Nghệ sĩ thế giới

Mọi con mắt đổ vào nàng (phần 2) 02. 07. 11 - 6:53 am

Sarah Douglas - Hồ Như Mai dịch

.

(tiếp theo)

Mối quan hệ giữa Abramovich và Zhukova là mối quan hệ của những nhà sưu tập nghệ thuật bị hiểu lầm, theo lời Gagosian. “Bạn vẫn hay nghe người ta nói rằng Dasha thích sưu tập nghệ thuật và cô ấy có anh bạn trai giàu sụ, chỉ đi theo viết check, nhưng thực chẳng đúng chút nào. Họ luôn làm việc cùng nhau, và Roman thực sự quan tâm đến nghệ thuật.”

Khi tạp chí Art+Auction tiếp cận Zhukova để viết bài, người ta thông báo rằng sẽ chỉ được gặp hết sức hạn chế. Theo lời người đại diện truyền thông của Zhukova là Nadne Johnson, cô vẫn còn ngán ngẩm sau bài viết trên The New Yorker của Julia Ioffe in hồi tháng Chín năm 2010. Vì Zhukova không nói gì nhiều với Ioffe, và thế là Ioffe nghĩ rằng Zhukova chẳng có gì để nói. Phóng viên này thấy Zhukova là người có gì đó hơi … ù lì, mô tả rằng thái độ của cô “hoàn toàn ba phải… làm người ta nghĩ đến một cái hồ đã cạn nước” và sau đó thì chỉ trích chuyện Zhukova quá kỹ trong việc để báo giới tiếp cận bản thân và bạn bè của mình.

Zhukova có thể trông hơi lạnh lùng, theo như Wakefield, một người quen với cô trong giới thời trang và nghệ thuật. Nhưng “một khi bạn đã thân với cô rồi, thì cảm giác đó cũng biến mất. Cô len lỏi vào nhiều giới, và có lẽ đó chính là cái cớ cho những người phê phán cô nói rằng cô không thực sự chuyên chú vào lĩnh vực gì. Nhưng khi đã quyết định ủng hộ điều gì thì cô sẽ làm hết mình – và chấp nhận rủi ro”.

Dasah và một vị khách trong ngày khai trương trung tâm nghệ thuật Garage của cô.

Zhukova có những người ủng hộ hết lòng ngay trong chính giới nghệ thuật. Thực tế là chẳng ai có thể nói gì xấu về cô, ngược lại, người ta hay tả cô là người giàu năng lượng và ham hiểu biết. Những kẻ yếm thế thì lại nói rằng ai mà muốn làm phật ý người có nhiều tiền đến thế! Nhưng người thực sự biết cô nghe thấy điều đó sẽ cảm thấy thật nực cười. Giám đốc Michael Govan mô tả cô là người “thẳng thắn”, “biết tập trung vào những mục đích lâu dài.” Kể từ khi tham gia vào hội đồng quản trị năm 2009, cô cũng là một thành viên tích cực trong việc hiện thực hóa những mục tiêu ngắn hạn hơn: Khi Govan đang thương lượng với bảo tàng Hermitage về vụ mượn tác phẩm cho triển lãm Gifts of the Sultans, cô liền sắp xếp ngay một buổi ăn tối cùng Govan và giám đốc bảo tàng là Mikhail Piotrovski ở St. Petersburg. Nói như Gagosian, “Cô là người vừa rất tự tin, vừa sẵn sàng thừa nhận là mình không biết điều gì đó.” Theo như Marc Glimcher, chủ tịch Pace Gallery, một khi bạn đã biết Zhukova, cô sẽ liên tục cho bạn thấy nhiều ý tưởng thật tham vọng: “Bạn sẽ cảm thấy mình y như một con ki bowling vậy, còn Zhukova thì liên tục ném quả bóng về phía bạn. Đôi khi cô làm bạn ngã lăn quay.”

Glimcher gặp Zhukova lần đầu tiên hồi tháng Mười Hai năm 2007. Cố vấn nghệ thuật người New York Sandy Heller, một chuyên gia về Rothko, cố lôi Glimcher cho bằng được từ phòng làm việc ở Art Basel Miami Beach đến khách sạn Raleigh để gặp Zhukova và cố vấn lúc đó của cô, cựu giám đốc Garage gallery mà mùa thu rồi đã chuyển đến làm việc cho Pace ở London. Zhukova rất quyết tâm đem tranh Rothko đến triển lãm ở Nga. Nhưng Glimcher lại hết sức hoài nghi. Nói đến chuyện hải quan và kiếm soát điều kiện khí hậu trong phòng treo tranh, Glimcher cương quyết, “Cứ thử nói với ai đó rằng hãy gởi tác phẩm Rothkos đến Nga mà xem, chưa gì đã biết là sẽ bị từ chối.” Nhưng kiến trúc sư Jamie Fobert, người điều hành dự án cải tạo Garage đã đảm bảo kiểm soát được khí hậu ở điều kiện tốt nhất trong tòa nhà do Konstantin Melnikov thiết kế năm 1926, và sau khi Pace bán lại một nhóm tác phẩm Rothko trị giá 150 triệu đô cho nhà tài phiệt hết thời J. Ezra Merkin, ông này đã đồng ý cho Zhukova mượn.

Tranh Rothko

Triển lãm lịch sử này khai mạc năm ngoái, 2010. Zhukova làm theo lời khuyên liều lĩnh của Irving Sandler, nhà phê bình và lịch sử nghệ thuật từ New York, là để đèn thật mờ trong gallery để tạo ra một môi trường có tính thiền, phù hợp với tâm trạng trong tác phẩm của Rothko. Phản ứng với cách trình bày này khá lẫn lộn, cô kể lại, vừa kể vừa cười, với một số người xem thì cho rằng cách trình bày có ý gợi nhớ đến thời kỳ thắt lưng buộc bụng của Liên Xô. “Người thì hiểu được ý mình, người thì hét lên ‘tệ quá, biết đây là nước Nga rồi, có cần làm thế không!”

Phòng trưng bày tranh Rothko

Sáu tháng qua, Zhukova liên tục theo đuổi những tham vọng của cô với thế giới nghệ thuật. Mùa thu vừa rồi cô thôi vị trí tổng biên tập của tạp chí thời trang Anh Pop và trở thành giám đốc sáng tạo của trang web Art.sy, chuẩn bị ra mắt đầu 2011. Trang web này sẽ đưa ra cho người xem những tác phẩm họ có thể thích, dựa trên những tiêu chí họ nhập lên trang web; trang hiện có nhiều người đầu tư, trong đó có người sáng lập Twitter là Jack Dorsey và Eric Schmidt của Google. Zhukova cũng là một nhà đầu tư trong lĩnh vực xuất bản, nhưng cô từ chối tiết lộ chi tiết.

Dasha trong vị trí người mẫu

Zhukova rời bỏ tạp chí Pop, theo cô nói là để tập trung vào Garage. Cô dự định chuyển gallery đến một địa điểm khác ở Moscow cuối năm nay, và mở thêm một chi nhánh ở St. Petersburg. Với chi nhánh này, cũng như nhiều dự án tham vọng khác, cô tìm kiếm những lời khuyên từ Govan và nhiều người khác. Cùng với sự mở rộng này, cô đã lập nên một nhóm làm việc mới, đứng đầu là Anton Belov, 28 tuổi, từng làm trong lĩnh vực xuất bản nghệ thuật ở Moscow. Hai người có chung kỳ vọng về cơ sở 3 năm tuổi này, với tiêu chí, theo như lời cô là, “làm cho nó dân chủ hơn… cho cả những người không biết về nghệ thuật.”

Zhukova giải thích chuyện chuyển địa điểm, chỉ ra rằng không gian hiện tại của Garage, mặc dù rất đẹp và có ý nghĩa lịch sử, nhưng có thể “khó làm việc.” Ngoài ra, cô kể mà không nói cụ thể, còn có những phức tạp với chuyện thuê nhà: tòa nhà gạch đỏ với diện tích hơn 8500 mét vuông thực ra thuộc sở hữu nhà nước và được Garage thuê lại từ Liên hiệp các cộng đồng Do thái ở Nga, nơi Abramovich có chân trong hội đồng quản trị. Zhukova cũng thấy rằng vị trí gần sân vận động Olympic là một hạn chế. “Giao thông ở Moscow rất chán,’ và Garage cách hai bến tàu điện gần nhất 15 phút đi bộ.

Bức ảnh cũ cho thấy từ một nhà ga xe bus đã biến thành trung tâm nghệ thuật Garage như thế nào. Ảnh bên cạnh là Dasha với hai nghệ sĩ đầu tiên của trung tâm: Ilya và Emilia Kabakov

Melnikov Garage sẽ đóng cửa với tiếng tăm lớn. Triển lãm cuối cùng của nó, khai mạc hồi tháng Chín để trùng với Moscow Biennale lần thứ tư, chính là một phiên bản của buổi trình diễn của Marina Abramovic ở MoMa, với sự tham gia của người xem, rõ là rất phù hợp với tiêu chí dân chủ hóa mà Zhukova dành cho GCCC. Số người xem ở Garage rất ấn tượng: 200,000 lượt tham quan đầu tiên và 100,000 một tháng trong suốt kỳ Moscow Biennale vừa rồi.

Một sắp đặt ánh sáng của Rafael Lozano Hemmer tại Garage

Đối với chi nhánh St. Peterburg, Zhukova dự định sẽ mở cửa khu phức hợp nghệ thuật trị giá 400 triệu đô mà Abramovich đang cho xây trên hòn đảo nhân tạo New Holland (ông từng mở cả cuộc thi để tìm kiếm kiến trúc sư cho công trình này. Danh sách những người được mời tham gia thi chọn có cả công ty ở London, David Chipperfield and Dixon Jones Architects, và những công ty của Nga như Alexander Brodsky, Studio 44 và Yuri Avvakumov). Trong khi hết sức tôn trọng bối cảnh của nơi này, Zhukyova cũng nói rằng cô muốn thiết kế cũng phải “có sự bứt phá”.

Khu phức hợp New Holland đầy hứa hẹn nhưng cũng có nhiều khó khăn về hậu cần. Gagosian, từng tổ chức nhiều dự án nghệ thuật đương đại ở St. Petersburg, nói rằng khu này “ sẽ thực sự thay đổi bộ mặt thành phố”, hiện giờ vẫn không có nhiều hoạt động nghệ thuật đương đại cho lắm. Trong vòng một thập kỷ qua, bảo tàng Hermitage danh giá chỉ mới thuê một giám tuyển ở mảng này là Dmitry Ozerkov (cũng là một trong những cố vấn của Zhukova ở GCCC). Địa điểm từ lâu bỏ trống này có một nền tảng lâu đời, cần được củng cố một cách tinh tế. Shalva Chigirinsky và Igor Kesaev, hai chuyên gia địa ốc và sưu tầm nghệ thuật từng cố thực hiện một dự án ở đây, nhưng thất bại. Mặc khác, thành phố này cũng chính là quê hương của tổng thống Vladimir Putin, khiến người ta đoán rằng những dây mơ rễ má của Abramovich với điện Kremlin chắc hẳn đã góp phần giúp dự án này thành hiện thực.

Trong khi đó, Zhukova vẫn đang làm việc với Wakefield, chuẩn bị cho triển lãm Venice: một màn hình JumboTron trôi trên kênh Grand Canal và chiếu những đoạn phim ngắn của các nghệ sĩ, với chủ đề quay quanh ngôn ngữ quảng cáo. Nếu đúng như dự kiến, mọi thứ sẽ có gì đó hơi mỉa mai chua chát, vì dự án được thực hiện ở một thành phố có nền tảng thương mại và đã từng cố gắng cấm các quảng cáo nơi công cộng. Khái niệm này nghe giống như một “chai ki bowling” của Zhukova, nói như Glimcher, lần này quả bóng ném về giới nghệ thuật quốc tế. Và chắc chắc sẽ ném trúng đích.

*
Bài này đăng lần đầu trên số tháng 6 của tạp chí Art+ Auction.

 

*

Bài liên quan:

– Mọi con mắt đổ vào nàng…
– Mọi con mắt đổ vào nàng (phần 2)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả