Bàn luận

Đi và không bao giờ đến 24. 03. 11 - 10:24 am

Phan Cẩm Thượng

 

Thùng rỗng – tác phẩm của Văn Ngọc trong triển lãm Hợp thể

 HỢP THỂ

Triển lãm của Đào Châu Hải, Văn Ngọc, Phan Phương Đông
Đào Châu Hải trưng bày: ngày 17, 18, 19, 20, 21 tháng 3
Văn Ngọc trưng bày: ngày: 22, 23, 24, 25 tháng 3
Phan Phương Đông trưng bày: ngày 26, 27, 28, 29 tháng 3
Tọa đàm: ngày 30 tháng 3
Địa điểm: Trung tâm Nghệ thuật Việt (Viet Art Center), 42 Yết Kiêu, Hà Nội

*

Nghệ thuật vừa là một thứ rất thủ cựu vừa rất cấp tiến, đó là mâu thuẫn nội tại thú vị của nó. Nó đầy rẫy những khán giả khó tính và làm nản lòng những kẻ sáng tác yếu bóng vía. Vì thế chúng ta thấy rất nhiều sự quay ngang và thỏa hiệp trên con đường nghệ thuật, mặc dầu không ít người có tài, có trình độ. Số phận của dân tộc và vị thế văn hóa của dân tộc đối với nhân loại là một thách thức khác, khiến một trăm năm qua, khi các nghệ sỹ theo đuổi những trường phái phương Tây đều bị coi là một thứ ngoại vi, bởi vì số phận của dân tộc và của từng cá nhân là cái gì đó không liên quan đến trường phái nào, mới là nội dung căn bản của nghệ thuật. Nhưng chúng ta rất thiếu hình thức, thiếu cách diễn đạt, thiếu một ngôn ngữ cho sáng tác của mình.

Giới thiệu vị trí các tác phẩm của Đào Châu Hải và Văn Ngọc tại Hợp Thể

Trong tháng 3. 2011 này, tại Trung tâm Nghệ thuật Việt (VietArt Center ) sẽ diễn ra liên tục ba triển lãm của Đào Châu Hải, Văn Ngọc và Phan Phương Đông, bắt đầu từ ngày 17. 3 và kết thúc vào ngày 30. 3 với một cuộc tọa đàm nhỏ. Theo một cách nghĩ thông thường và truyền thống thì sáng tác của ba nghệ sỹ trên có thể là chưa tới hoặc có thể là đi quá. Nhưng dù thế nào, đó là ba người sống trọn vẹn cho nghệ thuật của mình, cho bõ cái chí của mình và không nhằm đến cái gì cả. Do đó, người ta luôn thấy sự ngông nghênh, sự thay đổi, sự bành trướng về cả kích cỡ của tác phẩm, và sự giáng vào đầu người xem, tác phẩm là thế này không phải như thế kia, không phải như cách anh vẫn quan niệm, và mặc kệ anh hiểu được hay không thì hiểu.

Tác phẩm của Văn Ngọc trong Hợp Thể

Đào Châu Hải phát triển mạch sáng tác của mình từ Triển lãm Tứ pháp với bốn hình khối tháp đồ sộ lần trước, lần này là bốn cái đe  cũng đồ sộ như vậy. Ông ngày càng tiến dần đến sự cô độc của hình khối và của thân phận mình, cảm thấy chưa bao giờ đắc ý trong những cuộc hành hương nghệ thuật bất tận. Quyền lực, sự áp chế, sự trần tình, những ẩn ý trong cuộc sống là cái ta cần hiểu ra, cần cảm thấy và những cái đó thật ra rất buồn. Nghệ thuật có thể rất tinh tế lại có thể rất thô bạo, nó trái ngược như một thứ đa tính cách và day dứt khôn nguôi.

Điêu khắc gia Đào Châu Hải

Văn Ngọc không có cái vẻ dữ dội như vậy, nhưng là một tâm hồn điên loạn dịu dàng, một cách tự mâu thuẫn khác. Có lẽ chúng ta chẳng hiểu được ông bao nhiêu qua vài thứ bày ở phòng triển lãm mà cần vào tận nhà ông ở Vũng Tàu, chiêm ngưỡng cái Nhà tù Văn Ngọc, như tên ông đặt cho ngôi nhà của mình, được phân chia thành nhiều phòng nhỏ u tối và chật ních những chuồng, những cũi và những hình thể gì đó.

Gương – tác phẩm của Văn Ngọc

Văn Ngọc nói: Các anh mua một tấm toan về, vẽ kín vào đó rồi gọi là hội họa, mua một khúc gỗ đẽo nhẵn một cái tượng rồi gọi là điêu khắc. Hình như nghệ thuật không phải là như thế, ta chỉ nên can thiệp chút ít vào vật chất, còn lại để cho sáng tạo tự thân.

Toàn cảnh lúc chuẩn bị trưng bày tác phẩm của Văn Ngọc

Phan Phương Đông bình sinh là một kiến trúc sư, chả xây dựng một ngôi nhà nào, ngoài nhà riêng, và đem hết những ý tưởng kiến trúc vào điêu khắc và sắp đặt. Ông vân vi trong sáng tác, suy tư lan man dẫn mình đi đến đâu, cuối cùng phức tạp nhất là làm giản đơn mọi thứ. Ông tìm những tỷ lệ đẹp trong không gian như ta đang sống, đang đứng giữa phòng triển lãm và cảm nhận các cấu trúc hài hòa, trong đó tác phẩm không còn quan trọng gì, chỉ cần gợi ý là đủ. Có lẽ ông muốn đối thoại, muốn người xem giống mình tự đi đến nghệ thuật, một thứ rất cá nhân, không nhất thiết phụ thuộc vào các hình thức.

Điêu khắc gia Phan Phương Đông

Bản thân tôi cũng chỉ cảm nhận là ba người này như thế. Sáng tác của họ có những giới hạn đòi hỏi ta phải vượt qua, nó gợi ý chứ không dắt tay chúng ta đến với nghệ thuật hay đến với họ. Sự vui buồn hôm nay cũng có ý nghĩa nhất định, dù nó không phải là mãi mãi. Mỗi người phải tự đem đến một viên gạch cho ngôi nhà nghệ thuật, chứ đã qua lâu rồi cái thời mà nghệ sỹ hoàn toàn xây một ngôi nhà cho mọi người đi vào. Nghệ thuật là một con đường, mà người ta đi nhưng không bao giờ đến.

*

Bài liên quan:

– HỢP THỂ: không thể bỏ lỡ!
– KVT – Khám phá những chiếc hộp tại Viet Art Center
– Đi và không bao giờ đến
– Nghệ thuật “thứ thiệt” – ở đâu và đến mấy giờ?
– Hợp thể nói về hợp thể
– Thông báo của Hợp Thể
– Tọa đàm Hợp Thể: Giải pháp “đẹp” của nhà phê bình
– Từ con mắt trần tới con mắt thần!

Ý kiến - Thảo luận

15:59 Thursday,24.3.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Em có ý kiến là anh/chị/bạn ăng-ti-em-có-ý-kiến nói rất đúng ạ. Hiện nay chúng em đang là học trò, cho nên cái chính kiến về nghệ thuật (chỉ nghệ thuật thôi ạ) đang được hình thành dần, nên chưa rõ nét, còn trăn trở lắm ạ, và trăm sự nhờ các thầy uốn nắn, các bạn chỉ bảo. Nếu gặp được thầy tốt, bạn hiền, có thể chúng em sẽ có được chính kiến độc
...xem tiếp
15:59 Thursday,24.3.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Em có ý kiến là anh/chị/bạn ăng-ti-em-có-ý-kiến nói rất đúng ạ. Hiện nay chúng em đang là học trò, cho nên cái chính kiến về nghệ thuật (chỉ nghệ thuật thôi ạ) đang được hình thành dần, nên chưa rõ nét, còn trăn trở lắm ạ, và trăm sự nhờ các thầy uốn nắn, các bạn chỉ bảo. Nếu gặp được thầy tốt, bạn hiền, có thể chúng em sẽ có được chính kiến độc lập sau mấy năm rùi mài tranh tượng, còn không thì hỏng bét, chính kiến a dua đám đông, có khi phí cả một đời đi học nghệ thuật.

Thầy em (có khi cũng là thầy cả ăng-ti-em-có-ý-kiến ?) bảo: các con nếu chỉ muốn học vẽ học nặn tượng cho "đẹp", thế thì phí cái công thi vào Yết Kiêu lắm. Tác phẩm nghệ thuật thị giác bi giờ có phải chỉ có chức năng phụ họa kiến trúc, trang trí nội thất đâu. Thậm chí thầy không cho các con làm ra tác phẩm gì là quan trọng bằng việc các con đã làm tác phẩm với một thái độ thế nào.

Em mới chỉ hiểu được một phần lời thầy. Mong được các anh các chị và ănti-em-có-ý-kiến chỉ bảo thêm ạ.

Còn về triển lãm: Của thầy Hải: em thích, chưa sướng. Của bác Ngọc: em vừa thích vừa sướng. Của chú Đông: tuần sau mới rõ ạ. 
10:56 Thursday,24.3.2011 Đăng bởi:  Anti-em-có-ý-kiến
Thầy tớ bảo Em-co-y-kien chẳng bao giờ đưa ra được chính kiến đẹp xấu. Thế thì không phải là ý kiến rồi.
Cụ thể trong Hợp Thể thì Em-có-ý-kiến thấy đẹp không, đẹp chỗ nào? Thích không? Thích chỗ nào?
Như tớ thì tớ không thích những cái đe của thầy Hải. Nặng nề. Hùng hổ. Nhưng không mới. Cũ cũ như kiểu tượng đài.
Tớ thích các tác phẩm của Văn Ngọc
...xem tiếp
10:56 Thursday,24.3.2011 Đăng bởi:  Anti-em-có-ý-kiến
Thầy tớ bảo Em-co-y-kien chẳng bao giờ đưa ra được chính kiến đẹp xấu. Thế thì không phải là ý kiến rồi.
Cụ thể trong Hợp Thể thì Em-có-ý-kiến thấy đẹp không, đẹp chỗ nào? Thích không? Thích chỗ nào?
Như tớ thì tớ không thích những cái đe của thầy Hải. Nặng nề. Hùng hổ. Nhưng không mới. Cũ cũ như kiểu tượng đài.
Tớ thích các tác phẩm của Văn Ngọc. Chất liệu thế mới là chất liệu. Ngồn ngộn, nói như văn phổ thông nhà mình là "căng tràn sức sống". Chắc do nghệ sĩ sống ở vùng biển.
Nào, Em-co-y-kien đưa ra ý kiến của bạn đi cho tớ và thầy tớ cùng nghe. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả