Gẫm & Bình

Nghệ thuật “thứ thiệt”: Ở đâu và đến mấy giờ? 26. 03. 11 - 9:16 am

 

Toàn bộ ảnh trong bài là tác phẩm của Văn Ngọc trong Hợp Thể

HỢP THỂ

Triển lãm của Đào Châu Hải, Văn Ngọc, Phan Phương Đông
Đào Châu Hải trưng bày: ngày 17, 18, 19, 20, 21 tháng 3
Văn Ngọc trưng bày: ngày: 22, 23, 24, 25 tháng 3
Phan Phương Đông trưng bày: ngày 26, 27, 28, 29 tháng 3
Tọa đàm: ngày 30 tháng 3
Địa điểm: Trung tâm Nghệ thuật Việt (Viet Art Center), 42 Yết Kiêu, Hà Nội

 

Hôm nay đọc trên Soi, ở cái mục Ý kiến & Thảo luận thấy có bạn Em-có-ý-kiến dưới bài Đi và không bao giờ đến của Phan Cẩm Thượng trách Soi đã đưa nhầm bức ảnh toàn về triển lãm của Văn Ngọc, cho rằng đây chưa là tác phẩm trong triển lãm, mới chỉ ở giai đoạn mang tác phẩm đến chuẩn bị.

Bật cười vì chính người viết đây cũng đã căn ngày căn tháng đến xem (vào giữa thời gian bày) mà cũng còn hơi giật mình tưởng là đang ở giai đoạn “ thi công”. Một lúc sau mới định thần và hiểu đó là ý đồ của tác giả. Rồi buồn cười là đến Soi cũng chung chiêng tưởng mình nhầm, sửa lại caption dưới bức ảnh, cho rằng đấy là ảnh lúc chuẩn bị trưng bày.

.

Ngẫm lại, thưởng thức nghệ thuật thời nay y như đánh đố, thật là vui nhưng cũng thật oải cho những người ngoại đạo muốn mon men.

Đi xem, và phát hiện ra mình quá dốt, mặc dù cũng được nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã báo trước rằng đến nơi sẽ gặp, “…sự ngông nghênh, sự thay đổi, sự bành trướng về cả kích cỡ của tác phẩm, và sự giáng vào đầu người xem, tác phẩm là thế này không phải như thế kia, không phải như cách anh vẫn quan niệm, và mặc kệ anh hiểu được hay không thì hiểu”.
 
Nghe thì thật khiêu khích, ồ, hãy đến xem một triển lãm nghệ thuật đi: ở đó bạn sẽ không cần quan tâm đến hình thức, cũng chả cần quan tâm đến nội dung, rất thoải mái: muốn hiểu được hay không thì hiểu, hoặc là muốn hiểu thế nào cũng được.

Tự do thế, vậy nhưng tại sao không ít lần tôi muốn rủ các bạn cùng văn phòng đi xem triển lãm, bạn thì tế nhị từ chối, bạn thì nói toẹt: đến để bị cười là thằng ngố à, hay đến để hóng xem thằng bên cạnh xuýt xoa thế nào thì xuýt xoa như thế cho khỏi lạc lõng?

Một bạn khác trong hiểu biết hơn góp lời: Mà bây giờ đi xem triển lãm tuy là bằng mắt nhưng lại phải căng tai lên nghe; muốn biết được vì sao nghệ sĩ làm thế thì phải căng tai nghe những ý niệm. Ý niệm của ông A’ chồng lên ý niệm ông A đi trước. Rồi ý niệm ông B’ đòi phủ nhận ý niệm ông B như xây tháp Babel ấy. Nghệ thuật bây giờ giống như trò chơi của lí trí, thông minh, trí tuệ, và khéo diễn đạt của riêng một số người thôi.

.

*
Đi và không bao giờ đến, đến tận nơi mới thấy nhà phê bình Phan Cẩm Thượng quá chí lí khi dùng câu này để nói về triển lãm. Ví dụ tôi có thể ngạc nhiên với những vật dụng đồng nát (để nói đến sự tự nhiên của vật liệu) trong tác phẩm Văn Ngọc: thế nhưng những khối hình mà nó tạo nên chưa đủ to, đủ mạnh so với tỉ lệ của người đứng xem lẫn căn phòng trưng bày đó, vẫn chỉ ở tầm vóc một đống “xà bần”, chưa đủ “bành trướng, ngông nghênh” để gây áp chế về mặt tâm lí cho người xem. Cũng không thấy làm nảy ra cảm giác gì cao hơn những lúc ta đi đóng hàng ngoài cảng, trước những thùng hàng ngổn ngang.

Rồi khi vẫn bày nguyên những đồ vật đầu mẩu búa, đinh cạnh tác phẩm, tác phẩm của Văn Ngọc có lẽ muốn tạo cho người xem cảm giác sự sáng tạo sẽ không bao giờ chấm dứt, nhưng sự thiếu tầm vóc và cố tình của tác phẩm lại khiến cho lắm người tưởng nhầm nôm na rằng triển lãm đang “thi công”. Đúng rồi, đáng ra phải là sự tinh tế của tự nhiên thì đây lại là tự nhiên chủ nghĩa.

(Khi gửi bài này đến Soi, tôi được biết Soi sắp đưa lên một bài về trường phái điêu khắc dùng đồ vật có sẵn mà tác giả Văn Ngọc cũng đi theo, tức là việc này có lý thuyết riêng của nó hẳn hoi… Tôi nghĩ việc đó tốt thôi, biết được thêm lý thuyết, nhưng đâu phải có lý thuyết rồi thì người xem không được chê nữa. Cùng một lý thuyết nhưng có người làm hay làm dở mà. Hơn nữa là có những người mở đầu cho một lý thuyết thì hay, nhưng mấy chục năm sau người làm theo đã không hay hơn mà vẫn nghĩ mình đang làm cách mạng, đang “nổi loạn” thì… không hay nữa.)

.

*

Nhớ lúc trước khi đi, anh em văn phòng thống nhất: với người bình thường như mình, nghệ thuật cũng giản đơn là nếu thích thì tối thiểu mình cũng nảy ra ý định rinh nó về gần để sống với nó.

Nay đứng giữa phòng triển lãm, tôi tự hỏi: Những cái hộp, cái thùng tôn của Văn Ngọc mà để ở vệ đường thì có ai biết đấy là tác phẩm nghệ thuật không, có ai muốn rinh cái đó về nhà mà bày không, hay các chị chè chai lại nhanh tay tháo ra để bán… Thế nhưng chỉ cần đi qua ngưỡng cửa cái phòng có tên là phòng triển lãm thì cả đống hỗn độn ấy đã được gọi là “tác phẩm”. Tưởng nghệ thuật “thứ thiệt” thì ở đâu cũng phải là nghệ thuật! (thí dụ những tượng cụt tay vớt dưới biển lên vẫn là nghệ thuật).
 
Rồi 25 này đây anh Văn Ngọc dỡ tác phẩm ra. Anh có mang về nhà không để bày tiếp, hay là bỏ lại? Và nếu anh bỏ lại, có ai có ý định bày lại ở một không gian khác không? Chẳng lẽ từ 22, 23, 24, đến hết 25. 3. 2011 thì những thứ ấy là tác phẩm, sau thời điểm ấy thì nó là thứ không ai muốn rước về, dù là trong nhà hay trong một không gian công cộng?

Phải chăng chúng ta đang sống trong một thế giới rất ước lệ (cứ nhìn ngay cả trong những mối quan hệ thân mật nhất). Những từ ngữ, bổn phận, và ý niệm đeo gông vào thẩm mỹ và chính kiến của ta. Mọi thứ chỉ cần có lý thuyết đi kèm là hóa giải được hết. Trong một không gian và thời gian ước lệ, kèm theo những lời giới thiệu rào đón, người xem cảm giác an tâm đi vào mê lộ của cái gọi là “nghệ thuật”, và các thứ “lượm được” tự tin xưng mình là nghệ thuật.

.

*
Trên là một số suy nghĩ lan man khi xem triển lãm điêu khắc của Văn Ngọc. Thấy thời đại này cũng hay, công nghệ thì khiến cho ai cũng cảm giác mình là nhà thơ nhà văn được, còn nghệ thuật đương đại thì khiến cho một kẻ như tôi khi ra lấy xe cũng dám nảy ra mấy ý tưởng để làm sắp đặt và điêu khắc. Quả là liều!

*

Bài liên quan:

– HỢP THỂ: không thể bỏ lỡ!
– KVT – Khám phá những chiếc hộp tại Viet Art Center
– Đi và không bao giờ đến
– Những tay tổ của điêu khắc đồ vật (phần 1)
– Nghệ thuật “thứ thiệt” – ở đâu và đến mấy giờ?
– Hợp thể nói về hợp thể
– Thông báo của Hợp Thể
– E hèm, sau đây tôi xin trả lời…
– Tọa đàm Hợp Thể: Giải pháp “đẹp” của nhà phê bình
– Từ con mắt trần tới con mắt thần!

Ý kiến - Thảo luận

11:45 Monday,28.3.2011 Đăng bởi:  zoozone 82
Bạn Dian Ro, không hiểu thì phải hỏi và tranh luận chớ, còn ôm trong bụng thì sao gọi là tôn trọng sáng tạo?
Trong lúc tranh luận sẽ vỡ lẽ ra được hay-dở, đúng-sai.
Mình không đến tận nơi xem tác phẩm được, nhưng với người thường như mình đây, đúng là không thấy có gì nghệ thuật. Mình không nói với nghệ sĩ thì họ thấy sao. Hoặc họ cũng không hiểu nhưng tôn
...xem tiếp
11:45 Monday,28.3.2011 Đăng bởi:  zoozone 82
Bạn Dian Ro, không hiểu thì phải hỏi và tranh luận chớ, còn ôm trong bụng thì sao gọi là tôn trọng sáng tạo?
Trong lúc tranh luận sẽ vỡ lẽ ra được hay-dở, đúng-sai.
Mình không đến tận nơi xem tác phẩm được, nhưng với người thường như mình đây, đúng là không thấy có gì nghệ thuật. Mình không nói với nghệ sĩ thì họ thấy sao. Hoặc họ cũng không hiểu nhưng tôn trọng sáng tạo nên họ không nói ra? 
11:12 Monday,28.3.2011 Đăng bởi:  dian ro
Nếu không hiểu thì đừng nên tranh luận. Nên tôn trọng sự sáng tạo của người khác.
...xem tiếp
11:12 Monday,28.3.2011 Đăng bởi:  dian ro
Nếu không hiểu thì đừng nên tranh luận. Nên tôn trọng sự sáng tạo của người khác. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả