Gẫm & Bình

Nguyễn Quang Tuyến: Tôi đã làm như một người lên đồng 16. 04. 11 - 7:26 am

Người xem Hà Nội

 

NƯỚC

Triển lãm ảnh của tác giả – nghệ sĩ thị giác Nguyễn Quang Tuyến
Khai mạc hồi 17h30 ngày 10. 4. 2011 tại Viet Art Center, 42 Yết Kiêu, Hà Nội
Kéo dài đến hết ngày 12. 4. 2011
17h ngày 12. 4. 2011: Tọa đàm về “nhiếp ảnh và video art đương đại” do tác giả Nguyễn Quang Tuyến là diễn giả

Trang Thanh Hiền và tác giả tại tọa đàm

Với Trang Thanh Hiền đứng ở vai trò người giới thiệu và khai mạc, đây là một cuộc tọa đàm không đông người nhưng cũng đủ sự ấm cúng. Có khá nhiều bạn trẻ mang máy ghi ân và sổ ghi chép. Có TS Nguyễn Xuân Diện và nhà văn, họa sỹ Trần Nhương (cả hai đều là các blogger đang hot), có nghệ sĩ Trần Lương, nhà điêu khắc Đào Châu Hải, họa sĩ Vũ Huy Thông – nhà nghiên cứu mỹ thuật của Viện Mỹ thuật. Tiếc là không có nhiếp ảnh gia nào có mặt trong cuộc trò chuyện này – một cuộc trò chuyện về nhiếp ảnh.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (áo trắng, hàng đầu), nhà văn Trần Nhương (trannhuong.com), họa sĩ Trần Lương (áo đen, hàng hai), và nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền (áo đỏ, hàng đầu)


Nghệ sĩ Trần Lương (áo đen, hàng hai), họa sĩ Vũ Huy Thông (áo đỏ, hàng ba), điêu khắc gia Đào Châu Hải (hàng đầu), Trang Thanh Hiền (áo đỏ, hàng đầu)

Mở đầu, Nguyễn Quang Tuyến cho biết anh đã theo đuổi đề tài Nước từ năm 1991 tới giờ. Anh dùng máy ảnh như một phương tiện để biểu đạt thay cho việc dùng bút để vẽ.

Sau phần tự giới thiệu ngắn gọn của Quang Tuyến, nghệ sĩ Trần Lương được mọi người đề nghị mở đầu cuộc trò chuyện.
Trần Lương nhận xét đây là một cách nhìn mới trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Đã có một thời gian nhiếp ảnh chỉ dừng lại ở việc phản ánh, mang nặng tính truyền thông và có chức năng ghi hình lại cho mọi người xem; người được gọi là nghệ sỹ nhiếp ảnh hình như chỉ vì anh ta chụp khéo hơn, có nội dung rõ ràng hơn. Ở Việt Nam, mọi người ít nghĩ đến việc dùng máy ảnh như một phương tiện biểu đạt có giá trị như nghệ thuật tạo hình. Và có lẽ chúng ta phải đưa một trương chình giáo dục để mở rộng thêm biên độ nghệ thuật của nhiếp ảnh.

Với triển lãm này, anh Lương cũng lấy làm tiếc vì ánh sáng cho phòng triển lãm quá kém, làm mất rất nhiều hiệu ứng của những tác phẩm ảnh. Theo anh là chưa đủ tiêu chuẩn. Trần Lương cũng tỏ ra thích thú với 10 bức ảnh được treo liên tục ở bức tường bên tay phải của phòng triển lãm. Và anh đề nghị tác giả tiếp tục triển lãm những bức ảnh đó thêm một tháng nữa tại một địa điểm khác.

Nghệ sĩ Trần Lương (ngồi sau), hàng trên là điêu khắc gia Đào Châu Hải và nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền

Nhận thấy Nguyễn Quang Tuyến đã rất vui và nhận lời. Trần Lương hỏi anh Tuyến có tiếc điều gì sau những thiếu thốn về không gian triển lãm không, (tất nhiên anh Lương có bổ sung là ở Việt Nam rất thiếu những không gian cho triển lãm đương đại. Khi những nhà máy cũ phải dời ra khỏi thành phố thì ở những nước khác, “xác nhà” được dành cho các triển lãm, vừa là nơi bảo tồn, còn ở Việt Nam, chỗ đất ấy biến thành khách sạn, trung tâm thương mại). Nguyễn Quang Tuyến nói rằng anh hơi tiếc, đáng lẽ không gian Video Art phải riêng biệt, âm thanh tiếng ồn đó sẽ ảnh hưởng tới việc xem ảnh. Nếu riêng biệt thì hai cái sẽ tương tác với nhau tốt hơn. Thêm nữa không gian triển lãm quá nhỏ, chứ nếu những bức ảnh này được in thật lớn thì hiệu quả sẽ mạnh hơn rất nhiều.

Trần Lương cũng đồng ý với ý kiến đó và nói thêm rằng ở Việt Nam chưa có kĩ thuật in ảnh khổ lớn. Đó là một điều thiệt thòi.

*

Nghệ sĩ Đào Châu Hải đang đặt câu hỏi

Khen ngợi Nguyễn Quang Tuyến, điêu khắc gia Đào Châu Hải làm một phép so sánh: các họa sỹ Việt Nam rất thích ra nước ngoài triển lãm, nhưng Quang Tuyến lại ở Mỹ mà quay về nước triển lãm.

Anh Tuyến cho rằng, rất nhiều kỉ niệm của anh còn ở Việt Nam, và nếu có tác phẩm mới thì điều đầu tiên anh nghĩ là sẽ bày ở Việt Nam, mặc dù đã sống ở Mỹ 29 năm.

Nghệ sĩ Đào Châu Hải cũng muốn hỏi có những ám ảnh nào để nghệ sĩ quyết định đi theo đề tài nước.

Nguyễn Quang Tuyến cho biết, có ít nhất vài lần trong đời anh có ấn tượng mạnh với nước, ví dụ như vài lần suýt chết đuối khi đi sơ tán ở Thanh Oai, anh suýt chết đuối ở giếng làng. Nhưng nỗi ám ảnh về nước mạnh nhất là lênh đênh trên biển khi vượt biên năm 1981. Đó là ranh giới giữa cái sống với cái chết trên biển cả mênh mông.

*

Hai blogger nổi tiếng: TS Nguyễn Xuân Diện và nhà văn Trần Nhương (áo sậm)

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có nhận xét: “Khi đọc lời giới thiệu của Trang Thanh Hiền thấy có nói là ở đây, trong tác phẩm của anh có chất Thiền. Nhưng tôi cho rằng hình như không phải, mà theo tôi là Nước của anh mang tính chất của Đạo giáo nhiều hơn, nhất là tác phẩm vidéo art, nó có tính vận động của nước”.

Nguyễn Quang Tuyến cũng nhận xét rằng anh cũng không biết đó gọi là Thiền hay Đạo giáo. Chỉ có khi tập trung làm, anh đã bị cuốn vào đó với cảm giác giống như của một người lên đồng. Rất khó để nói là đó là Thiền hay là cái gì. “Nhưng chắc chắn tôi đang làm công việc của một họa sỹ,” anh nói.

Cuối buổi, tác giả rất muốn dành thời gian để cho các bạn trẻ có ý kiến. Sau nhiều lần kích lệ và có nói rằng các cuộc truyện trò như thế này ở Mỹ là rất thường xuyên, cuối cùng cũng có hai bạn trẻ có ý kiến (khá rụt rè) và đó là những lời cám ơn cùng một câu hỏi, hỏi lại nội dung mà điêu khắc gia Đào Châu Hải đã hỏi (nãy giờ các bạn ấy nghe cái gì nhỉ?)

*

Tác phẩm trong triển lãm Nước

Trước đó, họa sĩ Bùi Hoài Mai có cuộc trao đổi bên ngoài tọa đàm với tác giả Nguyễn Quang Tuyến.

Bùi Hoài Mai (BHM): Tôi thấy đây là một trong những triển lãm khá khúc triết trong cách trình bày, mặc dù là triển lãm ảnh và có ai đó không nhìn ra đây là những hình hài gì cụ thể, nhưng điều đầu tiên nhận thấy là những bức ảnh đã được sắp đặt với một nhịp điệu khá thú vị. Với đề tài về Nước, nó có thể gợi cho người xem một cảm giác liên tưởng theo truyền thống Á đông về sự mềm mại, cũng như mạnh mẽ hay sự huyền ảo, vô thường của nước.

Nguyễn Quang Tuyến (NQT): Đúng như những gì anh cảm nhận. Hãy quan sát, khi mình cắm một nhánh cây thẳng xuống nước, cành cây được nhìn thấy như uốn cong đi. Vì vậy tôi rất thích nhìn thấy sự biến đổi của nước, và cái gì vào nước cũng bị thay đổi, biến ảo. Tôi thích trạng thái đó.

.

BHM: Thực ra trạng thái của nước khá phong phú, như người ta vẫn thường nói đấy… Và trong truyền thống hội họa Á đông, người ta cũng rất coi trọng việc diễn tả nước. Những bức ảnh của anh chụp cận cảnh các trạng thái của nước, khi nước chảy, khi nước động… Khi đặt nó cạnh nhau để thành một tác phẩm thống nhất, anh có tiêu chí thẩm mỹ thể nào để đặt bức nọ cạnh bức kia không?

NQT: Tôi là người làm hình và say mê với sự tương tác của hình. Và trong quá trình làm, tôi cứ đặt đi đặt lại cho đến lúc nhận thấy nó hợp ý và “lạ” đối với chính tôi. Cũng từ đó tự nhiên tôi thấy hứng thú và mang ra triển lãm, hi vọng may ra người xem cũng có thể tìm thấy sự hứng thú trong trật tự đó. Nếu bạn không thấy hứng thú thì có thể rất lâu nữa và có thể không bao giờ thấy hứng thú với nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không biết thưởng thức nghệ thuật.

Nước trong video art của Nguyễn Quang Tuyến

BHM: Vâng đúng rồi, thực ra trong lĩnh vực hội họa, rất nhiều khi người ta cảm nhận bằng cảm tính rất cá nhân… Anh có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm về cách tìm kiếm sự biến hình vô lường của nước (cảm giác khá trừu tượng nhỉ), sau đó anh tìm cách định hình nó lại như thế nào trong một không gian cụ thể (như phòng triển lãm này chẳng hạn).

NQT: Tôi tìm thấy cả một thế giới mà tôi cảm thấy hạnh phúc khi tìm kiếm một cái gì đó, một trật tự nào đó trong quá trình làm việc, trong thế giới đó, tôi thấy mình được tưởng tượng, được tha hồ tư duy: mình sống được trong một thế giới lạ do chính mình tìm ra. Lạ đối với mình.

Quang cảnh tọa đàm

BHM: Khi mang triển lãm này sang Việt Nam, anh có nghĩ và lo lắng là nó quá lạ lẫm với công chúng ở đây không? Anh có sợ là kể cả những người trẻ phần đông đều đang thưởng thức nghệ thuật nhiếp ảnh theo một cách khác không?

NQT: Tôi cũng không suy nghĩ về vấn đề này nhiều lắm. Đối với tôi thế là đã làm được một việc mà tôi tìm thấy hứng thú trong đó. Tất nhiên tôi rất thích được chia sẻ và cũng tìm kiếm sự đồng cảm, nhưng tôi chấp nhận cả sự chê bai. Có thể các bạn sẽ dần làm quen với các cách nhìn khác.

*

Bài liên quan:

Có ai muốn hỏi về NƯỚC?
NGUYỄN QUANG TUYẾN: tâm sự cùng “Nước”
– Lí  trí hay cảm xúc
– Nguyễn Quang Tuyến: Tôi đã làm như một người lên đồng

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả