Nhật ký cuối cùng cho Tây Sơn Hào Kiệt
24. 05. 10 - 10:35 am
MINH ĐỨC (Thỏ Trắng)
5. 5. 2010: Trong điện ảnh, chẳng lẽ cứ chê = đập?
Thực sự là đã hết choáng rồi, nhưng thấy thiên hạ vẫn xôn xao nên lòng không… đặng. Hôm qua em V. alo phỏng vấn vài câu xin ý kiến, bảo em lấy cái note của anh edit lại tùy ý mà đưa lên. Em ấy bảo anh Lý Hùng đang chửi rủa om xòm lên vì cái bài của bạn Quý trên Tuổi Trẻ. Tôi nghĩ, chửi cái gì mà chửi, người ta góp ý cho là phúc í, ở đó mà hoang tưởng, tưởng mình vẫn là Thăng Long Đệ Nhất Sát Thủ à. Chiều nay đọc blog Phanxine thấy tranh luận tưng bừng kẻ bênh người chống, kẻ chả ra bênh chả ra chống ỡm ờ đủ kiểu. Vậy cho nên muốn chếnh choáng tí nữa quanh cái vụ án Tây Sơn rôm rả này. Tôi thấy có một suy nghĩ không ổn ở nhiều người rằng cứ thấy ai chê phim/nhạc v.v và v.v của ai đó thì cho rằng người ta “đập”. Hồi mới vào Sài Gòn làm việc, có viết vài bài phản ảnh văn nghệ nhẹ nhàng thôi, mà có bạn đồng nghiệp đã alo bảo sao lại đập người ta sát ván thế. Tôi cho rằng chê và đập là rất khác nhau, khác nhau ở tính chất, ở động cơ. Trường hợp phim Tây Sơn Hào Kiệt, tôi nghĩ những người bênh phim đó hay bênh người làm phim đó chắc là chưa xem phim. Chưa xem thì dễ tin quảng cáo, hay đánh đồng công sức tiền của với giá trị bộ phim. Thật sự là cái phim Tây Sơn Hào Kiệt, cho dù được làm ra với tâm huyết, tiền của ra sao, thì nó vẫn là một bộ phim dở kinh hoàng, dở về mọi phương diện, tất nhiên có nhiều lý do khách quan cho cái dở, nhưng khi đã lên phim thì dở là dở, vậy thôi, mọi lý do đưa ra để bào chữa cũng không thể biến cái dở thành hay được. Và tất nhiên, dở thì phải bị chê. Như thế người làm phim mới tỉnh táo mà lần sau rút kinh nghiệm. Chứ khen vỗ về động viên để mà làm tăng sự hoang tưởng của người ta, rồi lỡ lại có Tây Sơn sequel thì chết à! (chết vì cười í)! Mọi người rành phim ảnh chắc biết cuốn Your Movie Sucks của ông Roger Ebert. Cuốn đó ông này review các bộ phim rất dở, rất dở thế nào: Thường phim dở quá thì người review họ cho 1 sao hay không sao nào, nhưng vẫn còn những phim dở dưới mức không sao kia, dưới mức “không có gì” nữa kia (muốn biết thêm dưới ngưỡng không có gì có nghĩa là gì thì đọc thêm phần lý luận của lợn con Wilbur trong truyện Mạng nhện của Charlotte nha). Tôi thấy cuốn này ở mấy nhà sách Kinokuniya mấy lần, cầm lên đọc qua rất khoái chí, mà chưa mua. Lần trước Thong Do có nhắc đến nó trong cuộc trò chuyện rôm rả, có lẽ tôi sẽ mua tặng nó cho nhà phê bình Lâm Lê (sinh nhật chẳng hạn). Trên Google Books có cho đọc miễn phí kha khá trang của cuốn này, các bạn có thể vào đọc nếu chưa có sách. Tôi không cho rằng ông Ebert đập ai khi ông chê các bộ phim trong các bài review nổi tiếng của mình. Và tôi tin nếu ông xem Tây Sơn Hào Kiệt, ông sẽ cho phim này vào ấn bản cập nhật của cuốn Your Movie Sucks.
20. 5. 2010: Tưởng niệm thôi! Thực sự là không còn ham muốn nói về cái phim này nữa, nhất là sau khi nó đã thất bại thảm hại tại các rạp – người trong nghề chiếu bóng bảo tui thế, một thất bại hiển nhiên, phản ánh đúng sự lạc thời của cả phim lẫn người làm phim. Nhưng vì tối qua có việc qua rạp Đống Đa, thấy poster vẫn chình ình ở đó, động lòng hỏi người nhà rạp xem phim này khách khứa ra sao, đáp rằng vắng hoe à nhưng vẫn chiếu đủ định mức 2 tuần, vậy là tốt lắm rồi, những tưởng chỉ ế ở mấy cái rạp sành điệu kiêu kỳ, như là rạp mà nhà này đã kéo nhau đi xem có tổng cộng 5 mống mà 2 mống bỏ về trước, vậy mà ở Đống Đa vẫn cứ ế như thường. Nói vậy để thấy ca này là tuyệt vọng rồi. Cho dù báo Thanh Niên có đem lòng yêu nước ra bảo kê, làm như đang kêu gọi Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, cho dù vẫn báo này có huy động cả nữ thi sĩ Nha Trang đem cả gia đình mình ra bảo đảm, cho dù báo Công An có tạo cơ hội bác Lý Huỳnh đăng đàn thanh minh dã sử không phải lịch sử, rằng cầu phao đúng là quay ở sông Hồng (cho dù mùa cạn như con mương), rằng đồn Ngọc Hồi là tranh tre nứa lá (theo cách hiểu của bác), cho dù UBNDTPHCM có tặng bằng khen cho đoàn phim… thì phim ế vẫn hoàn ế. Và nếu còn nghĩ như anh Lý Hùng, thì sẽ vẫn còn những thảm họa tương tự xảy ra. Anh í viện dẫn Oliver Stone sang Thái thuê được có 10 con voi, còn anh í có những 5 chục con. Xin lỗi anh, có phim người ta chả cần con voi nào mà lên phim nó thành hàng trăm hàng ngàn con hùng dũng như thật chứ không phải lảo đảo lộn xộn như mấy con voi du lịch bị nhổ trụi lông nhà anh. Người như ông Oliver ông í cũng chỉ cần chừng đó con là đủ, lên phim vẫn cứ hay như thường, chả cần phải đi tranh kỷ lục Việt Nam với anh. Trong thời gian phim còn chiếu, tui thấy nhiều bạn cũng bênh vực phim này, bạn nào chưa xem thì đem lòng yêu nước đoán mò ra kêu gọi mọi người đi xem, bạn nào xem rồi thì đều thấy nó kinh nhưng vì dây mơ dễ má sao đó cũng kêu gọi đi xem, lý do chung nhất, và có lẽ cũng là duy nhất để mọi người vin vào đó kêu gọi đi xem, và vớt vát chút giá trị cho phim, ấy bởi đây là phim tư nhân. Vì là phim của tư nhân cho nên phải ưu ái, phải thông cảm, phải không được chê, phải này phải kia. Lúc đó tui rất muốn hỏi mấy bạn í. Rằng: Nếu một bộ phim i sì thế này, nhưng lại là “phim nhà nước”, liệu có bạn có ưu ái nó thế không, hay các bạn lại có cơ hội mừng rỡ nhảy vào đánh hội đồng cho sướng. Dẫu sao một bộ phim đã chết. Cho nên có lời tưởng niệm.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
15:21Tuesday,1.6.2010Đăng bởi: phanxine
Hồi hôm rồi tui có viết về chuyện các bạn báo chí cùng nhau "đập" phim Việt Nam - thiệt ra là đập phim tư nhân. Tranh luận cũng ghê thiệt, hơn cả trăm comment. Cũng vui. Tức là cũng nhiều người quan tâm đến điện ảnh nước nhà. Hôm nay có đọc bài trên SOI của anh Minh Đức Thỏ Trắng về phim Tây Sơn Hào Kiệt, đồng tình mấy điểm, nhưng cũng thấy không đồng tình mấy ...xem tiếp
15:21Tuesday,1.6.2010Đăng bởi: phanxine
Hồi hôm rồi tui có viết về chuyện các bạn báo chí cùng nhau "đập" phim Việt Nam - thiệt ra là đập phim tư nhân. Tranh luận cũng ghê thiệt, hơn cả trăm comment. Cũng vui. Tức là cũng nhiều người quan tâm đến điện ảnh nước nhà. Hôm nay có đọc bài trên SOI của anh Minh Đức Thỏ Trắng về phim Tây Sơn Hào Kiệt, đồng tình mấy điểm, nhưng cũng thấy không đồng tình mấy điểm...
Đồng tình là phim dở thì chê, mà không phải chê có nghĩa là đập. Tui chưa xem phim TSHK nên tui cũng không có khen nó hay dở, cũng chẳng có kêu gọi ai đi xem hay ngăn ai đừng đi xem hết. Lý do tui có cái bài kia là bởi vì trong một thời gian ngắn trên hai tờ báo tên tuổi có hai bài chê phim VN tan nát, mà phim hay hay dở gì cũng bị chê thậm tệ, không có chỗ nào ngóc đầu lên được.
ĐMT thì thôi tui đã nói rồi. Cái TSHK thì nói thêm chút, là cái phim đó nó dở thì chê nó là đúng. Đúng, dở thì chê, nhưng chê làm sao cho người ta tỉnh ngộ ra, chớ chê những chuyện kiểu 'phim không làm đúng lịch sử' thì hoang mang quá độ cho người ta. Phim dở đâu phải tại làm không đúng lịch sử. Phim dở vì nó dở, vì người kể chuyện dở. Bọn Hollywood chúng làm phim có đúng lịch sử đâu mà dân chúng ta nói chết mê chết mệt. Bọn Tàu chúng có làm phim đúng lịch sử đâu mà dân chúng cũng chết mệt chết mê. Làm sai lịch sử mà hay thì vẫn hay, mà làm đúng lịch sử mà dở thì vẫn dở.
Anh Thỏ Trắng hehee với giọng điệu rất là hài hước như con cước, mỉa mai như con nai, thâm thúy như con chí bảo rằng, phải chê chứ khen rồi lỡ chẳng may có TSHK sequel thì chết. Nói chung là anh quá lo xa vì phim này tiền tư nhân bỏ ra, thua lỗ chổng vó thì thôi dẹp, dù có được khen thì cũng chả có tiền mà làm tiếp, dù phim có hay, có nghệ thuật thiệt đi chăng nữa cũng chả ai cho tiền mà làm. Không phải như thể loại phim Nhà Nước được khen thì dù có lỗ sặc máu thì các bác đạo diễn vẫn cầm báo đi khắp nơi mà chỉ vào bảo 'đây này, các báo khen nhá, lần sau làm phim cúng cụ phải cho tôi nhiều tiền hơn".
Cho nên anh hỏi, "Nếu một bộ phim i sì thế này, nhưng lại là “phim nhà nước”, liệu có bạn có ưu ái nó thế không, hay các bạn lại có cơ hội mừng rỡ nhảy vào đánh hội đồng cho sướng" thì tui xin khẳng định, có, có chứ, bởi vì cái vụ tranh nhau xẻ thịt ăn thây ông Lý Công Uẩn nhân dịp 1000 Thăng Long há chẳng phải cũng có vài bác đạo diễn vốn làm phim dở khẹc nhưng nhờ sự ưu ái cộng với hèn nhát chịu trận của nhiều bạn nhà báo 'phải khen phim Nhà Nước cúng cụ vì làm nhiệm vụ chính trị' đã lôi thành tích đó ra mà bảo 'tui xứng đáng làm phim 200 tỷ' đó ư?
Mà có mấy bạn dám thực sự viết chê phim dở i sì như thế nếu đó là phim Nhà Nước đặt hàng?
Chẳng hạn như phim Đừng Đốt, vì các bạn báo chí nước ta ca ngợi kinh khiếp mà mấy thầy trường tui đã mời sang để chiếu. Sau này mỗi lần tui gặp người đã nghĩ ra chuyện mời chiếu phim Đừng Đốt, tui vì xã giao lịch sự vì tưởng người ta thích phim thì mới mời, đã cũng lịch sự khoe, phim đấy mới đoạt giải thưởng ở nước tao đấy. Người đó thở dài bảo, ôi, cái phim ấy... nhất là cái đoạn ở Mỹ đấy, cứ như là gia đình Việt Nam chứ chả thấy giống gia đình Mỹ gì cả. Chắc do ông đạo diễn tưởng tượng ra. Xong người đó lại thở dài, vậy chắc điện ảnh nước mày còn yếu kém lắm hả, vì phim hay nhất mà như thế.
nghe nói xong, tui cũng thở dài chả biết nói sao luôn.
Ừa, thì tui mong chờ anh Thỏ Trắng và bạn bè hôm nào chê các phim Nhà Nước đặt hàng rồi mong chờ bạn của anh có dũng khí lấy bài anh viết đăng lại trên các báo mainstream. Nhưng chắc mong chờ vậy thôi, xong ngồi hát bài hát Geisha 'nhiều khi mơ ước chỉ là mơ ước thôi'.
Ừa, thì đành chịu vậy!
...xem tiếp