Thị trường

Rồi tay triệu phú nào cũng sẽ mua qua bán lại 15 món của Warhol 30. 08. 11 - 2:38 pm

Hồ Như Mai dịch

 

Chân dung tự họa, 1964, giá 38.44 triệu đô

 

Với Andy áp đảo thêm một mùa đấu giá, Jerry Saltz thử giải thích tại sao nghệ sĩ này có thể khiến cho giới nhà giàu phát rồ.

*

Mùa xuân năm nay, các nhà đấu giá trên khắp thế giới đã tài tình biến các tác phẩm của Warhol thành tiền mặt. Một trong những bức tranh sáng tác năm 1963, vẽ Liz Taylor, đã bán được với giá 27 triệu đô. Một bức chân dung tự họa cùng thời – cũng là chân dung tự họa đầu tiên Warhol thực hiện – bán được với giá 38.44 triệu đô. Cũng trong đợt đấu giá đó, có tổng cộng tám tác phẩm của Warhol được bán, trong đó có một bức chân dung tự họa vẽ sau này, mãi năm 1986, ít được săn đón hơn, cũng bán được giá 27.52 triệu đô. Cứ như sân khấu, đầu tư và nhà thổ cùng trộn lại vậy. Andy lại tiếp tục xuất hiện dày đặc trên báo chí. Một lần nữa. Tiếng tăm đã đành, nhưng người ta vẫn không thể không tự hỏi: Tại sao thị trường lại có cơn cuồng Warhol đến vậy? Tại sao không phải là Rothko, Newman, Nauman, hay Judd? Không cả Rosenquist, Kusama, Hesse hay bất kỳ tên tuổi hàng đầu nào khác?

Liz #5, giá 27 triệu đô

Một trong những nguyên nhân, đơn giản, chính là ở nguồn cung: Không như những bậc thầy hiện đại khác, Andy là nghệ sĩ có năng suất cao đến điên cuồng. Một gia đình “siêu sưu tập”, nhà Mugrabis, có khoảng 800 tác phẩm của Warhol. Tổ chức Warhol Foundation, nơi lưu giữ nhiều tác phẩm của nghệ sĩ hơn bất kỳ nơi nào khác, thỉnh thoảng lại gây quỹ bằng cách bán một số tác phẩm của nghệ sĩ. (Những tổ chức kiểu này hoạt động như một “cartel”, một tổ chức chuyên về Andy, phần nào kiểm soát giá cả tác phẩm của Andy).

Điều này có nghĩa là một khi tâm lý bầy đàn xuất hiện, như nó chắc chắn đang có, thì sẽ có đủ tác phẩm (mà mua bán). Với Warhol, những người chạy theo vẫn đang rất say máu. Trả một món tiền khổng lồ cho một tác phẩm nhìn-vào-biết-ngay-Warhol là bằng chứng rằng bạn có một thẩm mỹ tốt. Hoặc đúng ra, là thẩm mỹ đúng đắn, mà không có rủi ro gì cho vị thế xã hội của bạn. Bạn mua những tác phẩm này bởi vì những người bạn quen cũng mua và vì bạn nghĩ rằng chúng khiến cho bạn trông có vẻ như biết rất nhiều về nghệ thuật với đầu tư. Cuối cùng, khi còn có người mua, giá còn tiếp tục tăng. Đúng y như trong bài học nhập môn về làm giàu vậy: tiền chảy về nơi đã có sẵn tiền. Và như Sarah Thornton từng chỉ ra trong blog của mình trên tờ The Economist: ngay trước cả khi phiên đấu giá bắt đầu, các nhà đấu giá đã thu được những “lời trả giá không thể rút lui” đối với các tác phẩm này, như vậy cũng có nghĩa là đã bán tác phẩm trước mất rồi.

Mính họa của Jillian Tamaki

Ngoài chuyện kinh tế, Andy có ý nghĩa gì với những người mua bán ấy? Warhol có lần từng nói, “Nếu bạn muốn biết tất cả mọi thứ về Andy Warhol, chỉ cần nhìn bề mặt những bức tranh của tôi”. Vậy thì hãy cùng nhìn thử xem sao. Tác phẩm của Warhol rất dễ thích, đặc biệt là khi chúng không còn lạ lùng như hồi mới xuất hiện. Phần lớn chúng đều khá lớn, bóng loáng, màu sắc tươi sáng; nền in lụa mờ mờ khiến cho hình ảnh nổi bật lên. Màu sắc chọi nhau chan chát; trước Warhol, chưa ai đặt chúng cạnh nhau như thế – như thể nghệ sĩ vừa khám phá ra một nốt nhạc mới trên chiếc kèn saxophone. Và cả con người của Warhol nữa, đến giờ vẫn gây ấn tượng của một gã bất kham bảnh toỏng. Chính điều đó khiến cho người xem tác phẩm của Andy có cảm giác bực dọc, bất an; trong khi, nếu so sánh, thì Rothko trang trọng hơn, làm người ta muốn tự sát hơn. Sưu tập tranh của Warhol có vẻ “hư hỏng” nhưng không quá gớm guốc. Những người quản lý các quỹ đầu cơ mạo hiểm và những nhà công nghiệp khổng lồ tìm thấy mình trong Warhol: người lãnh đạo của một nhà máy, một người tham công tiếc việc, người có thể khiến người khác làm được việc, người sưu tập, người cái gì cũng dành dụm, người có thể biến những thứ vớ vẩn thành nghệ thuật.

Andy 1985

Bản thân Warhol cũng là một nhà sưu tập, nếu còn sống ông ắt hẳn cũng sẽ miệt mài trong trò đầu cơ, quay cuồng, săn đuổi chiến tích này đang đi kèm với các vụ mua bán tác phẩm của ông. Andy là người thích kiếm tiền, và thích điều khiển đồng tiền. Ông thích mua sắm, thích những cuộc đàn đúm của giới nổi tiếng, thích là người độc đáo vì làm người không có gì độc đáo. Warhol cũng chẳng bỏ qua chuyện “đóng kịch”; và dĩ nhiên, đó cũng là thứ đang diễn ra ở đây, ngày nay. Một ngày nào đó, khi thời trang thay đổi và cái bong bóng Warhol xẹp đi, một vài kẻ trong chính những con người này sẽ tự hỏi tại làm sao lại để mình dính vào cuộc làm ăn nực cười như thế. Vậy thì ngay giờ đây, trước khi nâng tấm bảng đấu giá lên, những ai có tiền sẽ ngon lành hơn nếu nhớ lại chính lời Warhol.

Warhol đã nói gì?

Kiếm tiền giỏi mới là thứ nghệ thuật hay ho nhất”.

Ý kiến - Thảo luận

15:15 Tuesday,30.8.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Warhol đã nói gì?

“Kiếm tiền giỏi mới là thứ nghệ thuật hay ho nhất”...."

Úi zà, thế mà em tưởng chỉ có các họa sĩ triệu phú nhà ta mới nói những câu quỷ khốc thần rầu như rứa. Chị Như Mai ơi, thế hóa ra nhiều họa sĩ Tây cũng coi làm tiền là làm nghệ thuật nhỉ.
Cám ơn chị ạ.

Bùn wá, bùn wá!
...xem tiếp
15:15 Tuesday,30.8.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Warhol đã nói gì?

“Kiếm tiền giỏi mới là thứ nghệ thuật hay ho nhất”...."

Úi zà, thế mà em tưởng chỉ có các họa sĩ triệu phú nhà ta mới nói những câu quỷ khốc thần rầu như rứa. Chị Như Mai ơi, thế hóa ra nhiều họa sĩ Tây cũng coi làm tiền là làm nghệ thuật nhỉ.
Cám ơn chị ạ.

Bùn wá, bùn wá! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả