Bàn luận

Tọa đàm Hợp Thể: Giải pháp “đẹp” của nhà phê bình 02. 04. 11 - 4:39 pm

Canvas

Trước giờ diễn ra cuộc tọa đàm tại Viet Art, phòng triển lãm đã được dọn quang, chỉ còn lại mỗi tác giả một tác phẩm, được bọc lại trong một chất liệu đen. Đào Châu Hải để lại cái đe,

Tác phẩm của Đào Châu Hải (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Văn Ngọc để lại một cái thùng gỗ và cái gương,

Tác phẩm của Văn Ngọc (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Phan Phương Đông để lại sàn nhà dán décal đen

Sàn nhà dán đề can đen (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Phải nói là rất đẹp, trong sự đơn giản và nam tính, ngoại trừ bó hoa mà “của nợ” nào để trên tác phẩm của Văn Ngọc (không biết đến bao giờ người ta mới thôi cái màn đặt hoa bên cạnh tác phẩm như thế này).

Cuộc tọa đàm diễn ra vào lúc 5h – giờ của cao điểm, của tắc đường, vậy mà trong phòng hội thảo đã không còn ghế trống, rất nhiều người đã phải đứng hơn một giờ đồng hồ để tham dự cho tới kết thúc. Các diễn giả đều không dùng micro, thế nhưng trong không khí rất nghiêm túc, mặc dù rất đông người, mọi người vẫn có thể nghe rõ từng lời của các diễn giả. Hiếm có cuộc tọa đàm nào về nghệ thuật mà lại được cử tọa thực hiện một cách nghiêm túc và chăm chú như vậy. Không thấy ai nói chuyện riêng. Điều đó cũng cho thấy ngày càng nhiều người quan tâm đến lĩnh vực “khô khan” và khó nhằn như thế này.

Khá đông các nhà báo và khá nhiều máy ghi âm. Phải rồi, cuộc tọa đàm này được chủ trì bởi hai “cây đa cây đề” trong phê bình mỹ thuật Việt Nam, thuộc thế hệ sung sức nhất: Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng. Và diễn biến của tọa đàm khiến tôi nhớ tới những ngôi chùa, với hai ông Kim Cương, Hộ Pháp đứng lăm lăm hai bên cửa, để bảo vệ người hiền – ở đây là ba nghệ sĩ của chúng ta.

Chỉ có một tiếng đồng hồ, nhưng thời lượng dành cho hai nhà phê bình độc thoại đã chiếm đến hai phần ba, đặc biệt là họa sĩ Nguyễn Quân, ông được mời nói đến hai lần và lần nào cũng dài và… dễ nghe. Dễ nghe nhưng… khó đoán. Người ta tự hỏi, ông đang khen hay đang chê đây? Ông muốn giữ một tình bạn tri kỷ với những người bạn nghệ sĩ? Ông đưa ra những truy vấn chung chung để tránh nói vào tác phẩm cụ thể. Đây, mời các bạn đọc đoạn sau để khỏi thắc mắc ông nói gì, và nói bao lâu (ấy mới là một đoạn):

Nhà phê bình, họa sĩ Nguyễn Quân – Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

“Tôi có những câu hỏi sau đây. Những người yêu nghệ thuật ở Việt Nam và đặc biệt là những người ở nước ngoài quan tâm nghệ thuật Việt Nam đều hỏi: tại sao thế kỉ 20 ở Việt Nam không có điêu khắc, và mặc dù họ biết lịch sử Mỹ thuật ở Việt Nam từ thế kỉ 19 trở về trước chủ yếu là điêu khắc, mà sao thế kỉ 20 lại không có điêu khắc, hoặc là có mà họ không biết.

“Câu hỏi thứ hai, họ cũng hỏi: hội họa Việt Nam chúng tôi biết rồi nhưng điêu khắc hiện đại Việt Nam xuất hiện từ bao giờ.

“Câu hỏi thứ ba, tại sao bọn Trung Quốc bây giờ có đủ điêu khắc và các nghệ thuật đương đại, mà gắn gần với điêu khắc nhất là những cái sắp đặt. Có lẽ nó cũng thể hiện rất rõ ở hai khuynh hướng, tối giản và concept: về mặt hình thức thì là tối giản và về mặt khuynh hướng thì là nghệ thuật concept. Như ta biết nghệ thuật concept gần như là đi đến cùng đường, và tối giản là đi đến cùng đường của điêu khắc, theo cái quy ước mà chúng ta vẫn hiểu.

“Ba câu hỏi này với chúng tôi thì rất khó trả lời với tư cách là người làm lịch sử, phê bình nghệ thuật mà chủ yếu câu trả lời phải nằm ở các tác giả. Tôi nghĩ triển lãm khoảng từ 10 năm gần đây thì đã có phần trả lời những câu hỏi đó. Ngược lại một thời gian nữa, chúng tôi để ý ở miền Nam có những sáng tạo của anh Lê Thành Nhơn và anh Mai Chửng đã có những dấu hiệu về tìm hiểu về điêu khắc hiện đại phương Tây, còn ở ngoài Bắc thì có những thể nghiệm năm 72, 73 của anh Lê Công Thành và Nguyễn Hải, kết hợp điêu khắc của phương Tây hiện đại lúc đó với điêu khắc truyền thống. Tiếc rằng sau những cái đó thì không còn phát triển mấy, và lại trở thành đóng góp cho việc làm tượng đài nhiều hơn.

“Ở đây tôi muốn nói, để trả lời câu hỏi đầu tiên là tại sao thế kỉ 20 không có điêu khắc ở Việt Nam thì có thể là do chúng ta đã nhìn những điêu khắc ấy ở khía cạnh của trường Mỹ thuật Đông Dương; mà rõ ràng trường Mỹ thuật Đông Dương không thành công rồi, với điêu khắc và việc du nhập một nền điêu khắc Châu Âu hoàn toàn như của các vị trường Mỹ thuật Đông dương, cho đến hiện thực XHCN của ông Diệp Minh Châu chẳng hạn, thì với con mắt của họ thực không có đóng góp gì cho điêu khắc cả, đó là một khía cạnh.

 “Khía cạnh thứ hai là điêu khắc truyền thống từ thế kỉ 19 không thể tìm thêm được những kiệt tác ở đình chùa thế kỉ 20 nữa. Nó đạt đến đỉnh cao của nó từ hai thế kỉ trước. Trong thời kì loạn li, điều kiện để làm ra, bày đặt và lưu giữ các tác phẩm điêu khắc rất hạn chế. Đó là câu hỏi đầu tiên.

“Câu hỏi thứ hai, theo tôi nghệ thuật điêu khắc hiện đại bắt đầu cuối thế kỉ 20, tức là khoảng triển lãm Không gian mới.
 
“Câu hỏi thứ 3, nghệ thuật đương đại vào Việt Nam từ bao giờ? Có lẽ muộn hơn chừng 10 năm, tức khoảng 5 năm gần đây nó mới xuất hiện, và điêu khắc này gắn liền với đương đại.”

Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng (ngồi, đeo kính). Ảnh: B&G

Thật may, ngay khi một số cử tọa cảm thấy “ong cả thủ” thì họa sĩ Nguyễn Quân đi vào đối tượng chính mà người ta muốn nghe, nhưng một lần nữa, người nghe lại như thấy rõ sự khó xử của nhà phê bình lão luyện:

“Ở đây nói về ba tác giả này, tại vì chúng ta đều biết cả rồi, tôi không muốn bình luận thêm nữa nhưng bản thân tôi có những câu hỏi thế này:
 
“Phải chăng là điêu khắc hiện đại của chúng ta, qua ba tác giả đây, như là đại diện rút ra từ có lẽ gần cả một trăm nhà điêu khắc đang hoạt động, thì trong 10 năm qua, các nhà điêu khắc Việt Nam trong cuộc hội nhập đã tiêu hóa hết cái điêu khắc hiện đại thế giới? Giống như các họa sĩ đã làm từ năm 85 tới năm 2000, các nhà điêu khắc đã làm cái việc tiêu hóa hết ngôn ngữ điêu khắc hiện đại, như ba tác giả đây thấy rất rõ. Và như thế điêu khắc hiện đại không còn tương lai gì nữa. Xơi hết rồi mà vẫn còn chưa ra được cái cá nhân của anh…thì cũng là điều bí.

“Cái thứ hai nữa là, cái tối thiểu, cái concept, và cái installation có phải là điêu khắc chuyển sang cái mà thuật ngữ phương Tây gọi là nghệ thuật đương đại? Mà ngôn ngữ đương đại khác hẳn ngôn ngữ hiện đại. Và cách hoạt động của nghệ thuật tạo hình đương đại là cũng khác hẳn. Vậy thì có phải ở đây, sự đan hòa giữa điêu khắc với sắp đặt, với các concept (có thể thấy các tác phẩm của các tác giả đều có tính concept cả, tức có tính ý tưởng cả, từ sóng biển của anh Hải, cho đến thùng rỗng của anh Ngọc cho đến cái bóng, những ẩn ý của Phan Phương Đông) thì tôi muốn hỏi các tác giả là: ở cái nghệ thuật concept và tối giản, thí dụ có một tác phẩm rất nổi tiếng được giải Turner là một cái phòng trống mà tên rất kinh, kiểu như Sáng thế, chỉ có đèn tắt lúc lại bật lên, và được giải Turner cho cái tối thiểu đi đến cùng. Rồi lại một tác phẩm là một cái cột bằng đồng, anh tác giả đóng cái cột mấy trăm mét ấy xuống đất, không ai nhìn thấy gì, bởi vì anh tác giả cho rằng tác phẩm là nằm trong ý tưởng, nó nằm trong đầu người, chứ không nằm trong đồ vật, không nằm ở cái tác phẩm. Hay ví dụ một anh muốn đóng phân mình vào túi rồi bán bằng giá vàng. Đó là thí dụ của ý tưởng được đẩy đến cùng. Và có lẽ đỉnh cao nhất là cái con cá mập ngâm formol của Hirst… Và câu hỏi của những người làm nghệ thuật, những vị curator đi khắp Đông Nam Á, hỏi rằng Việt Nam có concept không, có nghệ thuật đương đại hay không, và nghệ thuật ấy nó không bàn gì đến cái đẹp, không bàn gì đến cái cảm xúc.”

Quan cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: B&G

Và mãi đến đây, khi đã dẫn chứng cổ kim Âu Á hết rồi, Nguyễn Quân mới tung ra những câu hỏi thoạt nghe có vẻ rất bạo dạn, vỗ mặt, nhưng ngay lập tức, ông “hóa giải” ngay, xoa dịu ngay bằng câu trả lời của chính mình:

“Ở đây tôi muốn hỏi các tác giả: ý tưởng là có, đúng không, nhưng nếu anh dán những miếng dán như thế này thì để có cảm xúc với những miếng dán, cảm xúc ấy có thật không? Cảm xúc ấy như thế nào? Và anh có cần truyền cái cảm xúc gì đến người xem không? Và nếu như thế thì có thể nói có cảm giác tu Thiền là rất mệt mỏi, mệt cho cả người làm lẫn người xem. Vậy nghệ thuật đương đại có đặt cái đẹp làm quan trọng không? Có muốn truyền tải cái đẹp, cái cảm xúc ấy hay không, và nếu như chúng ta không trả lời được câu hỏi này, thì tức là nghệ thuật đương đại có thể động tới được các vấn đề của xã hội, nhưng không qua con đường thẩm mỹ, không qua con đường tạo ra xúc cảm thẩm mỹ, không tạo ra một cái không gian thẩm mỹ, tức là định nghĩa cho tới cùng thì concept chỉ còn trong ý tưởng, không còn cái gì để xem nữa, hoặc nó là một ý tưởng được rao giảng, được ấn vào đầu, bắt buộc người xem phải cảm nhận cái ấy, thì cái ấy có phải là một cái “tắc” nữa không? Tức là cái kết thúc của chủ nghĩa hiện đại đã “tắc” rồi, bây giờ anh sang cái nghệ thuật đương đại thì anh lại tắc không? Có phải là anh khủng hoảng, không biết làm gì nữa không?

“Tôi rất trân trọng, ủng hộ ba tác giả từ lâu, nhưng tôi muốn nói cái mà gọi là “tắc”, cái gọi là khủng hoảng theo tôi là một dấu hiệu tích cực của sự phát triển nghệ thuật. Bởi vì chỉ trong khi bế tắc thì nghệ thuật mới phát triển, nếu chúng ta nhanh chóng đi đến một sự bế tắc này thì chúng ta mới có quyền hy vọng. Nghệ thuật luôn có sự bế tắc, bế tắc của cá nhân, không có bế tắc thì không có sáng tạo, nên tôi muốn nói chữ bế tắc hoàn toàn không có nghĩa negative.”

Với câu tự hỏi, tự trả lời này, Nguyễn Quân đã tặng cho các nghệ sĩ một cái gối êm êm mà ngủ. Anh “thông” là anh “thông”, biết rồi. Nhưng anh “tắc” tức anh cũng “thông”, cũng là “tích cực”. Hay. Thế thì còn gì phải lo nữa. Một khi “tắc” là “rất thông” thì sao không ngủ yên mà “tắc” cho lâu? Và ai mà giận được một nhà phê bình luôn tìm ra niềm an ủi như thế nào?

Và thay vì nói cảm giác của ông, đánh giá của ông (vì ông là nhà phê bình mỹ thuật cơ mà, người ta muốn biết quan điểm của ông) thì ông lại hỏi những câu y như… người thường, tận tình trả bóng về chân ba nghệ sĩ:

“Và tôi muốn hỏi ba tác giả, xúc cảm của các anh đối với những cái như thế này, những cái như thế kia là cái gì, hay là anh chỉ muốn truyền cho người ta một ý tưởng, anh có muốn tạo ra một cái đẹp hay không, hay tạo ra một cái đẹp không? Anh có xúc cảm hay là không? Hay anh chỉ có ý tưởng?

“Thực ra tôi rất muốn các tác giả trao đổi nhiều hơn là các anh ở ngoài nói vào, bởi vì nghệ thuật đương đại là ở trong nói ra hơn là ở ngoài nói vào. Cái anh bình luận, đứng ngoài nói vào nó thuộc về thế kỷ trước rồi, diễn giải hộ, trình bày hộ…”

Mọi người chăm chú xem chiếu slide các tác phẩm trong tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Phần “người ở trong” phát biểu cũng ngắn thôi. Tóm tắt mấy luận điểm chính thì Văn Ngọc cho rằng “ý tưởng phải xuất phát từ lao động. Phải lao động thực sự mà nghĩ ra, không phải cứ ngồi là nghĩ ra, tôi không tin điều ấy”. Anh nói “trắng trợn” về việc đặt tên tác phẩm là Thùng rỗng là do thùng… hoàn toàn rỗng, “tôi chẳng để cái gì trong đấy, và thùng rỗng thì đặt là thùng rỗng, chẳng lẽ lại đặt là thùng đặc à?”.

Và có lẽ để trả lời với những người thấy tác phẩm của anh là “vô nghĩa”, đòi hỏi phải có cái gì đó lồ lộ hiện hình, Văn Ngọc nói: “Nghệ thuật không nhất thiết phải có cái gì thì người ta mới tưởng tượng ra những điều ấy, có khi không là gì vẫn đạt được cái gì bởi vì nghệ thuật nó làm con người ta cảm giác cái phía đằng sau những cái người ta nhìn sờ sờ ra”, quan điểm của anh làm tôi nhớ đến câu chuyện Hoàng tử bé khi hoàng tử chỉ cần vẽ một cái hộp với vài cái lỗ là đủ tưởng tượng bên trong có cừu béo mập, vui vẻ…

Nhưng Văn Ngọc cũng khá mâu thuẫn khi kết luận: “Khi đi xem triển lãm, tôi nghĩ chúng ta là những người có nghề, triển lãm nghệ thuật thường thường là người có nghề đi xem nhiều hơn, tôi nghĩ nên bỏ cái ‘xem’ đi, nghĩ thôi, nghĩ cái ý tưởng”. Không “xem”, chỉ “nghĩ”, quả là một quan điểm thưởng thức nghệ thuật mới mẻ! Nghệ thuật ý niệm thì nói cho cùng vẫn đâu thoát khỏi cái áo hình thức – dùng hình thức để diễn tả ý niệm. Nếu không cần xem nữa, nghĩ thôi, thì ở nhà học Triết cho rồi, có phải nhanh hơn không?

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng và các nghệ sĩ: Văn Ngọc (đội mũ, đeo kính), Đào Châu Hải (quần jeans), Phan Phương Đông (búi tóc). Ảnh: B&G

Đào Châu Hải thì thổ lộ ông có cái nhìn về con người, xã hội hơi bi quan. Ông luôn cảm giác con người luôn luôn là nạn nhân của một thứ gì đó. Một ám ảnh hơi bạo lực… Tuy nhiên những cái đe của ông trong Hợp Thể không phải để diễn tả văn học nôm na là “trên đe dưới búa”, hay về tình yêu… Còn vì sao ông làm cái đe ư? “Có nhiều lần tôi quan sát một số chân bệ tượng Phật ở khắp nơi trên thế giới này, những bệ tượng Phật ấy bao giờ cũng toát lên một vẻ đẹp, tư thế nó gần như cái đe. Điều ấy là một sự xúc động tạo nên ý tưởng nghệ thuật. Ý tưởng nghệ thuật của tôi là như vậy, đây là một câu chuyện hay đối với tôi, còn đối với các bạn có thể nó không có ý nghĩa gì. Ý tưởng nghệ thuật của tôi là như vậy.”

Điêu khắc gia Đào Châu Hải trả lời người xem. Ảnh: B&G

Phan Phương Đông thì giải thích cái đích anh nhắm tới là lần sau tối giản hơn lần trước. Đến lần này thì chỉ còn những miếng décal dán sàn, đòi hỏi người xem phải đi quanh các góc mà ngắm như ta đi xem sa bàn. Anh tự thấy điêu khắc của mình có sắc Thiền, với nét ngang, nét bằng, tương đồng với cảm giác trong tâm hồn anh. Anh lại chọn mặt phẳng (sàn nhà), vì mặt phẳng là cái vô cùng, có một sức mạnh tiềm tàng, ẩn chứa, mà nếu không chú tâm thì sẽ không nhận ra sự mênh mông, vô cùng ấy.

Phần trình bày của Phan Phương Đông lẽ ra đã có một cuộc tranh luận gay cấn, khi họa sĩ Nguyễn Linh nhận xét chẳng thấy có gì ăn nhập với Thiền ở đây cả, chỉ thấy tác phẩm sơ sài, lại không phải là một thứ cao siêu vì đã quá thật đơn giản, thật tinh khiết. Nguyễn Linh muốn nghe Phương Đông cho biết phải chăng đó là quan niệm của anh, ngôn ngữ của anh, hay cuộc sống của anh khiến anh có quan điểm như thế…

Và ông “hộ pháp” của chúng ta nhảy ra. Phan Cẩm Thượng “kịp thời” ngăn lại: “Thiền thì thật ra chỉ giống như một người ngồi thở, nhưng thật ra rất là cao siêu, có rất nhiều thứ. Giờ anh Linh hỏi, thế ông ngồi thở thế thì nghệ thuật cái chỗ nào thì rất là khó…”

Nguyễn Linh vẫn nói: “Tôi thấy hai cái không ăn nhập với nhau…”

Ông hộ pháp phê bình bực mình: “Tôi lạ là sao anh Linh thấy không ăn nhập?”

Nguyễn Linh vốn là một người bướng bỉnh, nhưng yêu cầu cũng đã trở nên yếu ớt, hoặc anh cũng đang lấy làm “lạ” là vì sao Phan Cẩm Thượng lại “lạ” vì anh: “Tôi chỉ muốn anh Đông trình bày rõ ngôn ngữ nghệ thuật của mình…”

Và thế là lời giải thích của Phan Phương Đông sau đó cũng đâm tan loãng, nhất là khi Thiền quả thực giống như một làn hương, ta dù có ngập nó trong lòng nhưng không sao diễn giải cho người khác hiểu.

Và người khác lại càng không có cơ mà hiểu, khi Phan Cẩm Thượng ngay sau đó đề nghị chuyển qua đặt câu hỏi cho Văn Ngọc.

Điêu khắc gia Phan Phương Đông. Ảnh: B&G

*

Cầm trịch cuộc tọa đàm này là nhà phê bình Phan Cẩm Thượng. Ông là người biết yêu người làm nghệ thuật – một phẩm chất cần nhất của người làm phê bình. Bạn nào chưa có cuốn Nghệ thuật ngày thường của ông thì rất nên có, những chân dung xinh xắn của các nghệ sĩ Việt Nam được ông ghi lại. Tôi cho rằng đó là cuốn sách mà người nào muốn tìm hiểu về mỹ thuật Việt Nam cũng nên có.

Vì quá yêu người làm nghệ thuật, nên có lẽ ông đã coi một số câu hỏi như hòn tên mũi đạn nhắm vào các nghệ sĩ mà ông ngỡ là mỏng manh, và ông phải giơ khiên ngăn lại. Thí dụ khi có người sau khi nghe nghệ sĩ Đào Châu Hải trình bày một hồi vẫn không hiểu, đề nghị nghệ sĩ nói ngắn hơn, dễ hiểu hơn “được không ạ?”, thì Phan Cẩm Thượng đã gạt đi: “Thôi thôi, anh Hải không phải trả lời, vì đây không phải là câu hỏi.” May mà Đào Châu Hải rất “hảo hớn”, nói: “Không, tôi nghĩ đây là câu hỏi hay”. Nhưng cuộc tọa đàm sau câu trả lời ngắn cũng đã bị người cầm trịch quyết định dừng lại, không có cái câu mà cuộc tọa đàm nào ta cũng nghe: “Có ai còn câu hỏi gì không ạ?” Và nhanh tay, ông mời luôn “ông hộ pháp” kia: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã trải qua hơn một tiếng đồng hồ, có nhiều vấn đề đặt ra, tôi nghĩ nên đi đến đoạn kết thúc. Trước tiên xin mời anh Nguyễn Quân phát biểu vài câu về vấn đề nghệ thuật hay về triển lãm này cũng được.”

Và Nguyễn Quân lại phát biểu… dài, mà tốt nhất là các bạn đọc nguyên văn để thấy hết cái sự lộ cộ trong đó:

“Lúc trước tôi có câu hỏi chung với các tác giả là nền mỹ thuật nói chung có bế tắc không. Với tư cách là người nghiên cứu, ta khảo sát xem nó có bế tắc không. Và nếu nó không bế tắc thì nó không có cơ hội thay đổi để mang đến cho chúng ta những tác giả mới, tác phẩm mới. Bài học không bế tắc là bài học xã hội chủ nghĩa 20 năm không bế tắc, vẽ thế mãi không chán, không mỏi mệt. Cái không bế tắc của tượng đài rất nguy hiểm, cứ như thế mãi không chán. Sự phát triển điêu khắc nhanh chóng đi đến bế tắc tức là nó có một khủng hoảng. Bản thân cuộc sống con người cũng thế thôi, chỉ có thể thay đổi, chỉ có thể tiến hóa nếu anh bước vào một sự khủng hoảng.
 
“Vừa qua tôi có xem triển lãm ở bảo tàng, của nhóm 5 tác giả khác, và tôi thấy rằng trường mỹ thuật đang có khuynh hướng hội nhập để trở nên đương đại và hiện đại. Nó có một cái tốt là đã xâm nhập vào trường mỹ thuật, bớt cái trì trệ, bớt cái sự không bế tắc, bớt cái sự ăn ngon ngủ kỹ trên các con đường sáng tạo đã được vạch sẵn mấy chục năm qua. Và nó có cái trăn trở của nghệ thuật đương đại và hiện đại. Tôi thấy là một tín hiệu tốt. Tôi nghĩ cái triển lãm này và những triển lãm điêu khắc 10 năm gần đây đã đặt ra những vấn đề xã hội, những vấn đề cá nhân và vấn đề quốc tế. Vấn đề tôn giáo hay tính dân tộc, cái đấy ở những cuộc khác người ta vẫn bàn đến cái gọi là bản sắc. Còn trong các triển điêu khắc đương đại như cuộc này, vấn đề bản sắc dân tộc hầu như không được đặt ra nữa. Điều đó chứng tỏ các tác giả của chúng ta đã tự tin hơn, không phải lo chúng ta có phải là người Việt không. Vì cái đấy cũng là cái cuối cùng tôi muốn nói.”

 

(Hây dà, còn bạn nào đi cùng với tôi đến đoạn này không đấy?)

Thế rồi Phan Cẩm Thượng kết thúc cuộc tọa đàm, tức kết cấu của tọa đàm này là theo kiểu bánh mình kẹp thịt: ông Thượng nói – ông Quân nói – các họa sĩ nói (chút xíu) – ông Quân lại nói – ông Thượng lại nói – hết.

Cũng xin các bạn đọc nguyên văn lời kết của Phan Cẩm Thượng, không tôi có bình thì lại bảo tôi điêu. Tôi chỉ xin tô đậm những câu tôi thấy là “đinh”:

“Tôi xin tổng kết lại cuộc tọa đàm cũng như triển lãm của nhóm anh Đào Châu Hải như sau.

Năm vừa rồi tôi có đem một số tác phẩm điêu khắc của nghệ sỹ Việt Nam sang New York và cho một người bên ấy xem. Họ có nói: ngay ở New York cũng không có những tác phẩm đẹp như thế này. Nói đến tác phẩm hơi cụ thể: nó không phải một cái tượng hay một bức tranh mà là không có một cuộc trình bày đẹp như thế này. Tôi nghĩ rằng chúng ta có một vị thế không được tốt lắm về mặt kinh tế lẫn văn hóa trên thế giới, cho nên tiếng nói của chúng ta về văn hóa không được bao nhiêu, điều này chúng ta cần đỏi hỏi phải có thời gian để có một vị trí nào đấy Tôi nghĩ rằng với triển lãm này, có thể tự tin nghệ thuật Việt Nam, nhất là nghệ thuật thị giác đã có một bước tiến rất lớn vì nó đã đặt ra được những vấn đề của dân tộc và của cá nhân. Đấy là kết luận thứ nhất.”

“Kết luận thứ hai: Tôi nghĩ rằng bây giờ nghệ thuật phải quan niệm khác đi, thậm chí trước đây nghệ thuật chỉ vỏn vẹn trong tranh và tượng, nội dung của tranh và tượng chúng ta dễ cảm nhận, bây giờ nó vẫn còn những hình thức cổ điển như thế. Còn hình thức thứ hai, nghệ sỹ có thể nói mồm, trình bày các ý tưởng của mình, nên người ta rất coi trọng tọa đàm chứ không cần tác phẩm gì cả.

“Và hình thức thứ ba, người ta có thể đưa ra những lược đồ, những sơ giản ý tưởng hết sức đơn giản thôi để mà cảm nhận, và khán giả cũng là một phần của tác phẩm chứ không phải đến đây đòi hỏi thụ động, ‘Tượng đâu, tranh đâu, cho tôi xem.’ Cái đó cũ lắm rồi.
 
“Ban nãy họa sỹ Lý Trực Sơn có nói với tôi một câu rất là hay: phần lớn các nghệ sỹ được đào tạo trong nhà trường ra không có con mắt cá nhân. Nhìn bằng con mắt của ông Trần Văn Cẩn, ông Tô Ngọc Vân, con mắt của ông A, ông B. Thế thì còn lâu mới tìm được con mắt của cá nhân mình. Mỗi một tác giả mà chúng ta xem trong triển lãm Hợp Thể có cái nhìn riêng của cá nhân mình thì cũng đòi hỏi khán giả có con mắt của cá nhân mình. Thông cảm hay là tri ngộ với họ. Và cuộc tọa đàm như thế này, ngay cả với anh Ngọc, anh Đông cũng là hơi không bình thường. Cái không khí học thuật ở đây nó như thế. Mong các anh vui vẻ. Khán giả ở đây cũng khó tính hơn không dzô dzô và nhậu như ở miền Nam. Cuối cùng xin cám ơn Viet Art đã làm nên cuộc triển lãm và cuộc tọa đàm tốt đẹp này. Xin cám ơn.”

Toàn cảnh "Hợp thể". Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

*
Xin cám ơn cuộc tọa đàm này, vì nó cho thấy rõ hơn bao giờ hết chất lượng của các nhà phê bình mỹ thuật nước ta. Họ có tình cảm, tình nghĩa, họ biết yêu người làm nghệ thuật, nhưng họ bị bao vây bởi bao nhiêu là mối quan hệ thân thương, khiến lý luận của họ quanh co, lúng túng khó xử đến mủi lòng.
 
Nhưng một điểm sáng của tọa đàm này là thấy rõ phê bình nghệ thuật nước nhà cũng đa dạng. Có hai nhà phê bình “lớn” thì cả hai mâu thuẫn với nhau chan chát. Nguyễn Quân thì nói triển lãm này không thấy họa sĩ đặt ra vấn đề bản sắc dân tộc nữa. Phan Cẩm Thượng thì khen triển lãm đã đặt ra được những vấn đề của dân tộc (ông kết luận mà không hề chứng minh). Nguyễn Quân thì coi việc concept chỉ còn trong ý tưởng, không còn cái gì để xem nữa là một bế tắc của nghệ thuật, trong khi Phan Cẩm Thượng thì cho rằng hình thức nghệ thuật ngày nay có thể chỉ cần nói mồm ý tưởng, tọa đàm là đủ, không cần tác phẩm. Nguyễn Quân thì thấy (triển lãm) đây là một sự bế tắc (nhưng có đường thông), còn Phan Cẩm Thượng lại thấy triển lãm này là một bước tiến lớn…

Tóm lại, thưa nhà phê bình Phan Cẩm Thượng và nhà phê bình Nguyễn Quân, bỏ những nói năng vòng vo đi, hai ông thấy triển lãm Hợp Thể này thế nào? Chúng tôi muốn nghe những phân tích rất riêng của các ông, hơn là nghe những lời chung chung mà áp vào triển lãm nào cũng ổn. Giả sử ba nghệ sĩ đây là người xứ Libi đang bận chiến tranh không qua dự tọa đàm được, thì vắng lời giải thích của các nghệ sĩ, lại không vướng mối quan hệ bạn bè, hai ông sẽ nhận xét các tác phẩm này thế nào? Đẹp hay xấu? Hay hay dở? Đẹp ở đâu? Xấu chỗ nào? Chúng gợi lên xúc cảm gì ở các ông? Chỉ “xem” thôi mà không được trao đổi, hai ông nghĩ sao về tác phẩm?

Thiết nghĩ là hỏi ai những câu này thì sỗ sàng, thô bỉ, nhưng hỏi hai ông thì đúng chỗ, vì hai ông là nhà phê bình mỹ thuật mà. Hay là tôi sai?

**

Bài liên quan:

– HỢP THỂ: không thể bỏ lỡ!
– KVT – Khám phá những chiếc hộp tại Viet Art Center
– Đi và không bao giờ đến
– Nghệ thuật “thứ thiệt”: Ở đâu và đến mấy giờ?
– Hợp thể nói về hợp thể
– Thông báo của Hợp Thể
– Tọa đàm Hợp Thể: Giải pháp đẹp của nhà phê bình
– Từ con mắt trần tới con mắt thần!

Ý kiến - Thảo luận

16:29 Monday,9.1.2012 Đăng bởi:  An Nguyễn
... “Kết luận thứ hai: Tôi nghĩ rằng bây giờ nghệ thuật phải quan niệm khác đi, thậm chí trước đây nghệ thuật chỉ vỏn vẹn trong tranh và tượng, nội dung của tranh và tượng chúng ta dễ cảm nhận, bây giờ nó vẫn còn những hình thức cổ điển như thế. Còn hình thức thứ hai, nghệ sỹ có thể nói mồm, trình bày các ý tưởng của mình, nên người ta rất coi trọng t
...xem tiếp
16:29 Monday,9.1.2012 Đăng bởi:  An Nguyễn
... “Kết luận thứ hai: Tôi nghĩ rằng bây giờ nghệ thuật phải quan niệm khác đi, thậm chí trước đây nghệ thuật chỉ vỏn vẹn trong tranh và tượng, nội dung của tranh và tượng chúng ta dễ cảm nhận, bây giờ nó vẫn còn những hình thức cổ điển như thế. Còn hình thức thứ hai, nghệ sỹ có thể nói mồm, trình bày các ý tưởng của mình, nên người ta rất coi trọng tọa đàm chứ không cần tác phẩm gì cả....

Cái này xưa lắm rồi , từ thời ông Andécxen - Đan mạch , và do hai thằng thợ may - chứ không phải thợ vẽ - sử dụng .

Thật là tài , nói một đằng nghĩ một nẻo , hay đỉnh cao của lý luận thời nay là nói mà không nghĩ ... 
17:17 Friday,30.9.2011 Đăng bởi:  Ớt
Không hiểu sao mấy ông Quân, Thượng, Hải này thích toạ đàm thế không biết, không năm nào là không tổ chức vài lượt. Tác phẩm của mấy ông xem ra chỉ diễn tả bằng nói còn chết hẳn phần "nghệ". Có lẽ sợ mọi người quên nên thỉnh thoảng lại phải tổ chức hội thảo, toạ đàm... Nghệ sĩ thật ai nói nhiều thế .
...xem tiếp
17:17 Friday,30.9.2011 Đăng bởi:  Ớt
Không hiểu sao mấy ông Quân, Thượng, Hải này thích toạ đàm thế không biết, không năm nào là không tổ chức vài lượt. Tác phẩm của mấy ông xem ra chỉ diễn tả bằng nói còn chết hẳn phần "nghệ". Có lẽ sợ mọi người quên nên thỉnh thoảng lại phải tổ chức hội thảo, toạ đàm... Nghệ sĩ thật ai nói nhiều thế . 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả