Nghệ sĩ thế giới

Dada – Dự án kỳ quặc? 17. 05. 11 - 6:34 am

Kate Deimling - Hồ Như Mai dịch

 

Dada Izevbigie, đứa trẻ Dada đầu tiên, ra đời năm 2005

Sau một thế kỷ tranh cãi về ranh giới của cái gì là nghệ thuật và có thể chấp nhận được về mặt đạo đức, Com&Com – cặp nghệ sĩ theo phong trào Dada người Thụy Sĩ – hình như cuối cùng cũng chạm đến ranh giới cuối cùng: nghệ thuật sử dụng trẻ con. Vâng, bạn không nghe nhầm tí nào đâu.

Trong dự án có tên là Gugusdada (Đọc theo tiếng Anh là “goo goo dada”), hai nghệ sĩ đang tìm kiếm một cặp vợ chồng người Nga chuẩn bị sinh con vào mùa thu tới, trong khoảng thời gian diễn ra Hội chợ nghệ thuật đương đại Moscow Biennale, từ ngày 22. 9. 2011. đến 30. 10. 2011, và cặp vợ chồng ấy phải sẵn lòng đặt tên con là “Dada”. Nếu những lợi ích của việc tham gia vào một dự án nghệ thuật hàng đầu vẫn chưa đủ hấp dẫn, Com&Com còn sẽ tặng thêm cho cặp cha mẹ này 10 ngàn đô.

.

Dự án – có tên là Viết lại các thế giới: Dada Moscow – được chính thức gắn liền với Moscow Biennale lần thứ tư. Dự án được chính huyền thoại Cabaret Voltaire – tụ điểm sinh hoạt nghệ thuật và chính trị nổi tiếng ở Thụy Sĩ, có từ năm 1916, mới mở cửa lại vào năm trước, và hoạt động như một không gian nghệ thuật Dada – và cả Barbarian Art Gallery ở Zurich, cũng như Trium Gallery ở Moscow cùng tài trợ. Dự án nghệ thuật Nga này được ra mắt chính thức tại Trung tâm văn hóa đương đại Garage của Dasha Zhukova (vợ tỉ phú Nga Abramovich) tại Moscow ngày 11. 3. Hạn chót cho các cặp cha mẹ người Nga nộp đơn trên mạng để được chọn là bố mẹ của em bé Dada là 31. 7. 2011.

Giới thiệu dự án Dada

Hai nghệ sĩ Johannes M. HedingerMarcus Gossolt bắt đầu dự án Gugusdada kỳ lạ này vào năm 2004, trong một chiến dịch nhằm tạo được một mạng lưới quốc tế các em bé mang tên Dada, phấn đấu “hoàn tất” trước năm 2016 – năm kỷ niệm 100 năm ra đời phong trào Dada tại Cabaret Voltaire. Em bé Dada đầu tiên đã chào đời ở Thụy Sĩ hồi đầu năm 2005, trùng với thời điểm mở cửa lại Cabaret. Hedinger phát biểu với báo the Independent rằng khái niệm “Gugusdada” là một ví dụ của nghệ thuật readymade, lấy cảm hứng từ khái niệm của Marcel Duchamp về chuyện tạo ra một tác phẩm từ một vật thể đã có sẵn.

Lần này, “vật thể” ấy lại là một con người sống, vậy nên có vài câu hỏi đạo đức được nêu ra. Trên trang web của dự án, Com&Com kể chuyện hồi năm 2004 họ “tìm thấy được em bé đầu tiên muốn được đặt tên là Dada, và chọn luôn làm đại sứ Dada đầu tiên.” Rõ ràng bé sơ sinh không thể nào cho biết ý muốn của mình trong chuyện chấp nhận cái tên lạ như vậy. Ở đây chính là ý muốn của ba mẹ bé – những người chịu tác động của món tiền 10 ngàn đô.

 

Một bé Dada

Chuyện đem tiền nong ra làm mồi dụ ở Nga, là nơi mà nền kinh tế còn chưa phát triển và tầng lớp trung lưu hầu như chưa có, cũng khá là rắc rối. “Chúng tôi hiểu rằng có thể người ta muốn hay cần tiền thực sự, nhưng chúng tôi không muốn đưa tiền cho những người dùng tiền để mua xe mới,’ Hedinger phát biểu với tờ Independent. “Chúng tôi hi vọng số tiền sẽ được dùng vào chuyện học hành của đứa trẻ.” Tuy vậy, trên trang web của dự án, trong một đoạn phim bằng tiếng Nga, món tiền này được đưa ra như một thứ giải thưởng, trong đó người dẫn chương trình, chỉ đơn giản giới thiệu mình là Natasha, và bắt đầu với “Xin các bạn hãy lắng nghe. Tôi có lời đề nghị này. Nếu con bạn sắp chào đời, bạn sắp trở thành cha mẹ của một bé trai hay bé gái tuyệt vời, hãy đặt tên bé là Dada và bạn sẽ có được 10 ngàn đô la!”

 

Đoạn phim của dự án với người dẫn chương trình Natasha

Tới đây cần nhắc lại rằng, chủ nghĩa Dada, với tinh thần vô chính phủ, nổi loạn, phản chiến, và lên án xã hội tư bản, thì tuyệt đối không màng đến chuyện vụ lợi tiền nong hay tôn thờ một cái tên nào. “Phép lạ của một từ – DADA – đối với các nhà báo, đã từng mở ra cánh cửa đến một thế giới chưa từng biết đến, đối với chúng tôi chả là cái gì cả.” Tristan Tzara viết trong bản tuyên ngôn Dada của mình năm 1918, “DADA CHẲNG CÓ NGHĨA GÌ CẢ”.

Nhưng rõ ràng chuyện đặt tên con là Dada thì cũng có gì lắm chứ.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả