Gẫm & Bình

Đương đại quá! Quá đương đại đi! 11. 06. 10 - 8:12 am

Bài và ảnh: ATESCA

 

Ngay sau buổi tối hào hứng với 3 cây hài cây nhà lá vườn (không vì thế mà kém “pro”) tại 46 An Dương, với tinh thần sinh hoạt văn hóa tinh thần phơi phới, SOI tôi thẳng tiến Nhà hát Lớn Tràng Tiền vào tối thứ Sáu ngày 04. 06 để thưởng thức chương trình múa đương đại có tên gọi Maybe Forever (“Có thể là mãi mãi”) do Viện Goethe tổ chức với sự góp mặt của “hai nhà biên đạo danh tiếng thế giới”: Meg Stuart trưởng thành từ New York và Philipp Gehmacher đến từ London.

Mọi chuyện khởi đầu rất ổn thỏa: tôi kiếm được một vé VIP và an tọa ngay tầng 2, booth gần chính giữa sân khấu. Một vị trí không thể đẹp hơn, nhất là để xem một buổi biểu diễn múa.

Với lời đề từ khá hứa hẹn: “Con người tranh đấu với nhau và vì thế chắng có gì tồn tại vĩnh cửu… Cùng với những bài ca về tình yêu và nỗi nhớ của Hafkenscheid, Meg Stuart và Philipp Gehmacher kể chuyện về sự chia ly, về nỗi đau đớn và kỷ niệm qua các vũ điệu của họ. Với những vuốt ve thật gần gũi và cũng thật cách xa, họ cố gắng đến với nhau trong vòng tay ôm ấp.”

Và họ đã thật sự đến  với nhau trong vòng tay ôm ấp! Mười lăm phút đầu từ lúc đèn tắt, đèn đã … gần như không bật lên, khán giả chỉ có thể nhìn thấy hai hình dáng quằn quại, lăn lộn trên sân khấu trong những động tác… chả cần phải gợi gì nhiều lắm nữa. Họ lăn ra, rồi họ lại lăn vào và lăn lên nhau… trong ánh đèn không thể tối hơn. Mười lăm phút đau mắt và mơ màng khó tả.

Rồi đèn cũng sáng lên. Niko Hafkenscheid – nhạc sĩ và ca sĩ của chương trình – bước ra sân khấu với cây guitar điện mà anh dùng như guitar thùng. Anh gẩy đàn và hát. Giọng anh ấm áp, lời bài hát hiện lên ở một góc nhỏ bên phải sân khấu – dễ hiểu, thuận tiện cho người nghe. Khán giả hoàn hồn trở lại trong giọng hát ấm áp của anh. Dẫu gì, âm nhạc vẫn là một tiếng nói chung cho tất cả mọi người.

Nhưng đó, giọng anh Niko, có vẻ là tất cả niềm an ủi mà chương trình này đã mang lại, ít nhất là cho SOI.

 

Ca sĩ và nhạc sĩ của chương trình – Niko Hafkenscheid.

 

Hai vũ công của chúng ta bước ra, trang phục… chán chết, ừ thì đây là múa đương đại, chấp nhận đi. Đương đại nó phải “đời” như thế. Họ phát biểu (có phiên dịch), rồi họ… thực hiện các động tác. Họ bẻ gập người họ ra làm nhiều khúc, họ rúm ró trong đau khổ và vật vã. Và họ lăn lộn. Họ lại tiếp tục lăn lộn trên sân khấu dưới ánh đèn sáng trưng. Khổ một nỗi, nhân vật nữ mặc một chiếc váy ngắn và có thể nói là bó, cho nên nhiều khi lăn lộn một hồi… SOI tôi chẳng dám nhìn. Và có biết bao nhiêu là trẻ con trong rạp ngày hôm đó! Ôi thôi.

 

Cảnh yêu đương trìu mến mà SOI… hổng dám nhìn

 

Rồi lại vật vã trong tư thế đứng

Họ cứ lăn, lăn mãi. SOI tôi ngồi hoang mang tự hỏi thế múa thật sự là cái gì, người ta mong đợi gì ở múa? Phải chăng vẻ đẹp của múa chỉ là… múa sao cho đều? Một đôi, một nhóm, một đoàn người di chuyển đều nhau tăm tắp, hoặc giống nhau, hoặc đối xứng nhau, phải chăng đấy là vẻ đẹp duy nhất của múa? Phải chăng múa là vút chân lên trong một dáng thiên nga, là một bàn tay uốn dẻo? SOI nhận ra mình đã chẳng có một ý niệm gì về múa, thế mà lại có quá nhiều thiên kiến đã có trong đầu về nó. Múa là quần áo lộng lẫy, thướt tha, màu sắc; múa là sự đồng đều; múa là sự bay bổng; múa là câu trả lời một-đối-một với âm nhạc, nhất định phải “đúng nhạc”.

Còn cái trên sân khấu kia, cái gọi là “múa đương đại” kia, nó là cái gì? Trước hết, dưới mắt SOI tôi, nó không có tính thẩm mỹ tự nhiên. Diễn viên… không đẹp, trang phục… xộc xệch. Tư thế… co gập xấu xí.

Một động tác xuyên suốt phần đầu vở diễn (phần sau thì SOI chịu) – Long arms (Những cánh tay dài) mà nói như các bạn tôi là “Hiểu được chết liền”.

 

Vừa diễn giải vừa thực hiện động tác. Đây là động tác “I take it back” – “Em rút lại lời nói đó”.

 

Không hiểu là động tác gì. Các bạn có thấy đẹp không?

Thế nên, dẫu nhận thức được rõ sự thiếu sót trong hiểu biểu và thiên kiến của mình đối với môn nghệ thuật này, SOI tôi buộc lòng phải sống chung với nó và bước ra khỏi buồng VIP ra về sau đúng bốn mươi lăm phút chịu đựng.

Dù sao, SOI tôi cũng đỡ tủi thân phần nào khi thấy bãi giữ xe cũng đầy người về sớm như SOI!

– ATESCA

*

Bài liên quan:

Đương đại quá! Quá đương đại đi!
Chỉ còn mệt mỏi là mãi mãi?
Tức quá, người ta cứ nghĩ là SOI giỏi
Nói qua một tí về múa vậy
Ôi sao không ai nói gì về múa?
– Bao giờ là mãi mãi
Rồi bạn sẽ yêu như tôi yêu

Ý kiến - Thảo luận

11:21 Sunday,10.12.2017 Đăng bởi:  Gió Phương Nam
Tôi không hề thấy lạ khi đọc bài viết này của SOI. Đó cũng là tiếng nói chung của hàng triệu khán giả Việt nam, khán giả đơn thuần chứa không phải một người có chuyên môn. Trước tiên, đối với múa dân tộc, có được bao nhiêu phần trăm khán giả xem múa mà hiểu được tác phẩm múa nói gì? on số đó khá thấp, ngươi ta chỉ quen thưởng thức kiểu nhìn đội hính ng
...xem tiếp
11:21 Sunday,10.12.2017 Đăng bởi:  Gió Phương Nam
Tôi không hề thấy lạ khi đọc bài viết này của SOI. Đó cũng là tiếng nói chung của hàng triệu khán giả Việt nam, khán giả đơn thuần chứa không phải một người có chuyên môn. Trước tiên, đối với múa dân tộc, có được bao nhiêu phần trăm khán giả xem múa mà hiểu được tác phẩm múa nói gì? on số đó khá thấp, ngươi ta chỉ quen thưởng thức kiểu nhìn đội hính ngay ngắn, động tác đồng đều, quần áo rực rỡ, sân khấu hoành tráng, lộng lẫy và tất cả những yếu tố bổ trợ đó được lạm dụng một cách kinh khủng. Còn thói quen tư duy một tác phẩm múa thì thật sự hiếm ở khán giả Việt nam. Sau đó, khi xem một tác phẩm múa dân tộc, dạng mà người ta có thể tư duy dễ hơn vì đó là những vận động quen thuộc, phù hợp bản sắc, thuần phong mỹ tục và tập quán, mà còn không thể hiểu và cảm xúc với nó thì làm sao có thể cảm nhận, hiểu rồi đến thích một tác phẩm đương đại? Bởi vì muốn hiểu một tác phẩm đương đại, trước hết , cần lắm là phải hiểu văn hóa của họ, đặc thù thẫm mỹ trong biểu tượng hành vi của thì mới phần nào hiểu được từng tạo hình, từng chuổi vận động và nội dung của tác phẩm. Vì chúng ta không thể mang tâm lí và bản sắc văn hóa Việt trong suy nghĩ và làm thước đo để đi xem một tác phẩm của một nền văn hóa có nhiều nét đối lập và khá mới mẽ - đang dò dẫm "dáng hình" của mình . Và qua đó, từ lâu rồi, tôi rút ra một kết luận : Ngành múa ở Việt nam, về biên đạo, hãy cẩn trọng trong từng chuổi luật động của tác phẩm để từng tổ hợp thật sự có thông điệp (hiện tương "quơ"  đẹp cho đầy đoạn nhạc là con dao hai lưỡi đang đẩy ngành múa xa dần khán giả).  Ngoài tra, các bạn không nên chỉ bằng thực hành biểu diễn mà ngành này hiện tại cần có nhiều lắm những người làm lí luận thực sự, chúng ta cần đưa đến cho khán giả tri thức về múa nhiều và rộng hơn, không thể giao khoán nó cho các bạn phóng viên vì các bạn ấy không phải chuyên ngành mà chỉ ở góc độ của người lấy thông tin. Mong lắm dân trí về múa được nâng cao từ sự điều chỉnh trong hoạt động quản lí hay dự dự án dài hơi mà có tâm có tầm. 
21:54 Wednesday,16.6.2010 Đăng bởi:  admin
Thành ơi tôi đưa cuộc thảo luận này lên trang chủ rồi. Nếu để liền mạch thì có ý kiến gì bạn cứ ghi ở bài này, xong tôi cắt và dán vào bài kia tiếp nhé. Cảm ơn bạn đã vào đọc và góp ý cho Soi (thà đọc mà ghét còn hơn là không thèm vào:-)))
...xem tiếp
21:54 Wednesday,16.6.2010 Đăng bởi:  admin
Thành ơi tôi đưa cuộc thảo luận này lên trang chủ rồi. Nếu để liền mạch thì có ý kiến gì bạn cứ ghi ở bài này, xong tôi cắt và dán vào bài kia tiếp nhé. Cảm ơn bạn đã vào đọc và góp ý cho Soi (thà đọc mà ghét còn hơn là không thèm vào:-))) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả