệt, nhưng khi kết hợp và bố trí lại 150 hiện vật thành tám cụm thì chúng lại có những đặc điểm chung kỳ thú. Các mẫu vật được làm từ những đồ gia dụng quen thuộc như hộp sữa chua, tay nắm cửa, nắp đậy chai lọ và các vật dụng nhà bếp. Kích thước nhỏ bé của chúng mời gọi ý muốn cầm nắm, và quả thật, những mẫu vật ban đầu đã được quy ước là để nhặt lên. Chúng gây ra nhiều phản ứng trong công chúng bởi họ nhận thấy tính gần gũi, ích lợi và cả bản chất vô tích sự.

Hơn Mười Ngàn Tác Phẩm Lẻ – Over Ten Thousand Individual Works, tác phẩm của Allan McCollum


Chi tiết tác phẩm “Hơn Mười Ngàn Tác Phẩm Lẻ – Over Ten Thousand Individual Works”

Tiền thân các tượng thạch cao nhỏ nhắn của McCollum là tác phẩm của nhóm OHO nổi tiếng ở Slovenia. [Trong những năm 1966-1971], nhóm nghệ sĩ OHO đã đổ khuôn thạch cao những vỏ đồ nhựa thịnh hành giữa thập niên 1960 với cảm hứng từ khái niệm “reism”, một thuật ngữ triết học xuất phát từ chữ Latin res tức là “đồ vật” (thing), và đó cũng là tên được lựa chọn cho phong trào nghệ thuật mới của họ (Phong trào Reism). Các nghệ sĩ OHO quyết định theo đuổi nghệ thuật ý niệm (conceptual), họ xoáy vào các đặc điểm và chức năng của hành động và mục tiêu của hành động; họ tin rằng không có sự khác biệt giữa một con người và một cái chai nhựa, và rằng cả hai cần được đối xử bình đẳng như nhau.

Tác phẩm trong loạt Hơn Mười Ngàn Mẫu Vật


Chi tiết tác phẩm Hơn Mười Ngàn Mẫu Vật

*

Josiah McElheny, học thổi thủy tinh ở Âu châu và Mỹ, có những đồ thủy tinh chế tác rất tao nhã như đĩa, bình và cốc vại trong những tạo dáng rất đặc biệt. Mỗi tác phẩm là một phiên bản chính xác một đồ vật mà McElheny đã chọn lọc từ [tư liệu] lịch sử ngành tạo dáng, và chú thích cho chúng phù hợp với thực tế và sự hư cấu.

Một loạt tác phẩm là các phó bản tái chế, chép lại đồ thủy tinh của kiến trúc sư và nhà tạo dáng người Áo Adolf Loos, một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong sự phát triển của ngành tạo dáng công nghiệp châu Âu thế kỷ 20. McElheny bị hấp dẫn bởi bối cảnh lịch sử, sự ra đời và những lý do mà đồ thuỷ tinh ẩn tàng rất nhiều giá trị. Các sản phẩm thủy tinh của ông, những chú thích và các tủ trưng bày đặc biệt, đã nêu bật những vấn đề về mối quan hệ giữa đồ gốc và bản sao. Tác phẩm Một Giai Thoại Lịch Sử Về Thời Trang – An Historical Anecdote About Fashion là những đồ thủy tinh sao chép các bộ y phục nhãn hiệu Christian Dior thời thượng của những năm 1950.

Tác phẩm Một Giai Thoại Lịch Sử Về Thời Trang – An Historical Anecdote About Fashion


Chi tiết tác phẩm Một Giai Thoại Lịch Sử Về Thời Trang

*

Đã có sự thay đổi đột ngột từ điêu khắc thủy tinh của McElheny mang phong cách mỹ nghệ và trang nhã sang điêu khắc thạch cao thô mộc của nghệ sĩ người Anh Edward Allington. Tuy nhiên, trong tác phẩm của mình, Allington muốn đặt vấn đề về mối quan hệ giữa đồ vật và hàng sao chép, giữa bản gốc và bản nhái.

Vào lúc khởi nghiệp, ông nghiên cứu văn minh cổ Hy Lạp và La Mã để tìm nguồn cảm hứng và làm các phó bản của các mảng điêu khắc và kiến trúc cổ điển. Ông cũng nghiên cứu nhiều trước tác của triết gia Hy Lạp Plato, người nổi tiếng nhất về lý thuyết [của các] “Mô thức” (Theory of Forms). Plato cho rằng các hình ảnh/vật thể thông thường (ordinary objects) là bản sao chưa hoàn chỉnh của các mô thức lý tưởng khởi nguyên, chúng là tiên thiên (ethereal) và bất khả (unavailable) đối với con người, bất tận và bất biến, chúng khác các vật dụng hàng ngày của thế giới vật chất thoảng qua, ngắn ngủi, phù du.

Tác phẩm Các Hình Chuẩn Lý Tưởng – Ideal Standard Forms của Allington là bộ sưu tập gồm chín mẫu dạng thạch cao có cấu trúc hình học khác nhau, một tham chiếu hóm hỉnh đến các hình thức lý tưởng của Plato, mặc dù đây là những mẫu thạch cao thô đổ khuôn từ bản gốc bằng đất sét.

Tác phẩm Các Hình Chuẩn Lý Tưởng – Ideal Standard Forms của Allington

Tham chiếu từ nền văn minh và triết học cổ, các tác phẩm của Allington có vẻ cô đơn trong khung cảnh điêu khắc đồ vật Anh quốc, trong khi đó những tác phẩm của đồng nghiệp Tony Cragg và Bill Woodrow có tính điển hình và quen thuộc hơn. Trong thập niên mới vào nghề, hai nghệ sĩ này tập trung mô tả sự dôi thừa và lãng phí của các đô thị hiện đại, những hiện thực hàng ngày ở các thành phố họ sinh sống. Song, họ không phải là những nghệ sĩ tiên phong theo hướng này. Chính Picasso và các nhà siêu thực đã từng tích hợp các đồ vật [họ tìm thấy] vào các tác phẩm điêu khắc của mình, và nghệ sĩ Kurt Schwitters người Đức, người theo phái Dada, cũng đã sử dụng rác thải trong các công trình nghệ thuật của mình.

*
Từ ngày còn kiếm sống tại London, Tony Cragg đã bắt đầu thu lượm đồ gia dụng phế thải. Chuyển đến Đức vào năm 1977, ông tiếp tục truy tìm những đồ tương tự trong các khu công nghiệp địa phương, trong các bãi rác hay trên bờ sông và hè phố; ông phát hiện ra rằng đồ phế thải phổ biến là đồ nhựa có màu không thể phân huỷ. Có lẽ một phần vì lí do này mà ông đã thay đổi các yếu tố tự nhiên trong những tác phẩm điêu khắc lắm bộ phận của mình sang chất liệu bằng nhựa. Ông bắt đầu bằng cách xếp các miếng nhựa (phế thải) lượm được thành từng bộ, gộp lại tùy theo hình thù, kích cỡ và màu sắc, rồi bày lên sàn gallery. Sau đó, ông thực hiện một loạt các chân dung tự họa, chẳng hạn như Chân Dung Tự Hoạ Với Bao Tải – Self-Portrait with Sack, được gắn lên tường, một bản mô tả hai chiều chính ông cùng các mẩu phế liệu đã gom nhặt và phân loại.

Tác phẩm Chân Dung Tự Hoạ Với Bao Tải – Self-Portrait with Sack của Tony

Ông cũng làm một số tác phẩm chi tiết hơn bằng đồ nhựa phế thải, ví dụ như [thuyền] Canoe, thường có các vật cong hay xoắn.

Tác phẩm Thuyền (Canoe) của Tony Cragg

Điêu khắc nhựa plastic của Cragg vào những năm 1980 có thể được xem như những hình ảnh tương phản với lý thuyết của Plato về tính vĩnh cửu, những hình thức bất hủy, thông qua sự thay thế chúng bằng các đồ nhựa polymer tổng hợp bất hoại, mãi mãi tồn tại trong môi trường.*

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả