13. 7: Frida Kahlo “ra đi vui vẻ và không mong quay lại”
13. 07. 11 - 9:26 pm
Khôi Nguyên tổng hợp
13. 7 là ngày mất của nữ họa sĩ Mexico Frida Kahlo de Rivera. Trong ảnh: một khách tham quan đi ngang hai bức tranh của Frida Kahlo, “Chân dung người đàn bà mặc đồ trắng” và “Autobus” trong một triển lãm hồi tưởng về bà tại Berlin hồi tháng Tư năm 2010 - một triển lãm lớn nhất từ trước tới nay về Frida Kahlo, diễn ra từ tháng 4 tới tháng 8. 2010. Ảnh: Jens Kalaene
Cuộc đời Kahlo bắt đầu và chấm dứt tại Mexico City, trong ngôi nhà bà có tên là Nhà Xanh (Blue House). Người ta nói Kahlo rất thích khi nghĩ năm sinh của mình trùng với năm bắt đầu cách mạng Mexico, như thế cuộc đời bà sẽ bắt đầu với sự khai sinh của một Mexico hiện đại. Khi lên sáu, Frida bị bại liệt, khiến chân phải bà teo đi, vì thế sau này bà hay mặc váy dài, sặc sỡ. Người ta còn nói thực ra bà bị chứng cột sống đôi ngay từ lúc mới sinh - một chứng bệnh làm ảnh hưởng đến cả cột sống và chân. Tuy vậy, với tính khí như con trai, Frida vẫn chơi đấm box và các môn thể thao khác.
Kahlo có lẽ là họa sĩ nữ xui xẻo nhất: vào ngày 17. 9. 1925, chiếc xe bus chở bà va chạm với một chiếc xe goòng, và Frida Kahlo bị chấn thương nặng. Bà gãy cột sống, gãy cổ, gãy nhiều xương sườn, xương chậu, gãy chân trái thành 11 đoạn, bàn chân phải bị nghiền nát, vai bị trật. Chưa hết, một tay vịn bằng sắt còn đâm vào bụng và tử cung, khiến sau này bà vĩnh viễn không thể mang thai. Frida Kahlo đã phải nằm bất động và đau đớn trong ba tháng liền.
Mặc dầu sau đó đã bình phục và cuối cùng đi lại được, nhưng Kahlo vẫn bị tái đi tái lại những cơn đau cùng cực cho đến hết đời. Đau đến mức bà thường xuyên phải vào bệnh viện nằm, có khi hàng mấy tháng trời. Bà đã phải trải qua 35 lần phẫu thuật, chủ yếu là mổ cột sống và chân. Sau tai nạn, Kahlo vẽ tranh nhiều, chủ yếu trong những lúc nằm viện, với giá vẽ được mẹ làm riêng để dễ sử dụng. Bà thường vẽ chính mình. “Tôi vẽ chính tôi vì tôi thường xuyên quá cô đơn, và vì tôi là chủ thể mà tôi biết rõ nhất”.
Khi còn trẻ, Kahlo kết bạn với họa sĩ nổi tiếng Mexico, Diego Rivera, người mà bà vô cùng ái mộ và thường xuyên đến xin lời khuyên về nghề nghiệp. Ông đã nhận ra tài năng của Kahlo. Họ yêu nhau, cưới nhau năm 1929, bất chấp bà mẹ của Frida phản đối.
Nhưng hôn nhân của họ thường xuyên trục trặc. Cả hai cùng thất thường, nóng tính, và lăng nhăng. Kahlo lưỡng tính quan hệ với cả đàn ông lẫn đàn bà, Rivera biết và chấp nhận những mối quan hệ nữ-nữ của vợ, nhưng ghen với những quan hệ nam-nữ của Frida. Phần ông, ông ngoại tình với em gái bà là Cristina. Frida giận dữ. Họ bỏ nhau tháng 11. 1939 nhưng tái hôn tháng 12. 1940. Lần kết hôn sau cũng vẫn trục trặc y như lần trước.
Kahlo cũng từng ngoại tình với Leon Trotsky khi ông sống lưu vong tại Mexico vì mâu thuẫn với Stalin, tá túc trong nhà bà. Sau khi chuyện tình bị vỡ lở, Trotsky và vợ phải chuyển sang nhà khác; Tại đây, vào năm 1940, ông bị ám sát. Frida đã tóm tắt về cá tính và tài năng của mình như sau: “Tôi sinh ra là một kẻ hoang đàng. Tôi sinh ra là một họa sĩ”. Trong ảnh: Trosky (đeo kính, suit đen) và Kahlo tại nhà bà, Blue House, vào năm 1939.
Khi vẽ tranh, Frida hay dùng những trải nghiệm cá nhân, kể cả hôn nhân, những lần sảy thai, vô vàn lần phẫu thuật làm đề tài. Các tác phẩm của Kahlo thường đặc trưng bởi những chi tiết liên quan đến mổ xẻ, đau đớn, chịu đựng (nhưng mặt thản nhiên). Kahlo nói, “Tôi không bao giờ vẽ những giấc mơ. Tôi vẽ hiện thực của chính mình…".
Tranh của Kahlo chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa bản địa Mexico: dùng màu rực rỡ và các biểu tượng nhiều kịch tính. Bà hay chèn những con khỉ - biểu tượng của Mexico về dâm dục – nhưng Kahlo lại biến chúng thành những biểu tượng mang tính che chở và dịu dàng (có lẽ tình dục là một yếu tố an ủi lớn của bà). Trong ảnh: Bức “Khỉ thiên đàng”.
Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo, văn hóa Mexico nói riêng và châu Mỹ Latin nói chung thường có mặt trong tác phẩm của bà. Tranh của bà được coi là “siêu thực” và một nhà siêu thực đã gọi bà là “dải ruy-băng cột quanh quả bom”. Năm 1939, Kahlo đến Pháp làm triển lãm. Tại đây, điện Louvre đã mua một bức tranh của bà, đó cũng là tác phẩm đầu tiên của một nghệ sĩ Mexico thế kỷ 20 được một bảo tàng danh giá nhường ấy mua. Trong ảnh: Bức “Bữa tiệc ly” dựa theo một tích trong Tân ước.
Về lý tưởng chính trị, Frida là một người yêu chủ nghĩa cộng sản, như chồng bà, Rivera. Bà thường cùng chồng tham gia những cuộc vận động, biểu tình ủng hộ Đảng. Họ đều là đảng viên Đảng Cộng sản Mexico.
Frida Kahlo mất ngày 13. 7. 1954, ít ngày khi bước sang tuổi 47. Vài ngày trước khi chết, bà viết trong nhật ký: “Tôi hy vọng sự ra đi sẽ vui vẻ… và tôi hy vọng không bao giờ quay lại nữa… Frida”. Nguyên nhân cái chết được công bố chính thức là thuyên tắc động mạch phổi, mặc dù một số người nghi ngờ rằng bà chết vì dùng thuốc quá liều (mà có thể do vô tình hoặc hữu ý). Người ta đã không tiến hành sinh thiết cho bà. Một năm trước đó bà đã rất yếu, chân phải đã bị cưa đến đầu gối do hoại thư. Trong nhật ký, Diego Rivera viết rằng ngày Kahlo mất là ngày bi thảm nhất đời ông, và ông thêm vào (quá trễ), rằng lúc đó ông mới nhận ra, rằng phần đời kỳ diệu nhất của ông chính là lúc ông yêu bà. Trong ảnh: Bức “Rễ” của Frida Kahlo.
Người ta đựng tro thiêu bà trong một chiếc bình từ thời tiền Columbia và đặt trong ngôi nhà bà sống, La Casa Azul (The Blue House), ở Coyoacán. Ngôi nhà ấy, từ 1958 đã trở thành bảo tàng, trưng bày tranh bà và những hiện vật về một cuộc đời sóng gió, đáng thương, và đáng thèm muốn.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
19:13Sunday,25.9.2016Đăng bởi: Nguyen Thanh Huong
Bài rất hay và đầy đủ về nữ họa sĩ, cảm ơn tác giả và SOI ...xem tiếp
19:13Sunday,25.9.2016Đăng bởi: Nguyen Thanh Huong
Bài rất hay và đầy đủ về nữ họa sĩ, cảm ơn tác giả và SOI
...xem tiếp