Khác

Trại cư trú nghệ thuật Haslla – phần 1 08. 09. 11 - 4:18 am

Phạm Huy Thông

 

.

(Ghi chép của Phạm Huy Thông trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc. Bài viết có sử dụng một số hình ảnh lấy từ blog của các nghệ sĩ khác.)

Hai tháng ở Hàn Quốc, quan sát nghệ thuật, tôi chủ quan nhận thấy sự lấn lướt của điêu khắc và sắp đặt trước hội họa. Với địa hình tự nhiên nhiều núi đá, bao quanh là biển, Hàn Quốc là đất nước có truyền thống điêu khắc lâu đời. Các chính sách của chính phủ có lẽ đã tạo điều kiện nhiều cho nghệ thuật công cộng trong đó đa phần là điêu khắc (cũng có vài tượng đài cúng cụ, nhưng không nhiều, người ta nói thời của tượng đài ở Hàn Quốc đã qua rồi). Những nghệ sĩ tài năng của Hàn Quốc nói chung sống “ổn” và các điêu khắc gia nói riêng sống “ổn” hơn các củ nghệ điêu khắc ở Việt Nam rất nhiều.

Ở tỉnh Gangneung phía Đông Bắc của Nam Hàn, có cặp vợ chồng điêu khắc gia Choi Ok Young và Park Jin Sung sống rất “ổn”. Vì vậy họ đã đủ điều kiện xây dựng một bãi đáp nghệ thuật và biến nó thành một trại cư trú nghệ thuật quốc tế uy tín. Họ đặt tên tâm huyết cả đời họ là Haslla.


“Haslla Art World” nằm trên một quả đồi với tầm nhìn cực rộng hướng ra biển. Tôi đã thấy nhiều cơ sở nghệ thuật tư nhân hoành tráng ở Hàn Quốc nhưng vẫn cảm thấy bất ngờ với quy mô hạ tầng của Haslla. Sở hữu 300 ha đồi núi nhìn ra biển, Haslla bao gồm một khách sạn hạng sang (với thiết kế mỗi phòng rất khác biệt và đầy chất… nghệ), một nhà nghỉ cho nhân viên và nghệ sĩ, nhà hàng, sảnh tiệc cưới, quán bar, một công viên điêu khắc, một bảo tàng để bày tác phẩm, một studio điêu khắc và thoải mái mặt bằng cho các nghệ sĩ quốc tế đến để bày biện.


Đây là năm thứ 18 Haslla tổ chức hội thảo nghệ thuật và trại sáng tác để mời các họa sĩ quốc tế đến tham dự. Thời gian mời được bố trí trong tháng 7, 8, 9 và 10. Nhưng đa phần các nghệ sĩ đến vào tháng 8 để tiện dịp hội thảo. Năm nay có 31 nghệ sĩ được mời đến sáng tác và một vài curator, nhà phê bình đến diễn thuyết. Cuối mỗi kỳ hoạt động, sẽ có một triển lãm nhóm chung cho toàn bộ các nghệ sĩ. Ngoài ra sẽ có một số nghệ sĩ nếu làm việc tốt sẽ được mời tiếp làm triển lãm riêng về sau.


Hai vợ chồng điêu khắc gia chủ nhà có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Họ đã đến Việt Nam làm việc nhiều lần, nhiều tác phẩm của họ được thi công bởi thợ đá Việt. Bởi vậy số lượng nghệ sĩ Việt Nam được mời sang mỗi năm thường nhiều hơn các nước khác. Năm nay có 6 nghệ sĩ Việt Nam là Trần Hoàng Cơ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Quang Vinh, Lê Kinh Tài, Phạm Huy Thông, Lê Võ Tuyển sang sáng tác. Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn được mời sang trình bày tham luận. Quy tụ về Haslla năm nay còn có các củ nghệ và củ giềng người Hàn Quốc, Trung Quốc, Philipin, Thái Lan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Mỹ.


Nhà hàng, địa điểm mà các nghệ sĩ thường gặp nhau để ăn uống và… hứng wifi. Treo lơ lửng là tác phẩm của một nghệ sĩ Hàn làm năm trước, hình như tạc tượng ông chủ nhà.


Workshop vẽ gốm tổ chức trong hai ngày để các củ nghệ… nghịch.


Haslla cũng tổ chức các chuyến đi chơi để các củ nghệ quốc tế biết thêm về văn hoá Hàn Quốc cũng như nếm thêm nhiều món đặc sản.


Tháng 8, quá đông nghệ sĩ nên họa sĩ người Đức Wanner Sasse chiếm luôn sảnh tiệc cưới.


Khách sạn với thiết kế các phòng rất đặc biệt, là nơi lý tưởng cho các cặp uyên ương Hàn Quốc đến nghỉ trăng mật. (Lưu ý là các củ nghệ không được ở chỗ này đâu nhé).


Nhà cho hoạ sĩ và các nhân viên nằm dưới chân đồi, tiện cho việc đi bơi và nhậu bên bờ biển.


Xưởng chính là xưởng điêu khắc với nhiều dụng cụ như máy hàn, máy đục, khoan, cưa…. Tuy nhiên, xưởng này hơi xa khu trung tâm và hơi bụi đối với các hoạ sĩ vẽ tranh.


Khu vườn tượng nằm trên đồi cao hóng gió biển. Nơi đây tích góp các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ quốc tế trong nhiều năm tổ chức trại cư trú.


Tác phẩm ấn tượng nhất của bác chủ nhà là phần điêu khắc – sắp đặt treo lơ lửng trên đầu người xem. Và các tác phẩm này đều được làm từ phân bò độn rơm. Điêu khắc gia Choi Ok Young hiện đang là giảng viên đại học của Gangneung.


.


.


Từ Việt Nam, hoạ sĩ Lê Võ Tuyển đến từ đầu tháng 7. Mọi người ở đây gọi củ nghệ này là Lê Vô vì tên tiếng Việt khó phát âm quá.

(Các bạn xem thêm thông tin về họa sĩ lê Võ Tuyển: Lê Võ Tuyển và NHỮNG VAI DIỄN)

Điêu khắc gia Trần Hoàng Cơ đến Haslla cuối tháng 7 với 23kg thiết bị, đồ nghề chuyên nghiệp. Nghệ sĩ giang hồ này nhận xét đá hoa cương của Hàn Quốc là một trong những loại hoa cương rắn nhất thế giới. Anh khá vất vả với khối đá 2 tấn này, mỗi ngày làm việc của anh luôn bắt đầu từ 6 giờ sáng.


Tôi đến Haslla vào giữa tháng 8, rất vừa vặn dịp hội thảo. Tham vọng của tôi đợt này không cao, 20 ngày lưu trú chỉ đăng ký vẽ một bức 150cm x 200cm. Thời gian còn lại tôi dành cho tắm biển, vẽ phác thảo và… lượn loanh quanh.

 

Tôi và một tác phẩm trong workshop vẽ gốm, chụp ảnh cùng nghệ sĩ Trung Quốc Haotian. (Tôi vẽ một cái cốc có một chiến hạm rất ác chiến đang nã tên lửa, pháo về phía trước. Có cả đường đạn đàng hoàng, nhưng mà vì vẽ vòng quanh cốc nên cái cái tàu ác ôn đó hoá ra lại bắn vào đít mình.)


Ba hoạ sĩ Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Quang Vinh, Lê Kinh Tài đến muộn hơn một chút. Vì xưởng chính bụi và đã chật nên các anh vẽ luôn trên nhà bảo tàng.


Cũng rất tiện cho Haslla khi anh Lê Kinh Tài vẽ trên nhà bảo tàng, nơi sau này sẽ bày tranh luôn, vì di chuyển các tác phẩm khổ “nhỏ” của anh Tài là vấn đề rất lớn.


Họa sĩ Nguyễn Quang Vinh chọn đề tài về Nạn nhân chất độc da cam. Qua việc trình chiếu các tác phẩm trước đó trong hội thảo mà nghệ sĩ nào cũng làm, các chủ nhân của Haslla cũng rất thích bộ tranh “Cat Man” và bộ tranh “Cập Nhật” anh làm trước đó. Tôi thấy rất thú vị vì tuy đã nghe danh từ lâu nhưng đây là lần đầu được gặp mặt họa sĩ cũng có bộ tranh tên là “Cập Nhật”. Bạn bè nước ngoài rất ngạc nhiên khi các củ nghệ Việt Nam đều quen vẽ tranh lớn. Câu trả lời đơn giản thôi “Ở Việt Nam toan rẻ, khung rẻ, sơn rẻ, phở rẻ, cà phê rẻ và trái tim của mỗi nghệ sĩ Việt đều rộng bao la”.


Các tác phẩm điêu khắc được đặt ngay vào vị trí mà nghệ sĩ đã bàn luận với chủ nhà trước đó. Trên ảnh là tác phẩm của nghệ sĩ người Đức Maik Scheermann, tác phẩm tối giản nói về sự tĩnh lặng.


Các tác phẩm tranh được tập kết vào nhà bảo tàng để chuẩn bị cho triển lãm tổng kết cuối tháng 10.


Mỗi hoạ sĩ khi rời đi đều rất quyến luyến. Haslla trở thành cầu nối để các họa sĩ từ nhiều phương đến làm việc và kết bạn với nhau vượt qua những khác biệt về văn hoá, chính trị, tôn giáo. Đối với riêng tôi, tôi tìm thấy nhiều cảm hứng hoặc tư liệu cho những bức tranh sắp tới, nhiều thông tin cho những chuyến đi tiếp theo. Haslla là trại cư trú nghệ thuật mà các nghệ ưa bôn ba nên để mắt tới.

 

Để tìm hiểu thêm về Haslla, xin dùng đường link www.hasllamuseum.com hoặc www.haslla.rk. Hai trang này khác nhau nhưng đều của Haslla

Thông tin về cơ hội, điều kiện làm việc và triển lãm ở Haslla, tôi sẽ trình bày trong phần 2 của bài viết này.

 

*

Bài liên quan:

– Trại cư trú nghệ thuật Haslla – phần 1
– Trại cư trú nghệ thuật Haslla – phần 2

Ý kiến - Thảo luận

10:52 Friday,9.9.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Em có ý kiến ơi. Vẽ tàu của nó tự bắn vào đít để trêu nó thôi. Chứ vẽ cả Hoàng Sa Trường Sa vào đấy hoá ra là đem dâng đảo cho Tàu khựa à.
Nghe nói sáng nay trên Hội có lễ phát động triển lãm Song Niên Trung Quốc gì đó. Không biết có nghệ nào hỏi giùm tớ một câu "Chúng tôi vẽ lòng yêu nước, bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam thì các vị có nhận tranh
...xem tiếp
10:52 Friday,9.9.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Em có ý kiến ơi. Vẽ tàu của nó tự bắn vào đít để trêu nó thôi. Chứ vẽ cả Hoàng Sa Trường Sa vào đấy hoá ra là đem dâng đảo cho Tàu khựa à.
Nghe nói sáng nay trên Hội có lễ phát động triển lãm Song Niên Trung Quốc gì đó. Không biết có nghệ nào hỏi giùm tớ một câu "Chúng tôi vẽ lòng yêu nước, bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam thì các vị có nhận tranh không?" để xem mấy nhà ngoại giao Tàu khựa trả lời làm sao. 
10:09 Friday,9.9.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Tôi và một tác phẩm trong workshop vẽ gốm, chụp ảnh cùng nghệ sĩ Trung Quốc Haotian. (Tôi vẽ một cái cốc có một chiến hạm rất ác chiến ..."

Ảnh này làm em nhớ ông em có cái ca (cái cốc của anh Thông ông em gọi là ca, anh ạ) từ thời lâu lắm, có ảnh Bác Hồ, Bác Mao và ông Xít-ta-lin.

Anh Thông ơi, sao anh vẽ tàu chiến mà không vẽ đảo chìm đảo nổi Hoàng Sa - Tr
...xem tiếp
10:09 Friday,9.9.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Tôi và một tác phẩm trong workshop vẽ gốm, chụp ảnh cùng nghệ sĩ Trung Quốc Haotian. (Tôi vẽ một cái cốc có một chiến hạm rất ác chiến ..."

Ảnh này làm em nhớ ông em có cái ca (cái cốc của anh Thông ông em gọi là ca, anh ạ) từ thời lâu lắm, có ảnh Bác Hồ, Bác Mao và ông Xít-ta-lin.

Anh Thông ơi, sao anh vẽ tàu chiến mà không vẽ đảo chìm đảo nổi Hoàng Sa - Trường Sa luôn cho nó máu!

Giận ghê gớm! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả