Bàn luận

Hít vào ắt phải thở ra… 25. 06. 11 - 8:22 am

Trần Lương

 

.

Nhân bài Art Talk: “Cần hít thở nhưng nhiều bế tắc…” tôi xin bổ sung thêm thông tin về cuộc tọa đàm này.

Art talk là một phần của dự án cộng tác tổ chức nghệ thuật, những người chủ trương và ủng hộ gồm một số nhà phê bình, tổ chức, curator và các nhà điêu khắc trẻ, với mong muốn cải thiện môi trường sáng tác, trình bày tác phẩm. Chúng tôi đã có hướng cộng tác tiềm năng và kế hoạch dự kiến cho bước tiếp theo.

Bài viết của Phong Vân từ góc nhìn khá phiến diện với những vấn đề cụ thể cho phát triển của “điêu khắc” Việt Nam, vì vậy mới bỏ sót những phần đã tọa đàm dưới đây, là những yếu tố trước kia chưa đề cập đến trong các cuộc tọa đàm và hội thảo của giới điêu khắc:

– Về sự “ù lì” của các điêu khắc gia trong biên chế nhà nước với môi trường nghệ thuật sau mở cửa (sự tồn tại cơ chế xin cho, sự “ổn định” của đời sống công chức…)

– – Về điêu khắc đổi mới đã xa rời hình thức tả thực của nghệ thuật tuyên truyền trước kia (tả thực chứ không phải hiện thực), tác phẩm điêu khắc sau đổi mới hầu như chỉ toàn phong cách trừu tượng. Trong khi lấy trường hợp điêu khắc Trung Quốc chẳng hạn – tính từ sau thời tượng đài cúng cụ – họ vẫn làm tượng đề tài cách mạng, hoặc liên quan đến thời cách mạng theo phong cách tả thực mà vẫn chuyển mình thành đương đại mà vẫn có thị trường, có thể bày ở nơi công cộng, chỉ khác vị trí, cách bày và thái độ thôi…

– Về khoảng cách chưa thể tiếp cận với thị trường, các nhà sưu tập, với bảo tàng và các quỹ tài trợ phi lợi nhuận của ngành điêu khắc (Ngoài làm tượng do chính trị đặt hàng, sao các nhà điêu khắc ta chưa có thị trường? Có rất ít tác phẩm lọt vào các bộ sưu tập lớn và bảo tàng quốc tế? Nghệ sĩ chưa muốn viết đơn xin tài trợ từ các quỹ và viện nghệ thuật?)

– Về quan niệm chất liệu là chỉ với chất liệu hàn lâm nặng như đồng, sắt thép, đá, bê tông, gỗ… mới là điêu khắc. Về khả năng làm tác phẩm đa phương tiện, đa chất liệu vv… (Có thể còn tâm lý tự tôn vật liệu hàn lâm, các vật liệu mang tính đời bị coi rẻ, hoặc còn luẩn quẩn trong ngữ nghĩa cổ điển của từ điêu khắc, tính công phu…)

– Và phần các dự án nghệ thuật cụ thể mà các nhà điêu khắc trẻ có thể tham gia từ nay cho đến hết năm 2012.

Họa sĩ Trần Lương phát biểu trong Art talk

Ý tưởng tổ chức tọa đàm do xuất phát từ nhu cầu thực tế. Cụ thể sau một thời gian trao đổi với một số nhà điêu khắc trẻ, thấy rõ những vướng mắc khá toàn diện trong thực hành và phát triển điêu khắc, và họ có nhu cầu cải thiện môi trường làm việc và trình bày tác phẩm. “Sau một thời gian” vì đó cũng là quá trình nhóm các nhà điêu khắc trẻ chủ chốt nỗ lực thử tổ chức làm việc theo nhóm và các triển lãm giao lưu bắc nam, họ thử ly khai khỏi các triển lãm thường niên của cơ chế quan liêu, và cũng là quá trình tự đúc kết hiệu quả của công việc đã làm. Các vấn đề đặt ra của cuộc tọa đàm lần này là quá muộn với những tồn tại trong thực tế, nhưng ta phải chấp nhận sự chuyển động chậm chạp này như thứ cơ địa tâm lý (hệ lụy của lịch sử). Điều quan trọng là các nhà điêu khắc đã nhận thấy cần có cơ chế làm việc và cách nghĩ mới, hy vọng có hiệu quả tích cực trong sáng tác và có thể phát triển. Vì thế mà cuộc tọa đàm có mặt hầu hết những nhà điêu khắc trẻ ở Hà Nội và những nhà hoạt động mỹ thuật khác.

Tôi không có ý thức phân biệt nhà điêu khắc với một nghệ sĩ thị giác nói chung, cho đến khi phát hiện có sự co cụm (tạm gọi là sự co cụm sinh lý) trong cả nhân sự lẫn quan niệm chất liệu của các nhà điêu khắc. Có thể giai đọan vừa qua là lúc giao thời khi vừa qua cái thời của tượng đài cúng cụ (điêu khắc gia có của ăn của để và có vị thế xã hội). Sự co cụm này bao gồm cả sự tự tôn đáng trân trọng của môn nghệ thuật hàn lâm với các chất liệu hoành tráng, đắt tiền và nhiều sức lao động. Họ bao gồm nhiều nhà điêu khắc còn khá trẻ, được đào tạo bài bản, mong muốn được làm nghề… Thực tế này không khỏi đặt ra mối quan tâm chia sẻ từ đồng nghiệp để có một môi trường làm việc hiệu quả hơn.

Khi viết tiêu đề và đề dẫn cho buổi tọa đàm, tôi mong muốn đặt lên bàn những vấn đề tồn tại của điêu khắc Việt Nam, mổ xẻ để hướng đến sự phát triển tích cực. Thực ra đề dẫn cũng đã nêu ra khá rõ và trực tiếp các căn bệnh mãn tính cần giải quyết rồi. Tọa đàm để mong các nhà điêu khắc làm việc thành công hơn, chứ không tranh cãi cho đã rồi Nguyễn Y Vân, hoặc bàn để thấy nghệ thuật ta chán quá đi buôn cho khỏe!

Bản thân tôi và khá nhiều người đến dự chưa thỏa mãn với mức độ cởi mở và thẳng thắn trong ý kiến của các nhà  điêu khắc. Và cả nhận định “điêu khắc đổi mới đạt được thành tựu lớn” của anh Nguyễn Quân cũng làm tôi nhăn trán nghĩ ngợi mãi. Chính những ý kiến phàn nàn về hoàn cảnh và nhận định của anh Quân đã thúc đẩy chị Natasha đi đến những ý kiến “không nương tay”. Thái độ thẳng thắn với nghệ sĩ là rất cần thiết sau mấy thập niên mơ ngủ trên đống từ ngữ hoa mỹ, mơ hồ và ve vuốt. Đồng ý với chị khi phê phán hệ thống phê bình ru ngủ!!! Tuy nhiên thẳng thắn ở đề tài tài năng là việc bất khả kháng, và nó giống như một cú nốc ao không còn gì để bàn cãi, bế tắc là phải! Vì thế tôi không đồng tình khi nghe chị Natasha phát biểu và cả trong bài viết của Phong Vân ý là: Mặc kệ hoàn cảnh, nghệ sĩ có tài thì chấp hết! Và cũng ý nói nghệ sĩ ta bất tài nên hay đổ lỗi cho hoàn cảnh điều kiện… Chị ủng hộ hướng nghệ sĩ cứ lầm lũi tự thân làm việc, chẳng cần cải tạo điều kiện xã hội làm gì cho mệt.

Lịch sử phát triển đã cho thấy những giai đoạn lịch sử hoàng kim, với cơ chế ủng hộ và khuyến khích sáng tạo tốt thì sẽ có nhiều tác phẩm tốt. Vì thế nghệ sĩ mới di chuyển về các trung tâm sáng tạo của thế giới. Hoặc các thành phố biết cải thiện hạ tầng cơ sở cho nghệ thuật thì chỉ một thời gian sau tức thì có nghệ thuật hay (như Glasgow, Berlin hay Beijing chẳng hạn).

Thính giả trong phòng tọa đàm

Tài năng và may mắn là cái trời cho, chẳng ai cho, hay tạo ra được tài năng và may mắn, liệu bỏ ra 1 tỷ để mua 1 lạng tài năng và may mắn được không? Nói toẹt vào mặt nghệ sĩ là bất tài cơ hồ kích thích lòng tự ái được vài phần, mà giết luôn niềm hạnh phúc với nghệ thuật mới là phần lớn! Rất mừng là đa số ý kiến của các nhà điêu khắc đều mong muốn có những cơ hội hợp tác làm việc để cải thiện các vấn đề còn tồn tại hiện nay. Chẳng biết chờ đến bao giờ để tài năng nở rộ, hay để có một thiên tài ở Việt Nam, nhưng với nghệ sĩ nói chung thì sáng tạo nghệ thuật cũng như “phải sống”. Xin nghĩ đến đời sống của nghệ thuật vẫn đang cháy, nghệ sĩ và nghệ thuật có tài hay không vẫn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn! Họ còn có nhu cầu sáng tạo thì còn nên được ủng hộ, nâng niu. Nếu hy vọng đất nước được rạng danh với nhiều tài năng thì chỉ có cách cùng nhau cải thiện môi trường sáng tạo tại địa phương, nếu không muốn bỏ ra 2.500 Mỹ kim bay sang MoMA New York để xem tận mắt cái video & máy bay trực thăng của Lê Quang Đỉnh (Ding Q.Le, The Farmers and The Helicopters MoMA NYC 2010).

Ta thử đặt giả định vấn đề tài năng trong nghệ thuật nội địa là rất trầm trọng, mà tài năng là của trời cho lại không mua, không tạo ra được. Nhưng chị Natasha lại bảo các nghệ sĩ cứ vượt lên trên hoàn cảnh, cứ lầm lũi làm việc đi (nghe như tuyên huấn ấy) để làm gì vì dốt vẫn hoàn dốt có thay đổi gì đâu. Tự nó đã mâu thuẫn rồi. Hoàn cảnh ở ta thay đổi đã tạo ra nghệ thuật thay đổi cả hình thức lẫn nội dung, đổi mới khác với tuyên truyền, đương đại khác với đổi mới… Có tác động của ngoại cảnh, của những hoạt động chuyên nghiệp quốc tế cũng làm nghệ thuật thay đổi chiều kích là điều không thể phủ nhận.

Phát biểu của chị Natasha khá dài (và gấp đôi lên vì phải dịch ra tiếng Việt), trong 3 ý chị nêu: nghệ sĩ cần có tài đã đừng phàn nàn, phê bình ở ta toàn ru ngủ, và cái bàn của Huy An có copy không? thì hết 2 ý sau trẹo ra ngoài chủ đề cuộc tọa đàm. Trong khi cử tọa nhịn quá bữa trưa còn muốn phát biểu… Mấy người ngồi cạnh thúc tôi tranh luận với chị về cái bàn của Huy An (vì tôi curate triển lãm đó) nhưng tôi xin để dịp khác. Và may là đã gặp chị Natasha ngay sau cuộc tọa đàm mấy ngày, chị chủ động hỏi ý tôi ra sao về vụ đó. Tôi xin báo cáo đại ý là: cái bàn một ngăn kéo của Huy An khác hẳn bộ bàn ghế của ông tây Robert Therrien cả cấu trúc hình hài, ngữ cảnh lịch sử xã hội và ý tứ của nghệ sĩ. Cái bàn của An là vật chứng lịch sử cụ thể một thời trong tâm tưởng cả triệu người Việt. Nhưng bàn* lại chỉ là cái cớ (đồ thật mà ảo) của cái bóng (ảo mà thật) 13 mét vuông bằng bột than củi trên nền gallery. Năm 2009 An làm tiếp cái bóng** 13 mét vuông khác khoét xuống sàn bảo tàng Sternesen ở Oslo  bằng nước mực đen mà không còn cái bàn nữa. Chắc chị Natasha không xem kỹ nên quên mất cái bóng ạ! Dù chị xem trên ảnh hay xem thật cái bàn của An thì đều đã quan liêu như nhau, giống như chuyện chị ở Việt Nam mấy chục năm mà vẫn chưa trao đổi được bằng tiếng Việt ấy mà! Điều này có liên quan gì đến việc chị nhận là đã bị Việt Nam hóa không nhỉ (?).

“Cái vũng lớn”, Nguyễn Huy An trong triển lãm LimDim, 16 tác giả tại Sternesen Museum Oslo Norway 2009

.

.

Nghiên cứu chưa kỹ dẫn đến đưa thông tin sai lệch về nghệ thuật địa phương không chỉ xảy ra với chị Natasha, mà với cả Nora Taylor, Veronika Radulovic… (tỷ như ngay bài tham luận Post Đổi Mới vừa đăng lại trên SOI của chị Natasha cũng vừa lộn vừa sai tên một tác phẩm mà chị rất khen!). Lạ lùng là những người xuất thân từ những vùng đặt ra nền móng cho phương pháp nghiên cứu và thống kê lại vấp phải lỗi sơ đẳng. Nguyên nhân từ đâu, xin bàn chi tiết việc này ở một dịp khác.

Cả hai tác phẩm của An và của Robert Therrien đều được khích lệ và làm lại từ những đồ vật dân dụng có thật nhưng có nguồn gốc ký ức khác nhau. Chưa kể chúng khác biệt về cấu trúc và chi tiết. Nếu bảo việc phóng to lên (hay thu nhỏ lại) là ăn cắp ý tưởng thì rất nhiều nghệ sĩ thành danh trên thế giới sẽ kiện, mạt sát nhau mãn kiếp (bởi phóng to và thu nhỏ là một trong những phương pháp ngôn ngữ quan trọng mà nghệ sĩ thị giác vẫn thường dùng). Lúc đó chỉ có tác phẩm đứng được trong lòng một người hoặc một cộng đồng là đáng kể. Với tôi, bộ bàn ghế của Robert là thứ nghệ thuật poster thật nhạt nhẽo!

Các chị Natasha và Phong Vân là các nhà nghiên cứu, phê bình và tổ chức chuyên nghiệp, các chị mới đúng là người có thiên chức trông nom, tổ chức các cuộc tọa đàm thiết thân cho nghệ sĩ. Cảm ơn các chị đã tham gia lần tọa đàm này !

6. 2011

*

Chú thích:

* Cái bàn lớn, Nguyễn Huy An trong triển lãm Cái gì đó rơi, đang rơi và sẽ rơi… triển lãm nhóm cùng Nguyễn Trần Nam, Nguyễn Hồng Hải  tại L’space Hà Nội 2007

** Cái vũng lớn, Nguyễn Huy An trong triển lãm LimDim, 16 tác giả tại Sternesen Museum Oslo Norway 2009

 

*

Bài liên quan:

– Cần hít thở nhưng nhiều bế tắc
– Hít vào ắt phải thở ra…

– Thư giải thích gửi Nguyễn Huy An của Natalia Kraevskaia

– Hàng Việt giống hàng ngoại và chuyện của Huy An

– Thư gửi bà Natalia Kraevskaia của Nguyễn Huy An

– Họa sĩ Nguyễn Huy An: Cuộc chiến giữa bóng và hình

– Giống và/mà không giống

– Tiếp câu chuyện Thở ra hít vào…

Ý kiến - Thảo luận

10:00 Saturday,2.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em xin có ý kiến: để có thể bồi bổ sức khỏe cho cuộc marathon tranh luận về nghệ thuật, cả diễn đàn SOI chúng ta nên giải lao tí, và chi bằng là làm tí THỂ DỤC HÍT THỞ cùng bé Xuân Mai;

bắt đầu nhé:

"cô dạy em
bài thể dục buổi sáng
một - hai - ba bốn HÍT THỞ HÍT THỞ HÍT THỞ!"
...
(gớm, cô hô "hít thở" nhanh như thế có mà thở hắt!).

tiếp nào:

"m
...xem tiếp
10:00 Saturday,2.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em xin có ý kiến: để có thể bồi bổ sức khỏe cho cuộc marathon tranh luận về nghệ thuật, cả diễn đàn SOI chúng ta nên giải lao tí, và chi bằng là làm tí THỂ DỤC HÍT THỞ cùng bé Xuân Mai;

bắt đầu nhé:

"cô dạy em
bài thể dục buổi sáng
một - hai - ba bốn HÍT THỞ HÍT THỞ HÍT THỞ!"
...
(gớm, cô hô "hít thở" nhanh như thế có mà thở hắt!).

tiếp nào:

"một! Tay đưa cao lên trời.
hai! Tay giang ngang bờ vai.
ba! Tay song song trước mặt.
bốn! BUÔNG THẢ.... hai tay."

Lưu ý: cô chỉ dạy "buông thả" 2 tay thôi nhé, cấm suy nghĩ "buông thả" và sống "buông thả" đấy nhé! 
19:45 Friday,1.7.2011 Đăng bởi:  admin
Vâng, Soi hiểu mà anh. Ý tưởng một bài phân tích thế hay chứ anh Lương. Chắc sẽ nhiều người tham gia thảo luận đấy.
Thân mến.
...xem tiếp
19:45 Friday,1.7.2011 Đăng bởi:  admin
Vâng, Soi hiểu mà anh. Ý tưởng một bài phân tích thế hay chứ anh Lương. Chắc sẽ nhiều người tham gia thảo luận đấy.
Thân mến. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả