Tin tức

Tin-ảnh: Không phải ở Mỹ,
không phải ở Tàu… 25. 06. 11 - 12:33 am

Hồ Như Mai tổng hợp

 

SOFIA – Julia Medickova, nghệ sĩ và nhà sáng lập của gallery nghệ thuật Human Thinks, đang xem các tác phẩm lấy cảm hứng từ Thủ tướng Bulgary Boiko Boriso, trong triển lãm “Tribute to pop art… requiem for a prime minister exhibition” (Dành cho pop art…lễ cầu siêu cho một thủ tướng), ở Sofia, hôm thứ Hai 13. 6. 2011. Gallery thực hiện một buổi đấu giá trực tuyến đánh dấu ngày sinh nhật của Thủ tướng, trong khi chính phủ thiểu số của Boiko Borisov đang phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay trong tuần này. Ảnh: V. Petrova

 

HONG KONG – Nghệ sĩ trình diễn Alice Newstead được treo từ một giàn giáo bằng hai lưỡi câu cá mập, trong một màn trình diễn táo bạo không dành cho những kẻ yếu tim, để kêu gọi người Hong Kong đừng ăn súp vi cá. Cuộc trình diễn này diễn ra tại Hong Kong, Trung Quốc, 14. 6. 2011. Màn trình diễn khởi đầu một tuần lễ triển lãm với chủ đề bảo tồn cá mập, với nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia địa phương và quốc tế – tất cả đều có mục đích kêu gọi bãi bỏ việc buôn bán những loài cá mập đang bị đe dọa. Hong Kong chính là trung tâm của các hoạt động buôn bán vi cá mập. Ảnh: A. Hofford

 

SKOPJE – Một người đàn ông đang giám sát công việc dựng bức tượng khổng lồ của Alexander Đại đế và con tuấn mã Bucephalus ở quảng trường Macedonia, quảng trường trung tâm thủ đô Skopje, Cựu cộng hòa Nam Tư Macedonia, ngày 14. 6. 2011. Bức tượng bằng đồng, cao 12.5 m, đứng trên bục cao 10 m, và phải mất vài ngày để hoàn tất việc dàn dựng và đặt tượng. Việc đặt tác phẩm điêu khắc khổng lồ ở quảng trường nằm trong một dự án văn hóa có tên gọi Skopje 2014. Ảnh: N. Batev

 

BILBAO- Khách tham quan xem tác phẩm Untitled (Không đề), sáng tác năm 1952-1953 của họa sĩ Mỹ Mark Rothko trong buổi khai mạc triển lãm Pictorial Abstraction. European and American Art Tendencies 1949-1969 (Trừu tượng về hình ảnh. Các trào lưu nghệ thuật châu Âu và Mỹ 1949-1969) tại bảo tàng Guggenheim ở Bilbao ngày 14 . 6. 2011. Triển lãm có 80 tác phẩm của hơn 60 nghệ sĩ trong đó có Jackson Pollock, Antoni Tapies, William de Kooning và Victor Vasarely, với đầy đủ những trào lưu trong nghệ thuật trừu tượng, ví dụ như Art Brut, Abstract Expressionism (Trừu tượng biểu hiện) và Art Informel. Ảnh: V. West

 

BILBAO – Một phụ nữ đang xem tác phẩm sắp đặt ánh sáng Looking for Light IV (Đi tìm ánh sáng IV) của nghệ sĩ điêu khắc Tây Ban Nha Eduardo Chillida tại Isozaki Towers, trong sự kiện âm nhạc Đêm trắng Bilba tại Bilbao, Basque Country, miền bắc Tây Ban Nha. Chương trình này có cả khiêu vũ, hòa nhạc và kịch sân khấu. Ảnh: M. Tona

 

Giám tuyển nghệ thuật Agnes Husslein – Arco nói về tác phẩm Fritza Riedler của Gustav Klimt khi khai mạc triển lãm Vienna Art and Design tại National Gallery of Victoria ở Melbourne, Australia ngày 16. 6. 2011. Đây là triển lãm với hơn 300 bức tranh và tác phẩm thiết kế của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất thành Vienna trong thế kỷ 20, mở cửa từ ngày 18. 6 đến ngày 9. 10. 2011. Ảnh: J.Smith

 

MADRID – Nghệ sĩ Tây Ban Nha Antonia Lopez với bản đúc tác phẩm có tên “The Woman from Coslada” (Người đàn bà từ Coslada), trong một cuộc phỏng vấn tại Bảo tàng Thyssen-Bornemisza ở Madrid, Tây Ban Nha. Khi đó Lopez đang làm những việc cuối cùng cho triển lãm các tác phẩm gần đây và vài tác phẩm thời kỳ đầu của ông, trưng bày ở bảo tàng từ ngày 28. 6 đến 25. 9. 2011. Ảnh: K. Rodrigo

 

NEW YORK, NY – Tác phẩm Dialogue (Đối thoại) của Lee Ufan, 2010. Sơn dầu và mảnh khoáng trên canvas, kích thước 227 x 182 cm. Bảo tàng Guggenheim gần đây đã có được 3 tác phẩm quan trọng của nghệ sĩ, triết gia và thi sĩ Lee Ufan. Hai tác phẩm điêu khắc và một bức tranh của Ufan đã về với bộ sưu tập của bảo tàng ngay trước triển lãm kỷ niệm về ông trong mùa hè này. Lee Ufan làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp từ những năm 1960s. Địa hạt sáng tạo của Lee, cả thị giác, ý niệm lẫn lý thuyết đã mở ra nhiều khả năng cho hội họa và điêu khắc Hậu Tối giản.

 

BASEL – Chân dung tự họa của nghệ sĩ Thụy Sĩ Alexandre và John Gailla đang được trưng bày tại triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế Scope Basel, ở Basel, Thụy Sĩ, ngày 16. 6. 2011. Scope Basel có 85 gallery, mở cửa từ 15 đến 19. 6. 2011. Triển lãm này đã tạo được tên tuổi bằng việc chọn ra những tác phẩm nghệ thuật đương đại mới mẻ nhất từ khắp thế giới. Năm nay Scope Basel tự hào được trở lại Basel năm thứ năm. Diễn ra cùng lúc với Art Basel, Scope tổ chức ở một địa điểm nổi tiếng tại Kaserne lịch sử, chỉ cách Art Basel có vài khu nhà.

 

Một tác phẩm có tên “Goni’s Voice” (2011) của nghệ sĩ Indonesia Samsul Arifin tại SCOPE Basel. Nằm ngay ở trung tâm thành phố, ngôi nhà mới của SCOPE Basel, một địa điểm với hơn 5000 m², sẽ đem đến cơ hội thực sự cho các chủ gallery, nhà sưu tập, giám tuyển, nghệ sĩ, nhà phê bình và người yêu nghệ thuật đến trải nghiệm một khung cảnh thị trường nghệ thuật đương đại không nơi nào khác có được. Một cạnh tranh với Art Basel chăng? Ảnh: G. Kefflalas

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả