Nghệ sĩ thế giới

Mọi con mắt đổ vào nàng… 29. 06. 11 - 6:47 am

Sarah Douglas - Hồ Như Mai dịch

 

Dasha Zhukova

Tham vọng, quyến rũ và quen biết rộng, nữ hoàng của giới nghệ thuật Nga Dasha Zhukova là biểu tượng của một nước Nga mới, một nước Nga muốn đầu tư tiền tỉ vào những dự án văn hóa cao cấp – chưa tính đến những tác phẩm đẹp nhất có thể vung tiền mua được.

10:30 sáng thứ Bảy tại New York, Dasha Zhukova đang chuẩn bị cho buổi chụp hình. Địa điểm là khu phố SoHo, nơi ở của giám tuyển độc lập Neville Wakefield và bạn gái là nghệ sĩ Olympia Scarry. Hai người đã đồng ý để tạp chí này dùng căn nhà thoáng đãng và đầy tác phẩm nghệ thuật của họ để chụp ảnh. Zhukova và Scarry là bạn rất thân và Wakefield đang làm giám tuyển cho một dự án ở Venice cho Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Garage (GCCC) – không gian nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận của Zhukova ở Moscow, sẽ ra mắt cùng dịp với tuần lễ khai mạc Biennale lần thứ 54. Zhukova năm nay 29 tuổi, mải mê thảo luận với nhiếp ảnh gia người Pháp Eric Guillemain về việc lên phong cách cho buổi chụp hình. Zhukova là dân kinh doanh, nhưng cũng hết sức vui vẻ thân thiện. Một số đạo cụ được đề nghị, ví dụ một cuốn sách để Zhukova cầm trên tay. Cô khẽ nhăn mũi khi cho rằng có lẽ Guillemain đang cố làm cho cô trông trí thức hơn.

Thật chẳng cần thiết phải làm như thế. Là con gái của một ông trùm ở Nga- Alexander Zhukov và là bạn gái của một ông trùm khác, Roman Abramovich, Zhukova từ lâu đã có tiếng về lối sống nay đây mai đó – cô vừa mới trở về từ kỳ nghỉ ở St. Barts, và trước đó thì đến dự mấy tuần lễ thời trang ở Moscow, London, và New York. Nhưng tiền và quan hệ xã hội chưa đủ để có thể thâu tóm được cả thế giới nghệ thuật trong tay. Zhukova cùng Abramovich thuộc loại những nhà sưu tập nghệ thuật hiện đại và đương đại nghiêm túc nhất thế giới, và GCCC, địa điểm nghệ thuật đương đại đầu tiên ở Nga, đã thực sự khuấy động giới nghệ thuật quốc tế khi vừa mở cửa vào tháng Chín 2008, tại một bến xe buýt cũ lắm ngóc ngách ở Moscow; nghe đâu Zhukova đã chi ra 3 triệu đô để cải tạo. Gần như chỉ sau một đêm Zhukova đã trở thành biểu tượng không chỉ của một nước Nga mới (một nước Nga muốn đầu tư bạc tỉ mới vừa kiếm được vào những công trình văn hóa) mà còn là biểu tượng sức mua của những thị trường mới nổi nói chung. Kéo theo sau là sự chú ý của truyền thông, mà không phải chỉ toàn những lời ve vuốt.

Abramovich và Dasha Zhukova

Một tháng trước buổi chụp hình, tôi gặp Zhukova ở Los Angeles, trong sảnh Polo Lounge ở khách sạn Beverly Hills. Trông cô rất thoải mái, thong thả, cô mặc áo len, quần jeans và mang giày bệt. Nhưng cô cũng không quên mang theo chuyên gia luật của riêng mình để bảo vệ. Hôm đó là một buổi sáng trời mưa, trong tuần diễn ra giải Oscar và khắp khách sạn đầy những nhân vật nổi tiếng. Nhiếp ảnh gia Terry Richardson đi lảng vảng trong sảnh, trong khi đó nghệ sĩ Steve Martin ngồi ở một góc tường, mải mê đọc sách. Zhukova trông tự nhiên như đang ở nhà – cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, mặc dù sinh ra ở Nga, cô lớn lên chủ yếu ở LA, theo học đại học tại UC Santa Barbara với ngành Sla-vơ học.

Để bắt đầu, tôi hỏi tuần rồi cô làm gì. Cô kể rằng vừa mới gặp những người bạn trong đó có nhà báo thời trang Derek Blasberg và nhà buôn nghệ thuật Andy Valmorbida, hai người cũng đang ngồi ở bàn cạnh đó, và hôm trước nữa thì đi thăm Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles (LACMA), nơi cô có chân trong hội đồng quản trị từ hai năm qua.

Cô cũng tham gia buổi khai mạc của Ed Ruscha tại chi nhánh Beverly Hills của Gogosian Gallery – cô thích các tác phẩm mới của Ruscha, rồi một buổi duyệt trước triển lãm Rodarte, nhãn hiệu thời trang mới của hai chị em Laura và Kate Mulleavy: “Họ thật tài năng, không thể tin được”. Sau buổi gặp tôi, cô sẽ đi ăn trưa tại nhà của Larry Gagosian ở Holmby Hills.

Nhưng tất cả những màn xã giao này, như cô háo hức nói tôi biết, không phải là chuyện chính. Lý do chính cô đến L.A là để xem nghệ sĩ trình diễn Marina Abramovic, cũng là người đang cùng cô lên kế hoặc triển lãm ở Garage, và gặp Klaus Biesenbach, giám tuyển của triển lãm của Abramovic năm 2010 tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, đồng thời cũng là giám đốc của MoMa PS1, có trách nhiệm trực tiếp tư vấn cho Zhukova về buổi triển lãm. “Tôi rất may mắn là kéo được mọi người tham gia về cùng một chỗ.” Đương nhiên, sự gặp gỡ này không có gì là tình cờ. Zhukova là bậc thầy thu vén, một vai trò cô hiểu rất kỹ, theo như Biesenbach: “Cô ấy luôn nói, ‘Tôi không phải là giám tuyển. Tôi không phải là nghệ sĩ. Tôi chỉ muốn học hỏi và ủng hộ’. Cô ấy rất rõ ràng về chuyện đó.”

Zhukova bắt đầu đụng đến nghệ thuật đương đại khi cô chuyển đến sống ở London với bố lúc vừa tốt nghiệp. Khi đó cô và một người bạn nghệ sĩ thường đi dự các buổi khai mạc, nhưng cô thực sự tham gia sâu vào thế giới này khi gặp Abramovich, tỉ phú dầu mỏ 44 tuổi người Nga, nhà sưu tập nghệ thuật, và chủ của một đội bóng ở Anh, một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới. Mối quan hệ của họ tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các tờ báo lá cải. Nghe đâu cô bắt đầu qua lại với Abramovich trước khi ông này li dị bà vợ thứ hai. Và theo một tin đồn hồi năm ngoái thì Abramovich đã mua tặng Zhukova 10 mẫu đất trên mặt trăng. Nhưng ít được bàn tán hơn và được giới văn hóa quan tâm sâu sát hơn vẫn là bộ sưu tập nghệ thuật của cặp này.

.

Tháng Năm 2008, Abramovich trả giá kỷ lục 86.3 triệu đô tại Sotheby’s New York cho tác phẩm tranh bộ ba năm 1976 của Francis Bacon, người ta còn nói rằng chính Abramovich cũng là người mua các tác phẩm hàng đầu tại đấu giá của Edgar Degas, Lucian Freud, Claude Monet và Gerhard Richter cùng với nhiều tên tuổi đắt giá khác. Zhukova không nói gì về bộ sưu tập của Abramovich và cũng thường tự trào về bộ sưu tập của mình. “Trong tiếng Nga bạn dùng hai từ khác nhau khi diễn tả bạn có một bộ sưu tập và bạn có một mớ tác phẩm,” cô nói “Một bộ sưu tập phải là thứ gì đó có sự gắn kết, ví dụ như bạn nghĩ đến các giai đoạn, các trào lưu nghệ thuật, và phải suy nghĩ thấu đáo. Những thứ tôi có chỉ là ngẫu nhiên, chỉ là cảm xúc thôi. Không có một mô hình cụ thể nào.” Cô rất yêu nghệ thuật và có chút gì hài hước. “Tôi có rất nhiều tác phẩm Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Tôi thực sự thấy được sự trớ trêu trong đó.” Cô cũng ngưỡng mộ Bacon, nhưng không nói rõ là liệu bức tranh bộ ba Abramovich treo ở căn nhà ở London có phải là tài sản chung của hai người hay không.

 

(còn tiếp)

*

Bài liên quan:

– Mọi con mắt đổ vào nàng…
– Mọi con mắt đổ vào nàng (phần 2)

Ý kiến - Thảo luận

19:34 Thursday,7.7.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Biết rằng Hồ Như Mai sống ở Đà Nẵng. Nhưng sao Em Có Ý Kiến lại biết Hồ Như Mai là phụ nữ. Ngờ bạn Em Có Ý Kiến Quá đi.
...xem tiếp
19:34 Thursday,7.7.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Biết rằng Hồ Như Mai sống ở Đà Nẵng. Nhưng sao Em Có Ý Kiến lại biết Hồ Như Mai là phụ nữ. Ngờ bạn Em Có Ý Kiến Quá đi. 
10:58 Wednesday,29.6.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Cám ơn chị Hồ Như Mai về bài dịch. Một chân dung thật đáng ngưỡng mộ của 1 sưu tập gia lẫy lừng, cho dù cô ấy mới 29 tuổi.

Em thích nhất câu này trong bài: "...Tôi có rất nhiều tác phẩm Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Tôi thực sự thấy được sự trớ trêu trong đó..."

Một người mới 29 tuổi mà nhìn ra được sự trớ trêu của nền mỹ thuật hiện thực XHCN. Bá
...xem tiếp
10:58 Wednesday,29.6.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Cám ơn chị Hồ Như Mai về bài dịch. Một chân dung thật đáng ngưỡng mộ của 1 sưu tập gia lẫy lừng, cho dù cô ấy mới 29 tuổi.

Em thích nhất câu này trong bài: "...Tôi có rất nhiều tác phẩm Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Tôi thực sự thấy được sự trớ trêu trong đó..."

Một người mới 29 tuổi mà nhìn ra được sự trớ trêu của nền mỹ thuật hiện thực XHCN. Bái phục bái phục. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả