Nhiếp ảnh

NGUYỄN QUANG TUYẾN: tâm sự cùng “Nước” 09. 04. 11 - 9:10 am

Trang Thanh Hiền

NƯỚC

Triển lãm ảnh và video art của tác giả – nghệ sĩ thị giác Nguyễn Quang Tuyến
Khai mạc hồi 17h30 ngày 10. 4. 2011
Tại Viet Art Center, 42 Yết Kiêu, Hà Nội
Kéo dài đến hết ngày 12. 4. 2011
Vào 17h ngày 12. 4. 2011 sẽ có cuộc tọa đàm về “nhiếp ảnh và video art đương đại” do tác giả Nguyễn Quang Tuyến là diễn giả

(Mời các bạn xem đoạn video art Nước trước khi đọc bài nhé)

Nước, không phải là nước.

Khói, không phải là khói.

Ánh sáng, cũng không hẳn là ánh sáng

Nó là một hiệu ứng gì đó mà lần đầu tiên khi xem các tác phẩm của Nguyễn Quang Tuyến tôi đã bị ám ảnh bởi cái cảm giác không thực ấy. Cũng không đơn thuần là đẹp, là mơ hồ như người ta thường nghĩ về những tác phẩm nghệ thuật dạng này. Chúng ở gianh giới giữa sự bình an và bất an. Cho dù việc lấy ánh sáng làm chủ thể để tạo nên những tác phẩm gần như là trừu tượng đen trắng này không hề làm tôi ngạc nhiên, bởi lúc đó, tôi nghĩ công nghệ photoshop bây giờ thật ghê gớm, thật hữu dụng để sáng tạo. Chỉ cho đến khi nghe anh bảo đấy là ảnh 100% và là thiên nhiên hoàn toàn, thì câu chuyện về những tác phẩm của anh đã khiến tôi thực sự tò mò.

Sinh năm 1958 tại Hà Nội, Nguyễn Quang Tuyến đã sớm phải sống xa tổ quốc từ khi anh mới 17 tuổi. Phiêu bạt đến Mỹ, cũng hết sức tình cờ anh vào học tại trường nghệ thuật cộng đồng Orange Coast Community College; rồi lấy một người vợ Mỹ gốc Nhật và sống trong sự mến mộ văn hóa Nhật được truyền đời cho dù vợ anh là thế hệ thứ 3 ở Mỹ. Không chỉ đam mê tạo hình mà còn đam mê âm nhạc, đặc biệt là nhạc tự do ngẫu hứng với những tiết điệu đa dạng. Có lẽ vì thế mà trừu tượng đã trở thành sở trường của anh trên các thử nghiệm khác nhau dù là hội họa, video art, sound art, sắp đặt hay nhiếp ảnh từ năm 1990 với nhiều sự kết
hợp đa dạng. Ở đó “Nước” cũng là chủ đề xuyên suốt con đường sáng tác này.

Tuy nhiên, chỉ cho đến gần đây, Nguyễn Quang Tuyến mới tự cho rằng anh đã gần đạt đến cái mà anh muốn bằng cách thay đổi cái nhìn ở những tác phẩm này. Cái nhìn rút ra từ bản thể, mà con người phải lắng rất sâu mới nhận thấy. Nó phải như được vẽ ra từ tâm tưởng. Do đó, không còn chụp nước như sự phản chiếu trên bề mặt đơn thuần, anh đã cố gắng đi sâu vào nó để có thể khắc họa sự vận động tự thân của dòng chảy, của ánh sáng cũng như của lòng mình một cách cận cảnh nhất có thể. Chỉ có như vậy, người ta mới có thể cảm nhận được nó với tất cả sắc thái của sự tinh khiết, sự biến động và sự kỳ vĩ của thiên nhiên.

Còn tôi, khi ngắm nhìn những bức hình này, thì cảm như trong cái sương khói hư vô ấy chứa đậm ẩn ức về cuộc đời anh. Sự cô đơn tìm kiếm những ngả rẽ tự do, lòng trắc ẩn và niềm trăn trở về Việt Nam, thậm chí cả sự đối sánh văn hóa Nhật anh cảm được từ vợ mình cũng thẩm thấu vào đó. Nó phản chiếu thân phận của một người tha hương, đã nhận đủ vào mình những bất trắc của cuộc đời gập gềnh như nước trong tự nhiên luôn phải chảy theo những con đường không định sẵn. Nước là mặt gương của thế giới do vậy nó cũng phản ánh trung thực nhất cả cái hữu hình và cái vô hình. Anh và nước như thể đằm mình vào nhau để trút bầu tâm sự trong những khoảnh khắc tĩnh lặng gần với tâm trạng Thiền. Nhưng, tâm trạng ấy không thoát thực mà nhập vào sự xáo động vô cùng để cảm nhận bằng tất cả tâm hồn mình.

Lan man trong những câu chuyện khác nhau, từ nghệ thuật cho đến xã hội, Nguyễn Quang Tuyến, một lần nữa lại khiến cho tôi ngạc nhiên, bởi dù ở tận đầu cực kia của trái đất, nhưng dường như anh vẫn sống giữa lòng Việt Nam. Anh xem hầu hết các sự kiện nghệ thuật cùng các bình luận và vui buồn cùng những câu chuyện, sự kiện của đất nước. Có lẽ nó cũng là một động lực căn bản để anh sáng tác. Mặc dầu rất trừu tượng, nhưng ở “Nước” của anh, dường như cái xã hội đang phát triển ồn ào thái quá kia đang nhao đến bờ vực thẳm, như nước đang bị đe dọa là thảm họa ô nhiễm trên toàn thế giới. Rồi cũng ở cái động cùng tắc biến đó, lại có một dòng chảy tĩnh lặng của văn hóa phương Đông, tìm về sự thuần khiết vĩnh cửu. Chúng hòa lẫn vào nhau đa tầng nghĩa. Nó cũng giống như anh, khi sáng tạo ở xứ người, mà tâm thì hướng về đất Việt.

Tuy nhiên nếu chỉ đơn giản là bắt chộp được cảm xúc từ những cú bấm máy đơn lẻ hay liên tục, thì tác phẩm của anh có lẽ đã không thành hình. Hầu như không sử dụng đến bất kỳ sự dàn dựng ánh sáng, hay kỹ thuật photoshop để tạo ra hiệu quả, chỉ bằng việc cắt ra một lát nhỏ trong cái thiên nhiên bao la ấy một góc của cảm xúc, rồi tổ hợp hoặc chọn lọc chúng vào một tổng thể, anh đã khiến các tác phẩm có được tiếng nói riêng. Anh bảo đấy là xã hội của anh, mà mỗi mảnh ghép được tạo nên từ những cảm xúc riêng biệt, như cách anh ghi nhật ký vậy, nhật ký về mình và về Việt Nam, một Việt Nam trong lòng thế giới khi anh sống giữa những giá trị nhân bản. Nó là tình cảm, là tâm huyết của dòng máu Việt chảy về cội nguồn, nơi anh đã sinh ra.

Nghệ thuật đến từ bến bờ của cảm xúc và là mối dây nối liền cảm xúc với cảm xúc, nối những người con ở xa tổ quốc về với đồng bào của mình. Cho dù trừu tượng, bỏ qua tất cả những lớp lang của hiện thực bên ngoài, để giữ lại cái căn bản nhất của ngôn ngữ liên kết với tâm tưởng. Xem những tác phẩm của anh, tôi cứ cảm giác như mình đang được đọc một bài thơ, mà âm điệu của nó khi thì trầm hùng, khi lại nặng nhọc, rồi vút lên trong suốt như nước lặng lẽ ánh lên những tia nắng đầu hè.

*

Bài liên quan:

– Có ai muốn hỏi về NƯỚC?
– NGUYỄN QUANG TUYẾN: tâm sự cùng “Nước”
– Lý trí hay cảm xúc?
– Nguyễn Quang Tuyến: Tôi đã làm như một người lên đồng 

Ý kiến - Thảo luận

12:19 Monday,18.4.2011 Đăng bởi:  autumn2306
bài viết của Trang Thanh Hiền rất sâu sắc và cảm xúc. Thật tiếc cho ai không biết mình phải làm gì...
...xem tiếp
12:19 Monday,18.4.2011 Đăng bởi:  autumn2306
bài viết của Trang Thanh Hiền rất sâu sắc và cảm xúc. Thật tiếc cho ai không biết mình phải làm gì... 
12:17 Monday,18.4.2011 Đăng bởi:  autumn2306
Bài viết của Trang Thanh Hiền rất hay và đầy cảm xúc. Tiếc thay cho ai kia không thể hiểu nổi...
...xem tiếp
12:17 Monday,18.4.2011 Đăng bởi:  autumn2306
Bài viết của Trang Thanh Hiền rất hay và đầy cảm xúc. Tiếc thay cho ai kia không thể hiểu nổi... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả