Gẫm & Bình

Lý trí hay cảm xúc? 13. 04. 11 - 2:35 pm

Trang Thanh Hiền

(SOI: Sau bài giới thiệu của Trang Thanh Hiền về triển lãm Nước, đã có một số ý kiến khác nhau về cách viết. Trang Thanh Hiền có một số trao đổi lại. Mời các bạn theo dõi)

Tôi vốn không định viết bài này bởi thực sự không có nhiều thời gian dành cho nó, và không có ý định biện luận về việc viết lách của mình. Nhưng sau khi đọc rất nhiều những lời nhận xét của mọi người, giấu tên có, tên thật có, tôi không chạnh lòng mà nghĩ là tôi cần phải viết vài lời. Tất nhiên, chẳng để dạy dỗ ai, bởi đối với tôi, công chúng đọc bài của tôi là thầy của tôi, mà chỉ nghĩ viết ra vài lời để mọi người cùng tham khảo.


1.
 
Trước tiên phần lớn mọi người đều nhầm lẫn giữa một bài phê bình và một bài giới thiệu. Đối với bài giới thiệu, thì người ta có rất nhiều cách giới thiệu khác nhau. Viết giới thiệu dưới dạng một phân tích là một cách làm (thường làm), viết lối so sánh, lịch sử hay đưa ra dữ liệu… là những cách làm khác và viết dưới dạng cảm nhận lại là một cách làm khác khác nữa. Tất cả để đạt đến những mục đích khác nhau.


2.
 
Điều đáng buồn là ngày nay hình như có nhiều người xem nghệ thuật bằng lý trí chứ không xem nghệ thuật bằng cảm xúc. Và, không ít làm nghệ thuật bằng lý trí, mà quên đi một cái rất căn bản là nghệ thuật vốn là sự xúc động. Do đó mới có bạn đến xem triển lãm rồi, vẫn không hiểu được thông điệp của tác giả đem đến là gì.


3. 
Tôi có một kỷ niệm, xin kể ra đây như một câu chuyện. Cách đây khoảng vài năm, khi tôi làm việc với một giáo sư người Thụy Điển về những cách viết tạm gọi là “phê bình” nghệ thuật. Bà có đưa cho chúng tôi một bài viết khá dài của một giáo sư mà bà rất tâm đắc. Lúc đó, tôi cũng là kẻ mang tâm thức đã được ấn định rằng viết phê bình nghệ thuật (theo cách hiểu của Việt Nam) là phải như thế này, phải như thế kia… nên khi đọc bài viết đó, tôi đã nghĩ: viết gì mà như viết văn học vậy, chả ra gì. Ở đó thuần túy là cảm xúc, là những trải nghiệm của cá nhân người viết đối với những tác phẩm cũng như những vấn đề về nghệ thuật. Nhưng khi để tâm ngẫm kỹ, mới thấy là điều quan trọng của nghệ thuật là nghệ thuật đem đến cho người ta những cảm xúc, mà không phải lúc nào người ta cũng dễ nhận ra. Còn người xem có thể đồng cảm được với tác phẩm hay không lại là một vấn đề khác. Nếu không đồng cảm được thì chỉ có hai khả năng. Một là tác giả quá kém, hai là người xem không đủ tầm. Việc cảm thụ nghệ thuật cũng vậy. Nếu lúc nào cũng dùng lý trí cho việc cảm thụ nghệ thuật thì liệu có thể hiểu hết được những ẩn sâu trong những tầng cảm xúc. Đặc biệt đối với nghệ thuật đương đại được rút ra từ những trải nghiệm cá nhân của mỗi con người nghệ sĩ. Phần đời cá nhân của anh ta vô cùng quan trọng để đưa đến hoặc không đưa đến cho anh ta những dư chất trong tác phẩm của mình. Tất nhiên, ý muốn của tác giả là một chuyện, còn việc anh ta có truyền được thông điệp đó đến người xem hay không lại là chuyện khác.


4. 
Tôi đã viết về nghệ thuật nhiều năm và đối với tôi, mỗi bài viết là một cách làm khác nhau. Có những cách làm được nhiều người này thích, nhưng nhiều người khác lại chê bôi. Điều đó đều tốt, bởi như vậy, ở mỗi bài tôi đều được có những trải nghiệm của riêng mình. Và, tôi chẳng định đưa cho ai bất cứ định hướng nào để xem những cuộc triển lãm mà tôi được hân hạnh giới thiệu vì đó chỉ là cảm nhận của riêng tôi. Nó là một cuộc đối thoại giữa tôi người viết và tác giả, tác phẩm. Lời giới thiệu, chỉ là một câu chuyện, người đọc có thể có được một gợi ý gì đó từ việc đọc, kể cả đó là những ý nghĩ phản biện cho cả phần đọc và phần tác phẩm. Người xem tác phẩm phải có chính kiến của mình thì đó mới là điều đáng quí. Sợ nhất là họ chả thấy gì, và chả cảm được gì (điều này thì họ phải tự hỏi mình).

Chị Trang Thanh Hiền (áo đỏ) tại triển lãm Nước. Ảnh: Tịch Ru


5.
 
Trở lại với tác phẩm của Nguyễn Quang Tuyến. Khi tôi xem những tác phẩm của anh, tôi thấy nó giống như một “bài thơ”, nhưng trong bài thơ đó không hoàn toàn là lãng mạn mà chứa nhiều ẩn ức. Ban đầu tôi nghĩ rằng ông này phải thông thạo các kỹ thuật photoshop để chế tác ra những tác phẩm này. Vì một thực tế là, đa phần các nhà nhiếp ảnh theo đuổi lối nhiếp ảnh trừu tượng, hoặc mượn nhiếp ảnh làm công cụ để diễn ý của mình, đã sử dụng đến hiệu ứng photoshop rất nhiều. Vậy thì cách làm của Tuyến là hoàn toàn khác. Anh coi kỹ thuật là thứ yếu, và tính ngẫu hứng là rất nhiều để có thể tìm được những cái trùng khớp cái cảm xúc tình cảm vận vào, ẩn tàng trong những tác phẩm. Cái phần khuất đó cực kỳ quan trọng để có thể hiểu được câu chuyện của anh, cách làm của anh, một người Việt Nam sống xa tổ quốc và đôi khi nhìn về tổ quốc với tâm trạng không yên ắng. Thậm chí trước triển lãm anh còn lo lắng thái quá rằng cái tên “Nước” anh đặt cho triển lãm rất có vấn đề vì Tuyến vốn là một Việt Kiều. Cũng bởi sự suy luận và cái cách kiểm duyệt ở Việt Nam rất thú vị, mà người ở Mỹ đã đọc được nó trên những trang mạng, thấy vô cùng đáng sợ. Tôi hoàn toàn có thể viết: “Vượt biên từ năm… trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên biển/ nước để tìm đến những ngả đường tự do…” Nhưng xem ra điều đó với anh là điều nhạy cảm. Do vậy, tôi chọn cách viết phần nào giúp anh yên tâm, mà cũng là phô bày ra một cách tế nhị những suy nghĩ và thân phận của tác giả.

Vô đề – một tác phẩm trong triển lãm Nước

6.
Một vấn đề nữa mà tôi nghĩ rằng cũng xuất phát từ điểm yếu của các nghệ sĩ Việt đó là lúc nào cũng chú trọng đến kỹ thuật. Xem tác phẩm cũng soi vào kỹ thuật. Và thực chất, 5 năm học ở các trường ĐH Mỹ thuật ở Việt Nam, họ phần nhiều chỉ được học kỹ thuật. Việc học tìm kiếm ý tưởng dường như chưa bao giờ được đề cập đến một cách cẩn thận. Do vậy, nhiều người học ra trường rồi, thấy mình chẳng thu được cái gì. Thậm chí đến cách hiểu về ý tưởng là gì, đối với rất nhiều nghệ sĩ mơ hồ. Họ dùng lý trí để khai thác ý tưởng, nhiều hơn là cảm xúc để diễn đạt ý tưởng. Do vậy nhiều khi người ta nhìn vào tác phẩm mà chỉ thấy hình thức. Lấy một đơn cử: triển lãm Made in Hương, được rất nhiều người khen. Tôi không phủ nhận đây là một triển lãm tốt, nhưng tôi thấy ở đấy, Hương diễn ý nhiều hơn là diễn xúc cảm. Cô dùng lý trí để sáng tác nhiều hơn là dùng cảm xúc để sáng tạo. Do đó về mặt hình thức, thì Hương đã tìm ra được một hình thức lạ, mang tính bề mặt, nhưng về chiều sâu cảm nhận lại rất ít.

Ngày yêu – tác phẩm trong Made in Huong

Một triển lãm khác gần đây, cũng gây được sự chú ý của đông đảo công chúng là: Du cư trong thành phố. Nguyễn Hồng Phương (nghệ sĩ tự học) đã làm được một việc là đưa được một ngôi nhà phao ở sông Hồng vào không gian của một triển lãm. Đó là một ý tưởng táo bạo, nhưng vẫn dừng lại ở ý tưởng. Việc anh chăng dây, cặp rất nhiều những bức ảnh chụp cuộc sống của họ, mà tôi không cảm thấy có chút gì xúc động của tác giả từ cách làm đó. Thương cảm hay tôn vinh? Nó giống với một kiểu kể lể rườm rà cho câu chuyện cái nhà. Đây cũng là một cách làm nghệ thuật của lý trí.

Du cư – Ảnh: Bùi Hoài Mai

7. 
Đối với nghệ thuật, thì kỹ thuật có thể học, có thể đọc từ bất cứ cuốn sách nào dạy kỹ thuật, từ nhiếp ảnh, cho đến hội họa, video art hay sound art… Nhưng cảm xúc thì cần phải tự bồi đắp mà không đọc được từ các sách kỹ thuật đó. Cảm xúc khiến cho tác phẩm trở nên sâu sắc hay nông cạn. Vậy việc kỳ vọng học được kỹ thuật từ một bài viết, mà bản thân tác giả không màng đến kỹ thuật nhiều lắm, là một điều không tưởng. Ở đây, tôi không nói rằng những tác phẩm của Nguyễn Quang Tuyến là vô cùng xuất sắc vì nghệ thuật trừu tượng là một lãnh vực khó đối với cả tác giả lẫn người thưởng ngoạn. Nhưng chụp ảnh được như anh cũng ít người làm được. (cái này không cần nói, vì ai xem triển lãm cũng thấy ngay, đặc biệt ở Việt Nam thì nhiếp ảnh dạng này chưa xuất hiện theo kiểu chuyên nghiệp). Vậy nên bài viết, tôi chỉ nhằm gợi ra tâm trạng của một người nghệ sĩ Việt sống xa tổ quốc luôn hướng về tổ quốc, và anh vận dụng ý tưởng đó của mình vào trong tác phẩm như thế nào trong chủ đề “Nước” rất đa nghĩa với người Việt. Mặc dầu ở tác phẩm của anh chưa thật sự biểu hiện hết được các ý tưởng của mình, nhưng ít nhất ở đó người ta cảm thấy được cả sự bình an, lẫn sự bất an trong đó. Nếu mọi người đặt thân phận của mình vào thân phận của tác giả khi sống giữa một cộng đồng không cùng sắc tộc, tiếng nói với mình, sẽ hiểu được tâm trạng của tác giả. Thiền mà không phải thiền là như vậy. Khi tác giả làm việc thì rất tĩnh lặng, nhưng cái biểu hiện ra lại không tĩnh lặng. “Tâm sự” hay “Thiền” chỉ là cách nói hình tượng hóa về cách làm việc của anh. Nguyễn Quang Tuyến cũng có post một số tác phẩm của anh trên trang tienve.org nói về chân dung “S”. Những tác phẩm đấy mang tâm trạng về đất nước, những sự kiện xảy ra gần đây. S là gì chắc không cần giải thích nhiều. 

Cuối cùng, tôi cũng xin chân thành cám ơn mọi lời khen, chê, của tất cả mọi người, bởi cái tôi viết ra đã được mọi người đọc đến.

*

Bài liên quan:

– Có ai muốn hỏi về NƯỚC?
– NGUYỄN QUANG TUYẾN: tâm sự cùng “Nước”
– Lý trí hay cảm xúc?
– Nguyễn Quang Tuyến: Tôi đã làm như một người lên đồng

Ý kiến - Thảo luận

17:18 Thursday,21.4.2011 Đăng bởi:  gin
Đành rằng là thuần kỹ thuật và ít ý tưởng, nhưng nhìn đi thì cũng nhìn lại, môi trường Việt Nam có gì và thực tế môi trường ấy như thế nào so với các nước khác. Đều là từ khách quan xã hội mà ra cả, bản thân nghệ sỹ muốn dự báo được bước tiến của thời đại hay thể hiện được cái xu thế xã hội và nhất là cảm xúc, cần nhiều thứ, như trong cuốn vi
...xem tiếp
17:18 Thursday,21.4.2011 Đăng bởi:  gin
Đành rằng là thuần kỹ thuật và ít ý tưởng, nhưng nhìn đi thì cũng nhìn lại, môi trường Việt Nam có gì và thực tế môi trường ấy như thế nào so với các nước khác. Đều là từ khách quan xã hội mà ra cả, bản thân nghệ sỹ muốn dự báo được bước tiến của thời đại hay thể hiện được cái xu thế xã hội và nhất là cảm xúc, cần nhiều thứ, như trong cuốn viết dưới ánh đèn dầu của cụ Phái, thời nào cũng có cái khó, người nghệ sỹ phải có lương tri và một tầm nhìn bao quát, nhất là một triết học nhân sinh đúng đắn...
LB ạ, đừng chú ý nhiều, cứ làm việc thôi 
11:24 Saturday,16.4.2011 Đăng bởi:  Chinsu
Bạn LB ơi
Tớ cũng yêu trường như yêu bạn vậy đó. Dưng mà sự thực thế nào thì cũng phải cho tớ nói như thế chứ. Sao cứ phải che dấu vì cái gì đó nhỉ. chúng mình là những người đang học/ và sẽ làm nghệ thuật cơ mà. Có phải che dấu để vì giải thưởng thành tích, bằng khen gì đâu. Mà cái lưng nếu trắng đẹp, nếu đúng A NA TỐ MÌ như thầy Chương dạy thì c
...xem tiếp
11:24 Saturday,16.4.2011 Đăng bởi:  Chinsu
Bạn LB ơi
Tớ cũng yêu trường như yêu bạn vậy đó. Dưng mà sự thực thế nào thì cũng phải cho tớ nói như thế chứ. Sao cứ phải che dấu vì cái gì đó nhỉ. chúng mình là những người đang học/ và sẽ làm nghệ thuật cơ mà. Có phải che dấu để vì giải thưởng thành tích, bằng khen gì đâu. Mà cái lưng nếu trắng đẹp, nếu đúng A NA TỐ MÌ như thầy Chương dạy thì cũng nên khoe ra (như nhiều bạn gái đi xe máy ngoài đường í). Còn nếu mà sợ mọi người biết lưng xấu quá thì phải đi SPA tân trang lại chứ. Ai lại cứ để thế, đóng cửa bảo/chịu đựng mãi nhau. Thân 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả