Thị trường

Tín hiệu tốt từ Art Basel 28. 06. 11 - 1:37 pm

Hồ Như Mai dịch

 

Sắp đặt Untitled - Không đề (Cho Barry, Mike, Chuck và Leonard), làm khoảng 1972-1975, của cố nghệ sĩ người Jamaica Dan Flavin (1933-1996) tại Art Basel. Ảnh: Arnd Wiegmann.

BASEL (REUTERS) – Các nhà sưu tập giàu có tại Art Basel, hội chợ nghệ thuật hàng đầu thế giới dành cho nghệ thuật đương đại và hiện đại lần này có lẽ phải dốc túi mạnh tay hơn nữa mới có khả năng mua được các tác phẩm chất lượng, khi thị trường đang có dấu hiệu trở về những mốc đỉnh trước khủng hoảng.

Khi lãi suất xuống thấp, nhiều nhà đầu tư tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư, và các kiệt tác của các họa sĩ thế kỷ 20 như Picasso và Miro, hay các ngôi sao đương đại như Anish Kapoor hay Antony Gormley lại được ráo riết săn đón.

Tác phẩm Jack Lemmon (2011) của nghệ sĩ Mỹ Rachel Harrison.

Gần 300 máy bay riêng đỗ xuống sân bay Basel trong ngày đầu hội chợ, đem theo những VIP như siêu mẫu Naomi Campbell và Linda Evangelista, và đến hôm thứ Tư và thứ Năm, khi hội chợ mở cửa cho công chúng thì vẫn còn rất nhiều nhà sưu tập được mời riêng ở lại.

Những người yêu thích nghệ thuật và các nhà buôn đến đây để ngắm nghía các tác phẩm được trưng bày, dùng những chiếc điện thoại di động đời mới nhất để chụp ảnh gởi cho khách hàng hay lén bỏ những mấu tin nhắn viết tay vào các túi xách đắt tiền.

Một phóng viên truyền hình đang chụp ảnh tác phẩm điêu khắc "Accumulation of dark matter" (Sự tích tụ vật chất tăm tối) của nghệ sĩ Mỹ Daniel Jackson. Ảnh: Arnd Wiegmann.

Khai mạc năm nay đông hơn hẳn năm ngoái. Thị trường cảm giác chung khá là chắc, không điên rồ nhưng vững chắc.

Philip Hoffman, giám đốc điều hành của Fine Art Fund Group, có tài sản khoảng 100 triệu đô, nói rằng quỹ của ông này đã bán được những tác phẩm có giá trị khoảng 8 triệu đô ngay ngày đầu tiên ở hội chợ. “Với tình trạng tỷ giá thay đổi liên tục, lãi gần như không có gì và lạm phát 4.5 phần trăm ở London, nhiều người đang xem nghệ thuật là nơi an toàn để đổ tiền đầu tư,” ông nói. “Chúng tôi đã thấy rất nhiều người đổ xô đi mua và nhiều tác phẩm chất lượng cao bán được với giá kỷ lục, trên mức hồi năm 2007-2008.” Ông còn nói thêm rằng những tác phẩm được định giá vừa phải có thể bán được chỉ trong vòng một đến hai giờ đồng hồ tại hội chợ.

Một bức tranh không đề từ năm 1985 của cố họa sĩ Mỹ Keith Haring (1958-1990). Ảnh: Arnd Wiegmann

Nhiều gallery lớn đã phải bố trí lại gian trưng bày do các tác phẩm đầu tiên bán quá nhanh, và tại Daniel Templon, khoảng 90 phần trăm tác phẩm về tay những khách mua người châu Âu. “Năm nay có rất ít người Mỹ,” một chủ gallery nói. “Tôi nghĩ có lẽ là do đồng đô la đang yếu.”

Art Basel có đến 300 gallery từ khắp thế giới và hơn 2500 nghệ sĩ trong đó có cả thế hệ mới nhất của các ngôi sao đang nổi đến trưng bày tranh, tác phẩm điêu khác, ký họa, sắp đặt, nhiếp ảnh và video.

Một người đang ngắm bức tượng Young Self - Portrait (Tự họa hồi trẻ) của nghệ sĩ gốc Nam Phi Evan Penny. Ảnh: Arnd Wiegmann

Tổng giá trị các tác phẩm trưng bày tại Basel lần thứ 42 này là khoảng 1.75 tỉ đô, theo lời chuyên gia bảo hiểm Hiscox, tức là tăng 15 phần trăm so với năm ngoái. Nói chung, tâm trạng ở hội chợ lần này là cực kỳ lạc quan. Cứ như năm 2007 đang trở lại vậy. “Thị trường cho các nghệ sĩ mới nổi mạnh hơn những năm gần đây, và đây chính là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang mạnh lên.” Hiscox nói thêm rằng ông đã khuyên các khách hàng nên mạnh tay hơn bởi nhu cầu đang tăng, khiến cho việc mua được những tác phẩm nổi bật trở nên khó hơn.

Bức tranh có tên Blah, Blah, Blah (2010) của nghệ sĩ Mỹ Mel Bochner. Ảnh: Arnd Wiegmann

Người mua đến từ khắp nơi trên thế giới, Trung Quốc, Mỹ, Nga. Một luồng năng lượng mới thực sự hiện diện ở đây. Người ta băt đầu muốn tiêu tiền trở lại, nhưng có tính toán và chọn lọc hơn. Với tác phẩm có chất lượng cao, họ sẵn sàng trả giá xứng đáng.

Tác phẩm Sarah của nghệ sĩ Mỹ Alex Katz. Ảnh: Arnd Wiegmann

Đương nhiên không phải ai cũng vui trước việc thị trường nghệ thuật phất lên. Việc các nhà đầu tư chuyển sang nghệ thuật đang làm cho mọi thứ trở nên đắt đỏ, ngay cả đối với những tay mê nghệ thuật giàu có nhất, theo lời một nhà sưu tập người Hà Lan, người rất mê một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ của nghệ sĩ Anh quốc Tony Cragg nhưng lại bị giá quá cao làm nản lòng. “Chủ gallery đòi 360 ngàn euro. Tôi chỉ mua được với nửa giá đó là cùng.”, nhà sưu tập này phát biểu, yêu cầu giấu tên. Ông nói thêm rằng các tác phẩm của những nghệ sẽ đương đại như Damien Hirst hay Jeff Koons có thể sẽ đạt đến những mức giá vô lý.

*

Bài liên quan:

– Tin-ảnh: Art Basel năm nay
– Tín hiệu tốt từ Art Basel

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả