Tin tức

Tin-ảnh: Từ 10 ngày trước… 11. 08. 11 - 6:57 am

Hữu Khoa tổng hợp

Một người đi ngang qua tác phẩm của nghệ sĩ Nhật Amano Yoshitaka tại sảnh Triển lãm và Nghệ thuật Cộng hòa Liên bang Đức (Bundeskunsthalle), Bonn. Từ 29. 7 đến tận 8. 1. 2012, triển lãm “Anime! High Art – Pop Culture” diễn ra tại đây, trình bày lịch sử, các phương pháp sản xuất và quan điểm thẩm mỹ của hoạt hình Nhật, từ những thứ rất sơ khai của buổi mở đầu, những sản phẩm hoạt hình ăn khách nhất, đến những nhân vật màn ảnh nhỏ được ưa chuộng của cuối những năm 1970s, và cả những games vi tính. Triển lãm khai thác sự say mê của hoạt hình và ngôn ngữ hình ảnh rất ly kỳ, nhiều kịch tính của nó. Ảnh: Oliverberg

 

Một phụ nữ đứng trước bảng thông tin về hoạt hình tại triển lãm “Anime! High Art – Pop Culture”. Triển lãm bắt đầu bằng thể loại hoạt hình cho thiếu nhi, giới thiệu những sản phẩm hợp tác thời xưa của các xưởng hoạt hình Đức và Nhật, cũng như các bộ hoạt hình của Studio Ghibli nổi tiếng. Sau đó đi tiếp đến loại hoạt hình Shōjo chuyên dành cho con gái với những câu chuyện lãng mạn, còn Shōnen dành cho con trai, đề cao lòng can đảm, tình bạn, sự trung thành trong các cuộc chiến đấu chống quái vật và các thế lực ma quỷ. Nhưng không chỉ có nhi đồng và thiếu nhi bị hoạt hình hấp dẫn: người lớn cũng có hoạt hình Seinen của họ, bao gồm cả hoạt hình sex và hoạt hình khoa học (những gian trưng bày này có cấm trẻ con vào không nhỉ?). Triển lãm kết thúc bằng việc khám phá hoàn cảnh hiện tại của Nhật đã được phản ảnh qua hoạt hình đương đại ra sao. Ảnh: Oliverberg

 

TOKYO – Du khách tụ tập tại Hội chợ Nghệ thuật Tokyo 2011, Tokyo, Nhật. Đây là hội chợ nghệ thuật lớn nhất của Nhật, giới thiệu các gallery nội địa và quốc tế, với nhiều loại tác phẩm của nhiều thời kỳ khác nhau. Hội chợ này diễn ra trong 3 ngày, từ 29 tới 31. 7. 2011. Ảnh: Franck Robinchon

 

TOKYO – Một nhân viên gallery đứng gần một tác phẩm của nghệ sĩ Nhật Katsura Funakoshi tại Art Fair Tokyo 2011 (Hội chợ Nghệ thuật Tokyo 2011). Hội chợ diễn ra trong 3 ngày, từ 29 tới 31. 7. 2011. Ảnh: Franck Robinchon

 

Trong lúc đó, Pháp đang rậm rịch chuẩn bị cho FIAC. Trong ảnh là quang cảnh (chuẩn bị) hội chợ nghệ thuật đương đại FIAC tại Grand Palais, Paris, sẽ diễn ra vào tháng 10. 2011. FIAC 2011 sẽ có 1681 gallery nghệ thuật đương đại tham dự, đến từ 21 nước. Riêng Pháp có 53 gallery, chiếm 33% các nhà trưng bày, tiếp theo là Hoa Kỳ với 27 gallery, Đức là 21, Ý là 13, Bỉ có 11, Anh có 9 và Thụy Sĩ có 9 gallery. 73% các gallery tham dự là của châu Âu. Năm nay, lần đầu tiên Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi có gallery tham gia. Có 37 gallery là lính mới hoặc quay trở lại sau một năm vắng mặt. Ảnh: Horacio Villalobos

 

TAIPEI.- Các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện đa khoa Tri-Service của Đài Bắc cùng các chuyên gia tin học đứng chụp ảnh cạnh một màn hình 3-D chiếu một xác ướp Ai Cập mượn từ bảo tàng Bolton Anh Quốc, đang bày ở Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, 1. 8. 2011. Xác ướp 3.000 năm tuổi này từ thành Thebes của Ai Cập, có từ 1295-1186 trước Công nguyên, được cho là con trai của pharaoh hùng mạnh người Ai Cập Ramesses II. Xác ướp này được trưng bày cùng với các xác ướp khác của người và của thú cùng với một bản sao đúng kích thước thật hầm mộ của Tuthmosis III – vị hoàng đế nổi tiếng nhất của triều đại thứ 18. Triển lãm diễn ra từ tháng 6 tới tháng 9. 2011. Ảnh: Wally Santana.

 

BERLIN – Tác phẩm “Quái vật Đương đại Thực sự” của nghệ sĩ người Mexico Renato Garza Cervera được trưng bày tại một triển lãm có tên “All Cannibals?” (Đều là giống ăn thịt người?), tại Berlin, Đức. Cuộc triển lãm này khảo sát đề tài ăn thịt đồng loại trong nghệ thuật, kéo dài đến 21. 8. 2011. Ảnh: Jenskalaene

 

HAMBURG – Các công nhân đang sửa lại người cá khổng lồ tại hồ Inner Alster, Hamburg, Đức, ngày 2. 8. 2011. Bức tượng này là của nghệ sĩ Oliver Voss, cũng là chủ nhân một công ty quảng cáo. Tượng sẽ ngự trong hồ đến ngày 12. 8. 2011. Ảnh: Marcus Brandt

 

GENEVA – Cũ người mới ta, dùng tác phẩm cũ mượn từ nơi khác để triển lãm là một ý hay. Trong ảnh: tác phẩm nhện Maman khổng lồ bằng đồng của nghệ sĩ người Mỹ gốc Pháp Louise Bourgeois đang được trưng bày lại Place Neuve, Geneva, Thụy Sĩ, ngày 2. 8. 2011. Tác phẩm này từng được trưng bày ở nhiều sân bảo tàng khác nhau: Tate, London, Bảo tàng Quốc gia Canada, bảo tàng Guggenheim ở Bilbao… Ảnh: Salvatore Di Nolfi

 

JERUSALEM – Yếu tố chính trị cũng có thể thu hút khách đến triển lãm. Trong bức hình này cho thấy một chi tiết trong tác phẩm của nghệ sĩ người Saudi Arabian, Ahmed Mater, được trưng bày trong triển lãm West End tại bảo tàng Seam, Jerusalem – một bảo tàng tọa lạc trên con đường phân cắt giữa vùng Do Thái Tây Jerusalem với các khu Arab trong khu vực phía đông của thành phố. Triển lãm này thu hút một nhóm nghệ sĩ gan dạ từ các nước Hồi giáo đang “nghỉ chơi” với Israel. Các nghệ sĩ này, bằng nghệ thuật, đã đạp đổ hàng rào chính trị chia cắt thế Hồi giáo với Do Thái. Ảnh: Bernat Armangue

 

NAPLES – Khảo cổ cũng là một loại hình có thể khai thác để triển lãm. Trong ảnh là quang cảnh của khu vực khảo cổ Pompeii về đêm, gần Naples, Italy, 1. 8. 2011. Tại đây diễn ra một sự kiện có tên “Trăng Pompei”, có cả hướng dẫn tham quan kèm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng. Sự kiện này diễn ra tới tận tháng 10. 2011. Ảnh: Cesare Abbate

 

ROME – Thậm chí một vật đơn lẻ đặt tại một địa điểm quan trọng cũng có thể là một triển lãm. Trong ảnh: một khách đứng xem tác phẩm Pie di Marmo (Bàn chân hoa cương) đặt trên một bệ đá dọc theo bức tường ở nhà thờ Santo Stefano del Cacco, tại trung tâm lịch sử của Rome. Bàn chân khổng lồ này mang crepida, một loại xăng đan đặc trưng của người Hy Lạp, được trưng bày sau một tháng trùng tu. Ảnh: Fabio Campana

 

PYONGYANG – (Cuối cùng, không liên quan gì đến mỹ thuật, nhưng vì đẹp mắt nên Soi đưa lên, lại thắc mắc không hiểu cuộc sống của trẻ em Triều Tiên có thực sự được nhiều sắc màu như thế này không?) Thông tấn xã Triều Tiên KCNA ngày 2. 8. 2011 phát ra bức ảnh cho thấy cảnh trẻ con đang biểu diễn tại sân vận động Puongyang một vở kịch dựa theo một bài dân ca Triều Tiên và đoạt giải thưởng Kim Il Sung Prize, trong lễ kỷ niệm lần thứ 63 ngày ra đời nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều, 1. 8. 2011. EPA/KCNA.

Ý kiến - Thảo luận

11:58 Friday,12.8.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Những bức ảnh "bắn súng vào thái dương" thực ra là bộ ảnh tĩnh cắt cúp từ video động rất thú vị "Evolution of Man".

Đường link:

http://blog.ahmedmater.com/?page_id=295

Chị em bảo: chú bác sĩ kiêm họa sĩ này hiện nay đang rất nổi tiếng ở Trung Đông và châu Âu.
...xem tiếp
11:58 Friday,12.8.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Những bức ảnh "bắn súng vào thái dương" thực ra là bộ ảnh tĩnh cắt cúp từ video động rất thú vị "Evolution of Man".

Đường link:

http://blog.ahmedmater.com/?page_id=295

Chị em bảo: chú bác sĩ kiêm họa sĩ này hiện nay đang rất nổi tiếng ở Trung Đông và châu Âu. 
7:46 Friday,12.8.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sön
JERUSALEM - yếu tố chính trị
Tớ yêu bạo lực, nên thích cái ảnh này nhất. Nổ súng
...xem tiếp
7:46 Friday,12.8.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sön
JERUSALEM - yếu tố chính trị
Tớ yêu bạo lực, nên thích cái ảnh này nhất. Nổ súng 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cảm ơn vì đã cứu SOI

Đức Minh và SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả