Gẫm & Bình

Made in Huong: Nhiều màu sắc
không có nghĩa là đậm đà 09. 04. 11 - 10:36 pm

Tịch Ru

Party - sơn dầu trên canvas, 180 x 180cm (rất tiếc là bức này không được triển lãm)

Đi xem triển lãm cá nhân đầu tay của họa sĩ trẻ Trần Thị Hương, tuy cũng là loại tranh kiểu đề cao chủ nghĩa cá nhân nhưng phải công nhận tác giả vẽ rất nữ tính. Một cô gái đỏm dáng, thích làm điệu, hơi tỉ mẩn trong những cánh bướm, phủ vài lớp nhũ óng ánh… hết sức con gái
 
Đầu tiên là lời giới thiệu tác giả với những câu hỏi muôn thủa mang tính “ triết học”, được đặt ngay lối ra vào cùng với tấm ảnh chân dung tác giả. Những câu hỏi hơi có phần đao to búa lớn và mang tính cảnh vẻ, trang trí là chính cho các tác phẩm trong kia. Đó là những gì tôi cảm thấy khi đi xem vài vòng và quay trở lại với lời giới thiệu. Có lẽ tranh Hương giản dị hơn. Giản dị hơn cả chính tên tranh.
 
Tôi không thích nét vẽ của Trần Thị Hương lắm, vì những khuôn mặt trong tranh hơi thiếu biểu cảm, mọi thứ hơi khô cứng, nhìn qua đôi khi thấy giống với vài cách vẽ truyện tranh Nhật Bản. Nhưng phải công nhận tranh rất có màu sắc, đánh mạnh vào thị giác, đưa được thế giới của Computer, của những MTV, của Hollywood, của manga Nhật Bản (ý kiến cá nhân tôi nhé) vào những bức tranh. Ở đây, tính hội họa cũng bị mập mờ giữa sự ảnh hưởng của công nghệ, sự khéo tay và cảm hứng của từng nét vẽ. Các sắc thái trên tranh có vẻ đơn điệu, mặc dù tranh vẽ các đề tài khác nhau đấy nhưng cách xử lí bề mặt tranh chả có gì thay đổi: đều đặn, sạch sẽ và còn phải nói là khá quen tay. 

Góc riêng - sơn dầu trên canvas, 180 x 180cm. Bức này cũng không được triển lãm.

Xem tranh xong, cá nhân tôi cứ thắc mắc: vậy tác giả đang lên án xã hội vật chất hay đang đề cao nó? Tác giả là người có cuộc sống vật chất quá thừa mứa, đã quá ngao ngán về nó rồi, nên vẽ để lên án nó chăng? Hay tác giả đang điên cuồng và là nạn nhân với thế giới đó, muốn thoát ra và trở về với con người nguyên sơ? 

Bức Sống là cái nhìn muốn giải thoát khỏi cuộc sống, hay là muốn sống đúng cách? Những cái giây rợ lằng nhằng nối từ mặt ra nghĩa gì nhỉ? Truyền ý nghĩ vào computer, hay quá lệ thuộc vào computer. Tác giả muốn chống lại điều đó hay thích thú với nó? 

Sống (Vitality), sơn dầu, 180 x 180cm

Bức Dream như một cơn ác mộng bị nhấn chìm bởi đống giầy cao gót đồ hiệu tượng trưng cho thế giới vật chất quá xa hoa hay là đang hạnh phúc với niềm mơ ước của những vật chất nhỏ nhoi đạt được? 

Dream, sơn dầu trên canvas, 180 x 180cm

Bức Bình yên là cảm giác chao đảo của lũ vịt giời đang bay và cô gái đang rơi tõm xuống, thế là bình yên của đám vịt trời bị đánh mất, hay sự ám ảnh của giấc mơ? 

 

Với bức Tồn tại, cô đang tồn tại lơ lửng trong không trung với trạng thái không trọng lượng với niềm thích thú, hay cô muốn rơi xuống để hiểu được cảm giác trong lượng đang kéo bạn về với sự thật của tồn tại? Hay muốn xa rời với những vệ tinh xung quanh mình để trở về với thiên nhiên thuần khiết? 

.

Ngày yêu là một cái gì đó đầy sexy và dục vọng cuốn hút chăng? Hay là một câu nói khiêu khích đầy tình tứ của tác giả gửi cho người xem?…

Ngày yêu - sơn dầu trên canvas, 180 x 180cm

Rồi những thắc mắc “già cả” trên nhường chỗ cho những suy nghĩ khác, theo hướng “tươi mới hơn, hiện đại hơn, trẻ trung hơn”. Nào, hãy xem tranh theo một thế giới quan khác: Tác giả đang hạnh phúc, muốn bay lên trên nữa. Cô hạnh phúc với những gì mình có. Với đời sống vật chất khá, bạn có thể mua cho mình những đôi giày yêu thích, sống với những gì tự trong bản chất mình có. Thích thú, hạnh phúc với nó. Đúng mà, có gì sai đâu! Và hãy nghĩ mà xem, bạn có điều kiện, liệu bạn có chối bỏ không. Lẽ thường thì không rồi. Nhưng nếu chỉ nói có thể thì… thế thôi sao?

Vậy là bất chấp những thứ phẳng lì, chưa “đã” về hình thức, thì thế giới của tranh Hương vẫn làm người ta phải thắc mắc. Đó là một điều thú vị. Hoặc đó cũng là đặc điểm của loại tranh tự vẽ mình. (Mà cũng là câu hỏi của tôi: sao người ta học vẽ rất nhiều thứ và cuối cùng chỉ quay lại vẽ chính mình?)

May mắn thay là gặp được ngay tác giả ở phòng triển lãm sau đó. Mọi thứ đơn giản hơn hẳn. Qua những giãi bày tâm sự của tác giả qua từng bức tranh và nhận thấy có gì phải đao to búa lớn lắm đâu. Cũng chả nhiều triết học như mọi người vẫn tưởng tượng. Mọi thứ chỉ là những suy nghĩ nhỏ xinh. Đôi khi chỉ là một ngày tỉnh dậy với chú mèo dễ thương bên mình và đặt tên cho cái ngày đáng yêu đấy (Ngày yêu). Hay sự đồng cảm với những con người bị mất đi đôi mắt và tưởng tượng một ngày kia khoa học sẽ làm được gì cho đôi mắt người (Mắt cá).

Mắt cá - sơn dầu, 160 x 250cm

Hoặc chỉ là một thói quen, một thú vui mua sắm, xưa còn là mơ, nay thì là thực (Dream)… Không hẳn là “tôn sùng thế giới vật chất” như tôi đã nghĩ… Cũng rất dễ thương, và rất phụ nữ nữa chứ: và một phụ nữ biết làm đẹp…

Nhưng nói sao nhỉ… Tác giả phát biểu trong lời khai mạc là muốn dùng ngôn ngữ hội họa để thể hiện những gì thầm kín nhất của bản thân mà có thể cũng khó diễn tả bằng lời. Tác giả muốn tìm tòi cái mới và thể hiện cái tôi của mình. Nhưng xem tranh đến vòng thứ hai, tôi tự hỏi, liệu mệnh đề ấy có quá “đao to” không? Cái “mới” mà tác giả thể hiện trong tranh là gì? Cái “tôi” hình như chỉ sôi nổi ở bề mặt, ở những hoạt động bề nổi. Còn hình như cả hai thứ ấy, cả cái “tôi”, cả cái “mới” đều không đủ mạnh mẽ hay đi đến tận cùng, cảm xúc cũng không đủ mãnh liệt để đề cao được chủ nghĩa cá nhân, làm nó trở thành lung linh và bí ẩn hơn. Nếu bảo rằng cuộc sống của tác giả bên ngoài êm đềm, thì thậm chí những gì bình yên nhất, một chút buồn vô tư cũng phải có sự mãnh liệt trong vẻ đẹp của nó chứ…

Friend, sơn dầu, 180 x 180cm

Tôi lại nhớ đến graffity, một loại hình bị nhiều nhà phê bình mỹ thuật vẫn coi là phi nghệ thuật. Ấy khoan, những nét vẽ của “bọn chúng” đôi khi mãnh liệt đấy chứ, nói được nhiều điều đấy chứ. Người ta có khi đi qua đi lại một bức graffity đó hàng ngày mà không thấy chán vì đơn điệu… Thưa các độc giả, cứ thư giãn đi, hãy khoan chỉ trích rằng sao đi so sánh nghệ thuật chân chính với loại vẽ đường phố nhăng cuội được. Nhưng tôi chỉ muốn so sánh cái cảm giác nó đem lại cho người xem thôi… Đôi khi một câu hát vu vơ mà hay lại có giá trị hơn một bản giao hưởng dàn trải và nhàn nhạt.

Chuẩn bị, sơn dầu trên canvas, 160 x 250cm. Bức này cũng không được tham gia triển lãm.

 

*

Bài liên quan:

– Made in Hương tại VietArt
– Khai mạc MADE IN HUONG tại VietArt
– Made in Huong: Nhiều màu sắc không có nghĩa là đậm đà
 

Ý kiến - Thảo luận

0:22 Saturday,10.12.2011 Đăng bởi:  Evaga
Một kiểu ép cung của công an! Cứ cái kiểu này thì rồi nghệ sỹ cũng phải nhận đại đi một tội, làm công an thẩm mỹ hí hửng yên lòng, dù rằng lời của bức tranh nói khác lời họa sỹ.

Cũng như với bài của Trang Thanh Hiền, những lời phê chỉ ở tầm kỹ thuật phiệt,kỹ năng phiệt và quan điểm phiệt, tầm cỡ cán bộ văn hóa phường. Những phản biện của đao ph
...xem tiếp
0:22 Saturday,10.12.2011 Đăng bởi:  Evaga
Một kiểu ép cung của công an! Cứ cái kiểu này thì rồi nghệ sỹ cũng phải nhận đại đi một tội, làm công an thẩm mỹ hí hửng yên lòng, dù rằng lời của bức tranh nói khác lời họa sỹ.

Cũng như với bài của Trang Thanh Hiền, những lời phê chỉ ở tầm kỹ thuật phiệt,kỹ năng phiệt và quan điểm phiệt, tầm cỡ cán bộ văn hóa phường. Những phản biện của đao phủ nghệ thuật kiểu này có thể tóm tắt là:"Cờ trắng hay cờ đen, sao không nói huỵch toẹt, dễ hiểu, mà phán cao siêu bằng giọng nhà thơ và nhà tư tưởng?". Thật đáng sợ thay! 
6:51 Monday,11.4.2011 Đăng bởi:  admin
Hoang Hoa: cmt của bạn về Nguyễn Anh Tuấn, Soi không đưa lên vì bạn chỉ nói xấu Tuấn kiểu ngồi lê đôi mách mà không thấy nói gì đến tác phẩm của triển lãm này, hay bài viết này. Hôm qua cmt của bạn mang một tên khác, hôm nay lại một tên khác (có lẽ do bạn quên béng mất hôm qua mình kí tên gì, do cmt không được post lên chăng?). Tuy nhiên tên giả cũng không sao, nhưng nh
...xem tiếp
6:51 Monday,11.4.2011 Đăng bởi:  admin
Hoang Hoa: cmt của bạn về Nguyễn Anh Tuấn, Soi không đưa lên vì bạn chỉ nói xấu Tuấn kiểu ngồi lê đôi mách mà không thấy nói gì đến tác phẩm của triển lãm này, hay bài viết này. Hôm qua cmt của bạn mang một tên khác, hôm nay lại một tên khác (có lẽ do bạn quên béng mất hôm qua mình kí tên gì, do cmt không được post lên chăng?). Tuy nhiên tên giả cũng không sao, nhưng những cmt nói thông tin tiêu cực và riêng tư về cá nhân nào đó thì cần phải gửi từ email có thật bạn ạ. Các địa chỉ email của bạn khi gửi thư đều bị trả về hết. Bạn cho địa chỉ email thật của bạn đi Soi sẽ chuyển cmt của bạn đến cho người có tên là Anh Tuấn.
Còn chuyện Soi tầm thường, giả tạo thì toàn quyền bạn phán xét. Tuy nhiên bạn đâu cần phải chui vào một nơi xấu đến thế mà đọc tin cho nó mệt thân ra phải không? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Vô cảm đến mức này thì bỏ xừ cái nền Mỹ thuật Việt

Bài của Hoàng Lan Anh từ Người Lao Động - Soi bình luận

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả